|
Biệt thự ông Trần Văn Truyền |
Lấy chồng sớm bị trách nhưng là trách yêu. Lấy chồng sớm thì lời ru thêm buồn vì phải làm mẹ ở tuổi “trẻ con” (ngày trước có cô gái tảo hôn đã phải có con ở tuổi 13, 14). Người trách khéo cô gái là anh người tình cũ, bị đá nên ngậm ngùi, giận thì giận mà thương thì vẫn thương.
Nhưng quan về hưu “xây nhà lớn làm gì để lòng dân thêm buồn...” không còn là chuyện trách yêu, mà lòng dân đang buồn. Không chỉ buồn mà dân còn không tin, dân thất vọng. Và nếu ông quan nào xây nhà lớn mà bị phanh phui ra tội tham nhũng thì dân phỉ nhổ, nguyền rủa trước cả khi pháp luật sờ tới.
Xứ mình nghèo, xưa nhà tranh vách đất, sau mấy chục năm hòa bình có ngói hóa thì cũng là cái tổ chào mào cạnh tổ chim chích nhà cấp bốn theo nếp người nghèo. Thời bao cấp, cào bằng, thi thoảng có một cái nhà lầu nhú lên sau lũy tre đã là sự kiện đàm tiếu. Sau mấy chục năm hậu chiến, rồi “đổi mới”, rồi “kinh tế thị trường”, chuyện làm nhà to thành chuyện bình thường. Dân đua nhau “xây nhà cao cao mãi” như câu hát, chẳng ai để ý, cũng chẳng cơ quan nào kiểm tra. Tiền của người ta làm ra, có mua voi về múa hay thỉnh danh ca nổi tiếng về hát đám cưới con cũng chẳng ai cấm được.
Nhưng cán bộ công chức mang danh “đầy tớ nhân dân”, khi về hưu mà xây nhà to lại là chuyện khác. Bởi hiệu ứng gà đua tiếng gáy, ông này ông kia đua nhau xây dinh. Cái ông chủ tịch nổi tiếng một tỉnh miền núi phía Bắc, ngay trước khi về hưu đã bị nạn “lộ hàng”, tưởng hạ cánh được an toàn, ông phải tìm mọi cách làm cho người ta quên ông đi. Vậy mà ông bỗng nổi đình đám trở lại khi cho xây một cái dinh rõ to, báo chí chộp ngay, “ca ngợi” hết lời. Nghe nói ông giải trình được hết nhẽ nhưng ông bịt sao được miệng dân? Dân đòi học ông cách làm giàu. Dân nhân dịp nhắc lại “thành tích” ăn chơi của ông khi còn tại vị. Làm nhà to mần chi hả ông?
Và chuyện mới đây, dinh cơ của ông nọ lại đun sôi dư luận. Dinh của Bao Công về hưu để yên hưởng tuổi già mà chỉ kém dinh vua Bảo Đại ngày xưa tí chút là “làm rối cả lòng ta” rồi. Khi bị dư luận cật vấn sao chức ấy, lương ấy lại có gia tài ấy, ông thản nhiên bảo rằng mọi thứ đều là của từ thiện bá tánh! Rằng có một cô em kết nghĩa cho tiền làm biệt thự, rằng ngay cái đồ án xây nhà cũng của một số anh em kiến trúc sư thương tình vẽ cho! Thực hư chưa rõ nhưng nếu đúng như ông nói thì cũng hy hữu trong sự làm từ thiện ở xứ nghèo ta.
Tóm lại, lý của mấy ông quan tường trình tiền đâu làm nhà to là: (1) do lao động, nuôi heo hay hì hục dán hộp thuê bao nhiêu năm; (2) tiền của ông anh, bà chị hoặc cô em nào đấy làm từ thiện; (3) của con cái chớ đâu phải của tui! Tóm lại, không hề tham nhũng một xu, cả những khi ai đó vì mủi lòng mà ký tới sáu chục quyết định đề bạt cấp vụ trưởng trước ngày về hưu, tất cả chỉ vì “thương chúng nó” chứ đâu có chấm mút cắc bạc nào!
Nhưng đó là cái lý của quan làm nhà to. Cái lý của dân thì khác. Dân (thông qua báo chí) chỉ cần hỏi một câu: Quý ông, chức này vụ kia, lương thưởng như tất cả mọi người. Vậy mà sao ông giàu nứt đố đổ vách, sao không bày cho dân với?
Tất nhiên dân nghĩ, dân nói đều do cảm tính, không có chứng cứ gì kết ông tội tham nhũng, ông luôn lương thiện và khả kính trước pháp luật. Nhưng ai cấm dân nghĩ, ai cấm họ truyền tai nhau đời nọ sang đời kia, kể cả sau khi ông về với các cụ.
Làm nhà lớn để làm gì? Làm nhà to là để làm sang với thiên hạ, là nói rằng mình giàu và sang, để có chỗ tiếp khách khứa, bạn hữu hay bà con ở quê ra và được tiêu những đồng tiền sạch sẽ do mồ hôi nước mắt. Nhưng làm nhà to mà ngực đập chân run vì sợ người ta dỡ đống rơm mà lộ ra nhiều chuyện khác, hoặc phải cửa đóng then cài giấu nhẹm những thứ nội thất có thể sánh ngang cung vua phủ chúa. Làm nhà to mà không ai muốn đến, ai đi qua cũng chỉ trỏ ì xèo, cục stress chình ình gây tổn thọ như thế thì xây để làm gì?
Một doanh nhân mặc cái váy bốn tỉ đồng, một ngôi sao bóng đá tặng vợ chiếc đồng hồ hai trăm ngàn đô dân không khen nhưng cũng không ai nói gì. Còn quan về hưu mà xây cung điện thì chắc người ta sẽ rà soát lại nguồn thu nhập cho minh bạch với dân. Vì hàng triệu trẻ em ăn cơm không hề có miếng thịt, nhiều thầy cô giáo miền núi phải rủ học trò đi bắt nhái suối cải thiện bữa ăn. Cán bộ về hưu chỉ cho dân ngắm cái dinh của mình để “an ủi tinh thần” thì dân không buồn mới lạ. Chẳng thà như Nguyễn Công Trứ, từng làm thượng thư về nhà với một cái rương quần áo sách vở, xin ở nhờ từ đường nhà thờ họ. Hay Đỗ Phủ ao ước làm một cái nhà thật to chứa được hàng vạn người nghèo. Thân họ nghèo nhưng danh họ lớn.
Xây nhà lớn làm gì để lòng dân thêm buồn, thưa các ông?