Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bao giờ nông dân nứơc ta yên tâm trong trồng trọt và chăn nuôi ?

Nguyễn Hiếu
Thứ năm ngày 10 tháng 4 năm 2014 4:58 PM

 

         Bao giờ nông dân nứơc ta yên tâm trong trồng trọt và chăn nuôi ?

 

         Gần một tháng nay dư luận trong cả nứơc rộ lên hai sự kiện thuộc về người nông dân. Trong bài viết cũng đăng trên báo Pháp Luật và đời sống người viết bài này đã khẳng định. Ở nứơc ta hiện nay giai cấp nông dân là khổ nhất. Trong bất kì giai đoạn nào nông dân cũng bị lợi dụng và lạm dụng.Với hai sự kiện nêu dưới đây càng khẳng định thực trạng này. Từ đó có thể suy ra. Chừng nào nhà nứơc ta chưa có chính sách thoả đáng đốí cũng như mục tiêu phát triển hợp lý với giai cấp chiếm hơn 80% dân số Việt nam thì người nông dân vẫn vất vả, khốn khó với những bi kịch tiếp diễn.

      Sự kiện thứ nhất ấy là việc ông Nguyễn Đình Nguyên ở xã Quảng Phú Huyện Lương Tài tỉnh Bắc ninh nuôi gián đất. Tháng 6 năm 2013 nhận được thông tin về dân Trung Quốc nuôi gián đất để bán cho các cơ sở sản xuất thuốc, cùng với lời hứa hẹn bao nhiêu gián đất nuôi ra đều được mua hết với giá 170000 đồng một kg. Ông Nguyên sau khi được một chuyên gia Trung Quốc hướng dẫn kĩ thuật nuôi gián ông được sở KH-ĐT Bắc Ninh từ tháng 8 đến tháng 12 hai lần cấp giấy phép cho ông cùng họ hàng nuôi gián đất. Cũng trong thời gián đó đại diện phòng chăn nuôi sở NN-NTPT, phòng Nông nghiệp huyện Lương Tài, cơ quan thú y huyện cùng đến kiểm tra và xác nhận tính hợp pháp về việc chăn nuôi gián của ông Nguyên với sáu chữ kí. Để phục vụ cho việc nuôi gián, cùng với việc đầu tư hàng tỉ đồng vào trang trại ông Nguyên đã sang Trung Quốc mua một tạ trứng gián. Sau thời gian ấp nở 16000 con gián ra đời. Vào đầu năm 2014 tin việc nuôi gián của ông Nguyên cùng họ hàng loang rộng trước sự phản đối của dư luận. Ngày 7/ 3 Bộ Nông nghiệp – PTNT có văn bản cấm nuôi gián đồng thời loại gián ra khỏi những vật chăn nuôi. Ngaỳ 21/3 ông Nguyễn Đình Nguyên buộc phải tiêu huỷ toàn bộ số gián nuôi trong cơ sở của mình.

       Sự kiện này nếu được chứng kiến thì có vẻ lạ nhưng nhìn kĩ thì vẫn là bài bản cũ mang đầy chất bi kịch của người nông dân. Sự lạ ở đây là bi kịch này đã bắt đầu chuyển vùng. Nếu nông dân các tỉnh phía nam đã từng khóc dở mếu dở khi chạy theo phong trào nuôi ốc bưu vàng, nuôi rùa tai đỏ, nuôi đỉa…từng thu gom rồi để ứ thừa đành phải tiêu huỷ, đổ đi đọt non, lá khoai lang, lá điều, ớt , cây cu li, mầm thảo quả, cây huýêt đằng…thì nay nông dân miền bắc bắt đầu nếm vị đắng của bi kịch làm giầu vì nghe theo những lời ma mị của thương lái nứơc ngoài. Sự lạ này còn thêm yếu tố ghi nhận là nếu nông dân phía nam đa phần tự phát trong các phi vụ liều lĩnh, bốc hộc của mình thì nông dân miền Bắc trong vụ nuôi gián này lại có vẻ vững tâm hơn khi có môn bài được các cơ quan có quyền lực cấp, cho phép. Chính vì thế nếu ông Nguyên đáng giận một vì ham làm giầu để nuôi một thứ côn trùng có khả năng gây độc hại cho môi trường thì Sở NN-NTPT tỉnh Bắc Ninh, phòng Nông nghiệp, cơ quan thú y huyện Lương tài- Bắc Ninh đáng lên án nhiều lần và những người có trách nhiệm phải bị kỉ luật, thậm chí bị truy tố vì tiếp tay cho sự phá hoại môi trường. Hơn thế các cơ quan liên quan còn phải hoàn trả cho ông Nguyên sự thiệt hại trong quá trình đầu tư nuôi gián đúng như điều 19 của Luật Bồi thường do nhà nứơc ban hành vào 2009 ghi rõ ” Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ kèm theo. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người bị thiệt hại bổ xung. Sau khi thương lượng và nhận quyết định bồi thường, nếu không thoả mãn với mức bồi thường, người được bồi thường có thể khởi kiện ra toà để giải quyết việc bồi thường”

          Sự kiện thứ hai là sự tồn đọng của các xe chở nông sản mà chủ yếu là dưa hấu tại các cửa khẩu phía bắc. So với sự kiện nuôi gián thì sự kiện xe chở dưa hấu tồn đọng này không có gì lạ nếu không muốn nói nó “cũ, xưa như trái đất”. Bởi vì người ta tính từ trên dưới một thập kỉ nay mỗi khi vaò vụ dưa hấu thì hình ảnh hàng nghìn xe tải, đa phần xe tải hạng nặng chở hàng chục nghìn tấn dưa hấu nằm im phơi nắng, chuyển từng nửa bánh xe tại các cửa khẩu phía bắc chờ xuất qua Trung Quốc đã thành hình ảnh quen thuộc. Năm 2014 này sự đơn điệu, nhàm chán của hàng xe chở dưa hấu lại được lặp lại. Vào những ngày đầu tháng 4 này khoảng hơn 1000 xe chở nông sản trong đó có tới hơn 90% chở dưa hấu nằm dài dọc tuyến QL 1A – đoạn qua thị trấn Hữu Lũng. QL 4A- đoạn qua xã Thụy Hùng huyện Cao Lộc cùng thuộc tỉnh Lạng Sơn…Chưa hết ngoài các xe đã nằm chờ dòng dã hàng tuần thì mỗi ngày vẫn có khoảng hơn 170 xe chở dưa hấu từ các tỉnh phía nam đến cửa khẩu Lạng Sơn và hơn 100 xe nữa đến cửa khẩu Tân Thanh. Tại các cửa khẩu Tân Thanh( Việt nam), Pò Chài ( Trung quốc) huy động hết công suất, kéo dài mở cửa khẩu đến 21 giờ 30, rồi cửa khẩu Cốc Nam cũng vào cuộc để  giải cứu sự ùn tắc khủng khiếp này mà dấu hiệu chưa thuyên giảm vẫn chưa là mấy. Đi liền với sự ùn tắc này là việc các tệ nạn cứơp dưa, trấn tiền…xuất hiện càng khiến độ nóng của sự dưa hấu tồn tăng lên. Trả lời Quốc hội về sự tồn đọng này ông Vũ Huy Hoàng Bộ trưởng Bộ Công thương giải thích ”năng lực thiết kế của cửa khẩu Tân Thanh không đáp ứng được yêu cầu. Mỗi ngày chỉ thông quan được 300 xe. Trong khi đó mỗi ngày có đến 1000-1800 xe thì ùn tắc là dễ lý giải…” .Thêm vào đó ông cho rằng ” nhiều tư thương tự phát đưa hàng lên biên giới mà chưa có hợp đồng, mối bán, lên đến nơi mới tìm khách nên dễ bị ép giá, hàng không bán được”. Ông Cao Đức Phát Bộ trưởng bộ NN—PTNT trần tình, đổ cho sự tự phát của nông dân. Vì năm ngoái dưa hấu được giá nên nhiều địa phương đã mở rộng diện tích trồng. Vụ dưa năm nay được mùa thì thị trường tiêu thụ lại khó khăn. Hàng chục năm nay tình trạng dưa hấu cũng như nông sản mỗi khi vào vụ ứ thừa tại các cửa khẩu nhưng ông Bộ Trưởng vẫn không thấy trách nhiệm của ngành mình mà tiếp tục đá quả bóng lỗi lầm sang phía người nông dân ”chúng tôi đã phối hợp chặt với ngành công thương rà soát kế hoạch sản xuất các ngành hàng. Bộ cũng đang cố gắng triển khai chủ trương tổ chức mô hình phối hợp giữa nông dân và doanh nghiệp, để hoạt động sản xuất nhỏ lẻ gắn với tiêu thụ đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông dân. Tuy nhiên chủ trương này mới được triển khai. Nhiều mặt hàng nông sản người dân tự phát nên việc tiêu thụ chưa bám sát yêu cầu thị trường, giá bán và thu nhập của bà con theo đó chưa ổn định”.

          Nông nghiệp có thể coi như một nghành, nghề trung tâm, chủ lực của nứơc ta, tồn tại hàng ngàn đời nay. Và cũng hàng chục năm nay việc tồn đọng hàng nông sản tại các cửa khẩu cũng như vì sự tồn đọng khiến hàng nông sản rớt giá thảm hại tại các vùng nông nghiệp tập trung vậy mà sự trả lời của hai vị đứng đầu hai ngành có liên quan đến nhà nông trước Quốc hội vẫn loanh quanh ở sự bào chữa cho qua chuyện, cùng việc đưa ra những biện pháp mang tính chữa cháy mà thiếu hẳn một chiến lựơc lâu dài để gíup bà con khắc phục, ổn định. Chính vì quan điểm đánh bùn sang ao, đổ lỗi cho người nông dân của những cơ quan có trách nhiệm như thế nên người trồng trọt và chăn nuôi chịu đựng tất cả mọi sự may rủi và đón nhận sự thiệt hại về phía mình. Vài tháng trước tại Đà Lạt người nông dân đắng lòng khi chặt bắp cải, nhổ hoa la dơn bán tống táng với giá rẻ mạt hoặc đành nuốt nứơc mắt cho bò ăn. Còn riêng với dưa hấu trong khi tại các đô thị người tiêu dùng vẫn phải mua dưa với giá từ 15 đến 20 nghìn đồng một kg thì tại các cánh đồng trồng dưa hấu người nông dân đành chấp nhận sự ép giá khi chỉ bán được từ 1000 đến 2000 đồng một kg. Có nơi chỉ bán được từ 500- 700 đồng một kg.

            Bi kịch của nông dân không chỉ hàng chục năm nay mỗi mùa dưa hấu về lại đau đớn nhìn dưa chín dục ngoài đồng, rồi dồn tắc tại các cửa khẩu mà bị kịch ấy còn nằm trong tình trạng đầu ra của nhìều nông sản của nứơc ta. Mạnh ai nấy trồng, thấy lợi trứơc mắt thì trồng, quá tin những lời phỉnh phờ của thương lái mà trồng để rồi trở thành nạn nhân của sự ép giá, sự ế thừa, sự đánh trồng bỏ dùi. Người nông dân và sản phẩm của họ vẫn đang bị bỏ rơi, phó mặc. Chừng nào hiện tình trạng này được chấm dứt để người nông dân có thể yên tâm, thanh thản trồng trọt trên cánh đồng, trong trang trại, hồ ao chăn nuôi của mình ?

           Đến bao giờ ?

                                                                    Nguyễn Hiếu