Khi chiến tranh qua đi, bao giờ cũng để lại sự tàn phá kinh hoàng khủng khiếp. Đã đành, con người có đủ tiềm lực xây dựng lại các thành phố huy hoàng lộng lẫy từ những đổ nát hoang tàn. Rồi cuộc sống yên bình theo dòng thời gian cũng sẽ dần dần trở lại với những vùng đất đó. Nhưng nỗi đau về tinh thần, sẽ còn đọng lại mãi trong tâm trí những người lính còn tồn tại sau ngày chiến tranh chấm dứt. Có người bị nó ám ảnh, bám theo dai dẳng trong suốt cả quãng đời còn lại. Phải chăng vì thế, mà tất cả những người lính dù đứng ở phía nào trong cuộc chiến cũng: “...đều muốn đi tìm sự bằng an cho tâm hồn mình...” khi chiến tranh kết thúc. Và cũng phải chăng, đó là vấn đề chính mà tác giả Trần Ngọc Dương muốn đề cập tới trong cuốn tiểu thuyết: Ngôi nhà có giàn hoa giấy? Cuốn tiểu thuyết mới được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho ra mắt bạn đọc vào qúi 3 năm 2015.
Vẫn biết con người trở nên vô cùng nhỏ nhoi trước sự tàn khốc của các cuộc chiến. Cái gía mà họ phải trả cho mỗi chiến thắng chính là sinh mạng của mình. Nhưng con số được tiểu đoàn trưởng Sáu Bình công bố khiến cho tôi phải sững sờ: “... Kể từ ngày đồng khởi đến nay, theo danh sách bị tử thương bên quân lực đang lưu giữ, chúng ta có thể thành lập được hai mươi bốn tiểu đoàn như hiện nay...” Đấy là mới tính đến thời điểm chuẩn bị bước vào: Mùa hè rực lửa năm 1972. Tôi thầm tính: Nếu ta lấy quân số biên chế đầy đủ cho một tiểu đoàn trực thuộc là 500 người mà nhân với 24, sẽ được 12000 người - một con số không hề nhỏ.
Những địa danh trong cuốn tiểu thuyết khiến cho người đọc phải bàng hoàng: “...Cái tên Suối Đầu Lâu được mọi người truyền khẩu thành tên...” Vì ở tại con suối nhỏ có dòng nước trong veo mà những người lính giải phóng đã uống no trong lúc dừng chân hồi đêm có đến: “...hơn chục cái xương đầu lâu người, bị lũ cuốn từ đâu về dạt vào dập dờn thành đám cạnh bãi cát ven suối...” Đấy là quang cảnh dòng suối họ thấy vào lúc ban mai giữa rừng.
Trước sự khốc liệt của chiến tranh, người lính như Minh “...không sao nhớ nổi mình đã băng bó, chôn cất cho bao nhiêu đồng đội. Việc tiếp xúc với các loại xác chết cũng trở nên quá quen thuộc...” Vậy mà anh vẫn không sao quên được, khi phải mai táng hai lần cho tử thi của người lính lái máy bay trực thăng ở phía bên kia chiến tuyến.
Khi mang nộp lên trên cái túi bay với số tài liệu của người phi công theo qui định, Minh có giữ cho riêng mình chiếc bút bi và quyển sổ tay còn trắng tinh. Và vô tình anh đã lưu lại tấm ảnh của một cô gái đứng trước ngôi nhà có giàn hoa giấy được kẹp trong quyển sổ.
Chiến tranh chấm dứt: “...Minh ngỡ ngàng ngạc nhiên khi thấy mình còn sống...” Rồi đơn vị của anh được cử về làm nhiệm vụ quân quản ở một địa bàn trên thành phố Sài Gòn. Minh đã không khỏi sững sờ khi nhận ra Út Mai, nguyên mẫu của tấm ảnh mình vô tình lưu giữ.
Theo nguyện vọng của gia đình Út Mai, Minh đã giấu đơn vị đưa gia đình cô lên vị trí chôn cất người thân của họ. Cái giá mà Minh phải trả cho việc mình đã làm là phạm vào lỗi: “ ... Trốn đơn vị, trực tiếp tham gia đi tìm hài cốt của lính Ngụy Sài Gòn ngay trong những ngày đầu tiên làm nhiệm vụ quân quản. Trong khi bản thân biết rõ: Anh em Liệt sĩ của ta nằm ở khắp mọi nơi còn chưa được qui tập...” và Minh buộc phải ra quân. Đấy là những người chỉ huy của đơn vị đã nương tay, nhân nhượng khi xét hình thức kỷ luật Minh. Với tội chồng tội, Minh không còn con đường thoái lui, đành phải chấp nhận cách giải quyết của đơn vị.
Ngày ấy, con đường trở về quê mẹ của những người lính miền Bắc rất đa dạng. Người được đi an dưỡng ngay khi ra viện như Hà. Kẻ bị bắt buộc như Minh và người được trở về quê mẹ bằng cách thức rất đặc biệt là Hòa. Còn miền Bắc đón tiếp họ cũng khác với ngày xưa. Các cuộc kiểm tra quân tư trang tỉ mỉ nghiêm ngặt được thực hiện. Đoàn của Minh cũng không ngoài thông lệ trên. Nhưng khi Hà buộc phải cởi cái gói vải dù theo yêu cầu: “Tất cả mọi người có mặt ồ lên kinh ngạc. Một bộ xương người được xếp ngay ngắn trong mảnh dù hoa, chiếc xương sọ nhìn chằm chặp vào đám đông bằng hai hốc mắt sâu thẳm.”
Cách sử sự của ông Tuyên - Thủ trưởng đoàn an dưỡng - làm những người lính ấm lòng. Mặc dù họ đang trải qua cái rét tệ hại năm 1975 với những bộ quần áo phong phanh, chỉ phù hợp với cái nóng trong miền Nam. Mặc dù họ vừa phải khiêng đồng đội đi cấp cứu hồi đêm, cái đêm NôEn đặc biệt sau ngày thống nhất vì không chịu được rét. Và mặc dù những người lính đã được người dân địa phương san sẻ cho những bộ đồ ít ỏi. Người dân: “... Dỡ cả cánh cổng nhà thờ họ, cửa đình làng làm củi cho bộ đội đốt lửa sưởi...” Người dân miền Bắc giầu có gì cho cam! Họ phải dồn hết sức người và của cải cho chiến trường miền Nam. Người ở lại sống trong thiếu thốn trăm bề. Hàng hóa tiêu dùng không có, phải phân phối từ cái kim, sợi chỉ, sự đói rách luôn luôn bám theo họ: “...Cái chăn mà Minh khoắc trên người, được tạo nên bởi nhưng mảnh vải vụn đủ mầu, có nhiều mảnh chỉ to bằng hai đầu ngón tay...”
Hà, Minh và một người lính nữa được cử đi công tác đặc biệt: Đưa hài cốt của Hòa về quê. Nhân dân luôn nhớ tới những người lính còn sống và không bao giờ lãng quên những ai đã mất.
Tưởng như khi về với cuộc sống đời thường, những người lính bước ra từ chiến tranh sớm tìm được cuộc sống yên bình. Nhưng con đường của số phận chẳng ai giống ai. Còn đối với những Thương binh, thì hầu như nó đều có chung một điểm: “...họ rất khó xin việc. Một phần do anh em bộ đội về quá đông, phần khác do không biết nghề ngỗng gì. Và cũng có Công ty ngại tuyển Thương binh, họ lo anh em không đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ được phân công...” Những tưởng số phận mỉm cười với Minh, khi anh được đi làm theo tiêu chuẩn: “Cha mẹ về hưu con thế chỗ.” Thời gian này anh cũng đã nên duyên chồng vợ với Hoa - một chiến sĩ quân y thuộc lực lượng Biên phòng của tỉnh - cô em của Hòa, người liệt sĩ được Minh và Hà mang hài cốt từ trong Nam ra.
Trong phạm vi bài viết này, tôi không dám bàn nhiều về cái dở, điều hay của cuốn tiểu thuyết Ngôi nhà có giàn hoa giấy. Cũng không hề biết người khác có suy nghĩ gì khi đọc nó? Còn với tôi, tôi cảm nhận được những dòng máu nóng hổi đang chẩy trong cơ thể của từng nhân vật. Và tôi đã lo âu, hồi hộp, run rẩy, nức nở rồi căm giận cùng họ qua từng trang sách.
Không lo âu hồi hộp sao được, khi thấy Hoa bị lũ lính Trung Quốc (là bạn cũ) dí súng vào lưng, bắt phải dẫn đường đi qua bãi mìn:
“...Hoa đi bằng những bước chân vô định. Cô hỏi mình, rồi lại tự tìm câu trả lời. Những ý nghĩ trào dâng như ngọn núi lửa sắp phun trào, Hoa muốn kìm nén nó lại. Nhưng làm sao mà cô hãm được dòng dung nham hỗn mang đang cuồn cuộn chảy...”
Rồi cô ngẩng mặt nhìn trời: “Đã sáng rồi, mặt người đã tỏ, sao trận địa phía bên ta chẳng thấy có động tĩnh gì vậy?”
Hoa bình tâm suy tính: “Tôi phải làm sao báo được cho mọi người biết quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc xâm lăng này đây? Chỉ còn tám bước chân nữa là tới chỗ an toàn.”
Hoa đưa tay đặt lên bụng, nhè nhẹ xoa: “Sao lại làm mẹ đau! Mẹ của con có thể là một người mẹ không tốt, vì chẳng biết cách bảo vệ an toàn cho con. Con ơi! Với con, mẹ có thể là người nhẫn tâm? Là kẻ bất nhân? Nhưng mẹ không thể nào bất nghĩa với cuộc đời này được!”
Làn gió ban mai vuốt nhẹ mái tóc Hoa, cô thầm thì “Gió ơi! Hãy đưa những lời này tới chỗ bố mẹ hộ tôi - Bố mẹ ơi! Con có lỗi với bố mẹ nhiều lắm. Con có thể bất hiếu với bố mẹ, nhưng không thể bất trung với tổ quốc được!”
Dòng suy nghĩ đưa Hoa trở lại với người chồng yêu quí: “Anh Minh, em yêu anh nhiều lắm! Yêu đến nỗi trong cuộc đời này, không có gì sánh nổi. Nhưng mà một đứa ngố như em, đứa chưa hề yêu bao giờ, thì biết lấy cái chi để mà so sánh đây?”
Nhìn về phía chốt của quân ta Hoa cầu mong: “... Mọi người hãy nổ súng mau đi. Với khoảng cách này mà bắn sẽ có hiệu quả nhất đấy. Mọi người nghĩ gì mà vẫn im lặng vậy. Nổ súng mau đi. Tôi cầu xin mọi người, hãy nổ súng mau đi kẻo muộn.”
Hoa ôm bụng: “Đừng đạp mẹ nữa con ơi! Đừng làm mẹ rối lòng, mất tập trung mà không đưa ra được quyết định đúng đắn. Con ơi! Chỉ cần một nửa bàn chân nữa là mẹ con mình tới nơi an toàn. Và cũng chỉ cần có nửa bàn chân lệch sang bên, là mẹ con mình sẽ chạm vào quả mìn lệnh do bố mẹ cùng gài. Nhưng xin lỗi con, mẹ không thể bước thẳng để đến nơi an toàn được rồi! Không còn cách nào khác, mẹ phải chọn phương án báo động cuối cùng này. Đành phải vậy thôi! Cuộc đời ơi! Mẹ con tôi xin vĩnh biệt người! Xin mọi người tha lỗi cho tôi!”
Rồi cô co chân, đạp thẳng vào quả mìn cuối cùng - quả mìn lệnh có công suất lớn nhất trong bãi mìn - do vợ chồng cô cùng gài.
Tôi không kìm được lòng mình, đã bật thành tiếng nức nở khi đọc đoạn văn trên.
Cũng không biết có phải do tôi đa cảm hay không, mà rất nhiều chi tiết khiến tôi không giữ được bình tâm khi đọc. Một bà mẹ ở miền Bắc đi tìm hài cốt của con ở chiến trường miền Nam. Mặc dù đã được đồng đội của con, người đã an táng trực tiếp lúc con mình hy sinh, dẫn tới tận nơi. Vậy mà bộ hài cốt khi khai quật lại là một người lính ngụy. Trong khi mọi người căn vặn lý do đúng sai, thì tiếng của người mẹ liệt sĩ vang lên: “...Là ai cũng không thể để xương cốt của họ nằm trơ ra giữa thanh thiên bạch nhật như thế kia được!” Vừa nói, bà vừa tháo cái khăn mỏ quạ đang đội trên đầu, bước đến che nắng cho bộ hài cốt.
Không căm giận sao được khi những người là bạn nay trở mặt thành kẻ thù hiểm ác. Phải chăng, sự nham hiểm của bọn Bành trướng Trung Quốc được tính toán kỹ càng từ lâu. Ngày 30/4/1975 chúng đã cho: “...người Hoa ở Chợ Lớn cắm cờ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn...” Còn các bức tường nhà nằm dọc đường biên dày hàng mét đều đươc trổ các lỗ thông gió giống hệt như những “lỗ châu mai”. Mà đường biên ấy luôn luôn được họ rêu rao: “Biên giơí hòa bình hữu nghị.” Sự độc ác được nâng đến tột cùng, khi quân Trung Quốc đánh tràn vào một đoàn địa chất, bắt được một số người dong đi. Có cô gái bị thương vào chân không đi được, chúng đã mang trói cô vào rừng vì sợ: “...cô sẽ thông báo tin tức cho bộ đội của ta khi gặp...” Nhưng chúng lại: “...thi nhau gài lựu đạn xung quanh với ý định: Quả thứ nhất sẽ phát nổ khi có người đến cứu. Còn nếu như đối phương gỡ được quả lựu đạn đầu tiên sẽ chủ quan, chẳng hề để ý gì đến cái bẫy thứ hai. Chắc chắn chùm lựu đạn giấu đàng sau cô gái, sẽ phát nổ...”
Sự độc ác tàn bạo của những con người có một thời là bạn khiến ta không khỏi bàng hoàng, thẫn thờ. Niềm tin yêu vào cuộc sống, vào những điều cao đẹp của con người trong mỗi chúng ta ngày ấy đã không còn nguyên vẹn!
Phải chăng trong chiến tranh, những người lính ở hai phía chiến tuyến, bắn vào nhau là chuyện bình thường. Càng giết được nhiều đối phương càng tốt? Phải chăng họ đã quá quen với cảnh đổ máu, nên tâm hồn của họ dễ trở thành chai sạn, sẵn sàng làm những điều ác.
“...Nhưng nhằm bắn vào tù binh, thương binh, giết chết dân thường lại là tội ác. Nó sẽ trở thành vô cùng man rợ, không thể nào tha thứ được, nếu như kẻ đó lại tìm đủ mọi cách ngăn cản, giết chết ai đó đến giúp đỡ, cứu chữa cho những nạn nhân vô tội. Để rồi sau này, khi chiến tranh qua đi, cho dù họ cố biện minh thế nào cho hành động của mình. Thì họ mãi mãi: Cũng chỉ là những tội nhân thiên cổ! Vì họ đã phạm vào tội ác kinh khủng nhất của nhân loại: Tội ác chiến tranh, chống lại loài người...”
Những người lính Nhật, lính Pháp, rồi tới lính Mỹ đã lần lượt trở lại Việt Nam. Mặc dù có một thời gian họ là kẻ thù, nhưng bây giờ chúng ta gọi họ là bạn... “Người bạn lớn ngày xưa bây giờ vẫn là bạn, lại khiến chúng ta luôn luôn phải bận tâm, lo lắng đề phòng...”
Những người lính Trung Cộng khi kéo về nước đã: “...lùa theo cả con trâu bị đứt mũi...” Có người còn để lại bà mẹ bị mù vì sợ: “... bà sẽ trở thành vật vướng chân, thành gánh năng trong chặng đường kế tiếp...”
Còn những người lính Sài Gòn như Hoàng đã sát cánh chiến đấu bảo vệ tổ quốc trong đội hình của những người lính cộng sản lại run rẩy: “...trao cho bả túi gạo...” mặc dù đang phải nhịn đói ăn bo bo luộc thay cơm. Rồi nức nở khi bị bà mẹ gìa mù người Hoa ấy: “...túm chặt bàn tay, rồi ôm chầm lấy, đưa tay rờ lên mặt cất tiếng khóc gọi: Con ơi!” Khi chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc. Bị thương trong chiến đấu, nhưng Hoàng không được xếp hạng thương tật, mà chỉ có được tờ giấy chứng nhận được ghi nội dung: “Hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc trong chiến dịch bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia...” nhưng thiếu mất hai từ nói về địa danh: Phía Bắc.
Vậy mà, tôi chẳng hiểu sao Hoàng lại để má mình ở lại một mình nơi quê nhà? Phải chăng Hoàng ra đi vì bị o ép đến tận cùng? Khi đi thì: “...trốn chui, trốn lủi như một tội nhân. Còn ngày về, có biểu ngữ căng đón chào. Được lãnh đạo gặp tặng hoa. Được gọi là Việt kiều yêu nước...”
Và câu hỏi: “Tại sao trong trận chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược. Hai người lính cùng bị hy sinh. Người lính Cộng Sản được tôn vinh là liệt sĩ. Còn người lính Cộng Hòa thì gọi là chi đây???” Ai đó hãy làm ơn cho tôi câu trả lời.
Người lính Mĩ như Thượng sĩ Giêm quay trở lại Việt Nam vì thấy mắc nợ con người và mảnh đất nơi đây. Giêm muốn thực hiện tâm nguyện: “... Xây một bệnh viện từ thiện...”
Người lính Trung Quốc trở lại Việt Nam: “...bán những thứ hàng nhì nhằng, rồi lần mua những thứ mà họ cần... Có lúc săn lùng mua gom các mặt hàng lạ lùng như lá điều khô, chè bẩn, rễ cây cau, móng chân con trâu và các sinh vật ghê sợ như loài đỉa...”
Còn người Việt chúng ta, cái hố ngăn cách vẫn còn, chẳng chịu san lấp. Dân tộc hòa hợp sao được khi: “...một gia đình còn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc thờ cúng những người thân đã mất trong chiến tranh...” Chiến tranh kết thúc, bao giờ người mẹ cũng là những người đau đớn nhất. Nhiều gia đình nằm trong hoàn cảnh: “...đứa theo giải phóng, thằng đi lính Sài Gòn...” Chúng chết, để lại cho mẹ mình nỗi buồn mênh mông.
Chúng ta nói gì khi đứng trước bàn thờ của nhà bà Năm? Cái ban thờ bằng gỗ được kê lên hai viên gạch có ba bát hương: Bát để giữa thờ chồng hy sinh hồi đồng khởi, kề bên của đứa con là Liệt sĩ bị mất ngoài nhà tù Phú Quốc, bát hương còn lại của thằng Ba khoắc áo lính Cộng Hòa bị mất xác trong trận Hải chiến ngoài Hoàng Sa năm 1974 vào ngày Trung Cộng đánh chiếm đảo. Bà Năm đã “hòa hợp” cho mấy bố con bằng cách dồn tất cả về một bát hương để thờ chung.
Và tôi đã khóc cùng Minh: “...Xin cuộc đời mách bảo dùm cho tôi phải thưa với mẹ điều gì đây, trước những nỗi đau chiến tranh mà mẹ đang phải gánh chịu. Mẹ ơi! Lúc mẹ để bát hương của chồng nằm ở giữa, hai đứa con nằm ở hai đầu chênh vênh. Mỗi khi thắp nhang, mẹ cắm vào bên nào trước cũng đều bị nghiêng cả. Còn bây giờ tuy tất cả đã chung về một bát, sao tàn của những nén nhang khi thắp đều cong lại, trông giống như những dấu chấm hỏi vậy?”
Quá khứ bao giờ cũng là quá khứ! Người sĩ quan như Sáu Bình không buồn và cũng chẳng vui khi có lợi thế về quá khứ. Ông được Minh trịnh trọng giấy thiệu trong một hội nghị: “...Đồng chí Sáu Bình, nguyên Thiếu úy của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa...Nguyên Trung tá pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam. Nguyên Đảng ủy viên Sư đoàn. Nguyên đoàn trưởng đoàn pháo binh trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược và còn nhiều thứ nguyên khác nữa...”
Còn chính quyền địa phương sao lại máy móc đến mức: “Họ đưa cả Sáu Bình vào danh sách phải học tập cải tạo, vì từng là sĩ quan Ngụy.” Vậy mà Sáu Bình cũng chỉ mỉm cười, sống theo tâm nguyện: “...cố gắng không trở thành kẻ xấu...”
Đọc xong tiểu thuyết “Ngôi nhà có giàn hoa giấy” tôi thấy tiếc cho tác giả. Với một không gian trải rộng, từ cực nam đến địa đầu mảnh đất hình chữ S. Từ đất bạn Camphuchia đến những hòn đảo còn bị quân Trung Quốc xâm chiếm. Còn với quãng thời gian nếu tính từ cuộc kháng chiến chống Mĩ đến nay không ngắn, lại có các sự kiện trọng đại đã xảy ra, tư liệu quá nhiều. Cho dù tác gỉa đã đề cập tới nhiều điều nhậy cảm, những vùng cấm kỵ mà nhiều người viết không dám động chạm tới. Vậy mà cuốn tiểu thuyết có đôi chút làm cho người đọc có cảm giác hụt hẫng. Theo tôi, Trần Ngọc Dương vẫn còn e ngại một điều gì đó? Anh chưa đi sâu vào tận cùng của sự kiện, chưa dám nói thẳng ra những điều cần làm sáng tỏ, chưa đẩy được những tấn bi kịch của cuộc đời đến điểm tột cùng... Nếu tác gỉa đầu tư kĩ hơn nữa, chắc chắn tầm vóc của tác phẩm sẽ khác rất nhiều với cuốn tôi được đọc.
Và gía như Trần Ngọc Dương để cuốn tiểu thuyết kết thúc ở cái cảnh: Minh cài nhành hoa giấy ba mầu lên mái đầu của Út Mai thì hay hơn. Bởi niềm tin yêu vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp của con người, mãi mãi tồn tại với những người lính và phù hợp với tiêu đề của cuốn tiểu thuyết.
Mai Thu Hà