Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng: Hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút là khi tác phẩm của chúng ta được bạn đọc đón nhận, cảm thông và chia sẻ. Nếu coi đây là một trong nhiều tiêu chí của người cầm bút sáng tạo văn chương thì nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, người con của đất Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã đạt được hạnh phúc mà anh hướng tới.
Còn nhớ trên chuyến tầu đêm Hà Nội – Lào Cai vào dịp cuối tháng 2 âm lịch năm 2010 tôi ngồi cùng ghế với một cô gái người Quảng Nam. Cô gái nhờ tôi một việc: Khi tầu đến ga Việt Trì nhớ nhắc cô xuống tàu.
Theo lời cô thì đây là lần đầu cô có dịp ra Bắc và về thăm Đền Hùng vào dịp giỗ Tổ.
Chưa đến Phú Thọ lần nào, nhưng cô biết khá nhiều về miền đất này. Nơi ấy có sông Thao, sông Lô, sông Chảy… có một thành phố Việt Trì mà người ta yêu mến gọi là thành phố Ngã ba sông. Đường dài, tầu chật, người ta dễ cảm thông nhau. Người con gái Quảng Nam đáng mến kia còn cho tôi biết: - Phú Thọ có một nhà thơ cô rất quý mến đấy là nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, dù cô chưa một lần biết mặt. Cô tự nhận mình là một “Pan” của thơ anh. Cô còn mách tôi: “Đọc thơ Nguyễn Hưng Hải nên đọc vào buổi tối. Những buổi tối ta chỉ có một mình…”.
Rồi cũng đến ga Việt Trì, và tôi chia tay cô gái. Dù không phải làm cái việc nhắc cô xuống tầu. Nhưng thật lạ kỳ, cái điều người con gái Quảng Nam nói: - Đọc thơ Nguyễn Hưng Hải, nên đọc vào buổi tối tĩnh lặng… cứ ám ảnh tôi. Sao lại là vậy? Để rồi chính tôi cũng thích đọc thơ anh vào những đêm tĩnh lặng.
Đã yêu thì như các cụ xưa dạy: “Phải dò cho đến đầu sông ngọn nguồn…”. Để rồi tôi phát hiện một điều thú vị: Cảm xúc tạo nên dòng chảy chủ đạo trong thơ Nguyễn Hưng Hải đó chính là cảm hứng về cội nguồn.
Tiến sĩ văn học Chu Văn Sơn có lần nói với tôi: “Đối với các nhà thơ, những ấn tượng của tuổi thơ với cuộc sống xung quanh như buồn, vui, yêu thương, hạnh phúc, hay bất hạnh; hình ảnh quê hương, cội nguồn… sẽ đi suốt đời thơ của họ”.
Ở các nhà thơ khác tôi chưa có điều kiện kiểm chứng, nhưng với nhà thơ Nguyễn Hưng Hải tôi thấy ý kiến của Chu Văn Sơn như một sự chiếu ứng vào anh.
Không được sống ở Tam Nông nhưng tôi từng có dịp qua đó. Những quả đồi bát úp, những hẻm đồng mầu nước chua phèn, những làng quê tiêu sơ đầm ấm… Có thể nói đây là vùng đất cội nguồn đặc sắc của Trung du Bắc Bộ. Đâu phải chỉ vậy miền quê này còn có khá nhiều lễ hội hàng năm. Mà lễ hội nào cũng vọng, cũng hướng về lễ hội Đền Hùng.
Chắc chắn tuổi thơ của Nguyễn Hưng Hải đã chứng kiến những nét chân quê ấy. Học hết bậc học phổ thông, anh vào đại học – theo học khoa lịch sử trường Đại học Tổng hợp. Tất cả những điều đó đã tạo nên một Nguyễn Hưng Hải với cảm xúc cội nguồn sâu đậm.
Đến hôm nay, Nguyễn Hưng Hải đã có 15 tập thơ, trong đó có 4 trường ca. Có thể khẳng định, nội lực sáng tạo của anh thực sự xung mãn. Sự xung mãn ấy anh dâng tặng cho những cảm hứng về cội nguồn dân tộc.
Có thể là những điểm xuyết mang tính hình thức. Nhưng không phải không có sức thuyết phục; khi tôi thấy trong 15 tập thơ của Nguyễn Hưng Hải có tới bảy tập anh đặt tên sách đậm mầu sắc cội nguồn. Ví như “Mảnh hồn chim lạc” (Thơ và trường ca); “Làng Hùng” (Trường ca); “Trước cửa thiền” (Tập thơ); “Bài thơ dâng Bác” (Tập thơ), “Nghĩa Lĩnh lúc không giờ”(Tập thơ)…
Nguyễn Hưng Hải thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành sau cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc. Vào những năm nửa cuối của thập kỷ 80 đời sống văn học có nhiều chuyển biến. Đội ngũ các cây bút trẻ hăm hở, bứt phá, nhiều cây bút có những thể nghiệm táo bạo, ồn ào… Trong khi đó Nguyễn Hưng Hải lặng lẽ quay về với cảm hứng cội nguồn. Và trên cánh đồng “hoài niệm” ấy anh đã có những mùa vụ bội thu. Cho đến nay anh đã có tới 13 giải thưởng văn học lớn, nhỏ từ trung ương đến địa phương. Đó là những đóng góp đáng ghi nhận trong đời sống văn học đương đại. Nếu coi Nguyễn Hưng Hải là một “hiện tượng” trong thi ca với những thành công về đề tài Lịch sử thì bài học rút ra chính là: Người cầm bút phải có một định hướng, chính đáng, rõ ràng, bền bỉ ngay từ những bước đi đầu tiên. Kiên quyết chống lối viết tùy hứng, mang tính thời vụ, phong trào,…
Với Nguyễn Hưng Hải người đọc trân trọng thơ anh bởi cảm hứng cội nguồn là dòng chảy xuyên suốt. Ở phương diện hình thức, thơ Nguyễn Hưng Hải không có nhiều đóng góp về sự cách tân. Hầu hết thơ anh đều viết theo các thể thơ truyền thống. Ví như thơ lục bát, thơ 5 chữ, 7 chữ… cũng có một số bài anh viết theo lối thơ tự do. Đó là những câu thơ dài, ngắn đan xen, những xuống dòng bất chợt, hoặc câu thơ thơ vắt dòng tạo nên liên khúc… Tuy nhiên về mặt âm hưởng, thơ anh vẫn giữ sự nhịp nhàng, đón đỡ. Vì thế âm hưởng thơ là âm hưởng thơ truyền thống dân tộc.
Tư duy thơ của Nguyễn Hưng Hải là lối tư duy trình tự, rõ ràng mang bản sắc tự sự. Có điều tự sự của thơ anh không thiên về lời kể mà thiên về cảm xúc, sự rung động để chuyển tải hình ảnh, sự việc. Tôi cho rằng, đây chính là tính hiện đại trong thơ Nguyễn Hưng Hải.
Viết về cội nguồn, nhưng cội nguồn trong thơ Nguyễn Hưng Hải luôn đồng hành với cuộc sống hôm nay: “Nghĩa lĩnh lúc không giờ lửa bén chân nhang, ta và em sống lại thời chim Lạc/ Trong tâm tưởng vua Hùng che cho những lứa đôi” (Nghĩa Lĩnh lúc không giờ). Ở một trường hợp khác khi nghe hát Xoan truyền thống anh đã reo lên khẳng định: Không cũ được những lời ca sôi nổi/ nghìn năm rồi như thể mới sinh ra” (Hát Xoan).
Cội nguồn trong thơ Nguyễn Hưng Hải là cội nguồn anh đón nhận từ trải nghiệm. Vì thế nó giúp cho con người hiện tại suy ngẫm về ông cha, truyền thống… từ đó tiếp nối nâng mình lên sống tốt hơn, đẹp hơn… Điều này biểu lộ khá rõ trong bài thơ: “Những đôi hài cổ tích”. Bài thơ viết về cô Tấm đi hội (trong truyện cổ tích Tấm Cám) đánh rơi hài. Nhà Vua nhặt được mang đến hội và ra điều kiện: “Chân ai vừa hài Vua lấy làm hoàng hậu”. Người đi hội tranh nhau ướm hài, dù họ biết không phải hài của mình. Chuyện thật mỉa mai về sự háo danh. Từ đó nhà thơ cảnh tỉnh: “Cổ tích những đôi hài cho mượn/ Chuyện ngàn đời bóng gió vẫn đang đi”.
Trong thơ Nguyễn Hưng Hải có một cội nguồn mà anh đã giành cả một tập thơ, sáng tác trong nhiều năm để thành kính dâng tặng đó là tập thơ: “Bài thơ dâng Bác”, (Do Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ ấn hành tháng 8 năm 2012).
Viết về Bác, nhà thơ coi Bác là mẫu người lý tưởng của thời đại. Mẫu người ấy là tấm gương để cho chúng ta soi vào đó tự điều chỉnh, tự hoàn thiện mình trong suy nghĩ, hành động và vươn tới: “Khi chân dung của Người đã khắc vào ý nghĩ/ Trong mỗi bước ta đi/ Trong mỗi việc ta làm/ Người hiện diện là niềm tin chân lý” (Chân dung Người).
Khi thì Bác cho ta sức mạnh, nghị lực: “Nghĩ về Người tôi bình thản đi qua nhiều hụt hẫng/ Có lúc tưởng như mình quỵ xuống vì đau?” “Người chải tóc cho tôi” , khi thì Bác cho ta khát vọng: “Nhớ về Người đêm đêm ta còn thức/ Bao khát vọng con người từ Bác tỏa mênh mông” (Đêm ở giữa Ba Đình).
Những bài thơ viết về Bác của Nguyễn Hưng Hải thường toát lên sự thành tâm, chân cảm. Nhà thơ luôn thấy Bác giữa đời thường, giữa nhân dân với bao lo toan, lam lũ. Điều này ta bắt gặp ở nhiều bài thơ như: “Câu nói giản dị của Người; Chân dung của Bác; Trong phòng họp cơ quan có tấm ảnh Bác Hồ, Đôi dép Bác Hồ, Người về xứ nghệ thăm quê, Hai tiếng nhân dân, Đêm ở giữa Ba Đình”…
Còn một cội nguồn nữa đi suốt trường thơ Nguyễn Hưng Hải; đó là những bài thơ anh viết về mẹ. Người mẹ trong thơ anh bao giờ cũng là đại từ “mẹ ta”. Điều đó hàm nghĩa – hình tượng mẹ vừa là người mẹ của riêng anh vừa là người mẹ Việt Nam. Vì vậy bất kỳ ai đọc những bài thơ anh viết về mẹ cũng thấy bồi hồi thương mến. Bởi ở đó có hình bóng người mẹ sinh thành, bú mớm nuôi ta.
Hình ảnh mẹ trong thơ Nguyễn Hưng Hải thường được cấu thành từ hai phẩm chất: Lam lũ, nhọc nhằn, chịu thương, chịu khó, suốt đời dâng hiến hy sinh – nhưng cũng từ đó mẹ là sự cao cả, kiêu sa cho chúng ta kính trọng, tự hào và ngưỡng vọng.
Trong bài thơ “Hoa hồng của mẹ” (bài thơ đoạt giải B của Hội VHNT Vĩnh Phúc trong cuộc thi thơ viết về đề tài Nông thôn mới), Nguyễn Hưng Hải xúc động trước người mẹ một đời trồng hoa hồng: “Hoa cứ nở quanh năm/ Tươi thắm bên khô gầy dáng mẹ/ Cả đời bị gai đâm vào tay / Gai đâm cho đến ngày/ Mẹ tan vào đất…/ Có ai biết mẹ một đời cúi mặt/ Đôi chân như cắm chặt xuống đồng/ Đã làm ra triệu triệu bông hồng/ Nhưng mẹ cả đời chưa được ai tặng cho một bông?”
Hoặc ở một bài thơ khác – Bài thơ “Chiều ba mươi tết”, hình ảnh mẹ không đi cùng hoa đào, hoa mai, hay chậu quất… mà hiện lên trên cánh đồng chiêm lộng gió với bùn đất quê nhà, mẹ đi cấy đồng xa. Hình ảnh ấy làm ta buốt ruột mà nghĩ về bát cơm ta ăn, nghĩ về những cặm cụi hy sinh của mẹ. Bất chợt tôi nhớ những câu thơ trong trường ca “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh : “Mẹ ít ngủ, mẹ thường thức khuya/ Đêm nào cũng dài/ Căn nhà có mười mấy mét vuông/ Làm lụng đến già vẫn còn tất bật/ Từ khó nhọc và neo đơn của mẹ/ Bao việc làng, việc nước lớn dần ra…?.
Cảm hứng cội nguồn là dòng chảy xuyên suốt trường thơ Nguyễn Hưng Hải. Những thành công cũng là ở đó, những hạn chế ít nhiều cũng là ở đó.
Vì quá yêu cội nguồn thành ra có khi anh đã lo lắng hơi quá trước những đổi thay của cuộc sống.
Ví như trong bài thơ “Nông thôn mới”, anh cảnh tỉnh: “Làng đang thức hay làng đã ngủ/ Nhắm mắt vào có mở được mắt ra?” Nỗi lo này xuất phát từ hàng tre làng bị chặt đi, đàn cò trắng không bay về, rồi anh thương con đường lát gạch, thương cái giếng đá ong không còn… Vẫn biết đấy là quê, là làng, nhưng cuộc sống đi lên cần có đường điện qua làng, cần có con đường bê tông thoáng rộng, cần có nước giếng khoan… Do vậy, sự thay đổi gần như không cưỡng nổi. Vì đây là sự thay thế tốt đẹp này thành tốt đẹp khác.
Ở điểm này nhiều khi bạn đọc không phải ai cũng có thể chia sẻ, cảm thông với nhà thơ.
Từng có người phàn nàn – Nguyễn Hưng Hải viết về cội nguồn đôi khi bề bộn. Hình như cái gì của cội nguồn anh cũng tiếc, cũng thương, cũng đưa vào thơ vì vậy ảnh hưởng tới tính hàm xúc cần thiết.
Nói là nói vậy – song Nguyễn Hưng Hải vẫn cứ là anh, và thơ anh vẫn đang được bạn đọc đón đợi./.
T.K