Thú thực, trước khi Hội Nhà văn Việt Nam thông báo giải thưởng năm 2013 tôi chưa được đọc Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân. Lý do rất đơn giản là không có sách và hình như dư luận cũng không nhắc tới mấy. Đến khi tập thơ đoạt giải thì trên báo Văn nghệ mới có một đôi bài khen nhưng trên “mạng” lại xuất hiện mấy bài chê không tiếc lời của Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng...Một số nhà thơ, nhà phê bình tuy không viết bài chê nhưng khi chuyện trò với tôi cũng đánh giá thấp tập thơ này. Tôi phân vân không biết ai khen chê đúng. Khi nghe một nhà thơ nổi tiếng nằm trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nói, đại ý rằng: lẽ ra năm nay giải thưởng thơ nên bỏ trống vì chưa có tập nào xứng đáng kể cả Những lớp sóng ngôn từ. Có lẽ, từ câu nói này mà tôi phải mượn cuốn thơ Những lớp sóng ngôn từ để đọc một cách kỹ càng.
Tôi nghĩ trong tập thơ này Mã Giang Lân chủ tâm hướng tới đời thường, có nhiều hoài niệm về lịch sử xa xôi và quá khứ đã từng trải. Nhìn cầu Hàm Rồng anh tưởng nhớ tới bao người lính năm xưa nằm xuống, đến động Long Quang lại nghe dư âm lịch sử vọng lại từ thơ Lê Thánh Tông, về quê thì xới lại tuổi thơ khi gặp cây đa xanh nỗi niềm cô tịch / ngôi đình đầy những tiếng nói thầm những bước chân nhẹ...Cảm xúc và suy ngẫm về lịch sử hay hoài niệm dĩ vãng không có gì mới trong thơ ca nhất là với lớp người cầm bút trưởng thành trong giai đoạn chống Mỹ như Mã Giang Lân. Người đọc đợi chờ những phát hiện mới, diễn đạt mới mang dấu ấn sáng tạo thăng hoa của nhà thơ.
Có không? Hình như đọng lại đôi chút trong những câu thơ thế này:...ngôi sao mai đẫm ướt / như vừa vớt lên từ cánh đồng / chưa ráo mồ hôi (Gọi mùa màng) hay: Không hy vọng thì không thể sống / dù hy vọng cùng đường / Ban đêm đốt đèn tìm ánh sáng / ban ngày đốt đèn tìm bóng đêm (Ngẫu hứng).
Còn lại, phổ biến là những bài thơ nặng về kể tả bằng cái giọng đẫm chất khẩu ngữ, không có tứ hay và ít hình ảnh lạ. Cảm giác như Mã Giang Lân làm thơ rất dễ, anh không nhiều lựa chọn khi “đặt” các sự vật, chi tiết cuộc sống vào thơ. Những dẫn dụ sau đây chứng minh cho điều đó: Bốn lăm năm lại một sáng này / nhà chài tung lưới / đoàn tàu hối hả lao vào / hình như ngày hè găm đầy mắt lưới (Một sáng Hàm Rồng); Gió lạnh kéo về / tôi vội vã ra ga mua vé / hối hả tàu / nôn nao xe lượn / nôn nao trời / nôn nao đất / mây chơi vơi / hết một tuần hong hóng ngóng lên trời / nuốt vội nỗi buồn / choàng thêm giá rét / lại xuôi (Mưa tuyết Sa Pa); tôi gặp lại tuổi thơ / chạy nhông nhông theo những con còng gió / những con còng gió chạy nhông nhông trên cát / sóng ập vào ngoi ngóp nhoài lên (Lại về biển); Năm nay lúa chín muộn lại mưa như trút / ứa nước mắt nhìn lúa / liềm hái đành treo suông / đất rừng trông vào sắn vào khoai / chợ xa gánh sắn bán rẻ mua được / mấy gói mì ăn liền / một gói bột ngọt / để dành cho những ngày giỗ Tết (Người chị họ nói); Quán phở chiều ba hào / cô hàng cỡ tuổi tôi nhìn chằm chằm thương mến lắm (Thành phố ngày trở lại); Hai đứa rủ nhau đi Đà Lạt / tránh xa đất Bắc nắng nôi dài (Những ngày Đà Lạt)...
Sở dĩ tôi phải trích dẫn hơi tham thơ của Mã Giang Lân trong Những lớp sóng ngôn từ vì muốn “nói có sách mách có chứng”. Không nhà thơ nào có thể giấu được “đẳng cấp” của mình trong tác phẩm. Một tập thơ khá hoặc xuất sắc phải có nhiều bài, nhiều câu vượt trội; người đọc sẽ bị hút vào đó bởi ma lực của câu chữ, sự mới mẻ của thi ảnh, sự “đắc địa” của ngôn từ. Tính đa nghĩa cũng cần thiết đối với các thi phẩm hay. Nếu đối chiếu những tiêu chí ấy với phần lớn các bài thơ trong Những lớp sóng ngôn từ tôi thấy nó còn non lép. Tôi muốn thẳng thắn nói rằng Những lớp sóng ngôn từ không có nhiều phẩm chất thi ca nổi bật.
Chi tiết trong những bài thơ hay gồng gánh được ý tưởng và tình cảm của tác giả một cách tối ưu nhất. Để cái cụ thể, nhỏ bé trở thành cái khái quát, to lớn nhà thơ không thể không cân nhắc lựa chọn kỹ càng khi đưa các chi tiết vào thơ. Tôi chưa quên được hình ảnh cô thanh niên xung phong trong thơ Phạm Tiến Duật thời chống Mỹ bởi nó vừa cụ thể lại vừa khái quát đến “tầm” thế hệ: Cạnh giếng nước có bom từ trường / Em không rửa ngủ ngày chân lấm / Ngày em phá nhiều bom nổ chậm / Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà...Thực đấy nhưng cũng là ảo đấy. Phôi liệu đời sống đã trở thành tinh hoa thi ca. Cái thật thà của câu chuyện trong Gửi em, cô thanh niên xung phong được chắp cánh bay cao nhờ giấc mơ chập chờn diệu ảo lẩn quất ấy. Trong khi cái thật thà trong khá nhiều bài thơ của Mã Giang Lân mới chỉ là sự “ghi chép” đời sống mà thôi. So sánh thế để thấy rằng, chi tiết hình ảnh trong thơ Mã Giang Lân thường không đắt và có khi ta thấy nó na ná của ai đó, ví dụ: Cây xanh đến nao lòng / Hồn các anh xanh thế không và hình như ngày hè găm đầy mắt lưới ( Một sáng Hàm Rồng). Đỗ Trung Lai trước đó rất lâu đã có câu thơ đẹp: Sao trời lọt qua mắt lưới trong Đêm sông Cầu (viết năm 1980). Và những câu như thế này nữa, tôi thấy ý thơ cũng quen cũ quá: phóng túng như biển / rộng lòng như biển / cô đơn như biển (Lại về biển); khi đói lòng thì dựa vào tiếng hát / khi ngặt nghèo thì dựa niềm tin ( Lang thang); tôi trở về đất bụi nguyên sơ (Viết theo Kinh thánh); Một mùa hè đi dọc miền Trung / cát chang chang (Những ngã đường); Tôi mở những trang thơ lửa bỏng / những trang thơ lấm láp chiến hào (Những ngã đường); Chúng ta đến chợ tình đã vãn / những đôi lứa tìm nhau khuất vào đá / khuất vào cây / khuất vào số phận / thôi đành chúng ta khuất vào nhau (Sa Pa một ngày); giá cả cứ leo thang chóng mặt / miếng cơm manh áo dễ gì đâu (Những ngày Đà Lạt); Ta còn nợ một mùa ký ức / đêm không đèn ngồi với trăng suông (Trăng ở bên trời)...
Lại còn thêm sự dễ dãi của người viết nữa chứ. Xin đọc những câu này: Trở về thăm thú Dinh Bảo Đại / xem ra thua kém nhà doanh nhân / vua trước vua nay sao sánh được / có chăng so với kẻ bần dân (Những ngày Đà Lạt); Tôi mở vào đêm / nhấp nhoáng mặt người / trố mắt chờ xổ số / ánh điện màu cô gái nào cũng đẹp / đẹp đến kinh người (Mở)...
Chuyện cũng đã rồi. Tập thơ Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2013. Tuy nhiên, trước khi được Ban chấp hành Hội bỏ phiếu thông qua thì nó phải vượt qua “ải” Hội đồng Thơ. Dù là chỉ của một năm nhưng tập thơ được chọn trao giải ít nhất phải từ khá trở lên. Tôi nghĩ thế. Trong khi đó, Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân chỉ ở mức trung bình, nếu không có tên trong danh sách giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013 thì chắc ít người nhắc tới. Với thơ như thế, tại sao nó lại thuyết phục được đa số các thành viên Hội đồng Thơ, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2013? Chả trách, sau khi giải thưởng công bố thì Những lớp sóng ngôn từ lại bị chê nhiều đến thế. Đối tượng chê tập thơ này nhiều nhất lại là các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thuộc ngành Thơ. Người ta không tâm phục, khẩu phục tác giả, tác phẩm được giải thưởng đã đành mà đến Hội đồng Thơ và Ban chấp hành Hội cũng bị hồ nghi.
Đến bây giờ thì tôi tán đồng ý kiến của nhà thơ nổi tiếng giữ vị trí khá quan trọng trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam: lẽ ra phải bỏ trống giải thưởng thơ năm 2013 mới đúng.
Đồng Xa, Thanh minh Giáp Ngọ, 2014
NHQ
----------------------
(*) Tập thơ của Mã Giang Lân, NXB Hội Nhà văn, H.2013