Tôi đã háo hức mong chờ xem bộ phim tài liệu "Đại thi hào Nguyễn Du" mà VTV giới thiệu trước cả một tuần, để rồi, sau khi xem xong bộ phim dài 50 phút làm rất công phu đó thì thất vọng đến ngơ ngẩn. Nói cho công bằng, trong phim có một số hình ảnh nghệ thuật chau chuốt, kỹ xảo làm khá hoành tráng và "mãn nhãn". Song, kỹ xảo của phim lại càng làm nổi bật lên sự nghèo nàn đến thảm hại của nội dung và tư tưởng.
Xin chỉ được nêu ra vài điểm chính:
1. Sự nghiệp sáng tác của ND- ngoài kiệt tác Truyện Kiều ra, còn có "Văn chiêu hồn" và ba tập thơ chữ Hán mà giá trị tư tưởng nghệ thật của chúng suốt mấy thập kỷ qua đã/ đang được nhiều nhà nghiên cứu khai thác, tìm hiểu, bình luận, đánh giá. Nhưng trong bộ phim này, tác phẩm "Văn chiêu hồn" lại chỉ được mỗi nhà nghiên cứu lịch sử & văn hóa Hà Nội Nguyễn Vinh Phúc bàn tới một cách rất qua quýt, hời hợt! Còn ba tập thơ chữ Hán của đại thi hào chứa đựng biết bao giá trị văn học- văn hóa- lịch sử thì chỉ được nhắc qua loa nhõn một tập Thanh Hiên thi tập! Không phải ngẫu nhiên mà Hội Kiều học VN đã cùng Viện Văn học tổ chức cả một hội thảo khoa học "200 năm Bắc hành tạp lục"! Dường như những người làm phim không thèm đếm xỉa đến tập thơ lớn này, hay vì nó là tiếng nói khá đậm đặc, hùng hồn về nỗ lực giải ảo, giải thiêng Trung Hoa? ( Xin đọc các tiểu luận "Về sự phê phán chủ nghĩa kỳ thị dân tộc trong "Bắc Hành Tạp Lục" của đại thi hào Nguyễn Du" của Phạm Quang Ái, "Nguyễn Du, từ giải ảo Trung Hoa đến giải thiêng chế độ phong kiến" của Nguyễn Phạm Hùng, "Những đối thoại ngầm và tinh thần giải trung tâm của ND trong Bắc hành tạp lục" của Đỗ Thị Thu Thủy, "Về những bài thơ trong Bắc hành tạp lục" của Hoàng Khôi, v.v.). Ngay cả với tác phẩm Truyện Kiều, những người làm phim đã không dựa vào kết quả của biết bao công trình khảo cứu dày công của nhiều thế hệ nhà Kiều học VN và nước ngoài. Cũng may là có vài ý kiến bàn về ND và TK của các nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng như Nguyễn Đình Chú, Phong Lê, Nguyễn Hữu Sơn, kèm mấy câu phỏng vấn vội vài nhân vật nước ngoài ở Hội thảo KH Quốc tế về ND & TK, nếu không thì bộ phim coi như rỗng tuếch! Nhưng ngay cả những lời bàn của mấy vị trên, đặt trong bộ phim, chúng lại trở nên rời rạc, được chăng hay chớ, bởi không gắn kết vào một cấu trúc phim chặt chẽ với mục đích nhằm làm "tường minh thiên tài của Nguyễn Du" ( chữ dùng của GS Ng Đình Chú).
2. Bộ phim nói về ba quê hương gắn với cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ND: Thăng Long-Hà Nội, Hà Tĩnh, Thái Bình, song chủ yếu chỉ là hình ảnh Thăng Long-Hà Nội qua tư liệu (hai phim truyện lịch sử VN và một phim tài liệu của ngước ngoài), và Hà Tĩnh thì chỉ là quẩn quanh ở khu lưu niệm Nguyễn Tiên Điền! Cả một đoạn đời quan trọng của ND khi đi sứ Trung Hoa với tập "Bắc hành tạp lục" thì chỉ được các nhà làm phim chiếu cố tới bằng một tấm bản đồ đi sứ, mà những người xem bình thường chẳng hiểu là cái gì sất! Nền nhạc chủ yếu của phim khiến đa số người xem phim cứ chắc mẩm rằng: đại thi hào của chúng ta được sinh ra và được bồi đắp tâm hồn chỉ toàn bằng những điệu dân ca ví dặm Hà Tĩnh! Rồi phải đến một phần ba bộ phim là xử dụng hình ảnh của các phim "Đêm hội Long trì" và "Long thành cầm giả ca", thế là quá nhiều! Những hình ảnh đó cũng có ít nhiều tác dụng là giúp người xem hình dung được bối cảnh và không khí lịch sử thời Nguyễn Du sống, song nếu lạm dụng thì người xem lại có cảm giác "ăn" đồ giả, nhất là khi những bộ phim truyện đó cũng chỉ thuộc loại "thường thường bậc trung"! Trong phim, có diễn viên đóng vai Nguyễn Du, nhưng diễn viên này hơi béo tốt, phương phi, lại không mang được thần thái phong độ của một nhà nho- thi sĩ nhiều ưu tư trăn trở (mà bức tượng ở khu lưu niệm Tiên Điền đã miêu tả được khá tốt!) Lời bình phim nhiều chỗ sáo, "làm văn", lại do một giọng đọc khê nồng đã gây phản cảm không ít!
Tóm lại, phim "Đại thi hào Nguyễn Du" ra mắt vào dịp lễ kỷ niệm 250 năm sinh ND và được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới đã để tuột mất một cơ hội qúi báu giúp đông đảo khán giả truyền hình toàn quốc được hiểu thêm về đại thi hào dân tộc kính yêu của chúng ta, bằng một bộ phim chân dung èo uột nhợt nhạt mà chắc nơi chín suối, Người thêm một lần nữa phải gạt lệ than thầm!
Hà Nội, 29-11-2015
Hoàng Hiếu Nhân