Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Vũ Hữu Định, đường đi chơa tới

Đỗ Trường
Thứ sáu ngày 11 tháng 4 năm 2014 4:17 PM


(nhà thơ Vũ Hữu Định 1942-1981)

Từ độ Nguyễn Bính bị “giam mình“ bởi Trăm Hoa đua nở, để rồi phải chết trong cái tận cùng của sự đói khổ vào một đầu ngày xuân, nơi bè bạn. Cứ tưởng rằng, văn học sử Việt Nam không phải viết tiếp những cái bi thương đó. Nhưng đúng mười lăm năm sau (1981) thi sĩ Vũ Hữu Định ra đi, trong cái khốn cùng ấy, đã lặp lại y chang bóng hình Nguyễn Bính. Tuy không cùng một thế hệ, nhưng Nguyễn Bính và Vũ Hữu Định đều là hai thi sĩ đích thực nhất, lấy thơ, rượu và rong chơi bạn bè, giang hồ làm thú vui của cuộc đời. Nếu như Lỡ Bước Sang Ngang hay đến độ trùm cả lên tên gọi của Nguyễn Bính, thì Còn Một Chút Gì Để Nhớ đã làm nên tên tuổi nghệ sĩ Vũ Hữu Định. Tôi không có ý so sánh, nhưng quả thật, Nguyễn Bính và Vũ Hữu Định có những cá tính, thân phận khá trùng hợp nhau.
Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên Huế, trong gia cảnh nghèo túng. Cuộc đời lang bạt nhiều nơi, nhưng Đà Nẵng mới là chốn đi về, cũng là nơi dừng chân cuối cùng của ông.
Vũ Hữu Định bộc lộ năng khiếu văn thơ khá sớm. Những năm đầu thập niên sáu mươi, của thế kỷ trước, ông đã có thơ đăng rải rác trên các báo ở Sài Gòn. Nhưng phải đến chục năm sau,(1970)thơ của ông mới thật sự bước vào độ chín. Dù trước khi dừng bước giang hồ (chết) Vũ Hữu Định chưa có một tập thơ riêng nào, nhưng thơ của ông đã được in một cách trân trọng, sâu đậm nhất, trong lòng bạn bè và người đọc, từ suốt mấy chục năm qua. Tôi nghĩ, Vũ Hữu Định đã chinh phục được nhiều thế hệ người đọc như vậy, bởi sự trong sáng trong thơ, trong tư tưởng, chứ không hẳn chỉ vì tài năng của ông. Thơ Vũ Hữu Định nhẹ nhàng không chỉ trong tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu, mà khi viết về thân phận con người dù trong xã hội, hoàn cảnh bi đát nhất, đắng chát nhất, ta vẫn cảm thấy lời thơ, nỗi buồn ấy, man mác, dìu dịu, dường như thoảng qua thôi. Chứ tuyệt nhiên không thấy nó bùng, hoặc gợn lên một chút hằn học, đắng cay. Nên đọc thơ ông, không gây cảm giác nặng nề, dù người đọc khó và kỹ tính nhất.
Cũng như Nguyễn Bính, cuộc đời Vũ Hữu Định là chuỗi ngày dài khao khát tìm kiếm, trong men say với những bước chân giang hồ. Nhưng nó lại là chiếc vòng luẩn quẩn, Vũ Hữu Định không bao giờ đi tới đích. Cho nên, bốn mươi năm rong chơi, cuộc đời ông chỉ là những áng mây, bồng bềnh trong buổi chiều đông xám ngắt, buồn hay vui cũng chẳng thể giãi bày:
“Chiều dựng mùa đông mây xám ngắt
núi cao trời thấp có ta về
giang hồ đâu có ai phong ấn
mà nghĩ từ quan trở lại quê
-------------------------------
Ta đi, có những ngày trú quán
lòng mốc tình khô như lá bay
ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ
ta có sầu không ta cũng chẳng hay…“
                                      (Chẳng Hay)
Thật là kỳ lạ, thoáng đọc qua Vũ Hữu Định, ta cứ ngỡ, trong những lúc bồng bềnh tỉnh say ấy, thi sĩ bất chợt viết ra những câu thơ, làm nao lòng đến như vậy. Nhưng khi bình tâm, đọc ông kỹ hơn, ta mới cảm được, cái lung linh, tinh túy đó, chỉ có thể được chiết, vắt ra từ cái quằn quại trong tâm hồn sâu thẳm, tỉnh táo hơn ai hết của thi sĩ. Biết là thế và rất tĩnh tâm đọc ông, nhưng đôi khi ta vẫn phải giật mình tự hỏi. Thi sĩ vờ? Hay Vũ Hữu Định đang say: “Anh là một gã giang hồ tới/ Lòng hoang như con lộ không đèn/ Ngồi với hồn sầu ly rượu cạn/ Sao mới vài ly mà đã say?”.
Vâng! Vũ Hữu Định đã vờ say, để vắt ra những câu thơ rất tỉnh. Chỉ một chút hương tinh túy của đất trời, thi sĩ đã chưng cất lên bức tranh Quê Rượu, yên bình tuyệt đẹp. Trước cũng như sau Vũ Hữu Định, có nhiều thi sĩ đã dùng hương, khói bay để diễn tả tâm trạng, hay một nỗi nhớ quê xa…Như câu thơ Huy Cận “ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà“. Huy Cận bảo, không có khói. Thật ra hương khói ấy, đã có thường trực trong lòng thi sĩ, trong lòng người đọc rồi. Nhưng viết lạ như Vũ Hữu Định, có lẽ chúng ta ít gặp. Thi sĩ bảo, dường như đã say men, say rượu, nhưng đâu phải vậy (ông đang đùa đấy). Ông đang say cái đẹp, cái hương đầu mùa trong làn khói hoàng hôn xuống:
 “ Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Đứng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đâu nấu rượu
Thoảng thoảng hương mùa đã muốn say“
                                            (Quê Rượu)
Có lẽ, không thể thơ nào ép nén ngôn từ, ý tưởng của người thi nhân, như thơ tứ tuyệt. Nó chỉ được(nở) bung ra, khi người thưởng ngoạn chạm đúng vào cái van nén đó. Cấu trúc thơ tứ tuyệt nhỏ là thế, nhưng lại dung tải những điều lớn lao khôn cùng. Thông qua hình tượng cụ thể, nhà thơ gửi vào đó cảm xúc, tư tưởng của riêng mình và đôi khi nó còn là của cả một xã hội đương thời hay chế độ xã hội đã qua…(Nói vui, làm thơ tứ tuyệt cứ như công việc của người thợ nén và nổ bỏng ngô vậy).
Vũ Hữu Định cũng thế, ông có nhiều bài thơ tứ tuyệt hay, nhưng hai bài: Màu Trời Cũ,  Cảm Mà Viết 3, được viết trước và sau 1975, tôi thích hơn cả. Có một điều kỳ lạ, cả hai bài đều có nội dung tư tưởng trùng lặp nhau. Nó như là khúc hát u hoài, mang mang niềm tiếc nuối. Dường như người thi sĩ cố giấu đi cái xót xa đau đớn đó. Nhưng trong cơn say, cơn mê, sự thật lại trở lại và  nỗi đau kia đã vỡ òa trong ông. Đọc hai bài thơ này, ta chợt ngộ ra cái mâu thuẫn ngay trong nội tâm của thi sĩ. Và cả cuộc đời ông luôn phải đi tìm, giải quyết mâu thuẫn ấy:
“Sáng hôm nào ngó lại
Màu xanh trên trời cao
Màu của trăm năm cũ
Mà sao lòng ta đau“
                 (Màu Trời Cũ)
 “Khi tỉnh chẳng bao giờ ta khóc
Lúc say mê khúc hát người xưa
Một ý cũ như là trái đất
Ngấm trong ta bật tiếng khóc òa“
                  (Cảm Mà Viết 3)
Trong hành trình tìm kiếm đó, lúc nào Vũ Hữu Định cũng cảm thấy cô độc, dù xung quanh ông đầy ắp bạn bè. Và ông luôn luôn là người đi ngược lại những con đường. Để rồi khi thành phố về đêm, ông chỉ còn là người lỡ hẹn. Rồi những bước chân vô định ấy, in lên thành phố, một tiếng lặng câm, dù ông đang nghe thấy hàng nghìn tiếng động. Vâng! Đó là những bước chân đã lỗi nhịp. Dù không tiếng vọng, nhưng nó như ngàn nhát búa gõ vào hồn người. Bài “Tạm Trú“ là một bài thơ hay. Tôi nghĩ, có nhiều người chung hoàn cảnh, đau và thấm thía, khi đọc bài thơ này:
“…trong đám đông anh lại càng cô độc
bởi một nơi đâu cũng ăn tạm ở nhờ
sợ cả lời chia vui thành thật
bạn bè thì đông sao anh vẫn bơ vơ
buổi tối xe lam muộn màng ế khách
lại tới một nơi không hẹn không tìm

anh đi ngược lại con đường xe chạy
mỗi bước chân rời mỗi nhịp đau tim
thành phố lặng là khi nghìn tiếng động
không xô tan được khối lòng sầu
chân anh bước, mắt chỉ nhìn phía trước
tai nghe hoài một câu hỏi về đâu…”
Bước chân đã lỗi nhịp, Vũ Hữu Định chơi vơi trong khoảng không rách nát. Sự cô đơn cùng cực trong cái hoang vắng của linh hồn, nhà thơ tìm đâu ra một tri kỷ? Thời chẳng còn những Thi Thánh, Thi Tiên, cùng với rượu thi sĩ tìm về với Thi Qủi Lý Hạ trong cõi u hoài. Đêm Mưa Thiếu Rượu Nhớ Lý Hạ, là một bài thơ như vậy. Vũ Hữu Định đã mượn Lý Hạ, để giãi bày sự cô đơn trong tận cùng nghèo khổ về cả vật chất lẫn tâm hồn của người thi nhân:

“…Cứ tưởng nằm kề bên họ Lý
Gác chân nhau nói chuyện biển dâu
Ma quỷ sợ tâm hồn ướt rượu
Gối chai không mà thương nhớ nhau
Thời đại thánh thần đi mất biệt
Còn lại bơ vơ một giống sầu
Rót mãi, bao nhiêu tình cũng cạn
Nâng ly, nhìn thấy tóc bạc mau…“
Bốn mươi năm trên cõi tạm của Vũ Hữu Định là vòng tròn luẩn quẩn. Cái luẩn quẩn ấy, có ngay từ trong tâm thức nhà thơ. Do vậy, bao khát khao, khi đi cũng như lúc trở về của ông đều mờ mờ, nhạt nhạt. Và con đường cuối của nhà thơ là con đường lang thang về lại cõi ao tù. Tuy hoang mang cay đắng là thế, nhưng ta vẫn thấy lời thơ nhẹ nhàng, như chính con người ông:  
“Bờ chiều sắc cỏ sông xanh
Mây bay anh đứng lại nhìn mây bay
Nỗi niềm vui với đắng cay
Theo sông nước chảy theo ngày phù du
Lang thang về cõi ao tù
Lạ quen ai đó nghìn thu nhớ gì!“
                               (Không Đề)
Đọc Luân Hoán và Hoàng Cát, thấy hai ông thi sĩ này, tử vì thơ đã thấy kinh, nhưng khi nghiên cứu Vũ Hữu Định, tôi còn thấy thất kinh hơn. Nói như từ ngữ thời nay, của mấy ông bà nghệ sỹ trẻ: Vũ Hữu Định đã cháy hết mình cho thi ca. Qủa thật, cháy hay đốt thế nào thì chưa biết, nhưng cứ để vợ con nheo nhóc, nhiều bạn bè dù rất thương Vũ Hữu Định, cũng phải phàn nàn về ông.
Nói là như vậy, nhưng từ một khía cạnh nào đấy trong tâm hồn thi sĩ mới hiểu và cảm thông được cho ông. Nói như nhà thơ Đinh Trầm Ca:
 “ Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận...Hai mươi năm nay tôi lại giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh. Khi tôi hiểu được thì không còn Định nữa để mời một chén rượu cảm thông. Tôi không nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn các bạn tôi rằng anh là người say đắm thơ, rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối đời anh không nhờ thơ, rượu thì không biết con người anh sẽ ra sao? Và cuối cùng thơ rượu đã cứu rỗi anh.“
Cuộc sống Vũ Hữu Định là những chuyến đi dài, ngắn. Trách nhiệm gia đình chắc chắn dồn lên vai người vợ trẻ. Tôi cho rằng, không phải Vũ Hữu Định ít nghĩ đến trách nhiệm gia đình, mà có thể ông còn nghĩ nhiều hơn đã tưởng. Nghiên cứu về Vũ Hữu Định, tôi thấy có nhiều bài thơ, ông viết về vợ con gia đình, đọc cảm thấy rưng rưng. Vâng! Cũng có lẽ, từ những vần thơ đắng chát này, không những bạn bè mà vợ con gia đình cảm thông cho thi sĩ phần nào chăng?      
“…Lần nào em sinh nở
ta cũng phải vắng nhà
tháng này em sinh nở
ta lại trên đường xa
…cám ơn người vợ khổ
chiều nay ta khóc thầm
uống những giọt rượu đắng
ngày xa quê long đong…“
Cũng như nhiều nhà thơ khác, Vũ Hữu Định là người gắn bó, yêu quê hương, đất nước hơn bao giờ hết “ Mùa lúa năm nay đòng đòng đã trổ/ Anh yêu mùa yêu đất yêu quê“. Dường như, bài thơ nào viết về quê hương đất nước, của ông cũng hay. Lời thơ nhẹ nhàng, giầu hình tượng, tưởng như những nốt nhạc rót thẳng vào lòng người. Và có lẽ, chỉ có tình yêu trong sáng, chân thực người nghệ sĩ mới làm rung động lòng người đến như vậy. Có khi chỉ là làn khói bếp bay lên trong chiều hoàng hôn, bên đồng lúa vàng đang vào mùa gặt, hay một tiếng gọi đò trưa cũng làm tâm hồn ông thổn thức bồi hồi. Và có cơn bão về làm cho lòng ông quằn quại, đớn đau:
“cơn bão lớn về bình nguyên giục giã
run theo cây mùa lúa rạp buồn rầu
cát bụi lộn đường bay tản về đâu
khung cảnh dựng mùa nguyên sơ man dã

con sông nước về tràn mọi ngả
thuyền bè đi, đi mất tự bao giờ
những bến chiều tấp nập mộng ban sơ
đã hun hút trong triều lên trắng xoá…“
                              (Thời Tiết)
Có thể nói bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ là chiếc đinh, đã đóng dính tên tuổi Vũ Hữu Định vào trang, thế kỷ hai mươi với những bài thơ hay của văn học đất Việt. Nó cũng giúp cho nhạc sỹ Phạm Duy, để lại cho đời một nhạc phẩm (cùng tên) mãi ru hồn người.
Có người cho đây là bài thơ tình. Tôi nghĩ, không hẳn như vậy. Và câu chuyện bắt đầu, từ người lính chiến trên đồn biên giới, lần đầu làm thân lữ khách. Có phải người lữ khách đó là Vũ Hữu Định, hay thi sĩ đã hóa thân làm anh lính chiến ấy? Trong tâm trạng buồn tênh, trước khoảng trời xanh dường như đang thấp xuống, thi sĩ chợt thấy em đi trong sương khói mông lung huyền ảo, giữa cái lạnh chiều đông. Để rồi, chợt một phút xuất thần và có lẽ giây phút xuất thần đó đến với Vũ Hữu Định chỉ có một lần? Thi sĩ đã kịp vẽ lại. Thật là kỳ lạ, chỉ có bốn khổ thơ ngắn gọn đơn giản, thế mà dáng vóc, thần thái của phố núi hiển hiện lên rất hoang sơ mà lãng mạn. Nó như là bức tranh hai mặt, thành phố đã tạc vào em, hay em đã tan trong thành phố, làm người lữ khách phải ngất ngây. Cho nên, dù quen, hay người lần đầu đến với Pleiku, trong hoàn cảnh, tâm trạng nào, khi đọc(nghe) cũng cảm thấy gần gũi và không khỏi bồi hồi xúc động.
Và tôi tin rằng, chắc chắn mai này, sẽ có một con đường Vũ Hữu Định mờ mờ sương khói, được gắn với với bài thơ này, trên dáng hình em phố núi Pleiku.
Không hiểu do vô tình hay cố ý, ở trong nước, khi viết, đọc và hát, người ta đã đổi từ TRÊN ĐỒN trong câu thơ nguyên bản: Mai xa lắc trên đồn biên giới, là một câu thơ sống, nó sẽ hiển hiện ra sự sống, hình bóng người lữ khách, người lính trên đồn biên cương, bằng từ BÊN ĐỒI, làm cho câu thơ trở thành câu thơ chết, vô nghĩa vô hồn: Mai xa lắc bên đồi biên giới.
 Hay câu: Đi dăm phút đã về chốn cũ. Từ Dăm trong câu thơ bị thay bằng con số đếm NĂM (5) làm cho câu thơ bị đóng khung, gò bó. Từ dăm, ba mang tính ước lệ, làm cho câu thơ thoáng đạt và hay hơn rất nhiều.
Thật vậy, trong một bài thơ chỉ bị thay một từ, một câu ý nghĩa của cả bài sẽ khác đi nhiều lắm.
 Và thật kỳ lạ, trên bia mộ thi sĩ Vũ Hữu Định cũng thấy khắc câu thơ vô nghĩa “Mai xa lắc bên đồi biên giới“ này? Tôi nghĩ, nếu như vì lý do gì đó, không được sử dụng nguyên bản, nên đổi câu thơ, đoạn thơ khác của thi sĩ. Vũ Hữu Định không thiếu những câu thơ hay. Nghe nói, bia mộ này, do các nhà thơ bạn của thi sĩ cùng với gia đình dựng lên?
Chúng ta hãy đọc(nghe) bài thơ này, để cảm lại tài năng của thi sĩ Vũ Hữu Định nhé: (http://www.youtube.com/watch?v=WPS1MVmvEeU)
“phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương
phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong
xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.“
Sinh ra và lớn lên, rồi phải sống cùng chiến tranh, nên Vũ Hữu Định nhận ra sự tàn khốc của nó. Đọc bài thơ Trên Đoạn Đường Về Quê của ông, được viết vào năm 1972, làm tôi chợt nhớ đến câu thơ, của Nguyễn Duy “nghĩ cho cùng/mọi cuộc chiến tranh/phe nào thắng thì nhân dân đều bại“ Tôi nghĩ, đây là bài thơ rất hay, viết về chiến tranh trong kho tàng thi ca đất Việt. Nó không những hay về nội dung nghệ thuật, mà còn bộc lộ rõ tư tưởng, cái nhìn khách quan của nhà thơ về chiến tranh. Cuối bài thơ là một câu hỏi, đọc lên ta cảm thấy đau đến xé lòng “Những dòng máu đã thấm tràn mạch đất/Có làm tương lai con cháu huy hoàng?“. Huy hoàng sao được khi con cháu chúng ta cũng là nhân dân. Đã là nhân dân thì sự thất bại là điều không tránh khỏi. Và tương lai, đã thấy những gì từ mấy chục năm qua?
“Lửa đã cháy đường ra quê em
Lửa đạn, lửa trời đốt người nghiệt ngã
Lửa đã cháy trong lòng anh hóa đá
Giữa biển người thành thú bò ngổn ngang
 
Trong hai lằn đạn giữa đồng hoang
Máu chảy ngập chân lúa gầy cỏ dại
Máu đã đỏ con đường anh đi lại
Của những ngày xưa yêu dấu vô cùng
 
Ôi con trẻ cũng biết tìm sự sống
Bò giữa hôn người vừa chết nát thân
Đêm ngã xuống vô tình con trăng bạc
Những tiếng gọi gào sao không động từ tâm
 
Lửa rực đỏ treo trăm đường sinh tử
Trong đêm cay, đêm địa ngục hãi hùng
Mẹ thét tìm con tóc dài điên dại
Xiêu vẹo giữa đường chết đuổi sau lưng

Lửa đã cháy đường ra quê em
Lửa đã cháy một đoạn lòng của mẹ
Ôi cái chết có còn chăng lý lẽ
Có lý lẽ nào đã giết anh em

Ðường ra quê em trăm ngàn cay đắng
Lửa hạ đạn gào trăm tiếng kêu la
Những dòng máu vô tình vô tội
Ðã chảy lên nhau thành suối chan hòa

Lửa Quảng Trị lửa rượt về Mỹ Chánh
Rải những thây người gục giữa đồng khô
Những dòng máu đã thấm tràn mạch đất
Có làm tương lai con cháu huy hoàng?”
Với tôi, một số bài thơ viết về tình bạn, tình yêu đôi lứa, tôi đã đọc, không phải là những bài thơ hay của Vũ Hữu Định. Viết về tình bạn, tình yêu của ông thường nặng tính kể lể, liệt kê. Chứ hoàn toàn không triết lý sâu sắc viết về tâm trạng, thân phận con người như trong thơ tứ tuyệt. Hay trữ tình, giầu hình tượng như viết về quê hương đất nước. Hôm rồi, có một nhà thơ gửi cho tôi tập Thơ Vũ Hữu Định Toàn Tập, do nhóm nhà thơ Trần Hoài Thư sưu tầm, nhà in Thư Ấn Quán, Hoa kỳ. Đây là tập thơ thứ hai của Vũ Hữu Định. Nhưng tôi tin chưa đầy đủ, thơ của thi sĩ vẫn còn luẩn quất đâu đó. Trong tập thơ này, có bài Một Chiếc Gương Soi, rất dở. Lời thơ sên sến, nhạt nhạt. Không biết Vũ Hữu Định viết bài thơ này vào thời gian nào?(có sự nhầm lẫn khi sưu tầm hay không?) Nếu xóa tên tác giả đi, tôi tin, không ai nghĩ, đó là thơ của Vũ Hữu Định:
“Với số tiền còn lại ngày ở Sài Gòn
Em sẽ soi gương mỉm cười rẽ tóc
Em sẽ nhìn để nhớ anh hôn
Mua cho em chiếc gương tròn bỏ bóp
Quà Sài Gòn về tặng người yêu
Buổi trưa nắng trong vườn xanh Đại Nội
Em sẽ vì anh tô lại môi thơm
Để em nhớ hàm răng em có ngọc
Mắt em đa tình, em sẽ soi gương
Để nhớ anh những ngày xa cách
Tập lại duyên cài lại tóc hoa hường
Anh còn lại năm mươi đồng trong túi
Không mua được gì ngoài một chiếc gương
Bởi anh nghĩ xa nhau còn để nhớ
Trong gương soi anh hôn hết nỗi buồn“
Cứ tưởng mới đây thôi, thế mà đã trên ba mươi năm, Vũ Hữu Định từ bỏ hành trình “đi học làm thơ, xin phần rượu tặng“ trong nhân gian, để về đối ẩm, ngâm thơ cùng Thi Qủi Lý Hạ.
Bốn mươi năm cuộc đời là bốn mươi năm thi sĩ Vũ Hữu Định khao khát, mải miết đi tìm. Tuy nó ngắn ngủi và đường đi chưa tới…nhưng hình ảnh ông, thơ văn ông để lại cho đời, vẫn mãi đậm sâu trong lòng bạn bè và người đọc.
Leipzig 10-4-2014
Đỗ Trường