Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

DỐI TRÁ, THAM NHŨNG, RỬA TAI VÀ DÂN CHỦ

Bùi Hoàng Tám
Thứ năm ngày 10 tháng 9 năm 2015 3:35 PM

(Dân trí) - Nơi nào mà thủ trưởng thích nghe lời nịnh nọt thì ở đó, sự dối trá lên ngôi và ngược lại. Nếu dối trá - tham nhũng là một cặp đồng hành thì “rửa tai” - dân chủ chính là “bài thuốc” chữa trị hữu hiệu.

>> Thuốc nào "trị" quan chức "nói một đằng làm một nẻo"?

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Nếu đặt một câu hỏi, ví như điều đáng lo ngại nhất trong xã hội hiện nay là gì? Có lẽ nhiều người sẽ thốt lên: Tham nhũng!

Đúng, rất đúng bởi đã hơn một lần, nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam từng ví tham nhũng với “giặc nội xâm”.

Thế nhưng nhìn sâu xa, tham nhũng chỉ là một hình thức của điều lớn hơn, bao trùm hơn, đó là sự dối trá. Hay nói cách khác, tham nhũng chỉ là một bộ phận của dối trá. Căn bệnh được GS Hoàng Tụy, một nhà khoa học chính trực và thanh liêm đã từng thốt lên trên báo Dân trí cách đây mấy năm, rằng dối trá “đang là một mối nhục lớn”.

Nhà báo Hữu Thọ sinh thời cũng đã hơn một lần lên tiếng lo ngại về thực trạng này. Ông từng nói dối trá thì thời nào cũng có, vấn đề là nó xuất hiện với dung lượng và tần số thế nào? Rồi khẳng định, dù chưa có con số thống kê nhưng dối trá “đang ở mức trầm trọng”.

Ngày 9/9, trên báo Vietnam Net, bài Thuốc nào 'trị' quan chức 'nói một đằng làm một nẻo'?”, trả lời câu hỏi “Hiện nay những thói hư tật xấu nào, những hạn chế nào đang được đánh giá là nghiêm trọng nhất?”, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM; ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: “Theo kết quả điều tra của chúng tôi (thuộc đề tài Xây dựng hệ giá trị Việt Nam trong giai đoạn mới – PV) với sự tham gia của gần 6.000 người thuộc các tầng lớp, ngành nghề ở cả ba miền thì bệnh giả dối, nói không đi với làm, là tật xấu nghiêm trọng nhất chiếm 81,0%. Kế đến là bệnh thành tích 75,1%. Thứ ba là bệnh thiếu ý thức pháp luật 68,2%”.

Ngạn ngữ phương Tây có câu đại để một nửa cái bánh mì là một nửa cái bánh mì, một nửa sự thật là sự dối trá.

Suy cho cùng, việc “nói không đi đôi với làm” và “bệnh thành tích” về sâu xa, đó là lời nói dối hay sự dối trá.

Về giải pháp, sinh thời Nhà báo Hữu Thọ đã từng cho rằng muốn không phải nghe những lời nói dối thì phải biết “rửa tai” để nghe lời nói thật.

“Sự thật nó không tự đến mà anh phải tìm đến nó. Rồi anh phải đủ niềm tin ở người ta thì người ta mới nói sự thật với anh. Anh cũng phải có đủ bản lĩnh để sàng lọc, tìm ra những thông tin chính xác. Muốn nghe được lời nói thật là phải công phu lắm, phải thành tâm lắm. Hãy rửa tai để nghe lời nói thật vì không có lời nói thật nào mà không có vị chua chát”. Ông Thọ nói.

Còn GS Thêm ở bài báo trên cho rằng: “Dân có thực sự làm chủ, thực sự có quyền thì quan chức sẽ không còn dám đứng trên pháp luật. Khi đó mới có thể thực thi được giá trị pháp quyền. Nếu có pháp quyền thực sự, quan cũng như dân đều bình đẳng như nhau trước pháp luật, thì quan chức sẽ phải nghiêm túc hơn khi nói và làm, sẽ không còn dám “nói một đằng làm một nẻo”, quản lý sẽ minh bạch, xã hội sẽ đi vào nền nếp, niềm tin của dân chúng sẽ được khôi phục…”.

Nói như GS Thêm, điều đó có nghĩa là ở đâu có dân chủ thực sự thì ở đó, sự dối trá sẽ không hoành hành và ngược lại, nơi nào thiếu (hoặc chưa) có dân chủ, đó là mảnh đất màu mỡ cho sự dối trá lên ngôi.

Tóm lại, GS Hoàng Tụy cho rằng thực trạng sự “dối trá đang là mối nhục lớn” mà “thuốc trị” nó, theo Nhà báo Hữu Thọ, cần phải bết “rửa tai để nghe lời nói thật” thì với GS Trần Ngọc Thiêm chính là tinh thần dân chủ thực sự.

Đây là những đánh giá khách quan, trung thực và những biện pháp hữu hiệu, có tầm chiến lược của các nhà khoa học, nhà báo lớn.

Còn người viết bài này thì nhận thấy, nơi nào mà thủ trưởng thích nghe lời nịnh nọt thì ở đó, sự dối trá lên ngôi và ngược lại.

Nếu dối trá - tham nhũng là một cặp đồng hành thì “rửa tai” - dân chủ chính là “bài thuốc” chữa trị hữu hiệu.

Bùi Hoàng Tám