Xung quanh việc thu và chi tiền bản quyền âm nhạc, mấy tuần nay sự chú ý của dư luận lại bị cuốn hút vào cuộc cãi cọ quanh bản quyền những bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn do nữ ca sỹ Khánh Ly biểu diễn trong đợt chị về Việt Nam lần này?
Chao ôi, cứ ước ao quanh các tác phẩm văn học, sân khấu, múa, hội họa, điêu khác và cả nhạc khí nữa..cũng nổi lên những cuộc ồn ào như vậy? Không bàn tới chuyện phải-trái, đúng-sai mà mừng vì những bài hát bỗng có cung có cầu, có người mua kẻ bán. Còn phần lớn các lĩnh vực văn học nghệ thuật khác không ( hoặc chưa ) tìm ra được thị trường tiêu thụ như thế.
Ấy vậy mà có một lĩnh vực khách hàng đông đúc, sự tiêu thụ rần rần nhưng người có hàng không hề được hưởng một đồng xu tiền bản quyền. Hoặc nói đúng hơn là bị..cướp trắng. Đó là lĩnh vực phim tư liệu chiến tranh.
Hàng vài chục bộ phim về lịch sử hình thành, phát triển các Quân đoàn, Sư đoàn, các giai đoạn lịch sử trong quá khứ hoặc về các địa phương nhiều chiến công, các yếu nhân.. đã được công chiếu trên màn ảnh tivi hoặc trở thành sử sách cho các đơn vị, tỉnh này huyện kia. Mỗi bộ phim đều phấn đấu để kể cho hết, cho đủ nên đều lòng thòng hai, ba chục tập, với mỗi tập độ dài trên dưới 20 phút. Để cho thêm phần sống động và cũng để cho bớt kinh phí làm phim, dễ dàng đo đếm được tới 1/2 hoặc hơn thế nữa mấy chục tập phim ấy là “ sài “ phim tư liệu cũ, đặc biệt là tư liệu ghi được trong hai cuộc chiến tranh chống Mỹ và chống Pháp. Dùng đi dùng lại, dùng từ phim này qua phim khác. Tiếp tới chiếu đi chiếu lại, chiếu hết từ đài truyền hình này qua đài truyền hình khác.
Rất dễ dàng có thể kể tên ai là tác giả của những mét phim đã “qua lửa” ấy.
Đó là những nghệ sỹ-chiến sỹ, đã vào ra nơi hòn tên mũi đạn và hiện còn sống như các đạo diễn Trần Văn Thủy, Lâm Quang Ngọc, Nguyễn Kha, Lê Lâm,Thành Thái..hoặc nhiều anh chị đã ra đi như Mai Lộc, Kiều Thẩm, Ngọc Quỳnh, Kim Môn, Lê Mạnh Thích, Lò Minh, Ngô Đặng Tuất…
Đáng kể , đáng nói là những chiến sỹ cầm máy quay đã ngã xuống tại các chiến trường B,C trong những năm chiến tranh quyết liệt như các Liệt sỹ Lê Văn Bằng, Dương Phước An, Nguyễn Kôn, Nguyễn Như Đạt… Họ hy sinh nhưng vợ con họ còn cả đó và đang phải trèo chống với cuộc sống ngày hôm nay.
Nhưng xưa nay, không ai trong bọn họ được hưởng một đồng một cắc nào từ những mét phim tư liệu mà tác giả chính là họ.
Không hiểu Truyền hình VTV, HTV và các Đài địa phương có trả tiền bản quyền một lần cho những nơi cung cấp lần đầu cho kho tư liệu của truyền hình không?
Chỉ biết rằng khi đã thành băng, thành dĩa rồi, phim tư liệu cứ thế được dùng phứa phựa.
Hội Điện ảnh và Cục Điện ảnh Nhà nước liệu đã nẩy sinh ý nghĩ nên thành lập tổ chức bản quyền và trả tiền bản quyền cho các tác giả những mét phim tư liệu chưa?
Năm 2015 tới đây là năm có rất nhiều ngày lễ lớn. Như chúng tôi được biết dự án của nhiều bộ phim tài liệu “ tràng giang đại hải “ đã và sắp và sẽ được bấm máy. Tiền “ khủng” sẽ chẩy vào túi những tác giả của những bộ phim này. Lẽ đương nhiên, họ sẽ phớt lờ tác giả của những mét phim tư liệu mà họ xử dụng như một điều tự nhiên!
Ghi chú ảnh:
NSND Trần Văn Thủy và vợ chồng nhà làm phim tài liệu Xô Viết nổi tiếng Roman Karmen