Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRƯỜNG CA TRƯỜNG SƠN,TRƯỜNG CA CỦA LỚP LỚP CON NGƯỜI

Nguyễn Đức Thiện
Thứ hai ngày 19 tháng 10 năm 2009 1:12 PM

(đọc  trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông- nhà xuất bản Văn học - 2009)
 
Trong tay tôi là trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông. Đọc lần thứ nhất, đọc lần thứ hai, từ câu đầu của trường ca, tôi ngỡ rằng Nguyễn Anh Nông sẽ kể về Trường Sơn sau mấy chục năm người lính trở lại. Và nếu là như thế thì quả thực không thể đọc thêm dù chỉ là nửa lần. Nhưng Trường sơn hiện dần ra với một vóc dáng hòan tòan khác với suy nghĩ của tôi. Vẫn là Trường Sơn thôi, bát ngát, hùng vĩ rừng, mây, gió, suối, khe, hoa, bướm, đủ hết… nhưng nó bắt nhịp vào thơ Nguyễn Anh Nông theo một cảm xúc thật đặc biệt. Tôi nhận ra rằng: nhưng con số đánh dấu từng chương trong trường ca này hình như chỉ để Nguyễn Anh Nông khởi đầu cho một cảm xúc và kết thúc một cảm xúc mà thôi. Khi xâu chuỗi tất cả những cảm xúc ấy lại sẽ có một Trường Sơn máu lửa ngày chiến tranh, một Trừơng Sơn với những huyển thọai của núi rừng, huyển thọai của những con người tồn tại với Trường Sơn, cả người sống và người đã chết. Trường Sơn của người người, lớp lớp đến đây, ngày xưa đến, ngày nay đến, vì một Trường Sơn tót vời hình tượng uy nghi. Không thấy có những chương nền nã, dìu dịu vốn có của thơ, mà lúc nào cũng hổn hển, lúc nào cũng thôi thúc, những con chữ như vọt ra từ trong cảm xúc nén căng của tác giả.
Cái mà Nguyễn Anh Nông bám vào để thế hiện được trường ca Trường Sơn, chính là Con Người. Đấy là hướng đi khiến trường ca của Nguyễn Anh Nông có sự khác biệt với những trừơng ca mà chúng ta đã thấy. mỗi chương trong Trường Sơn là một lớp người hoặc một người. Những người ấy tách biệt ra, riêng biệt thành từng mảng nhưng cuối cùng họ lại kết dính lại với nhau để thành Trường Sơn. Giống như tầng tầng lớp lớp đá, tầng tầng lớp cây, rồi vạn ngàn muông thú mới làm nên một dãy Trường Sơn trùng trùng, điệp điệp vậy. Nhờ đa dạng phong phú Người mà trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông lúc nào cũng sôi động. Trường Sơn ấy có: Vạm vỡ ngục trần Đam San, dịu dàng ánh mắt Hơ Nhí.  Có người con gái đêm đêm mơ bóng trằng rằm bên chàng trai vạm vỡ. Những con người ấy hiện ra như trong chuyện tình cổ tích. Không thiếu những con người đáng kính trọng của Trường Sơn, đó là những già làng như ta- da đồng hun, tóc cước, râu bạc- kể Khan như lên đồng- ong bay bướm lượn, để mãi sau này, bây giờ và mai sau nữa biết đến Đam San, Xing Nhã, Hơ Nhí, BNhí, nữ thần mặt trời… vừa là thần linh vừa là con ngừơi bằng xương, bằng thịt của Trường Sơn. Những thần linh của Trường Sơn hiện ra trong trường ca của Nguyễn Anh Nông cũng gần gũi như đang sống với chúng ta hằng ngày. Nguyễn Anh Nông không phải bắt đầu từ đó, nhưng từ thần bí của rừng mà cho người đọc hình dung được một Trường Sơn lung linh, huyền diệu.
Có một lớp người  được khắc họa thất đậm trong trừơng ca Trường Sơn. Điều này cũng đúng thôi. Có cả một thế hệ con người đến Trường Sơn, bám Trường Sơn, sống ở đây và chết ở đây. Tạo ra một huyết mạch giao thông cho cuộc kháng chiến trường kỳ của cả một dân tộc. Nguyễn Anh Nông không cho phép mình quên họ, hơn thế nữa, khi khắc họa về họ, anh viết bằng tất cả cảm tình sâu sắc của mình. Bên cạnh những kỷ niệm cũ như bao nhiêu người đã nhắc lại trong thơ, trong trường ca như bom tọa độ, bom nổ chậm, xe chạy trong đêm của ngày xưa. Bây giờ nhắc lại Nguyễn Anh Nông đã thổn thức viết về những thanh niên xung phong xưa: Nhớ đêm đêm ánh lửa bập bùng kỷ niệm chồng kỷ niệm/ đạn bom thù day dứt nỗi đau xưa/ hun hút gió mưa/ nhập nhòe ký ức/ nỗi đau ngờ vực/ nỗi buồn năm tháng đi biền biệt/ cánh dơi hoang nhập nhọang rừng khuya/ hồn ai gió lùa/ vía ai thất tán. Nguyễn Anh Nông không quên lớp người đi trước, những con người tạo dựng lên những kỳ tích của một Trường Sơn, nhưng họ giản dị vô cùng, giống như chuyện thường tình: nước còn giặc thì đánh giặc thế thôi. Nhưng bên trong sự giản đi ấy chất chứa chất anh hùng của người Việt Nam . Người cha trong trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông được kể lại bằng tâm thức như vậy. Nào bom đạn, lửa khói, nào sốt rét, ốm đau. Khi “ vượt dốc” cũng miệng khát/ họng rát/ mắt chói/ bụng đói/ miệng ói; cũng có lúc “ hôn mê” lông nhông/ xương long/ bong gân/ lần khân/ mưng chân ( ngày xưa vượt Trường Sơn đã vậy và bây giờ trở lại với Trường Sơn cũng có lúc như thế), vậy mà không chết, như thế là qúa may mắn rồi. Không nói, nhưng ta phải nghĩ có bao nhiêu người khác cùng thời với ông đã nằm lại Trường Sơn, và họ cũng như ông thật giản dị, chia nhau từng điếu thuốc lào, thích kể cho nhau những chuyện tiếu lâm, thích những trận cười ha hả rung rinh cả một góc rừng, chất anh hùng bắt đầu từ nhũng sự giản dị đó, giống như Trường Sơn vốn dĩ tồn tại tự ngàn năm vậy.
Trong trường ca Trường Sơn còn có nhà thơ, còn những cô trinh nữ, không thiếu những vị tư lệnh, chính ủy… tất cả họ hợp thành một binh chủng mà ở đó ý chí tạo nên sức mạnh. Có điều lạ, Nguyễn Anh Nông còn dành những dòng viết về một kẻ đào ngũ. Sự khác biệt này đã làm cho trường ca của anh có thêm màu sắc. Cũng đúng thôi. Trong cuộc chiến dù trước đây, hay bây giờ, trước bom đạn chết chóc của chiến tranh ngày trước hay gian khổ thiếu thốn của Trường Sơn hôm nay sao chẳng có những kẻ thối chí. Lẽ thường tình là như vậy. Khi dành cảm xúc cho những người này, Nguyễn Anh Nông tỏ rõ lòng vị tha của mình: “ Đã sinh ra ở trên đời/ cầu mong trọn kiếp phận người là tôi/ nguyện làm ngọn cỏ nhỏ nhoi/ thắp tia hy vọng trên môi tháng ngày”. Kẻ đào ngũ nói lời như vậy, còn Nguyễn Anh Nông, người viết ra những lời ấy chắc muốn nói rằng: anh dừng chân quá sớm, phía trước đường còn dài, vẫn còn lối đi sáng sủa cho anh.
Những con người rất cụ thể nêu ra trên đây là một phần rất đậm đặc trong trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông. Còn một phần Người nữa cũng là một nét đặc biệt mà Nguyễn Anh Nông đã dụng công để khắc họa. Từ căn hầm dã chiến, con đường đến cây cầu tạm tất cả với anh đều có linh hồn, có niềm vui và nỗi buồn. Có căm giận và vị tha.  Với căn hầm dã chiến thì: ” sao buồn day dứt, tôi thầm nghĩ/ đạn bom tan tác cả rừng cây/ … tôi đau nỗi đau người cha/ tôi buồn nỗi buồn người mẹ/ nỗi đau buồn bầm tím ruột gan. Hình ảnh cây cầu tạm không được Nguyễn Anh Nông vẽ ra bằng chữ mà bằng nỗi lòng của chính cây cầu: xọac chân dứng đỡ đòan xe/ tấm thân lấm láp xù xì đã sao. Rồi đến khi cầu cũng thôt lên: “ bây chừ bể lặng trời êm/ tôi thành cục sắt ngước xem mây trời”, một lời trách móc chăng? Và con đường Trường Sơn, con đường thấm đẫm mồ hôi và máu, con đường làm nên sự tích anh hùng, bây giờ cũng là lời tâm sự rất nhẹ nhàng. Trong tâm sự ấy, thoáng chốc làm ta nao lòng: tôi mơ giấc mơ đẹp đẽ/ bao người nằm xuống hôm qua/ bỗng dưng đội đất sống dậy/rưng rưng niềm vui chói lòa. Nghe con đường tỏ lời tâm sự mà ta rưng rưng muốn khóc. Bao nhiêu người vì con đường mà gục chết, có người đến giờ xác vẫn còn lưu lạc trong một góc nào đó của Trường Sơn, làm sao mà đội đất sống dậy được đây. Đọc đến đây muốn thắp những nén nhang mà tuởng nhớ đến họ.
Tôi không muốn nói đến phút bừng sáng của trường ca Trường Sơn. Bởi lẽ, cái cuối cùng mà trường ca này đạt tới là: Trường Sơn một thời oanh liệt, bây giờ một Trường Sơn mới mở ra. Có một lớp cháu con sẽ tiếp tục với Trường Sơn, để Trường Sơn nay mai cùng với chất hùng ca vốn có, sẽ thêm sự lớn mạnh không ngừng. Để có được như vậy, trách nhiệm là của lớp trẻ hôm nay, và của cả lớp lớp cháu con sau này. Điều mà tôi muốn nhấn mạnh là trường ca Trương Sơn của Nguyễn Anh Nông là trường ca về những con người. Lớp lớp con người hiện ra trong trường ca này ( những chiến sĩ trường sơn, những thanhh niên xung phong, những người cha, người mẹ, những thanh niên, những trinh nữ, cả những con người được nhân cách hóa từ những cây cầu, những con đường, rừng cây,  muông thú) đã tạo dựng được một Trường Sơn lẫm lẫm khí tiết và hùng vĩ. Đó là cái đạt được của Nguyễn Anh Nông.
 
NGUYỄN ĐỨC THIỆN
Mail:thienducnv@yahoo.com.vn
ĐT: 090.3.011.771
Hội Văn nghệ Tây Ninh