Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHỮ “TÍN” VÀ PHÉP TRỊ QUỐC

Đắc Trung
Thứ ba ngày 20 tháng 10 năm 2009 1:33 PM
 
      Tín là nền tảng của phép trị quốc. Có lần Tử Cổng hỏi Khổng Tử: “ Việc chính trị nên như thế nào ?”. Khổng Tử đáp: “ Túc thực, túc binh, dân tín chí dĩ”. (Đủ ăn, đủ binh và được dân tin ). Tử Lộ lại hỏi: “ Trong ba điều ấy, nếu phải bỏ một, thì bỏ cái gì ?”. “Bỏ binh”. “ Nếu hai điều còn lại phải bỏ một, thì bỏ cái gì ?”. “Bỏ thực”. Điều thứ ba phải giữ, bởi mất lòng tin của dân là mất tất cả. Tín quan trọng là thế. Không có  tín  sẽ không có  uy. Không tín, không uy sẽ không quản nổi xã tắc và nước sẽ loạn. Không có nước nào luôn luôn mạnh. Cũng không có nước nào luôn luôn yếu. Hễ những người thi hành pháp luật mạnh thì nước mạnh. Hễ những người thi hành pháp luật yếu, thì nước yếu. Nhà Tống (Trung Quốc) một vương triều tồn tại hơn ba trăm năm nhờ giữ vững kỷ cương phép nước, nhờ các bậc minh vương như Tống Thái Tổ, Tống Thái Tôn, Tống Nhân Tôn, Tống Thần Tôn ... luôn kiên trì chủ trương trị quốc bằng pháp luật, nhờ những quan tư pháp chính trực thanh liêm, thiết diện vô tư như Bao Công. Vụ án “Đả Long Bào” là điển hình của thể chế chính trị lấy pháp luật làm nền tảng.  Là nạn nhân của những thủ đoạn vô cùng độc ác do Lưu Nương Nương chủ mưu, thái giám Quách Hoè tòng phạm dùng xác mèo lột da thay thế hài nhi Thái tử vừa được Lý Nương Nương sinh ra... mà hai chục năm sau vô tình nhà vua mang tội bất hiếu với mẹ đẻ. Sau khi rõ nhân chứng, vật chứng để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, nhà vua hạ chỉ cho Bao Công lập tức thăng đường xét xử. Đây là vụ kỳ án chưa từng có . Chánh toà là Phủ doãn phủ Khai Phong và bị cáo là nhà vua. Mọi trình tự xét xử được tiến hành theo đúng luật. Hình phạt cho bị cáo là đánh năm mươi trượng. Nhà vua sẵn sàng cam chịu. Nhưng lo bảo toàn ngọc thể để quốc vương tiếp tục điều hành xã tắc, Bao Công có “sáng kiến” treo Long Bào của vua lên đánh đủ năm mươi trượng. Long Bào là biểu tượng uy thế tối cao quyền lực. Đánh vào Long Bào có nghĩa mọi người đều bình đẳng trước pháp luật bất luận là Hoàng đế hay thảo dân. Sau khi bản án được thi hành, nhà vua hạ chiếu ban bố thông cáo để khắp bàn dân thiên hạ biết về vụ án này. Một quốc gia có những bậc vua sáng như thế, những quan toà như thế, nhất định quốc gia đó mạnh.
      Những đời sau, nhất là khi Tống Thần Tôn, Vương An Thạch, Bao Công.. qua đời pháp luật rệu rã, kỷ cương phép nước buông lỏng triều Tống mau chóng suy tàn để rồi Kim, Liêu, Nguyên nổi lên bá chủ.  Rõ ràng nước thịnh dân an, quốc gia hùng mạnh là nhờ ở pháp luật. Bộ luật quan trọng nhất của một quốc gia là Hiến pháp. Hiến pháp đại diện quyền lợi của quốc gia chứ không thuộc riêng một giai cấp nào, một đảng phái chính trị nào. Hiến pháp là ý chí, nguyện vọng của toàn dân do những luật gia ưu tú soạn thảo, được toàn dân tham gia góp ý và được Quốc hội, những đại biểu có đức, tài do dân bầu ra thảo luận, thông qua. Dù một đảng độc quyền thống trị hay đa đảng. Dù nội các này đổ, nội các khác thay thế đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh Hiến pháp. Hiến pháp là nền tảng cho ổn định, là cơ sở cho cả hệ thống luật pháp, đảm bảo cho sự vững mạnh và phát triển của đất nước. Hàn Phi Tử viết: “ Nhờ dây dọi thẳng mà cây cong bị đẽo. Nhờ cái mực nước bằng mà chỗ cao, chỗ nghiêng bị gọt. Nhờ treo cái cân lên mà bớt được bên nặng, thêm vào bên nhẹ. Nhờ cái đấu, cái thạch mà bớt được cái nhiều, thêm được cái ít. Cho nên đã lấy pháp luật trị nước thì chỉ cốt theo pháp luật mà làm. Pháp luật không hùa theo người quyền thế. Sợi dây dọi không uốn theo gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn không từ, kẻ dũng không tránh, bất luận là vua chúa hay thảo dân”. Hoàng Thái Cực,văn võ song toàn, túc trí đa mưu, là bậc minh quân sáng lập vương triều nhà Thanh. Năm 1673, sau thời gian đem quân đi đánh Triều Tiên về nhà vua biết các vương, các tướng, các quan có nhiều hành vi phạm pháp luật, lộng quyền tham nhũng. Ông lệnh cho cho quan chấp pháp điều tra kỹ, kê tội rồi chuyển qua Bộ Hình thẩm nghị. Có 64 người phạm tội, gồm con trai, anh em, phò mã và các cháu nhà vua. Bộ Hình thỉnh thị xin nhà vua ban lệnh xử trí thế nào. Hoàng Thái Cực không do dự, truyền: “ Cứ xử đúng theo luật pháp!”. Kết quả tử hình 24 người, cách chức 13 người, còn lại đánh roi, phạt tiền. Anh trai nhà vua là Đại Thiện, quan to trong triều, quy định chỉ được 12 hộ vệ, nhưng cậy thế là anh vua tuyển thêm hai người nữa. Hoàng Thái Cực lập tức triệu tập chư vương đại thần họp. Nhà vua xử phạt anh trai. Sự nghiêm minh ấy giúp xã tắc vững bền. Xây dựng nhà nước pháp quyền  mà người ở cấp này, chức nọ lại được “đặc đãi”, pháp luật đến gần họ phải dừng thì còn gì là pháp luật nữa. Người dân không sợ luật nghiêm mà chỉ sợ luật không nghiêm, nhất là không nghiêm ngay từ những người thực thi pháp luật. Bởi thế sẽ tạo kẽ hở cho bao che, hối lộ, tham nhũng, sẽ mất lòng tin, gây oan ức phẫn nộ trong dân, sẽ tiềm ẩn mâu thuẫn xã hội và mầm loạn sẽ phát sinh. Một chế độ mà luật pháp không nghiêm thì rất đáng báo động. Một quốc gia nếu không có những quan lại kiên quyết giữ vững kỷ cương phép nước, không có các bậc đại thần, chí sĩ dám can gián để nhà vua tránh được sai lầm thì hiểm họa diệt vong đã ở ngay trước mắt.
      Khổng Tử dạy: “Làm phải theo luật. Sống phải theo đạo”.  Muốn làm theo luật phải hiểu luật. Hiểu luật là tự vệ tốt nhất. Hiểu luật để không phạm luật, để không bị kẻ cậy quyền bát nạt, để tấn công kẻ vi phạm pháp luật bảo vệ mình, bảo vệ người khác. Nhiều người phạm luật bởi không biết, không hiểu luật. Song cũng không ít kẻ cố tình phạm luật và “lách luật”.  Quốc gia nọ dưới quyền cai trị của một tên bạo chúa vô cùng tàn ác, dân tình oán hận muốn ra đi. Bạo chúa liền ban bố đạo luật: Ai rời bỏ đất nước cũng được, nhưng với điều kiện khi qua cửa ải phải nói một câu. Câu đó đúng bị chặt đầu, sai bị treo cổ.  Như thế chắc không kẻ nào qua được. Nhưng không. Một đoàn người tới cửa ải, đồng thanh nói: “Hãy treo cổ chúng tôi đi !”. Quan trấn ải không biết xử trí thế nào. Bởi nếu treo cổ, tức là họ nói đúng. Mà nói đúng, theo luật phải chặt đầu. Nếu chặt đầu, tức là họ nói sai. Mà nói sai, theo luật phải treo cổ. Bất lực, quan trấn ải đành phải cho cả đoàn người qua. Một câu nói chỉ có thể đúng, hoặc sai. Đúng, sai đều phaỉ chết. Luật như thế tưởng đã quá chặt chẽ, vậy mà vẫn có kẽ hở để “lách” qua. Mới biết việc làm luật sao cho đủ, chặt chẽ, kín kẽ, cụ thể, chính xác, đồng bộ quả là khó và việc thực thi nghiêm minh pháp luật để từ đó tạo được tín, được uy càng khó hơn. Pháp luật là công cụ hữu hiệu để trị quốc. Luật phải được xác lập trên cơ sở của đạo và đạo phải dựa vào sự bảo đảm của luật. Trong luật có đạo và trong đạo có luật . Thước đo của cả luật và đạo là lòng dân. Mục đích của luật trước hết để răn đe, sau mới trừng trị.Làm quan toà khi xét xử, phán quyết cần làm cho bị cáo biết lỗi nhận ra lỗi, biết tội nhận ra tội, thương xót họ, tìm cách cứu giúp họ chứ không nên hãnh diện về tài hùng biện của mình và tỏ ra mình nhiều quyền lực. Triều nhà Minh (Trung Quốc) Lục Lũng Kỳ làm tri huyện Linh Thọ. Có lần một bà cụ đến công đường kiện con trai mình. Thời ấy, cha mẹ kiện con là việc rất hiếm nên Lũng Kỳ xem xét thận trọng. Ông cho người đi tìm hiểu, điều tra và được biết cậu con trai chưa đến hai mươi tuổi, bố mất sớm phải sống dựa vào mẹ. Nhưng do người mẹ nuông chiều lại không biết quản dạy con, để anh ta giao du với những phường vô lại nên nhiễm thói xấu. Lười biếng, hỗn láo, thô bạo, bất hiếu với mẹ khiến bà cụ tủi nhục đành phải kêu quan khiếu kiện. Sau khi biết rõ sự tình, Lũng Kỳ cho rằng nếu xử nghiêm theo luật sẽ thấu lý, nhưng khó đạt tình, bởi thế ông nói với bà cụ: “ Nhà tôi hiện nay đang cần một người giúp việc, nếu cụ đồng ý tôi sẽ nhận con cụ đến làm tạm, đợi khi nào tôi tìm được người thích hợp sẽ thay ”. Tuy chưa hiểu rõ ý định của quan tri huyện nhưng bà lão biết ông là người nhân đức nên đồng ý. Lũng Kỳ chỉ có một yêu cầu với cậu con trai là phải đi theo phục vụ ông từ sáng đến tối không rời nửa bước. Lũng Kỳ nổi tiếng là người con có hiếu. Bố đã qua đời, chỉ còn mẹ. Mỗi buổi sớm ông thường đến đứng kính cẩn trước phòng đợi mẹ dậy. Rồi ông bê nước, lấy khăn để mẹ rửa mặt, bưng thức ăn mời mẹ điểm tâm, pha trà mời mẹ dùng. Khi ăn trưa Lũng Kỳ đỡ mẹ ngồi, còn mình đứng bên hầu hạ. Có lần ông còn bắt chước điệu bộ của trẻ nhỏ để mẹ cười vui. Đợi mẹ ăn xong Lũng Kỳ mới ăn, nhiều khi thức ăn trên bàn đều là thứ mẹ dùng thừa, nhưng Lũng Kỳ không hề câu nệ, ăn rất ngon lành. Bữa tối cũng như thế. Sau giờ làm việc trên công đường Lũng Kỳ lại vội vã về hầu hạ mẹ. Mỗi khi mẹ ốm ông luôn túc trực bên giường bệnh, có khi thức trắng đêm. Rảnh rỗi thời gian nào ông lại miệt mài đọc sách, hầu như quên cả việc bên mình có một “phạm nhân” can tội bất hiếu với mẹ, cũng chẳng bao giờ giáo huấn anh ta một lời về đạo đức. Cứ như vậy suốt hai tháng, một hôm đột nhiên chàng trai kia chạy đến quỳ sụp trước mặt Lũng Kỳ xin cho anh ta được về nhà thăm mẹ. Lũng Kỳ nói: “Ngươi là đứa con bất hiếu. Vụ kiện chưa thụ lý làm sao ngươi có thể về nhà được”. Chàng trai liền oà khóc, nức nở nói: “Trước kia tiểu nhân hồ đồ ngu muội không hiểu đạo lý nên mới đắc tội với mẹ. Từ khi được theo hầu đại nhân tiểu nhân đã hiểu được thế nào là đạo làm con. Nay tiểu nhân xin được về để phụng dưỡng mẹ già bù đắp những lỗi lầm đã phạm phải ...”. Lũng Kỳ nghe xong lấy làm mừng, bấy giờ ông mới giảng giải cho cậu ta những điều sâu sắc của đạo  nghĩa, rồi cho anh ta về. Quả nhiên sau này anh ta trở thành đứa con hiếu thảo, lại chuyên tâm học hành, cũng đỗ đạt và được Lũng Kỳ tuyển chọn vào làm một chức quan nhỏ trong huyện.
      Cho nên  một viên chức chân chính của ngành luật pháp cần có tâm sáng, lòng rộng, không chỉ thế còn phải rất vững vàng, kiên quyết không để ma lực của đồng tiền mua chuộc, cũng không thể bị sở hữu của các thế lực, hay chính khách, mà chỉ thuộc về công lý. Thời Xuân Thu, Lý Ly làm quan coi ngục đời Tấn Văn Công, vì nghe lời cáo sai, lại không tra xét kỹ đã giết nhầm một người nên vô cùng hối hận. Ông tự trói mình, tấu xin vua xử mình tội tử hình. Tống Văn Công rất xúc động, phán: “ Cấp dưới của khanh sai, khanh lại nhận hết trách nhiệm đòi xử tội mình. Vậy khanh là cấp dưới của trẫm, khanh sai thì trẫm phải chịu tội ư ?”. Lý Ly tâu:   “Chức trách của quan coi ngục được quy định rõ trong luật. Hạ thần làm sai để người khác chết oan thì phải chịu xử tội chết. Thần biết Hoàng thượng gia ân, nhưng pháp luật không thể không nghiêm, thần mong được toại nguyện”. Nói xong rút kiếm tự cắt cổ mình. Giữ luật nghiêm, nhưng không được lạm dụng pháp luật để đàn áp, để thực hiện mưu đồ phi chính, bất nghĩa hoặc bù lấp cho sự yếu kém, bất lực trong quản lý vận hành xã hội. Đảm bảo nghiêm minh chặt chẽ về pháp luật, đồng thời phải mở rộng dân chủ, giải phóng sự sáng tạo. Đã có thời do không kiểm soát khống chế nổi bệnh dại, lập tức người ta ra lệnh cấm nuôi chó. Thành tựu lớn của loài người trải qua bao nhiêu đời là thuần hoá được “khuyển”, “mã” từ hoang dã thành vật nuôi.  Đó cũng là loài vật rất thông minh, rất trung thành và tình nghĩa với chủ, không phân biệt giầu nghèo, sang hèn, khi thịnh, lúc suy mà con người coi như bạn. Giết và cấm nuôi chó vừa phản khoa học vừa trái đạo lý. Nếu tư duy kiểu như thế thì điện giật chết nhiều người: cấm điện ? Ôtô, xe máy làm ách tắc giao thông, gây tai nạn: cấm ôtô, xe máy ?  ... Do yếu kém, bất lực không quản được thì cấm. Cách làm đó là phạm luật và phản luật.
      Thời Chiến Quốc, dân thành Phú Thứ có tập quán làm việc ban đêm. Quản Thục là quận thú ra lệnh cấm, vì làm đêm đốt lửa dễ gây hoả hoạn.  Dân bất bình lắm, nhưng do mưu sinh nên họ vẫn lén lút làm đêm. Vì lén lút nên càng nhiều hoả hoạn. Khi quận thú Liêm Pha về thay, ông bãi bỏ lệnh cấm, cho dân được làm đêm, song nhà nào cũng phải có bể nước để kịp thời dập lửa khi cháy. Dân phấn khởi nghiêm chỉnh chấp hành, không có hoả hoạn mà kinh tế phồn thịnh. Muốn quản lý điều hành quốc gia bằng luật pháp thì phải đủ luật, luật phải đồng bộ, phải phù hợp với thực tế, đặc biệt phải nghiêm. Phạm luật phải xử theo luật, bất luận là ai, hoàng đế hay thảo dân. Không biết dụng luật, dụng luật không nghiêm gây bất bình trong xã hội khiến kỷ cương rệu rã, đất nước suy vong, trách nhiệm thuộc những người đứng đầu bộ máy công quyền, đứng đầu quốc gia và cũng phải xử theo luật. Có như thế nước mới thịnh, dân mới an.