"Graham Greene (tác giả tiểu thuyết Người Mỹ trầm lặng) từng miêu tả những cái ôm chầm sầu thảm. Trước trận oanh tạc cuối cùng, vợ và người yêu của các sĩ quan Pháp bay tới trong vài giờ đồng hồ vào ban ngày", phóng viên International Herald Tribune (IHT) James Pringle mở đầu bài viết về Điện Biên Phủ. “Thật đáng thương và đáng tha thứ”, Greene viết trong hồi ký, “dù đó không phải là chiến tranh”. Greene, nhận thấy sự cô lập và thế bị động của vùng thung lũng, không yên tâm khi qua đêm trong dãy hào của binh lính Pháp. Một sự đền bù là loại rượu vang hảo hạng, mà tướng Christian de Castries cấp cho binh lính trong bữa tối. Người Pháp đã khôn ngoan trữ 48.000 chai rượu vang ngon ở đây. Greene miêu tả de Castries có những “nét sến và giả tạo của một anh kép lâu năm”. Nhưng sau 56 ngày Pháp bị bao vây, bắt đầu từ 13/3/1954, sự "sến" ấy không còn nữa. Thực dân Pháp chết ở Đông Dương sau gần 100 năm, tại một trong những trận đánh quan trọng nhất của thế kỷ 20. Lời cuối cùng mà de Castries nói qua điện đài cho cấp trên của mình ở Hà Nội, tướng René Cogny, là: “Tôi đang cho nổ tung các kho quân sự. Các kho đạn đang nổ rồi. Tạm biệt”. Cogny đáp lại: “Vậy thì tạm biệt, anh bạn”. Người Pháp bắt đầu củng cố khu thung lũng heo hút gần Lào từ cuối năm 1953, hy vọng lùa lực lượng cộng sản vào một trận chiến được họ sắp đặt trước, và những cuộc không kích và tấn công trên bộ sẽ phá huỷ lực lượng của ông Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chính người Pháp lại bị mắc vào nút thòng lọng, khi Việt Minh chuyển pháo và quân vào các vùng núi xung quanh. Quân Pháp gặp phải đối thủ kiên cường: tướng Võ Nguyên Giáp, một thày giáo sử trở thành chiến lược gia quân sự đại tài, cùng 49.500 binh lính Việt Minh. Khác với cuộc chiến của người Mỹ sau này, cả hai bên đều có những anh hùng. Tuy nhiên, như Greene bình luận: “Hai phía chiến đấu với mức thương vong cao nhất”. Hơn 15.000 hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Chuyến bay cuối cùng xuống sân bay ở Điện Biên Phủ là vào ngày 27/3, 50 năm về trước. 19 người bị thương được sơ tán. Người Pháp đầu hàng ngày 7/5, mặc dù không có lá cờ trắng nào xuất hiện trước khi Việt Minh cắm lá cờ đỏ trên hầm tướng De Castries. Những binh lính bại trận phải đi bộ 700 km đến các trại giam; nhiều người chết dọc đường đi. Ở Geneva, ngày 8/5, các cường quốc bắt đầu bàn về số phận Việt Nam và chia đất nước này làm hai, mở đường cho sự can thiệp của Mỹ... Việt Nam đang kỷ niệm 50 năm chiến thắng của Việt Minh ở Điện Biên Phủ bằng các chuơng trình truyền hình, các tiết mục văn nghệ và các bài báo. Tại hầm chỉ huy ở Điện Biên Phủ, tôi gặp bà Trần Thị Mạc, 80 tuổi, từng tham gia Việt Minh, và làm nhiệm vụ thồ vác vũ khí. Bà đã đi gần 500 km đến đây: “Tôi cảm thấy tự hào về chiến thắng của chúng tôi. Tôi phải thăm lại nơi này sau 50 năm”. 50 năm trước, trong doanh trại của Pháp cũng có những người phụ nữ. Một cô y tá được giới báo chí Pháp mệnh danh là “Thiên thần của Điên Biên Phủ”. Còn có hai “nhà thổ di động”, với 18 cô gái Việt và Algeria. Khi cuộc bao vây chấm dứt, các cô gái và tú bà Việt được gửi đi “phục hồi nhân phẩm”, giống như những cô gái bar Sài Gòn sau năm 1975. Nhưng giờ đây, trong khách sạn của tôi, cũng như nhiều khách sạn khác ở Điện Biên Phủ, lại xuất hiện những cô cave mới trong các phòng "Massage Thái"...Pháp tiếp tục tham chiến và thất bại ở Algeria. Đôi khi họ phải đương đầu với những người Algeria từng chiến đấu cho nước Pháp. Đến lượt người Mỹ gặp thất bại của chính mình ở Việt Nam. Nhưng trước đó, năm 1965, họ còn ném bom Điên Biên Phủ lần nữa. CV ( ST) Theo Minh Châu (theo IHT) Việt Báo (Theo_VnExpress.net) |