Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NIỀM TIN VÀO GIÁ TRỊ CON NGƯỜI

Huy Thắng
Chủ nhật ngày 6 tháng 12 năm 2015 5:45 AM



 


Tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh lần naỳ muốn liên lạc để đến thăm người bạn Xuân Đài, nghe nói giờ ốm yếu nhưng gặp khó vì lỡ đánh rơi đâu mất chiếc điện thoại trong chứa danh sách bạn bè. Đành liều, cứ hai, ba lần chuyển xe buýt từ Thủ Đức, nơi tôi trú ngụ trong những ngày ở Sài Gòn, tìm đến chung cư Nguyễn Biểu, bên quận Năm, nơi ở trước đây của bạn . Nhưng căn hộ quen thuộc này nay đã là một người khác. Chủ mới cũng không biết người bán lại căn hộ cho mình chuyển đi đâu. Đang bần thần không biết hỏi ai thì một cậu xe ôm lao tới :- Bố đi đâu con chở ? Tôi lắc đầu. -Thì bố muốn tìm ai ? Tôi nêu tên một cách cầu âu, không chút tin tưởng. Bất ngờ cậu xe ôm reo lên : -Con biết, chú nhà văn để râu dài ấy thì con biết, nhưng bây giờ chú ấy ở xa đấy. Mãi tận Đồng Nai lận. Mừng rỡ tôi leo ngay lên xe rồi hối hả : - Vậy cho chú tới luôn.

Trên đường đi cậu xe ôm cho biết, hồi nhà văn Xuân Đài còn ở cùng chung cư, thấy ông già một thân một mình thì cậu hay qua lại, rồi nên thân. Cậu còn khoe: -Ổng còn tặng con mấy cuốn sách ổng viết đấy. Truyện toàn thấy nói về những người nghèo chúng con thôi.

Bây giờ tôi nhớ ra, Xuân Đài vốn được coi là con người của đường phố. Bạn bè, người quen biết của ông ngoài những nhà văn, nhà thơ, trí thức tâm huyết cùng thời thì thường là những người lao động chân tay, buôn thúng bán bưng, xe ôm, đánh giầy, vé số dạo…thậm chí cả các cô gái “bán hoa”. Tính Xuân Đài tếu táo, hóm hỉnh, cứ tưng tửng trước một ai, dù người đó đang là một quan chức. Ông hài hước cả những chuyện mà nhiều người luôn làm vẻ quan trọng. Với ông, chỉ có lòng tốt, sự tử tế của con người mới đáng để ông nể trọng.

Đến Biên Hoà còn vòng vèo qua nhiều con đường, rồi qua cả các con hẻm chẳng có tên, chẳng có số nhà. Vậy mà cậu xe ôm cứ lao vun vút. Nếu không gặp thổ công này thì có nhắn địa chỉ cũng đành chịu chết.

Đi mãi rồi cũng đến nơi. Dựng xe trước một căn nhà nhỏ, mái tôn, cửa sắt hoen rỉ, cậu xe ôm tắt máy rồi vẻ rất quen thuộc, đập cửa ầm ầm. Xuân Đài trong nhà ló ra. Gặp bạn cũ cả hai chúng tôi mừng rỡ, chuyện trò rối rít quên cả vào nhà. Hỏi sao không ở Sài Gòn mà chuyển về đây? Xuân Đài nói, thấy ở Sài Gòn một mình, sợ có vấn đề gì nên các cô em bảo con cái đón mình về để chúng tiện chăm sóc. Có xa trung tâm và chật chội một chút nhưng yên tâm. Thấy cũng phải nên theo. Mải chuyện đến khi cậu xe ôm đánh tiêng : Con chào hai ông, con về , thì tôi mới xực nhớ. Lúc cầm tiền xe , cậu xe ôm đếm đếm rồi đưa lại tôi: -Ông là bạn của ông Xuân Đài nên con bớt ông mấy chục.

Nhà văn Xuân Đài nom khác nhiều so với lần gặp mấy năm về trước. Râu tóc để dài, đã bạc trắng, bước đi chậm chạp, rõ ra là một ông già. Mà cũng đâu còn trẻ gì, ngoài tám mươi rồi. Số ông vất vả nên như già hơn tuổi. Xuân Đài họ Lê, quê Hương Sơn – Hà Tĩnh, làng Xa Lang, đất học nhưng được sinh ra ở Vinh. Năm tuổi, mẹ mất. Để có người giúp đỡ con cái còn quá nhỏ nên ông cụ thân sinh Xuân Đài phải lấy vợ hai. Nhưng rồi gia đình sau đó anh em phân tán mỗi người làm ăn sinh sống một nơi suốt trong Nam, ngoài Bắc. Xuân Đài đang học phổ thông, tuổi mới 15, 16 nhưng vì gia đình khó khăn nên đã phải bỏ học tự kiếm sống, đi thanh niên xung phong bôn ba khắp Tây Bắc rồi lại Việt Bắc. Quăng quật lao động tận mãi trên mỏ apa tit- Lao Cai những năm 1955- 1956 lúc còn rất hoang vắng. Những chuyện này được ông kể lại rành rẽ trong “Tuổi thơ kiếm sống”và “ “Chuyện Cà kê “

Chúng tôi quen biết nhau đến nay tính ra cũng ngoài năm chục năm. Từ đầu những năm sáu mươi của thế kỉ trước. Ngày ấy, quãng năm 1961 - 62 Xuân Đài học lớp báo chí khoá đầu cùng với Trần Hoài Dương, Hoàng Quốc Hải, Bùi Bình Thi, Phan Thị Thanh Nhàn…hàng trăm học sinh, toàn những con người tuổi rất trẻ, yêu văn chương , trong trẻo, mộng mơ, sau khi tốt nghiệp ra trường đều trở thành nòng cốt tại các tờ báo còn hiếm hoi ngày ấy. Trần Hoài Dương về Tạp chí Học Tập, ( nay là Tạp chí Cộng Sản ) Hoàng Quốc Hải về báo Vùng Mỏ, Bùi Bình Thi về Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam…còn Xuân Đài được phân công về báo Việt Nam Độc lập, trên Thái Nguyên. Khi đó tôi đang công tác ở Sở Văn hoá khu tự trị Việt Bắc, hai cơ quan cách nhau chỉ mấy bước chân. Gặp gỡ rồi thân thiết, gắn bó. Cả sau này khi Xuân Đài chuyển về tạp chí Dân Tộc của Uỷ ban dân tộc trung ương rồi chuyển sang đài phát thanh tiếng nói Việt nam, sau chuyển vào Nam …đến tận những ngày này chúng tôi vẫn thường xuyên liên hệ.

Xuân Đài vốn là một người thẳng thắn, trực tính. Điều gì thấy không phải thường tỏ thái độ nên nhiều người e ngại, thậm chí không thích. Về hưu sớm nhưng lương hưu có hỏi mới biết, qúa thiệt thòi. Tính ra chỉ bằng một phần hai, phần ba so với những cán bộ cùng trang lứa. Càng quá ít so với các quân nhân, công an về hưu. Ông vào Sài Gòn sống cùng con cái. Những ngày này nơi thành phố luôn nhộn nhịp nhưng Xuân Đài lại đơn độc. Không may mắn trong những cuộc hôn nhân, ông dồn tình cảm vào cô con gái lớn, chỗ dựa tinh thần của ông. Nhưng người con ấy rồi cũng bỏ ông ra đi sau một cơn bạo bệnh.

Nhiều người hỏi lương ít vậy, làm sao sống ? Ông bảo, có lẽ thế hệ ông là thế hệ cam chiụ. Tổ chức người ta nói sao thì biết vậy, thắc mắc đâu có được. Hơn nữa, tôi biết bản tính ông tự trọng nên không thấy ông tỏ thắc mắc, cay cú hay bất mãn. Và để có thể tồn tại, tất nhiên phải tìm việc làm thêm. Ông quan niệm, việc gì ông cũng có thể cố gắng làm nếu đó là công việc lương thiện và phù hợp sức khoẻ. Bởi thế nên có thời gian ông làm thêm cả việc của một người chở xe ôm, thậm chí đạp xích lô. Nhưng là một tay xích lô không giống ai. Chỉ chuyên chở những người nghèo khó với mức giá rẻ không ngờ. Có lần đón một bà nhà quê từ ga Hà Nội đi tìm người nhà, chở mãi mới đến nơi, loay hoay mãi rồi bà đỏ mặt lúng túng nói không đủ tiền. Nhìn khuôn mặt thật thà, tội nghiệp của bà nhà quê, Xuân Đài chẳng những không lấy số tiền ít ỏi bà đưa mà ngược lại còn lục tìm trong túi lấy thêm tiền của mình đưa bà. Ông đạp xe đi xa rồi mà bà nhà quê còn ngẩn ngơ nhìn theo mãi.

Hồi làm báo ở Uỷ ban dân tộc may mắn người ta cho ông theo học tổng hợp sử, lại qua nhiều năm viết văn, làm báo nên khi nghỉ hưu bạn bè quen biết mới mời ông làm thỉnh giảng tại trường báo chí, phát thanh, truyền hình phía Nam. Nhiều học trò ông sau này ra trường, trở thành tiến sĩ, thạc sĩ nhưng họ vẫn nhớ, vẫn trọng tư cách và những bài giảng sâu sắc của ông. Khi ông không còn tham gia giảng dạy thì họ vẫn thường xuyên qua lại thăm hỏi. Lúc tuổi cao , không còn sức khoẻ làm việc nặng thì ông tập trung viết. Nào truyện ngắn, truyện dài, viết báo, viết kịch bản... Tôi biết Xuân Đài từng rất nổi tiếng với những bài báo, phóng sự, truyện kí…và là cây bút chủ lực ngay khi về tờ báo đảng của khu tự trị Việt Bắc với những bài báo nói về những đổi thay trên quê hương cách mạng. Ngày ấy những bài báo của ông được ông viết một cách hồn nhiên và chân thành. Rồi thời gian thường trú Lạng Sơn giúp ông có vốn sống và tư liệu để viết nên truyện dài “Tuổi nhỏ Hoàng Văn Thụ”, nói về một phần cuộc đời của nhà cách mạng kiệt xuất người dân tộc Tày. Cuốn truyện được xuất bản vào năm 1967. Cũng cần nói thêm, khi ấy nhà văn Tô Hoài cũng có tiểu thuyết về nội dung này nhưng sách của Xuân Đài vẫn được tái bản tới ba lần. Rất gần đây Xuân Đài còn có “Tuổi thơ kiếm sống” cũng có số lượng xuất bản khá ấn tượng, 24.184 cuốn cho lần in đầu.

Xuân Đài bước vào con đường văn chương là từ thơ. Ông làm thơ không nhiều nhưng đầy tâm trạng. Từ những năm 1960 – 1970 ông đã có thơ in chung tập với các nhà thơ như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận…Ông có tập thơ riêng mang tên “ Tạ Tội “ từ nhà xuất bản Hội nhà văn năm 1991, nhiều bài ấn tượng, tôi ám ảnh đến những câu thơ in nơi trang bìa

Kỉ niệm vui

Nhớ lại để mà buồn

Kỉ niệm buồn

Nhớ lại để mà đau

Nỗi đau đang đau

Chưa thành kỉ niệm

Chẳng nuối tiếc những gì đã mất

Chỉ xót xa sự trong sạch bị vấy bùn.

Nhưng sau này ông chuyên tâm vào văn xuôi, và dấu ấn lại là truyện ngắn. Trong mấy năm ông đã xuất bản hai tập truyện ngắn có tên là :” Ba người trong hẻm Đuôi Voi “và “Hai người đàn ông và một người đàn bà ở phố Hàng Đào”. Đây là những tập truyện ngắn mang phong cách riêng khó lẫn của Xuân Đài. Có truyện được nhà xuất bản bên Pháp dịch và in lại. Trong tất cả các truyện ngắn của mình, Xuân Đài nhất quán một phong cách, không né tránh những thân phận nghiệt ngã của con người và những vấn đề nhức nhối còn đang diễn ra trong xã hội, đặc biệt là những phận người sau cuộc chiến mà không ít người viết ngần ngại không dám đề cập nói ra, sợ đụng chạm. Ngòi bút của ông như đã dám đi đến tận cùng mọi ngóc ngách thân phận mà thường là không mấy bình an. Bây giờ người ta luôn nói đến những vấn đề lớn lao mà thường quên mất rằng , cái cốt lõi của sự lớn lao đó chính là sự tử tế cần phải có nơi mỗi con người. Xuân Đài không nói vấn đề gì to tát mà thường chỉ đề cập tới số phận của những con người. Đáng nói, cả khi viết về những nhân vật dù đang ở dưới đáy cuộc sống thì tác giả vẫn muốn hướng người đọc thêm niềm tin vào lòng tốt có trong mỗi con người. Mặc dù bản thân không ít lần chính nhà văn từng băn khuăn: Bây giờ hình như lòng tốt của con người trong xã hội như đã rơi rụng đi nhiều ? Có vẻ ông thái quá ? Nhưng những người quen biết Xuân Đài thường có chung nhận xét, bản thân ông cũng đã là một nhân cách nên ông có quyền nói đến những vấn đề ấy một cách mạnh mẽ và trực tiếp.

Chợt nhớ đến một lần trên truyền hình phát chương trình “Lục lạc vàng “ tôi hơi bất ngờ khi thấy xướng tên nhà văn Lê Xuân Đài là người đã tặng bà con nông dân nghèo ở địa chỉ thuộc xã Xuân Thành, huyện Yên Thành- Nghệ An một đôi bò giống nhằm góp phần giúp bà con có phương tiện sản xuất. Cũng đâu ít, cả mấy chục triệu đồng. Số tiền là nhỏ, thậm chí là rất nhỏ so với tài sản của những đại gia, hay của những cô gái trời cho đôi chân có dài hơn bình thường, hoặc nhiều quan chức… nhưng tôi biết Xuân Đài nghèo, tuổi cao rồi, lương hưu như thế , sức khoẻ yếu, bệnh tật, nhất là tiền sử tim mạch đòi hỏi tốn kém thuốc thang. Tôi thắc mắc, ông cũng không dư dả gì sao không biết dành tiền lo tuổi già. Hay ông muốn nổi tiếng ? Đến đây thì Xuân Đài bỗng nổi nóng, tìm điện thoại rồi to tiếng với ai đó. Thì ra là gọi cho cô phóng viên, học trò cũ của ông hiện đang làm ở đài truyền hình. Lại một lần nữa cô học trò chịu trận cơn bực bội của thầy. Cô biết mình sai vì khi đưa tiền ông đã rất cẩn thận dặn đi dặn lại không được nêu tên vậy mà cô không theo yêu cầu của ông, chỉ vì cô không muốn người thầy không giống ai của mình “ áo gấm đi đêm”. Nên khi tôi hỏi, vô tình thôi nhưng một lần nữa ông lại bức xúc. Làm việc thiện mà cốt chỉ đánh bóng tên tuổi hay nhằm quảng cáo thương hiệu buôn bán của mình thì chỉ là một trò lố bịch. Ông thì không cần điều đó. Ích gì với ông? Chẳng qua, theo ông, tuy mình nghèo, nhưng dù sao vẫn còn có chút ít lương hưu ít ỏi hàng tháng. Một đất nước vẫn phần lớn là nông nghiệp, bản thân gia đình ông cũng ở nông thôn nên ông biết bà con nông dân đến tận những ngày này vẫn còn rất nhiều người sống dưới mức nghèo khó. Muốn thoát nghèo, dựa vào đâu. Tất nhiên sự giúp đỡ của ông, dù với hoàn cảnh của ông số tiền là lớn, và đã phải chắt bóp dành dụm phòng khi có việc nhưng sẽ chỉ như cát bỏ biển nếu như cả cộng đồng mặc ai nấy sống mà không nhìn về đồng loại.

Cái không giống ai của Xuân Đài còn ở việc này. Từng đến như hầu khắp những nơi ông trú ngụ, khi nhà rộng khi chỉ là một gian nhỏ nhưng thường bao giờ tôi cũng thấy trên bàn thờ, bên cạnh chân dung những người ruột thịt đã qua đời là tấm hình của nhà văn hoá Nguyễn Hữu Đang, nhà thơ Phùng Cung, nhà thơ Phùng Quán, nhà thơ Tuân Nguyễn. ( Sau này còn có ảnh của chị Bội Trâm, vợ Phùng Quán ). Việc làm của Xuân Đài khiến không chỉ tôi mà còn của nhiều người mỗi khi đến chơi thăm ông đều rất ngạc nhiên. Tôi hiểu, trong tâm linh người Việt thì việc thờ cúng một ai đó là một điều gì rất đỗi thiêng liêng. Việc trên bàn thờ của ông có thêm cả những người không họ tộc, đặc biệt lại là những người từng vướng mắc oan sai lâm vòng lao lí xôn sao một thời mà đã khiến nhiều người dù từng quen biết, thậm chí thân thiết những tên tuổi này nhưng khi họ bị tù đầy, dù chẳng rõ cụ thể lí do nhưng khôn ngoan né tránh, thì việc làm của Xuân Đài như vậy thì hẳn có lí do.. Thắc mắc được ông đơn giản giải thích:- Đây là những người bạn thân thiết, những người bạn vong niên từ những ngày tất cả còn khốn khó ở Hà Nội, nhưng đó là những nhân cách hiếm hoi rất đáng trân trọng. Tôi không rõ lắm về quan hệ giữa những người được Xuân Đài thờ phụng nhưng luôn nghĩ, giữa họ đã phải có mối quan hệ gắn bó khá sâu nặng. Rất may gần đây được đọc tập tạp văn “Chuyện Cà Kê “ củả ông, được ông đã trải tấm lòng mình về trường hợp mỗi người rất cụ thể trong từng bài viết:“ Ngây thơ Nguyễn Hữu Đang”, “ Tình bạn giữa hai nhà thơ họ Phùng ( Phùng Quán và Phùng Cung ), “ Nhớ Tuân Nguyễn “, “ Phùng Quán còn đây “ thì tôi mới vỡ ra là Xuân Đài vì yêu quí, vì trọng nhân cách và cả trong tài năng trong mỗi con người ấy, những nhiều ít bất hạnh mà trong họ đã từng gặp trong cuộc đời nên gắn bó. Bởi vậy Xuân Đài đã không ngại phiền lụy, đã không chỉ giúp đỡ bằng hết khả năng trong những ngày họ bị giam cầm và cả sau khi ra tù, đã từng phải sống những ngày hết sức cùng cực. Trong những tháng ngày nghiệt ngã ấy, con người thường dễ ngã lòng, khó giữ được mình. Vậy mà họ trước sau vẫn giữ cho mình nguyên bản chất, nguyên nhân cách, để nhiều người quen biết sau này vẫn luôn luôn nhắc mãi

Chính từ những việc làm như vậy của Xuân Đài đã khiến tôi thêm hiểu ông, nể trọng ông bởi tuy đơn giản nhưng không dễ mấy ai có thể làm, nhất là khi những tài danh được ông thờ phụng khi ấy còn chưa được phục hồi lại ở trong hoàn cảnh nghiệt ngã của một thời.

Khi trang trọng đặt di ảnh của những người đã khuất kia lên bàn thờ gia tiên, (thậm chí còn có cả tấm chứng minh thư của Tuân Nguyễn mà trước khi mất Nguyễn đã gửi lại ông) phải chăng nhà văn Xuân Đài đã đặt niềm tin vào các giá trị người, những giá trị- mà nói như nhà văn Trần Thuỳ Mai khi nhận xét về những giá trị tư tưởng được đặt ra trong những truyện ngắn của ông - Đó là những giá trị không thể bị vùi lấp vì đói nghèo, lầm lạc, ngộ nhận. Đó là niềm tin vào con người Việt Nam, niềm tin ấy như ngọn lửa ấm áp soi sáng trên những phối cảnh của một thời chưa xa lắm…
Ảnh: Nhà văn Xuân Đài