Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Biểu tượng truyền thống và hiện đại của người dân Việt

Mạc Văn Trang
Thứ năm ngày 4 tháng 9 năm 2014 5:37 AM

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng quê bên sông Thái Bình. Từ thuở lọt lòng đã gắn bó với cây tre. Chung quanh nhà toàn tre. Cả làng rợp bóng tre. Tất cả mọi thứ trong nhà, trừ mấy thứ nồi đồng cối đá, tất cả toàn là tre và gỗ. Nhớ hồi nhỏ, có ai khen lũ anh chị em chúng tôi lớn “lộc ngộc”, mẹ tôi lại khiêm nhường bảo, nhà đông con như tre ấm bụi ấy mà! Lớn lên đọc bài “Cây tre Việt Nam” của Thép mới sao mà thích mà mê… Lúc già đọc bài thơ “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy, sao mà thương mà nhớ…

“Tre xanh

Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu

… Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con

… Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu”…

Cây tre Việt Nam đúng là biểu tượng cho người nông dân Việt truyền thống. Thời bình sống lặng lẽ, gầy guộc, lam lũ, âm thầm đóng góp cho cuộc sống từ cái tăm, cái quạt, thúng, mủng, nong nia, giần sàng, cái rổ, cái rá, cái giậm, cái đó, cái nơm, cái giỏ, sợi dây thừng, cái đòn gánh, đôi quang đến đan thuyền, làm nhà, bắc cầu tre lắc lẻo… mà thân phận vẫn tầm thường, chẳng mấy ai nể trọng. Khi có giặc thì tre giăng thành lũy giữ làng, rồi làm gậy tầm vông, làm cán dáo, cán mác, cung tên, mũi chông sắc nhọn chống giặc; làm đòn gánh, đòn khiêng, gùi hàng tiếp tế cho bộ đội… Còn truyền thuyết Thánh Gióng thì thật hào hùng: Ngài cứ túm từng bụi tre mà quật vào đám giặc cho đến lúc chúng tan tác mới thôi… Cảm ơn người tạc tượng Thánh Gióng, lúc bay về Trời vẫn để Ngài cầm theo một thân tre…

    

Thời hiện đại, quê tôi bây giờ chỉ còn một vài khóm tre sống lạc lõng, khuất lấp ở ven sông. Đúng như câu thơ của một tác giả nào đó: “Cả làng tôi là một cục bê tông”!  Sự phát triển thật quý hóa. Nhưng phát triển tự phát, kém tâm thức văn hóa và không ai bảo được ai đã xóa hầu như hết sạch các dấu tích của ngôi làng xưa, đã tồn tại hàng ngàn năm!

Mỗi lần về quê tôi lại ngẩn ngơ tìm xem biểu tượng mới của người dân Việt ngày nay là gì. Bất chợt tôi “ngộ” ra: Đó là những chiếc Cột điện dân dụng. Những chiếc cột điện có mặt khắp các hang cùng ngõ hẻm. Nó hiền lành, lặng lẽ âm thầm, làm những công việc tối cần thiết cho xã hội, nhưng người đời coi nó chẳng ra gì. Mọi ngành, mọi cấp, mọi cơ quan đoàn thể ai cũng có thể quàng lên nó đủ thứ người ta nghĩ ra; những hậu quả của quá khứ vẫn chằng chịt bám lấy nó; những thứ rác rưởi của xã hội hiện tại cũng quàng vào cổ nó, xả đầy quanh nó… Tất cả nó cứ oằn mình mà chịu. Nhẫn nhục, âm thầm, cam chịu cho đến khi gẫy gục, người ta mới buông tha!...

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 cả nước từng bừng reo vui ngày thống nhất non sông, thì sau đó “bên thắng cuộc” tiến hành công cuộc cải tạo “bên thua cuộc” khiến bao người phải trốn chạy, bất chấp cả cái chết.  Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu vì sao người ta cay nghiệt tới mức nói: "Cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi.."! Giờ mới càng thấu hiểu…

Chiếc cột điện đúng là biểu tượng rõ nhất cho người dân nghèo Việt ngày nay. Nhếch nhác, lam lũ, oằn lưng chịu đựng hàng trăm thứ quàng vào cổ, bất công, vô lý mà không thể kêu ca, không thể tự mình thoát ra, không thể chạy trốn… Và với thân phận thấp kém của mình, chúng cũng không được bén mảng đến những khu chung cư hiện đại, những khu biệt thự sang trọng, những khu resort, sân golf hay các công thư nguy nga, tráng lệ. Đó là những nơi không dành cho chúng. Chúng gắn chặt vào những khu dân cư nhếch nhác, ngõ ngách ổ chuột, xóm nghèo…             

 

Vâng, những chiếc cột điện cứ ám ảnh tôi liên tưởng đến thân phận của những người dân nghèo hiện đại.

Đến bao giờ những chiếc cột điện như thế không còn nữa, hy vọng thân phận người dân quê tôi cũng có đổi thay.

(Ảnh lấy từ Google)

30 - 8- 2014

MVT