Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỘI NHÀ VĂN KHÔNG PHẢI LÀ "NHŨ MẪU"

Nguyễn Quang Hưng
Chủ nhật ngày 7 tháng 6 năm 2015 7:54 PM

NVTPHCM- Cần đẩy mạnh mối quan hệ tương hỗ giữa Hội Nhà văn Việt Nam, bộ máy tổ chức của Hội với các hội viên. Đó là Hội khích lệ, hỗ trợ sáng tác và kiến nghị với nhà nước, với ngành văn hóa đầu tư cho sáng tác ngày càng thỏa đáng hơn; hội viên tích cực sáng tác để đáp ứng những điều kiện trên bằng tác phẩm có chất lượng tốt. Đó cũng là việc xây dựng tổ chức Hội mà mình là hội viên một cách thực chất, ý nghĩa nhất…

Gần đây qua một số đại hội cơ sở chuẩn bị cho đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 nhiệm kỳ 2015-2020, có những nhận xét, băn khoăn, kiến nghị xung quanh vấn đề chăm lo đời sống hội viên.

Nên chăng cần có quan niệm đúng và hợp lý hơn về vai trò, chức năng của Hội nhà văn Việt Nam, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đại diện cho đông đảo những người cầm bút sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật văn chương nước nhà.

Cần xác định rõ, Hội không phải là một cơ quan công quyền, một đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực văn học, hay một công ty, một nhà máy, xí nghiệp sản xuất hoặc một hợp tác xã nông nghiệp nào đó… Quan hệ giữa Hội với các hội viên không phải là sự ràng buộc của người sử dụng lao động và người lao động. Hội không phải là cơ quan trả lương, lo toan các chế độ thưởng, phụ cấp, trợ cấp… cho đông đảo các hội viên (trừ các cán bộ và chuyên viên, nhân viên chuyên trách các công tác tại trụ sở văn phòng Hội lo nhiệm vụ vận hành bộ máy lãnh đạo của Hội). Bởi thế, phải chăng cũng không nên đòi hỏi, đề đạt, mong đợi ở Hội quá nhiều về những hành động, cử chỉ có tính chất lo toan cho những chuyện sức khỏe, làm việc, lao động sản xuất của mỗi cá nhân hội viên.

Và như vậy, cũng để đỡ cho Hội, mà ở đây là ban lãnh đạo Hội, BCH Hội không phải quá tập trung vào các công việc thiên về bếp núc, đời sống, mức sống, tâm sự riêng tư của hội viên mà có muốn cũng không làm xuể và không làm được. Để từ đó mà dành nhiều hơn về thời gian, tâm sức vào việc kiến tạo những hoạt động quan trọng hơn, cần kíp hơn trong bối cảnh hiện nay. Đó là đẩy mạnh tiếng nói góp ý, phản biện của Hội với những chính sách đối với lĩnh vực văn học hiện hành còn nhiều bất cập; là tăng cường tiếng nói kiến nghị với nhà nước, với ngành văn hóa về việc xây dựng chính sách, cơ chế đối với lĩnh vực văn học nhằm tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà văn trong sáng tác, nghiên cứu, dịch thuật... Ví dụ như nâng cao chế độ nhuận bút cho tác giả trong in ấn tác phẩm trên báo chí và xuất bản; đầu tư chiều sâu cho các tác giả tài năng, uy tín, sung sức và có tác phẩm chất lượng tốt; xây dựng và triển khai các chương trình dịch thuật, quảng bá tác phẩm văn học đặc sắc của Việt Nam ra nước ngoài; tăng cường tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác, các trại sáng tác và các chuyến đi thực tế của các hội viên đến với biên giới, hải đảo, các vùng sâu vùng xa, các lực lượng, các nhà máy, các khu công nghiệp và các vùng nông thôn cũng như đặt hàng sáng tác về những vấn đề lớn… để có thêm nhiều tác phẩm gắn với chủ đề xây dựng, bảo vệ tổ quốc, nhiều tác phẩm đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực xã hội, nhiều tác phẩm đề cập đến những vấn đề nóng hổi của xã hội như thực trạng dân sinh, ô nhiễm môi trường, sự sa sút về nhân phẩm, đạo đức, nhiều tác phẩm góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa để xây dựng và cải tạo xã hội...

Vai trò đấu tranh, bảo vệ cho quyền lợi của hội viên sẽ càng được phát huy và đi vào thực chất khi Hội có thêm thời gian, sức lực quan sát việc thực thi pháp luật của xã hội đối với lĩnh vực văn học. Đặc biệt là trong vấn đề thực hiện nghiêm túc luật bản quyền, chống vi phạm dưới nhiều hình thức như đạo văn, đạo ý tưởng, sử dụng không xin phép, can thiệp thô bạo vào tác phẩm… Đương nhiên, đồng thời với quan sát phải là cùng hội viên cất tiếng nói phê phán, đấu tranh đến cùng với những vi phạm để đòi quyền lợi chính đáng cho hội viên.

Cần đẩy mạnh mối quan hệ tương hỗ giữa Hội Nhà văn Việt Nam, bộ máy tổ chức của Hội với các hội viên. Đó là Hội khích lệ, hỗ trợ sáng tác và kiến nghị với nhà nước, với ngành văn hóa đầu tư cho sáng tác ngày càng thỏa đáng hơn; hội viên tích cực sáng tác để đáp ứng những điều kiện trên bằng tác phẩm có chất lượng tốt. Đó cũng là việc xây dựng tổ chức Hội mà mình là hội viên một cách thực chất, ý nghĩa nhất.

Hy vọng tiến tới đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX, tiến tới nhiệm kỳ mới trong 5 năm tới, sẽ không còn những suy nghĩ - và bản thân bộ máy lãnh đạo, vận hành hoạt động của Hội cũng không có suy nghĩ cho rằng Hội cần phải thực hiện công việc của một “nhũ mẫu”.

NGUYỄN QUANG HƯNG

Nguồn: nhavan TPHCM