Bộ môn lịch sử cung cấp cho chúng ta những hiểu biết cơ bản về giống nòi, về những gì tổ tiên ta đã làm để chúng ta có đất nước ngày hôm nay, trong đó không ít các giá trị đã được làm bằng máu. Tôi đồng ý với ý kiến khi cho rằng, loại bỏ bộ môn lịch sử ra khỏi chương trình dạy chính thức của nhà trường phổ thông là có tội với tổ tiên, có tội với giống nòi. Vì thế, tôi rất vui mừng khi chiều nay ( 27/11) trong phiên bế mạc kì họp của Quốc hội, bộ môn lịch sử đã được Quốc hội “lệnh” cho ngành giáo dục là phải “ tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.”
Sở dĩ nhiều năm qua, học sinh chán học môn sử, trước hết là tại sách giáo khoa. Chúng ta đã tước bỏ nhiều giá trị của nó với tư cách là một bộ môn khoa học với sự khám phá không ngừng các giá trị mới mẻ của cái vĩnh cửu. Chúng ta đã nói cái mình muốn, thay thế cho tiếng nói cất lên từ bản chất mà nó có… Nếu theo dõi có hệ thống các chương trình lịch sử qua các lớp học phổ thông, chúng ta sẽ thấy rất rõ một điều: Đó chỉ còn là một chuỗi các khái niệm với các con số, dù các khái niệm và các con số đó là có giá trị. Nhưng lịch sử không phải chỉ là những khái niệm và các con số… Về đề thi, hầu hết các câu hỏi trong đề chỉ dồn vào phần hiện đại, làm cho học sinh qua các thời kì, thấy quá khứ “bốn ngàn năm văn hiến” thực chất chả quan trọng gì. Vì thế các em chỉ học qua quít, rồi bỏ hẳn không ôn tập, nên có em vẫn tưởng ông Nguyễn Huệ không phải là vua Quang Trung. Tôi nhớ có lần nhà văn Lê Lựu, Trần Đăng Khoa và tôi, được VTV3 giao cho làm một phim về Lệ chi viên, tôi viết lời bình. Chúng tôi đến nơi xảy ra vụ án đau lòng năm 1442 của anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, và tôi hỏi trong dân gian ở đây còn lưu lại chuyện gì về vua Lê Thái Tông và bà Nguyễn Thị Lộ hay không, thì được một nhà “thông thái” địa phương trả lời: “Ôi, cái việc ấy của ông Lê Lợi, tôi còn lạ gì. Ông ta đánh giặc ở Hà Giang, lấy Hai bà Trưng rồi đưa về đây”… Nhà văn Lê Lựu đang hút thuốc lào, cười sặc sụa, nước điếu và sái thuốc bắn lung tung… Trong phim chiếu lên, câu nói ấy đạo diễn đã xóa đi, chỉ còn cái cười như phát rồ của nhà văn Lê Lựu mà người xem truyền hình không hiểu vì cái gì…
Tôi rất hoan nghênh Bộ giáo dục đã cho soạn lại sách giáo khoa. Và Quốc hội yêu cầu soạn mới sách giáo khoa lịch sử. Để học sinh yêu thích môn học này, chúng ta phải làm sao cho nó có được sự hấp dẫn người học, như nó vốn có. Người học thích thú say mê nó như hàng triệu người Việt Nam hiện nay, ở đủ các lứa tuổi, vẫn thích đọc Tam Quốc chí diễn nghĩa, Đông Chu liệt quốc, hay phần Cựu ước trong Kinh Thánh…hoặc tương tự là các tiểu thuyết lịch sử trong văn học Trung Hoa. Tất nhiên sách giáo khoa không phải là Truyện hay Kinh. Nhưng nó vẫn có đời sống, có các chi tiết sinh động và lí thú, có các câu chuyện mà người ta tin là thực, hàm chứa các giá trị sâu sắc về đạo lí và nghĩa cả ở đời, càng ngẫm nghĩ càng thấy hay… những điều mà sử hiện đại của ta, hầu như đã loại bỏ khỏi sách học… Sau đó là thay đổi cách truyền dạy, không phải chỉ dạy kiến thức lịch sử mà là truyền dạy cái hào khí, cái hồn vía của cha ông, cái giá trị cốt lõi đã làm cho đất nước này trường tồn. Và cuối cùng, rất quan trọng là mở ra các cánh cửa cho học sinh, để các em chủ động, tự tìm tòi, tự khám phá, tự nhận chân các giá trị, bằng việc đi điền dã các di tích và danh thắng lịch sử và tập nghiên cứu độc lập một cách nghiêm túc, qua hệ thống sách vở. Tôi có cảm giác là cả 3 cách đó, hiện nay ngành giáo dục của ta hình như không chịu làm, nên đã chọn cách tốt nhất, rất khôn ngoan, là né tránh nó, đẩy nó thành một mảng phụ họa cho các chương trình khác có liên quan, thực chất là loại bỏ nó. Tôi rất thích phiên điều hành chất vấn bộ trưởng giáo dục của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tại Hội trường Quốc hội, khi ông ngắt lời bộ trưởng giáo dục mà hỏi ngay rằng, vậy có bỏ môn lịch sử hay không? Nói cho rõ điều này chứ đừng nói “tích hợp” với “tích hợp”?...
Nhân việc Quốc hội yêu cầu sọan lại sách giáo khoa lịch sử, tôi xin nói thêm. Ở Quảng Ninh, tôi đã từng dạy văn và sử 7 năm trong trường phổ thông . Phần giành riêng cho địa phương, sở giáo dục đã soạn thành Phụ lục, có phần văn học riêng và phần lịch sử riêng. Tôi rất hoan nghênh điều đó. Phần sử hiện đại thì rất có giá trị, vì chúng ta có lịch sử đấu tranh của công nhân mỏ, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Còn phần về lịch sử thời Trần thì rất tiếc là có những sai sót mà tôi đã viết bài góp ý trên báo. Tôi nghĩ là nên sửa cho đúng hơn và việc sửa cũng rất dễ, chỉ cần cắt bớt cái phần do ta gán vào mà thôi, dù là khi giảng bài hay khi liên hệ với thực tế. Chỉ xin nêu vài ví dụ về liên hệ thực tế, bổ sung cho lịch sử quốc gia: ví như “hai cây lim giếng rừng” ở Quảng Yên, không phải là hai cây lim 700 năm, có từ thời đánh giặc Nguyên của cụ Trần Hưng Đạo ( nếu là lim thì lá nó không ngủ đêm và người Pháp đã không cho đào giếng cạnh gốc để lấy nước uống – chưa kể căn cứ khoa học khác), mà thực ra là hai cây muỗng do Pháp mang sang trồng khoảng từ sau năm 1883, năm chúng đánh chiếm vùng này; ví như Vân Đồn Phó tướng, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư không thể tham gia đánh giặc Nguyên lần thứ nhất năm 1258, vì cụ mất năm 1339, mà như thế, cụ phải sống đến khoảng 100 tuổi; ví như đất Hòn Gai hiện nay không phải là đất phong cho Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai trưởng của Trần Hưng Đạo từ thời Trần và ông được thờ ở đây mới từ năm 1913, do 10 hộ chủ thuyền Băc Ninh xây “trong một ngày”, vì Vạn Kiếp, nơi đóng quân xưa của ông vốn thuộc phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Và dĩ nhiên Trần Quốc Nghiễn cũng không mất ở đây; ví như Hưng Nhượng đại vương Trần Quốc Tảng, em Trần Quốc Nghiễn mới được thờ ở đền Cưả Ông năm 1916, trước đó, nơi này thờ một người dân tộc thiểu số ở xã Hải Lạng, châu Tiên Yên là Hoàng Cần, có công đánh “ bọn giặc răng trắng môi vàng, quấy nhiễu, cướp bóc dân châu ”… Và đền mới này do vợ quan chủ mỏ Pháp, bà này người Việt, quê ở Hà Đông, xây khoảng năm 1910, không phải có từ thời Trần. Và Trần Quốc Tảng cũng không đóng quân ở đây ( Cửa Ông) không từ đây đánh ngược nước ở ngoài hàng cọc vào trận Bạch Đằng, năm 1288, ông cũng không mất ở đây, nơi có lăng mộ ông ngày đêm nghi ngút hương khói… Và phường Cẩm Phú Cẩm Phả lại càng không phải là thôn Trắc Châu huyện Thanh Lâm, nay thuộc TP Hải Dương, nơi mà theo truyền thuyết, Trần Quốc Tảng đã về thăm “nơi đóng quân cũ” và đã chết ở Trắc Châu trên cái phiến đá, mà cái phiến đá đó đã tìm thấy ở Hải Dương… Thày và trò làm sao có thể tin được vào những gán ghép đó. Vậy thì còn gì hứng thú để mà dạy, để mà học. Tất nhiên truyền thuyết cũng không phải là lịch sử. Không cần gán thêm vào những thứ đó, các danh nhân vẫn đủ những giá trị cao cả để tự tỏa sáng và chúng ta có vinh dự được học, được thờ phụng…
Lòng yêu nước khởi nguồn từ lòng yêu quê hương, sự gắn bó sâu sắc với gia đình và xã hội, sự trân trọng các giá trị đạo lí như ngọn lửa ấm truyền đời trong các thế hệ của gia đình. Cho nên không học môn lịch sử vẫn yêu nước. Nhưng học bộ môn này sẽ truyền cho ta hệ thống các kiến thức, như phù sa bồi đắp lên các cánh đồng của tâm hồn, để ta làm người có chiều sâu văn hóa cội nguồn dân tộc, để ta có khí phách và bản lĩnh hơn khi làm trách nhiệm công dân của mình khi mình thực hiện nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc.
Và như thế, việc Quốc hội trả lại bộ môn lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới, quả thực là một quyết định đúng đắn và sáng suốt.