Bùi Công Thuấn
Bộ GD-ĐT vừa giới thiệu mẫu đề thi dự kiến áp dụng năm 2014. Mẫu này tham khảo cách làm của PISA và đề thi tốt nghiệp tại bang California (Hoa Kỳ). http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/169132/de-xuat-mot-dang-de-thi-tot-nghiep-2014.html (ngày 06.04.2014)
1.Muốn đổi mới giáo dục trước tiên phải đổi mới
triết lý giáo dục,
mục tiêu giáo dục,
nội dung giáo dục,
phương pháp giáo dục,
đổi mới người thầy (ĐHSP)
rồi mới đổi mới kiểm tra.
Bộ GD-ĐT đã làm ngược quy trình này.
2. XIN KHẢO SÁT ĐỀ THI “MẪU” BỘ GD-ĐT MỚI ĐỀ XUẤT
ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT
(Thời gian làm bài: 120 phút)
Phần I – Đọc hiểu (5 điểm)
Đọc bài thơ sau:
Mẹ và quả- Nguyễn Khoa Điềm
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.
(Trích từ Mẹ của nhà thơ, NXB Phụ nữ, 2008)
Câu 2: Nêu chủ đề của bài thơ?
Câu 3: Trong nhan đề và bài thơ, chữ “quả” xuất hiện nhiều lần. Chữ “quả” ở dòng nào mang ý
nghĩa tả thực? Chữ “quả” ở dòng nào mang ý nghĩa biểu tượng?
Câu 4: Nghĩa của “trông” ở dòng thơ “Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng” là gì?
Câu 5: Trong hai dòng thơ “Những mùa quả lặn rồi lại mọc - Như mặt trời, khi như mặt trăng”, tác
giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Hãy nêu tác dụng của biện pháp so sánh đó.
Câu 6: Ở khổ thơ thứ nhất, hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào?
Cảm xúc của nhà thơ dành cho mẹ là gì?
Câu 7: Đặc sắc nghệ thuật của hai dòng thơ: Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên - Còn những bí và bầu
thì lớn xuống là gì?
A. Sử dụng từ trái nghĩa.
B. Sử dụng hình ảnh nhân hóa.
C. Sử dụng thủ pháp miêu tả.
D. Sử dụng phép tương phản, đối lập.
Câu 8: Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng trong hai dòng thơ
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn –
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi?
Ghi lại cảm xúc của em khi đọc hai dòng thơ này.
Câu 9: Ở khổ thơ thứ hai, hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào? Hãy ghi lại cảm xúc của nhà
thơ mà em cảm nhận được?
Câu 10: Phần in đậm trong dòng thơ: “Và chúng tôi, một thứ quả trên đời” được gọi là:
A. Phụ chú. B. Khởi ngữ. C. Tình thái. D. Gọi đáp.
Câu 11: Chữ “hái” trong dòng thơ “Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái” có nghĩa là gì?
Câu 12: Chữ “mỏi” trong dòng thơ “Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi “ có nghĩa là gì?
Câu 13: Những biện pháp tu từ nào được sử dụng trong hai dòng thơ cuối bài?
Tác dụng của những biện pháp đó là gì?
Câu 14: Ở khổ thơ thứ ba, hình ảnh người mẹ hiện lên như thế nào?
Hình dung và ghi lại tâm trạng của nhà thơ trong hai dòng thơ cuối bài.
Câu 15: Suy nghĩ, cảm xúc nào của nhà thơ để lại ấn tượng sâu đậm nhất với em?
Câu 16: Đọc xong bài thơ, em nghĩ đến câu tục ngữ hay ca dao nào?
Hãy ghi lại câu tục ngữ hay ca dao đó.
Câu 17: Trong văn học có nhiều tác phẩm viết về tình mẫu tử. Hãy kể tên một số tác phẩm viết về đề tài này mà em đã học hoặc đã đọc. Từ đó, chỉ ra sự khác biệt lớn nhất về mặt nghệ thuật và nội dung của bài thơ Mẹ và quả (Nguyễn Khoa Điềm) với những tác phẩm ấy.
Câu 18: Đọc xong bài thơ, em có suy nghĩ gì về cách ứng xử với cha mẹ của một số người qua những mẩu tin sau?
- Sáng 26/3, Nguyễn Duy Linh (25 tuổi, trú huyện Thanh Oai) bị TAND Hà Nội xét xử về tội giết người. Nạn nhân là mẹ của bị cáo. (Theo http://vnexpress.net ngày 26/3/2014)
- Cụ Nguyễn Văn Quý (84 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Chén (82 tuổi), ngụ thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội đang sống trong góc nhà nhỏ hẹp khoảng dăm m2, chiếc giường xin được ở đâu nên hai chân còn, hai chân phải lấy gạch kê lên. Tám năm qua, cả 2 cụ bị con cái đẩy ra đường dù đã dựng vợ, gả chồng cho con cái yên ấm. Hiện tại, cụ ông ngày ngày ra đồng mò cua bắt ốc về nuôi cụ bà qua những ngày đói khổ. (Theo http://vietnamnet.vn ngày 27/12/2013)
- Đùn đẩy trách nhiệm không muốn phụng dưỡng mẹ già, các con đã đẩy cụ bà 77 tuổi ra đường trong đêm sương lạnh. (Theo http://ngoisao.net ngày 23/2/2013)
Phần II – Viết (5 điểm):
HS chọn 1 trong 2 câu sau để làm bài:
Câu 1: Các cơ quan quản lí du lịch ở nước ta cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hàng năm đều dành rất nhiều tiền để ủng hộ, đầu tư cho những địa danh nổi tiếng của đất nước. Bằng cách sử dụng các phương tiện truyền thông như áp phích, tạp chí quảng cáo, truyền hình, đài phát thanh, các cơ quan này có thể gửi thông điệp về những cảnh đẹp, và hy vọng sẽ đón được nhiều khách du lịch tới đó. Giả sử bạn được thuê bởi một cơ quan quản lí du lịch, hãy viết một bài văn, trong đó chỉ ra một nơi trên đất nước ta mà khách du lịch có thể tìm thấy nhiều điều thú vị khi đến đó.
Câu 2: Mục đích của Nguyễn Minh Châu khi xây dựng nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.
XIN GHI NHẬN VÀI VẤN ĐỀ
1.Bộ GD-ĐT chỉ nên kiểm tra những gì học sinh đã được học và thực hành trong chương trình. Không nên học một đàng mà kiểm tra một nẻo, bởi như thế là trái với tinh thần khoa học và phương pháp giáo dục. Cần xác định mục tiêu giáo dục phổ thông là gì và kiểm tra đánh giá mức độ học sinh đạt mục tiêu ấy. Chẳng hạn Nghị Quyết 29 Hội nghị TW8 khóa XI xác định mục tiêu giáo dục phổ thông là :”… Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời…”Môn Ngữ Văn thực hiện mục tiêu ấy thế nào? Bộ GD-ĐT kiểm tra nội dung gì của mục tiêu ấy đối với môn Ngữ Văn?
2.Ở đề thi trên : Đề tự luận yêu cầu học sinh viết một bài giới thiệu một địa điểm du lịch, theo tôi, ngay cả một sinh viên học trường đào tạo du lịch và báo chí chưa hẳn đã viết được một bài hay, vậy học sinh PTTH làm sao có thể viết một kiểu bài như vậy (chương trình 12 không có kiểu bài Tập làm văn này). Đề thi ấy để tuyển sinh vào ngành báo chí hay ngành du lịch thì thích hợp. Nhưng nếu để kiểm tra kết quả giáo dục phổ thông thì hoàn toàn sai. Trong chương trình Ngữ Văn 12 không có một bài nào về du lịch. Và giả như học sinh viết về một địa danh mà thầy cô chưa hề biết, chưa hề đặt chân đến đó, thì thầy cô sẽ chấm bài thế nào?
3.Kiểu câu hỏi từ câu 1 đến câu 18, đa số là dạng câu hỏi phát hiện. Dạng câu hỏi này được dùng trong giờ giảng bài của thầy cô Phổ Thông Cơ Sở. Sử dụng câu hỏi là một trong nhiều phương pháp lên lớp của thầy cô dạy Ngữ Văn. Ở PTCS, khi giảng Văn, thầy cô thường dùng nhiều câu hỏi phát hiện (Nghĩa của “trông” là gì ? Biện pháp tu từ nào được sử dụng?..), câu hỏi liên hệ ( em nghĩ đến câu tục ngữ ca dao nào?) và câu hỏi thu hoạch (em có suy nghĩ gì về…) đó là những câu hỏi “vụn vặt” xé nát văn bản tác phẩm. Đây là loại bài tập ở nhà.
Học sinh PTTH cần kiểm tra năng lực hiểu những tầng ý nghĩa tư tưởng sâu sắc của tác phẩm (chủ đề, ý nghĩa tư tưởng, ý nghĩa nghệ thuật, bút pháp, phong cách của tác giả, những tầng nghĩa văn hóa…) thay vì những câu vụn vặt như thế.
Nếu đề ra quá nhiều câu vụn vặt như thế, học sinh sẽ mất rất nhiều thời gian để làm bài và thầy cô sẽ rất vất vả khi chấm bài.
4.Câu 2 hỏi về mục đích của Nguyễn Minh Châu khi xây dựng nhân vật Phùng trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa cũng là một câu hỏi võ đoán. Câu này chỉ có chính Nguyễn Minh Châu mới trả lời được vì hỏi ra ngoài tác phẩm. Học sinh chỉ được học về tác phầm (chủ đề, nhân vật, ý nghĩa tư tưởng, ý nghĩa nghệ thuật), mà không học về Nguyễn Minh Châu như một tác gia văn học của chương trình, vì thế học sinh không thể trả lời được
Tôi nghĩ Bộ GD-ĐT cần có những kiểu bài khác, đúng với yêu cầu đánh giá trình độ phổ thông mà mục tiêu giáo dục đã đề ra, và đúng với chương trình học sinh đã được học, thay vì cứ lần mò, lúng túng, đánh đố thầy cô và học trò như thế này.
____________________________________