Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ THÁI THĂNG LONG – CON ĐƯỜNG VÀ HOÀI NIỆM

Trần Xuân An
Thứ năm ngày 8 tháng 10 năm 2009 11:58 PM
(Phần 1)

Cách đây vài hôm, nhà thơ Thái Thăng Long đưa cho tôi bài viết của Lê Thiếu Nhơn về thơ anh, và nói, trong đó có một câu rất đúng, anh “lúc nào cũng như một người đi lạc trong chính thế hệ mình”. Tôi cảm thấy có điều gì đó, và chưa kịp nói lời ngạc nhiên, chỉ nhìn vào bìa tập thơ mới nhất của anh: “Đồng hành thế kỷ” (01-2009). Đồng hành nhưng vẫn là người đi lạc giữa những người cùng trang lứa, đồng đội và giới cầm bút sao? Tối hôm đó, khi đang đọc ngay vào tập “Đồng hành thế kỷ”, chứ chưa phải là “Ám ảnh” (1992), “Thời gian huyền thoại” (2000), cũng không phải đọc lại “Chiều Phủ Tây Hồ” (1994) (1), bất ngờ anh gọi điện thoại đến tôi. Được dịp, tôi hỏi anh về hình ảnh con đường anh thường nhắc đến trong tập, với câu hỏi trớ đi, và thầm hi vọng anh sẽ nói đúng như tôi cảm nhận. Quả thế, anh nói, con đường chúng ta đi đấy. Vâng, và cả con đường anh ao ước được độc sáng của riêng anh, đường bay của cánh chim “lạc đàn” nữa: con đường thơ ca của Thái Thăng Long.
Cũng cách đây vài hôm, hôm ấy, anh còn nói, anh đã xuất bản trước tập “Ám ảnh” (1992) ba tập thơ và một trường ca thơ, không kể truyện dài, một tập văn xuôi in chung, nhưng đáng để đọc lại vẫn là từ “Ám ảnh” (1992) trở về sau. Chưa kịp nghĩ ngợi, tôi chào anh và ra về, sau khi nghe tiếng gõ vào cửa kính, bất chợt nhìn thấy bóng dáng của một người khách nữ (một phóng viên truyền hình thì phải). Cũng tối hôm đó, trước khi chuyện trò đôi câu trong một cuộc điện thoại ngắn, tôi đã để ý xem ở các phần bìa sách “Đồng hành thế kỷ” cũng như những trang khác, cũng chỉ thấy anh ghi lại trên phần gấp bìa 1 tên bốn tập thơ kia mà thôi. Thậm chí, trong bài tự đề tựa, anh chỉ nhắc đến ba tập, trừ luôn cả “Ám ảnh”! Tuy vậy, anh vẫn viết ở mấy dòng kết bài tự tựa ấy: “Tôi yêu những gì tôi đã viết, viết tặng người thân, bạn bè và những nỗi buồn nhân thế mà tôi thấy hàng ngày. Tôi đồng hành cùng thế kỉ, để chiêm nghiệm, để “trả” cái phần nợ của mình với đất nước, quê hương yêu dấu” (ĐHTK., sđd., tr. 6). Như vậy, tập “Ám ảnh” vẫn còn như một phân vân, một “bước ngoặt”. Tôi tự hỏi, phải chăng anh nhận thấy trái tim thi ca của anh thực sự chín muộn, ở tuổi trên dưới bốn mươi, cái tuổi “bất hoặc”, thời điểm “Ám ảnh” được xuất bản, gồm những bài thơ anh viết trước đó (1992) vài năm? Một khi trái tim thơ ca chín muộn, thì những bài thơ đẹp nhất, sâu lắng nhất của Thái Thăng Long phải là những kết tinh hoài niệm, hoài niệm của người đàn ông đứng tuổi về tình yêu đương, hoài niệm của người xa xứ về bao hình ảnh quê nhà, trong đó có cả sự chiêm nghiệm về tâm linh, nẻo Phật. Vâng, nhà Phật, điều anh gần như nhấn mạnh ở lời tự tựa (ĐHTK., sđd., tr. 6)...
Đó là cảm nhận ban đầu của tôi: Thơ Thái Thăng Long - con đường và hoài niệm. Cảm nhận này tuy chỉ là ban đầu, cái ban đầu của dự định đọc kĩ thơ anh lần này, nhưng ấn tượng xem ra như trực giác ấy không phải bất chợt, mà thực ra, ấn tượng ấy hình thành tự bao giờ trong tôi, có lẽ từ những bài thơ Thái Thăng Long trên tuần báo Văn nghệ giải phóng cho đến vài tập thơ của anh ở thập niên cuối thế kỉ gần đây, trong đó có tập anh đã trân trọng kí tặng tôi, tôi đã đọc từ dạo đó.  
Không phải đến khi Thái Thăng Long đặt bút viết “Đồng hành thế kỷ”, thơ anh mới thể hiện nhiều suy tư, chiêm nghiệm, thậm chí có khi nghĩ ngợi đến mức vật vã về con đường và ánh sáng chiếu soi cho con đường ấy. Đây không phải là nhận thức thuở ban đầu, như Chế Lan Viên sau một chặng đường dài kháng chiến, ngẫm nghĩ để viết lại thành “Ánh sáng và phù sa”. Mặc dù Thái Thăng Long dấn bước trên con đường ấy, dưới ánh sáng chiếu soi ấy, với tuổi thơ, tuổi mới lớn trong trẻo, vô tư lự, chứ không như Chế Lan Viên, nhưng do sự phản hồi của thực tiễn bằng chính thực tế, phũ phàng, và do những biến chuyển của toàn cầu, rúng động, thơ anh cũng như bộ ba “Di cảo” của Chế Lan Viên, cùng nhiều tác phẩm từ sáng tác đến hồi kí của nhiều tên tuổi khác (tôi không nói đến những hồi kí thiếu trung thực), đã “đồng hành” với nhau, tạo nên một không khí nhận thức lại. Ở tập “Ám ảnh” (1992), anh đã thể hiện tâm trạng, suy tư ấy ngay trong bài “Ám ảnh” (7-1990, sđd., tr. 29). Trong đó, xen vào giữa ám ảnh về cánh rừng máu lửa, ám ảnh về cái chết không thể quên với lời trăn trối của bạn bè đồng đội bên một dòng sông, ám ảnh về đôi mắt những người mẹ mong con ra trận, bởi không còn con đường nào khác, là về một con đường tương lai dự phóng, con đường gần một nửa nhân loại đang tìm đường, tiến hành thử nghiệm một hình thái xã hội chưa từng có trong lịch sử loài người:
Chiến tranh làm cho ta không quên
Để hi vọng tương lai một thời chưa từng thấy
Dự phóng tương lai ấy, phải chăng Thái Thăng Long đã tan vỡ và anh viết nhan đề bài thơ là “Tan vỡ” (1992, AA., sđd., tr. 10) như một trách nhiệm. Anh nhìn vào bên trong hay nhìn ra thế giới:
Đi qua hết thảy
Sự rạn nứt bên trong
Sự huỷ diệt ngấm ngầm căn bệnh
Sự nghèo nàn bệnh hoạn
Bạc phếch những triết lí vu vơ...
... Tan vỡ sau dăm năm và thập kỉ...
Tan vỡ trong niềm tin yêu của em
Làm sao ta lấy nổi?
Thế đó, từ bao giờ, có thể từ “một chiều gió rừng luân chuyển”, anh đã không thể cất đi nổi sự tan vỡ trong lòng người em, giúp vơi đi niềm đau. 
Ta bâng quơ như chưa thấy chưa nghe
Đếm lịch sử tựa vòng xe trước mắt
Thế mới biết chân lí nào giả thực
Ta bâng quơ như chưa nghĩ bao giờ...
                               (bài Bâng quơ, 1991, AA., sđd., tr. 24)
Cũng trong tập “Ám ảnh”, anh viết về “Hai đường thẳng song song” (1991, AA., sđd., tr. 40):
Hai đường thẳng song song không bao giờ gặp cả
Lí thuyết nào bắt chúng phải gặp nhau?...
... Bắt chúng phải gặp nhau?
Con đường đi
Lại phải từ đầu
Từ đầu
Chứng minh hai con đường song song ấy
Ôi một thời oán giận
Máu đổ trên đầu
Chỉ vì điều chứng minh phi lí đâu đâu
“Hai đường thẳng song song” có thể gặp nhau ở vô cực. Nhưng vô cực chỉ là một ý niệm. Nhưng em và anh, âm và dương, đất và trời, có thể gặp nhau không? Anh tự hỏi và tự trả lời: “Hơi thở tình yêu / Ước muốn mọi thời” (AA., sđd., tr. 40). Chúng không là một, mà là hai trong một nhân đôi. Nếu các cặp đối cực triệt tiêu tính đối cực của nó, có nghĩa là thế giới, vũ trụ cũng triệt tiêu.
Anh nhận ra “Trò chơi”, từ viết thường đến viết hoa, từ trò chơi trên vuông sân trẻ thơ đến Trò chơi ở tầm nhân loại! Hai chữ “Trò chơi” chất chứa, dồn nén biết bao cay đắng!
Vô nghĩa cả! / Những trò chơi gian dối / Vô nghĩa cả! / Những mưu toan rất vội / Vô nghĩa cả / [...] / Thiên nhiên... / Đánh lừa ta / Và em cũng đánh lừa / [...] / Những trò chơi lấy tốt thí quân / [...] / Ôi cái trò chơi tưởng chừng đơn giản vậy / Mà cha ta đánh đổi suốt cuộc đời! / Để rồi khiến em cười vui / Để rồi khiến ta cười vui / Để rồi Thế giới đảo xoay / Con người nghiệt ngã... (AA., sđd., tr. 30).
Nhưng dẫu sao, Thái Thăng Long vẫn còn niềm tin vào sức mạnh vạn năng của trái tim: “Tất cả những trò chơi giống vòng quay Trái đất này trở về Đích thực! / Có một điều sự yêu thương, khát vọng / Sẽ phá đi vô nghĩa của Trò chơi (AA., sđd., tr. 30).
Cơ chừng Thái Thăng Long đã cảm nhận ra ý nghĩa tích cực từ thực tế máu xương trong chiến tranh, từ mồ hôi cơ bắp và lao động chất xám, từ các quan hệ khác giữa người với người trong đời sống!
Cũng ngay trong tập “Ám ảnh”, anh có một bài thơ với nhan đề rất trọng đại với ý nghĩa lịch sử, “Người lính và Tháng Tư năm 1975” (1990, AA., sđd., tr.35-36), nhưng nỗi niềm anh là cả một nỗi đau:
Những người lính ngây thơ
Giống như tôi ngây thơ
Nhìn đời trong trẻo quá //
Một con đường thôi
Không có con đường nào khác cả
Ta bước đi – Chân lí – Một con đường!... //
... Qua rồi, những ngây thơ trong sáng ấy... //
... Nhìn chân lí cuộc đời còn có ngây thơ?
Cùng đồng đội, anh lại “Bắt đầu” (1991, AA., sđd., tr. 72-73), bắt đầu một cách cảm động và hạnh phúc: “Ta bắt đầu thôi, ta bắt đầu / Một con đường riêng giữa rừng gai góc / Một ngôi nhà con giữa tầng tầng nhà cao ngất / Ta bắt đầu thôi / Một sắc màu riêng / Ta bắt đầu thôi / Một suy nghĩ mới / Một trang giấy mới... / Một niềm tin đánh đổi / Hai mươi năm rong ruổi đói nghèo // [...] Tỉnh thức giấc mơ / Ta bắt đầu thôi / Ngòi bút cùn và câu thơ thừa / Câu thơ nghèo như gã ăn mày trong sạch... // [...] / Ta bắt đầu thôi / Khi nhận hương lúa thu / Thổi vào hồn ta / Tận cùng đam mê / Sung sướng / Hương cốm ngát / Cùng ước vọng / Đất đai kia / Cũng như ta bắt đầu / Tri thức kia / Cũng như ta mới bắt đầu... // ... Còn gì đâu / Ta lại bắt đầu...”. Anh cũng không phủ nhận quá khứ:
Quá khứ của ta
Yêu em một nửa
Một nửa tình yêu
Để lại tương lai
Ôi mái chèo ta nâng trên vai
Hi vọng tràn trề
Dồn căng sức trẻ
Tóc điểm bạc
Mà thơ dại thế 
Quá khứ ta chẳng lẽ lại viển vông
                      (bài Quá khứ, 1990, AA., sđd., tr. 74)
Con đường và ánh sáng qua hai tập thơ tiếp theo, “Chiều Phủ Tây Hồ” (1994), “Thời gian huyền thoại” (2000), hầu như không còn được nhà thơ Thái Thăng Long xem như là trung tâm suy nghĩ và cảm xúc của anh nữa. Mãi cho đến mười bảy năm sau, ở tập “Đồng hành thế kỷ” (2009), một lần nữa, vấn nạn đó lại trở về. Lần này, trầm tĩnh hơn, sau khi đã thấm thía những mặt tối của hiện thực mới từ khi công cuộc Đổi mới mở ra, đan chen trong những mặt sáng của nó.
Mặc dù nhà thơ Thái Thăng Long không nguôi hi vọng ở tương lai, không phải cho anh, mà cho thế hệ mới, nhưng anh vẫn một lần nữa tỉnh táo đến lạnh người: “Đi tìm / Những chân lí / Và con đường đã thấy / Vẫn là vòng vèo / Khoả lấp...”  (bài Đi tìm, 1990, ĐHTK., sđd., tr. 10).
Ai bảo rằng thi ca không có cảm xúc lạnh!
Thậm chí, anh gần như kết án “Kẻ dẫn dụ thế kỉ”, đó chính là những “kẻ dẫn dụ ở gần hay xa xôi / Tim ứa máu bao hao mòn của đất / Kẻ dẫn dụ đưa ta vào mê cung ma trận”. Anh “khước từ tình yêu / Lời đường mật nỉ non...”. Và anh chờ đợi một ngày: “Ta đợi lời nguyền ngàn năm / Sông trong vắt / Rừng xanh trở lại / Núi đồi gồng mình không sợ hãi / Em đón tình yêu / Đưa tiễn kẻ dối lừa...” (ĐHTK., sđd., tr. 85).
“Kẻ dẫn dụ thế kỉ” chính là bóng ma ngoại xâm, đủ thứ ngoại xâm trên nhiều lĩnh vực, gồm cả bành trướng.
Anh độc thoại:
Ngày buồn của ta vơi một cánh rừng xanh
Ngày buồn của ta mất đi hòn đảo
Kẻ thù săm soi sau hàng rào dông bão
Kẻ thù săm soi sau dải núi cao
               (bài Ngày..., 3-2008, ĐHTK., sđd., tr. 84)                    
Mặc dù trong bài thơ anh dường như đặt trọng tâm của cả tập thơ vào đó, anh viết: “Đi hết trăm năm / Liệu sông có cạn / Liệu đời có hát / Những câu hát viển vông / Những chân lí viển vông?” (bài Đồng hành thế kỷ, ĐHTK., sđd., tr. 85), anh vẫn khẳng định bằng bài thơ có tên là “Chân lý”:
Ánh sáng cong!
Vẫn là thuở ban đầu
Bao ma trận do tay người rắc rối
Lại trở về những con số đầy tin yêu biết nói //
Những con số vô tư
Không lẩn khuất, ta tìm
Yêu một điều
Một điều được tin
Con đường ấy phải đi hàng thế kỉ //
Em biết không
Tuổi già bắt đầu bằng thơ trẻ
Sẽ chẳng đâu xa
Chân lí một con đường
               (bài Chân lý, 9-2008, ĐHTK., sđd., tr. 84)
Ánh sáng cũng phải đi con đường cong bởi sự khúc xạ theo luật tự nhiên, nữa là chân lí. Có điều không hiểu “yêu một điều” thì “một điều được tin” hay “yêu một điều” ấy là “một điều được tin”? Yêu bằng trái tim nên tin tưởng bằng trí óc hay tin tưởng bằng trí óc nên yêu bằng trái tim? Cái nào là hệ quả của cái nào? Tôi nghĩ, nhà thơ Thái Thăng Long không còn cả tin, đặt lòng yêu trước khi phân tích bằng lí trí để xác lập niềm tin. Cũng như “Nhà triết học cô đơn” (ĐHTK., sđd., tr. 28), người từng tâm sự: “Đi suốt cuộc đời / Chân lí không mơ hồ / Chân lí chậm chạp trên đời này bạn ạ”, anh đã tự bảo, “Con đường ấy phải đi hàng thế kỉ”. Điều đó được anh thể hiện qua những bài “Ngày ta ước mơ” (sđd., tr. 38-39). Đặc biệt ở bài “Tương lai” (sđd., tr. 109), anh khẳng định: “Tương lai rực sáng –  một con đường!”.
Nhưng đó là tương lai xa, trên “con đường ấy phải đi hàng thế kỉ”. Trước mắt, hiện tại, thật và giả vẫn còn lẫn lộn, thì con đường kia, vốn là con đường hiện thực, con đường xã hội lại gần như trở thành con đường trong tâm hồn, tư tưởng – con đường của lí tưởng: “Con đường sáng trong tâm thức ta là thật” (bài Số cộng, 9-2007, ĐHTK., sđd., tr. 147). Con đường đấu tranh – xây dựng đã thành Lẽ Đạo. Nói đúng hơn, những bước đi trên con đường ấy lẽ ra phải nhẹ nhàng hơn, nhân văn, dân chủ hơn, và mục tiêu chủ nghĩa xã hội dĩ nhiên cũng là Đạo lí. Chẳng lẽ người không bóc lột người, người không là chó sói đối với người không phải là Đạo lí sao?
Dẫu đau đớn, phê phán, phẫn nộ, chua chát trước những sai lầm chung, Thái Thăng Long cuối cùng cũng gìn giữ Lẽ Đạo, Đạo lí xã hội của anh, tôi nghĩ vậy, khi anh khẳng quyết “đồng hành cùng thế kỉ”.
Thơ Thái Thăng Long còn là hoài niệm. Tình yêu đương thời trai trẻ, góc phố thủ đô quê nhà và tiếng chuông chùa Hà Nội mới thật là những gì tinh tế, trong trẻo, sâu lắng nhất anh thể hiện qua ngôn từ riêng, giàu biểu cảm và đẹp nhuần nhị. Hai tập “Chiều Phủ Tây Hồ” (1994), “Thời gian huyền thoại” (2000) hầu như ôm trọn mảng thơ này.

(Xin xem tiếp phần 2)
Trần Xuân An
Viết từ 14:45, ngày 05-10 HB9 (2009) đến 10:40, ngày 06-10 HB9
___________________________
(1) “Ám ảnh” (viết tắt: AA., Nxb. Hội Nhà văn, 1992), “Chiều Phủ Tây Hồ” (CPTH., Nxb. Trẻ, 1994), “Thời gian huyền thoại” (TGHT., Nxb. Thanh Niên, 2000), “Đồng hành thế kỷ” (ĐHTK., Nxb. Thanh Niên, 2009).
 Post bài từ Canada
 
 

THƠ THÁI THĂNG LONG – CON ĐƯỜNG VÀ HOÀI NIỆM

 

Trần Xuân An

 

(Phần 2)

 

Sau khi ám ảnh chiến tranh và tâm trạng tan vỡ mô hình xã hội (một thời trở thành mơ ước) tạm nguôi đi, công cuộc Đổi mới Cởi trói cũng đã bắt đầu đi sâu, toả rộng trong hiện thực, thơ Thái Thăng Long như tiếng hót của cánh chim lần đầu tiên bay lên giữa vòm trời mênh mông. Choáng ngợp trước những chân trời mở, một phần nào đó, nhưng nhiều hơn là cảm giác chơi vơi. Bởi chơi vơi, không còn một điểm tựa nào như một thời lòng anh ngây thơ ổn định, anh tìm thấy trong tâm thức những hình ảnh vững bền qua bao năm tháng, và anh tin rằng những hình ảnh ấy mãi mãi trường cửu, bất chấp mọi bão lũ của thời thế. Đó chính là Tình yêu đương – Quê nhà – Bóng dáng mái chùa. Chúng ta có thể đọc thấy điều đó trong tập “Chiều Phủ Tây Hồ” (1994) và cả trong “Thời gian huyền thoại”  (2000) (1).

 

Nhưng đã khẳng định rằng điểm tựa vững bền, trường cửu không ở đâu xa, mà ngay trong tâm thức, cụ thể hơn là trong kí ức -- những gì đã thành dấu ấn, kỉ niệm không phai mờ --, cũng có nghĩa là trước và sau “Chiều Phủ Tây Hồ” , “Thời gian huyền thoại”, thơ Thái Thăng Long đã nhiều lần trở đi, trở lại với tất cả tâm cảm:

 

Đất đai say

Như

Ngàn năm dân ca trong câu hát...

Như ngàn năm Trái Đất

Trang sách Tình yêu khắc trên đá trơ trơ...

                               (bài Vô hạn, 01-1991, AA., sđd., tr. 7)

 

Đi đến nửa đời mình

Trở về ngôi nhà cũ...

... Mà tóc bạc tựa sương

Mắt đói khát mơ chân trời có thực

Ôi giấc mơ trăm năm sao nát vụn giữa bàn tay

                               (bài Trở về, 04-1991, AA., sđd., tr. 45)

 

Ta ngập ngừng

Mùa đông chia tay

Để mùa xuân lặng lẽ về chầm chậm

Con đường nhỏ

Ngôi chùa chuông đồng gióng

Những âm thanh hoà nhập tự tuổi thơ

Những âm thanh hương khói lơ mơ

Hồn ta thả những bến bờ xa lắm

Có một chút tình yêu gửi gắm

Ấy là mùa xuân

Mùa xuân sớm nay về

                               (bài Chia tay mùa đông, 04-1991, AA., sđd., tr. 51)

 

Đó là những đoạn thơ day dứt, thành khẩn nhất trong tập “Ám ảnh” (1992). Mười bảy năm sau, ở tập “Đồng hành thế kỷ” (2009), cũng với tình yêu đương, quê nhà và bóng dáng, âm thanh siêu thoát từ ngôi chùa, những câu thơ vẫn day dứt, da diết, thành khẩn đến nghẹn ngào, cái nghẹn ngào trong những câu thơ nén lại như không:

 

Về với cái nghèo xưa làng xóm

Về với tình xưa...

... Về với hương cau...

... Về trong yêu thương trầm mặc...

... Về với rét mướt...

... Về trong khát cháy đầu môi...

Người về

Như là mãi ở

Người về

Nước mắt ra đi

Tình yêu ẩn trong hồn đất

Chuông chùa đâu dễ bơ vơ

                               (bài Người về, 12-2006, ĐHTK., sđd., tr. 74)

 

Ngoài ý nghĩa xác lập giá trị vĩnh cửu cho tâm hồn, phải chăng trước hiện thực Đổi mới, nhà thơ Thái Thăng Long vẫn chưa thể hoà nhập, tìm thấy những giá trị mới? Hay ở tuổi chín muộn, anh chỉ có thể làm giàu có tâm hồn bằng cách đào xới bao lớp trầm tích kỉ niệm đã thành tài nguyên trong kí ức, và anh cũng tự giới hạn để có thể đào sâu, tinh luyện?

 

Ta trở về ngôi nhà cũ của ta rồi

Vẫn vậy đó không thể nào kì vọng

Một kiếp người chỉ còn khoảnh khắc

Thời gian lên men ta nhìn nhận từng ngày

                               (bài Trở về, 04-1991, AA., sđd., tr. 46)

 

Bấy giờ, mới bước vào độ tuổi bốn mươi, sao anh bi quan và khiêm tốn đến thế!

 

Tình yêu đương

 

Trong bài “Bến Dâu” (1990, AA., sđd., tr. 57), Thái Thăng Long đăm đắm ngoảnh lại nơi chốn của tuổi thơ và tình yêu đương trai trẻ. Tất cả đều còn đó trong anh nhưng đều không còn nữa trong hiện thực. Và dẫu thế nào, “với ta / Thì mãi mãi yêu Hà Nội / Hoa đào hồng lên trong sương giá mùa đông”.

 

Trong kỉ niệm tình yêu đương của anh, còn có tiếng leng keng tàu điện xưa. Tiếng tàu điện này đã một lần vang lên trong im lắng tâm hồn anh, để thành thơ:

 

Mỗi độ đông về

Ta nhớ gương mặt em

Tiếng tàu điện leng keng phố vắng //

Em ở đâu

Phố Thuỵ Khê gió lạnh?

Đôi mắt mở to ta lại nhớ về em

                               (bài Hồi ức tàu điện xưa, 04-1991, CPTH., sđd., tr. 19)

 

Không hiểu đó là đôi mắt mở to ngơ ngác, xinh đẹp của cô gái tên Hạnh (?) nào đó hay chính là đôi mắt của cô gái ngày ấy đang mở to dưới vầng trán của anh, bằng đôi mắt của anh, sau hai mươi năm anh lại nhớ về? Bài thơ có một chi tiết biểu hiện nội tâm -  phản ánh lên gương mặt chính anh, người đang nhớ thương kỉ niệm -, thật tinh tế và rất thật.

 

Chính đôi mắt đáng yêu ấy mãi còn trong anh, đến nỗi tại Sài Gòn, mới năm kia đây thôi, anh còn ghi dưới một bài thơ dòng chữ “Cuối năm nhớ tiếng tàu điện”:

 

Xa xôi đôi mắt ngây thơ...

... Tàu điện đợi em lên phố...

Leng keng mãi trong tim ta

Leng keng mãi trong hồn ta...

                               (bài Ký ức con đường, 12-2007, ĐHTK., sđd., tr. 171-172)

 

Trong khi đọc khá nhiều bài thơ về tình yêu đương của Thái Thăng Long, tôi vẫn thường xem lại bài “Xưa” (11-1993, CPTH., sđd., tr. 30-31). Tôi cũng không hiểu vì sao như vậy. Có lẽ, do ấn tượng từ bài thơ này níu kéo những ngón tay lần dở của tôi trên mấy tập thơ của anh. Đó những câu chữ tuy đẹp, nhưng nội dung thật đến tàn nhẫn, hiếm thấy trong thơ Thái Thăng Long, một hồn thơ thường nâng niu vẻ đẹp gắn liền với sự ngọt ngào, dịu dàng, đằm thắm. Ở bài “Xưa”, anh viết thế này đây về người yêu cũ:

 

Tình xưa anh còn gặp

Em giờ đây như buổi tối gió heo may

Em giờ đây xanh gầy trong nắng hạ

Em giờ đây cỏ hoang lẫn hồn hoa lá //

Hoa lá bay

Còn lại cọng cỏ gầy

Để anh còn chóng mặt // [...]

 

Tuy với ngôn từ đẹp, và nội dung thật đến tàn nhẫn, nhưng tấm lòng vẫn ngậm ngùi, khôn nguôi. Nói rõ hơn, tự thân sự thật phôi pha nhan sắc là do tàn nhẫn của thời gian và cuộc đời, chứ không phải cái nhìn và ngọn bút của nhà thơ tàn nhẫn. Anh đau xót trước sự thật tàn nhẫn ấy:

 

Tình xưa anh gặp lại

Anh tìm nơi em

Thời con gái

Hai mươi năm //

Tóc chớm bạc trên đầu

Tình xưa //

Nước mắt qua mau

Nỗi buồn giấu sau buổi chiều bên cửa...

 

Tình yêu đương ở Thái Thăng Long rất nhiều khi, nếu không nói là tất cả, đều đồng nhất với tình quê nhà. Đây là một điều không lạ trong thơ, nhất là thơ Việt, nhưng ở Thái Thăng Long, tính đồng nhất này là một nét nổi bật, hình như thể hiện cá tính rất riêng của Thái Thăng Long.

 

Quê nhà

 

Sau tất cả những ngọt ngào trong thơ nhớ về quê nhà, một trong vài làng nổi tiếng về hoa ở Hà Nội, và những đường phố thủ đô, chính công cuộc Đổi mới đã để cho Thái Thăng Long được nhìn về quê nhà với cái nhìn thật, cho dù thật đến xót xa. Tôi không nghĩ bài “Làng” là một trong những bài thơ hay của anh. Nhưng dẫu sao, đó chính là những dòng chữ được anh viết ra trong cơn bức xúc đến nghẹn ngào, ở thời điểm sau chiến tranh đến những mười lăm năm:

 

Đụn rơm rạ loen hoen như rác đùn chân bể

Vài cây xoan tung tẩy trước đông về

Làng vẫn nghèo đồng đất nhão bùn xe...

... Làng vẫn nghèo, mẹ ta vẫn xanh xao

Vó tôm tép vật vờ nơi mương máng...

... Một đời cha ta lưng còng gập xuống rồi

Vẫn mơ làng giàu, lòng thật thà như đếm...

                               (bài Làng, 06-1990, AA., sđd., tr. 41-42)

 

Tuy vậy, âm điệu chủ đạo của thơ Thái Thăng Long về quê nhà, ngoại và nội thành thủ đô Hà Nội, vẫn là sâu lắng, thiết tha và thơ mộng.

 

Nếu xinh gọn và trong sáng, có lẽ “Hương cốm” (9-1997, TGHT., sđd., tr. 99) là một trong những bài như thế, nhất là ở câu kết: “Tắm hồn thu bằng hương cốm quê”.

 

Mặc dù rất thích những câu thơ anh viết về sông Hồng, như hai bài ở hai trang đầu của hai tập “Ám ảnh”, “Đồng hành thế kỷ”, nhưng tôi vẫn nghĩ đến bài thơ có kết cấu thuộc loại hiếm hoi trong thơ Thái Thăng Long: “Tiếng chày Yên Thái” (TGHT., sđd., tr. 66-67). Thơ anh thường không cố ý khấc một nét nào đó vào hồn người đọc, mà mở rộng hồn người đọc ra, bảng lảng, mênh mang, siêu thoát. Đọc thơ anh, người ta nhớ vài câu, vài đoạn hay hay cả bài hay, nhờ vẻ đẹp của ngôn từ và nhờ nhạc tính, đặc biệt là nhạc tính như thôi miên ở tập “Chiều Phủ Tây Hồ”, chứ không nhớ cách cấu tứ. Trong khi đó, “Tiếng chày Yên Thái” có một cấu tứ rất ấn tượng. Sau hai đoạn thơ viết về tiếng chày đã từng nổi tiếng trong ca dao nhưng theo những hình ảnh và cảm nhận riêng của anh, từ hương hoa lài Bà Chúa Liễu Hạnh, thuyền câu, du thuyền, và tiếng ngâm thơ cùng kẻ sĩ Hà Thành, giấy bản và chợ Bưởi trong sương, đến người đẹp bán chiếu gon của Nguyễn Trãi: “Vọng nghe tiếng chày Yên Thái...”, “Đêm nghe vọng tiếng chày nghìn năm trước...”, bỗng thật bất ngờ, nhà thơ viết:

 

Nhịp chày như nhịp tim mình thảng thốt

Người ơi!... //

Nhịp chày khua

Yêu lắm

Nhịp tim mình

                               (29-01-1999, TGHT.)

 

Hoá ra, tất cả những gì trong bài thơ đều vọng lên từ nhịp trái tim của nhà thơ. Nói giản dị hơn, chính nhịp tim anh trong sâu lắng của đêm khuya đã gợi về bao nhiêu là huyền thoại của thời gian lịch sử - văn hoá của một vùng đất.

 

“Riêng anh” là một bài có kết cấu không lạ, nhưng những dòng kết nếu đọc phớt qua, sẽ thấy hẫng, đến khi nhìn kĩ lại vào trang giấy, ta mới thật bàng hoàng. Khởi đầu, là dòng sông, phố phường, cái ngõ nhà nho nhỏ, mái chùamột tình yêu đương. Thái Thăng Long như kiểm lại gia sản trong kí ức của mình về quê và nhà, anh thấy chỉ có vậy. Nhưng rồi, anh thấy còn có cả bầu trời, cánh chim, góc núi Nùng, gốc sấu vỉa hè, giấc mơ trẻ thơ với trò chơi đổ dế. Và tình yêu đương của anh phải cụ thể hơn kia, ấy là anh còn có gương mặt người yêu dấu với đôi mắt, nụ cười ẩn sau toà nhà cổ, ẩn sau tiếng mưa đầu phố, ẩn sau những bông hoa hoang vắng. Anh còn có cánh đồng ngoại ô, gió sông Hồng, sắc hoa vào chợ và những mảnh đất huyền thoại thiêng liêng với những nhà thơ cổ điển (anh thường gọi là vĩ nhân của anh). Còn mái chùa gắn bó với tuổi thơ anh ư? Nó không được cụ thể hoá, chi tiết hoá mà lại trừu tượng đi, với cụm từ Nơi Tâm linh viết hoa: “Nơi Tâm linh ta sáng chói một tình yêu”. Và, điểm lạ là đây:

 

Anh chỉ có một dòng sông thôi để nhớ

Anh chỉ có một phố phường thôi để nhớ

Chỉ có Em ngôi nhà nhỏ tình yêu!

                               (bài Riêng anh, 11-1993, CPTH., sđd., tr. 17)

 

Từ Em đã được viết hoa! Tôi nghĩ là trong hình tượng anh gọi là Em ấy, có tất cả, cơ chừng cả mái chùa ấu thơ lẫn mênh mông nội ngoại thành Hà Nội.

 

Và cũng thảng thốt như anh, khi tôi đọc bài “Điều không còn” (10-2007, ĐHTK., sđd., tr. 52). Đây cũng là một bài thơ thuộc loại “Tiếng chày Yên Thái” trên kia. Sau một loạt điệp ngữ “điều không còn” với những hình ảnh Hà Nội cổ xưa đã mất đi trong tiến trình hiện đại hoá gần đây, có hai câu kết thắt lại đến sững sờ, cho dù hai câu ấy thật giản dị đến mức khó giản dị hơn:

 

Làng hoa đâu

Vườn cũ đâu rồi?

 

Tâm hồn Thái Thăng Long thiên về hoài niệm, cơ hồ có cả hoài cổ. Đó là tâm hồn của một người muốn lưu giữ mãi những gì thuộc về dĩ vãng xa xưa cũng như dĩ vãng gần gũi của dân tộc, đất nước, lưu giữ mãi kỉ niệm ấu thơ cũng như tuổi thanh niên của riêng anh với Hà Nội, dưới ánh sáng lung linh, bay bổng, dịu ngọt của huyền thoại. Anh có một tập thơ được anh đặt tên là “Thời gian huyền thoại” là vì thế. Trong thơ mình, cả bốn tập, anh dành cho hoài niệm một tỉ lệ đáng kinh ngạc, kinh ngạc vì Thái Thăng Long đang sống và làm thơ tại một thành phố hiện đại nhất đất nước. Phải chăng đây là điểm rất đáng quý và cũng là một phần nào đó thuộc căn nguyên của tâm hồn “lạc đàn” ở anh (2), trong thời hậu chiến? Người Hà Nội xa xứ yêu thơ anh vì đồng cảm, những khi tâm hồn họ chùng xuống vì nhớ quê. Người Sài Gòn thông cảm với anh, những khi anh phát hiện ra cả mùa thu Hà Nội ở vùng đất Phương Nam quanh năm hoa trái sum suê, chín mẩy này:

 

Một chút rét

Một chút mưa bụi rắc

Thế là mùa thu về đến cửa nhà

Sương sớm ngoại ô ướt trên cành lá

Hồn mơ, núp bóng những loài hoa

Một chút rét

Mây trời dường se lại

Ngập ngừng ai đôi mắt ngập ngừng

Mùa thu mảnh

Đêm rằm oà vỡ

Thu đến cho người

Thu ẩn vào trong

                               (bài Sài Gòn mùa thu, 9-2008, CPTH., sđd., tr. 236)

 

Nhưng lấy tay che đi nhan đề bài thơ, chắc chắn ai cũng nghĩ đó chỉ là Hà Nội.

 

Tâm linh

 

Có một lần tôi ngẫm nghĩ, tuổi tác dân tộc có đến bốn nghìn năm, và Phật giáo đến với đất nước mình từ thuở sương mờ huyền thoại chưa tan, mắt tổ tiên ta chưa nhìn lịch sử và tự nhiên dưới ánh sáng duy lí. Tiên Dung và Chử Đồng Tử cũng như Bà Chúa Liễu Hạnh rất thơ và rất đời thường, nhưng đã có gì rất Phật. Truyền thống tâm linh ấy, cho dù dưới ánh sáng khoa học hiện đại, có lúc chiếu rọi lạnh lùng đến mức thô bạo, nhưng rồi vẫn thừa nhận là di sản cần thiết phải cách tân và phát triển trong cuộc sống hôm nay. Đọc thơ Thái Thăng Long, tôi nhận ra hai mươi mốt năm chiến tranh dài dằng dặc thế kia, nhưng ngắn ngủi biết bao so với bốn nghìn năm. Đọc thơ anh, riêng mảng tâm linh này, tôi nhận ra bao ngôi chùa, bao mái đình cổ kính chưa bao giờ tắt tiếng chuông ngân và lạnh lẽo hương khói, ít ra cũng chưa lạnh tắt trong hồn người.

 

Từ khi lễ hội được phục hồi, thơ Thái Thăng Long đã tìm về chùa Hương:

 

Nào trẩy hội, ta với em ngược dòng Hương Tích

Khói hương bay, kinh niệm Phật dọc đường

Lần tràng hạt, ngược dốc cao trăm bậc

Sương nhoà bay mộng ảo cõi Hư Không

                               (bài Mời mọc chùa Hương, 01-1992, AA., sđd., tr. 64)

 

Trên kia, tôi đã bày tỏ cảm giác là lạ khi đọc bài “Riêng anh”. Đến khi đọc “Trước Tây Hồ” (02-1994, CPTH., sđd., tr. 27), mới thật vỡ lẽ về từ Em trong thơ Thái Thăng Long:

 

Một mình ta trước Tây Hồ chiều vắng / Chùa chiền và tâm linh mình tĩnh lặng / Khói hương lơ mơ Vũ trụ quá xa vời / Một thoáng mây trôi / Một thoáng em bên anh rối bời thành ảo ảnh // Em là sóng phiêu du / Là gió hoang chóng mặt / Anh bình tâm kính cẩn trước Thánh hiền // Em là buổi chiều vàng vọt trốn vào đêm? / Giấu tất cả những sắc xanh thảm cỏ / Tây Hồ chiều nay / Mãi mãi anh còn đó / Mãi mãi tiếng hạc kêu / Cùng khao khát đến bao giờ?

 

Thì ra, Em chỉ là một biểu tượng của Hà Nội (3), hay có khi, ở bài khác, Em chỉ là hình tượng trữ tình trong cảm xúc, biến thiên theo 99 tâm cảnh, vô vàn tâm cảnh. Dĩ nhiên, cô gái tên Hạnh (?) hay những người yêu có thực của Thái Thăng Long vẫn là có thực. Và cũng có thể từ một Hạnh ấy, với đôi mắt mở to ngây thơ nhìn Hà Nội lên đèn, trên chuyến tàu điện năm nào, mà thăng hoa thành vô cùng như thế. Nhưng quan trọng gì đâu điều này. Đọc “Trước Tây Hồ”, ta thấy tất cả đều hư vô hoá, kể cả hình bóng Hạnh, hình bóng Hà Nội, khi tâm linh Thái Thăng Long “bình tâm kính cẩn trước Thánh hiền”. Và tiếng hạc kêu trong khung cảnh khói sóng, khói hương mơ hồ như tiếng kêu của khát vọng. Khát vọng bay lên, bay xa trên bầu trời thuở nào chỉ là cánh cò, nay đã thật sự xuất hiện với dáng dung là cánh hạc trắng trong thơ Thái Thăng Long. Tôi đã tẩn mẩn ngồi đếm, có khoảng 18 bài thơ của anh có bóng dáng cánh cò trắng và chim hạc trắng (4). Chim hạc trắng bay về bồng lai hay niết bàn:

 

Ước vọng chúng sinh / Một cõi niết bàn / Phật và hoa sen hồng thanh khiết // Hào quang bay lên / Bảy sắc cầu vồng / Niết bàn thăm thẳm / Xa xăm... / Xa xăm trong tâm hồn chúng sinh vẫn đợi // Vời vợi lòng người / Vơi đi đau khổ / Vơi đi cái ác thường nhật hàng ngày // Niết bàn / Chín tầng mây hồng chim hạc / Hoa sen ngát những mùa trăng (bài Niết bàn, 4-2007, ĐHTK., sđd., tr. 125)

 

Mặc dù vậy, trong một bài thơ khác (08-2008, ĐHTK., tr. 80), anh lại viết, “ngoài vũ trụ”, nếu hiện hữu chăng bao hương linh, thì vẫn chưa siêu thoát, bởi cõi ngoài vũ trụ ấy vẫn là “một cõi yêu đang khát”. Chính “điều trống không là cõi vĩnh hằng”. Niết bàn, bồng lai cũng chỉ trong tâm thức ta, trên cõi trần gian này.

 

Tuy vậy, mặt khác, có lẽ tích cực hơn và hiện đại hơn Phật giáo cổ truyền một thời chìm vào non cao rừng vắng, nhường bước lại cho Nho giáo, khi Thái Thăng Long hội nhập cùng tinh thần Phật giáo Miền Nam trong những năm chiến tranh. Anh mong muốn một Phật giáo nhập thế. Từ ước muốn ấy, trong tâm thức anh sống lại hình ảnh Lý Thái Tổ, qua bài “Bóng Thiền sư” (2-2008, ĐHTK., sđd., tr. 219-220), người đã tôn tạo, gần như tạo lập mới một kinh đô Thăng Long với “Chiếu dời đô” còn lưu trong sử sách. Với tinh thần nhập thế ấy (chứ không phải thuần tuý siêu thoát như hạc trắng), anh còn viết:

 

Lại gần với đời hơn / Lại gần với người hơn / Lại gần với dòng sông cây cỏ / Lại gần với phố phường bé nhỏ / Lại gần với xóm làng bao cảnh tối tăm // Phật thì ở trong lòng / tâm thế vô biên như trời cao rộng / Bàn tay xoè, hoa sen cùng ước vọng / Bớt kiếp trầm luân / Biển khổ giữa đời // Lại gần với đời hơn / Để mãn nguyện nụ cười / Cháy bỏng hoa sen chiều chuyển gió / Vơi đi những dối lừa đâu đó / Nam mô ... cửa Phật lại khoan thai (3-2008, ĐHTK., sđd., tr. 115).

 

Tôi còn rất yêu hai bài thơ khác của Thái Thăng Long viết về đề tài tâm linh này: “Không còn” (1998-1999, TGHT., sđd., tr. 164-165) và “Có nhiều con chim không hót” (9-2008, ĐHTK., sđd., tr. 242-243). Đây cũng là hai bài hiếm quý, thuộc loại vận dụng nhuần nhị cách cấu tứ tuy không mới mẻ nhưng hiệu quả thẩm mĩ cao. Sau khi triển khai các ý với điệp ngữ: “Không còn cái nhìn... // Không còn giấc mơ... // Không còn em / Không còn đêm thao thức...”, anh kết lại ở bài thứ nhất:

 

Chiều bạt ngàn những gió

Nghe một tiếng chuông chùa để nhớ

Nghe một tiếng chuông chùa

Thức giấc

Cả trăm năm

 

Ở bài thứ hai, sau bốn điệp cú “có nhiều con chim không hót” cùng với hình ảnh “cháy rừng”, “lồng son”, “xa bầy”, “mất mẹ”, bài thơ kết lại, sáng lên ánh sáng phóng sinh (buông tha cho sự sống):

 

Bầy chim non

Thèm một giọt sương

Thèm tự do giữa bầu trời cao rộng

Thèm một khoảng rừng xanh không cô độc

Bên cửa chùa sáng nay

Ta thấy chúng vụt bay...

 

Nếu thay ngữ “cửa chùa” bằng “cửa sổ” thì bài thơ vô nghĩa!

 

Tôi vẫn nghĩ thơ Thái Thăng Long phần lớn không cấu tứ như vậy. Phần lớn thơ anh như tiếng gõ vào chuông chùa, tiếng chuông cứ thế ngân vang, lan toả, ngân vang, lan toả mãi cho đến khi cùng hồn người đọc hoà tan vào hư không. Một ví von khác, ý thơ anh như hòn cuội ném xuống mặt ao mênh mông phẳng lặng, câu chữ tạo nên những vòng sóng gợn, lan ra, lan ra, cho đến khi không còn gợn sóng vòng tròn nào. Thơ anh mở ra, lan toả, mênh mang, với nhạc tính phong phú và ngôn từ đẹp, chứ không thắt lại, khấc vào trí nhớ người đọc như một vết thương hay một viên ngọc nạm.

 

Cõi tâm linh của Thái Thăng Long không chỉ là cõi Phật, cõi Tiên, mà còn là nơi thờ kính những vĩ nhân. Vĩ nhân trong thơ anh là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, những thi sĩ...

 

Ngày trăng tròn

Các vĩ nhân

Cùng thi ca

Rọi hồn non nước

                               (bài Bóng Thiền sư, 02-2008, ĐHTK., sđd., tr. 220)

 

Thơ Thái Thăng Long còn có những mảng đề tài khác, nhưng nổi trội lên trong bốn tập thơ của anh vẫn là thao thức về con đường - ánh sáng và hoài niệm tình yêu đương - quê nhà - tâm linh.

 

Thơ anh cho ta nhận ra một con người sống thiên về nội tâm, sống nhiều với quá khứ, một quá khứ đã được tinh lọc bởi một hệ quy chiếu tâm linh. Vì thế, phần lớn thơ anh có sự hoà lẫn tình yêu đương, quê nhà và nẻo Phật.

 

Thơ Thái Thăng Long vẫn là thơ của một người ý thức rất rõ trách nhiệm thi sĩ – công dân của mình. Chính khi chiêm ngưỡng pho tượng cổ, anh cũng nhìn ra vẻ đẹp thẳm sâu của tâm thức tiền nhân gắn liền với thời đại thuở bấy giờ, một tâm thức ưu thời mẫn thế: “Ta yêu những ánh mắt mang hồn thời cuộc / Vẻ đẹp nghìn xưa ngự trị trong đời”.

 

Đây là hai mảng thơ tưởng chừng như đối cực nhưng thực chất lại nhất thống, chan hoà, quyện lẫn, không loại trừ nhau trong tâm hồn thơ Thái Thăng Long. Anh không phải là nhà thơ trốn đời nên tìm đến cõi tâm linh siêu thoát, chán chường với thực tại nên sống với hoài niệm. Anh chỉ cần những phút giây siêu thoát để nạp năng lượng cho những bước chân “đồng hành cùng thế kỉ”. Anh cần nuôi cành nhánh tâm hồn trong “vốn cổ” để sâu rễ bền gốc, với ước mong rằng trái tim anh sẽ chín. Biện chứng tâm hồn của một nhà thơ thật không đơn giản mà rất phong phú.

 

Cuối bài viết này, tôi không khỏi tự hỏi, liệu tôi có nhầm lẫn nào không khi cảm nhận thơ của nhà thơ Thái Thăng Long? Biết làm thế nào được, bởi đọc thơ là gõ vào cánh cửa khi nào cũng mở và bao giờ cũng đóng chặt. Xin đón chờ những tiếng nói phản hồi...

 

Trần Xuân An

Viết phần 2 từ 06:56 đến 16:16, ngày 08-10 HB9 (2009)

_______________________

 

(1) “Ám ảnh” (viết tắt: AA., Nxb. Hội Nhà văn, 1992), “Chiều Phủ Tây Hồ” (CPTH., Nxb. Trẻ, 1994), “Thời gian huyền thoại” (TGHT., Nxb. Thanh Niên, 2000), “Đồng hành thế kỷ” (ĐHTK., Nxb. Thanh Niên, 2009).

(2) Hoài Hương phỏng vấn nhà thơ Thái Thăng Long: Thăng Long – Hà Nội, tình yêu và nỗi nhớ, Điểm mạng toàn cầu Nhà văn Trần Thanh Giao (tranthanhgiao.com - Google search).

(3) Có người cho rằng từ lâu anh không thể làm thơ tụng ca có tính cổ động, nhất thời.

(4) CPTH.: tr. 12, 27, 41, 60, 62, 101, 121, 121, 129, 139; TGHT.: tr. 55, 92, 102, 124, 195, 219, 229; ĐHTK.: tr. 13, 40, 111...