Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hỏi chuyện một nhà văn

Vũ Quốc Túy
Thứ ba ngày 1 tháng 4 năm 2014 4:33 PM

- Chào nhà văn! Xin được hỏi, vì sao xung quanh việc xem xét và trao tặng giải thưởng văn học hằng năm lại xảy ra lắm chuyện lùm xùm và có nhiều ý kiến trái chiều như vậy?
- Vâng! Đây là một câu hỏi khá thú vị. Nó là vấn đề không dễ nói cho ngắn gọn và rành rọt, nên người ta hay gán cho nó hai từ “nhạy cảm”.
- Nhưng thực ra nó chẳng có gì khó hiểu từ khi trong xã hội xuất hiện nhiều “nhóm lợi ích xấu”, thưa ông?
- Không hẳn như thế! Bấy nay thường xảy ra hiện tượng là một tác phẩm văn chương có giá trị đem xếp xó ở góc thư viện, chẳng ai ngó ngàng đến, không ai giới thiệu với bạn đọc thì chẳng có chuyện gì xảy ra. Nhưng hễ đem ra mổ xẻ trao giải thưởng này nọ là y như rằng dư luận trái chiều nhau cứ ầm ầm như cái chợ vỡ.
- Theo ông thì tác phẩm như thế nào mới xứng đáng được trao giai?
- Dùng từ “xứng đáng” ở đây hơi trừu tượng. Theo tôi, giải thưởng văn học ở xứ ta dành trao cho ba loại tác phẩm chủ yếu. Một là tác phẩm phục vụ cho công tác tuyên truyền trước mắt. Giá trị văn chương được xếp vào hàng thứ yếu, số lượng bạn đọc của nó khá khiêm tốn, thậm chí nhiều bạn đọc quay lưng với nó, rồi nó cũng sớm bị người đời quên lãng. Hai là loại tác phẩm đoạt giải nhờ cơ chế xin-cho. Nhóm lợi ích dựa vào quyền lực tự tung tự tác, tự cho mình cái quyền ban phát. Mà văn chương đâu phải là cái thứ có thể đem cào bằng, cứ cơm lần cháo lượt, giải thưởng là hoa thơm mỗi người ngửi một chút, năm nay người này được giải thì năm sau “phân phối” cho người khác! Thế là những tên lưu manh văn chương có cơ hội dựa vào các mối quan hệ đem tiền ra để mua giải. Loại thứ ba là tác phẩm văn chương đích thực, có thể sống mãi với thời gian, song nó lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong cái đám hỗn độn các tác phẩm đoạt giải.
- Theo ông, những người nhận giải thưởng có thấy xấu hổ không?
- Người không ý thức được việc mình làm là xấu thì không biết xấu hổ. Chỉ có những nhà văn có tác phẩm vào loại thứ ba như kể trên mà có lòng tự trọng  chắc sẽ thấy xấu hổ. Phương ngôn có câu “Người dại để l…người khôn xấu hổ”
- Vì “hàng” thật, chất lượng cao của họ bị xếp ngang hàng, hỗn độn vào với cái đống “hàng” rởm phải không, thưa ông?
- Đúng vậy! Mà bạn đọc thì luôn cần thứ hàng thật. Đã là vàng thì phải là vàng thật, vàng mười, đem lửa mà thử chẳng hề hấn gì. Chẳng ai lại thích cái thứ vàng giả. Nói như nhà thơ Xuân Diệu, cái thứ vàng mạ chẳng lừa được ai. Cái đẹp là phải đẹp thật, chứ không thể chỉ là đèm đẹp.
- Để mập mờ đánh lận con đen?
- Đúng thế!
- Vâng, xin cảm ơn ông!