.
Thường lệ, cứ mỗi chiều thả bộ lại chiếu rượu của nhóm bạn già, khi đi ngang nhà cô Út mua bán phế liệu (đồng nát), cô Út đang soạn hàng thấy có 1 số sách báo củ, ghé lại xem, bốc lên cuốn Kiến Thức ngày nay số 309, đã mất bìa thấy có bài : “Từ một câu ca dao “ của Thanh Thảo, hỏi mua lại, cô Út bảo : “Anh cứ lấy về mà xem, bao nhiêu tiền đâu mà bán chác ? “. Cám ơn cô Út, lận lưng cuốn sách đến chiếu rươu họp mặt.
Hôm sau, xem bài Từ một câu ca dao nầy, nhớ lại chuyện lễ giáo ở nước ta qua sách vở học được từ nhỏ, so sánh với thời đại bây giờ thì tréo ngoe cả, ký ức trở về, ngẫm thấy vui vui ……
Nam nữ không được đứng gần nhau, nói chi cầm tay nhau, hễ hay tin con cái ngã ngớn ngoài đường, thì bị rầy : “Nam nữ thụ thụ bất thân “. Rồi nhớ lại năm học lớp đệ Ngũ , cô giáo dạy Lục Vân Tiên, đoạn Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga :
Dẹp tan lũ kiến đàn ong.
Hỏi : Ai than khóc ở trong xe nầy ?
Lời rằng : Tôi thiệt người ngay,
Dám xin ai đó cứu cô tôi cùng .
Vân Tiên đáp lại thong dong.
Rằng : Ta trừ đã hết dòng lâu la .
Khoan khoan ngồi đó chớ ra,
Nàng là phận gái, ta là phận trai .
………………………………………………………..
Ngẫm lại thật nực cười, anh chàng Vân Tiên nầy quá lễ giáo , quá cố chấp .
Câu ca dao : Thò tay em ngắt cọng ngò, *
Thương anh đứt ruột, giả đò ngó lơ.
Đã thương, thương đến đứt ruột mà không dám nói, không dám cầm tay, lại giả đò ngó lơ, chỉ tội nghiệp cọng ngò bị cô gái nầy ngắt ngang . Ôi !
Giả đò mua khế, bán chanh.
Giả đi đòi nợ, thăm anh kẽo buồn .
Đến gặp người yêu thật vô cùng khó khăn, phải nghĩ ra nhiều cách để đến được với chàng ….
Gặp được chàng rồi, tâm tình xong rồi, đến khi chia tay :
Ra về ruột nọ quặn đau.
Nhân sâm sắc uống, biết tàu nào nguôi .
Cảm đông quá .
Còn anh chàng nầy, muốn tỏ tình thì cứ đến gặp nàng , còn như e ngại không dám nói, thì trao thư, hoặc nhờ em bé nào đấy trao thư giúp, anh ta quá lễ giáo và e ngại làm bằng cách nầy :
Giấy tây bán mấy ?
Tui mua lấy một tờ .
Tui viết thơ quốc ngữ ,
Rồi dán lên trái bưởi , thả xuống sông giang hà .
Cả tiếng kêu người nghĩa trên nhà.
Xuống sông vớt bưởi đặng mà xem thơ .
Các cuộc tình đó, sau nầy không biết có thành hay không ? nhưng thật thơ mộng và dễ thương. Tội nghiệp cho anh nầy :
Tiếc công lao, anh đào ao thả cá.
Năm bảy tháng trường, người lạ đến câu !
Hay là : Tưởng giếng sâu, tui nối sợi dây dài,
Ngờ đau giếng cạn, tui tiếc hoài sợi dây .
Đến khi tình thương mến thương sâu nặng quá rồi, thì nàng và chàng cũng vượt qua lễ giáo và tính e ngại, cho tới bến luôn :
Chuột kêu rút rích trong rường,
Anh đi cho khéo, kẽo đụng giường, má hay .
Thời buổi hiện đại, hại điện, , nhớ lại những buổi trưa hẽ, những người mẹ ngồi ru con ngủ bằng những câu ca dao , ngày nay các câu ca dao dần dần biến mất, các đứa trẻ được ru bằng các chiếc máy MP3 với những bài hát mới như : Con bướm xinh, Con cò be bé …… Các cháu nhỏ chỉ say mê với các trò chơi điện tử trên máy vi tính , với các phim siêu nhân mà thôi . Chỉ còn những người già lẩm cẩm ôn lại chuyện xưa …..
24/8/2014 . TRỊNH KIM THUẤN.
- Còn hai câu tương tự : Thò tay mà bứt đọt ngò .
Thương anh đứt ruột, giả đò ngó lơ.
Thò tay mà bứt ngọn ngò,
Thương anh đứt ruột, giả đò ngó lơ .