Tôi như nghe được từ trong hồi ức làng, từ “ Tầng cao thứ 19” những âm thanh khi đều đặn, lúc sâu đằm về nỗi người của nhà thơ Hải Đường, qua “ Hai bờ thời gian” - tập thơ thứ tư của anh (NXB Hội Nhà văn, xb 2013). So với ba tập thơ trước, đây là tập thơ Hải Đường có rất nhiều dụng công trong phép chồng mờ của điện ảnh để gửi gắm những ý tưởng và tư tưởng qua từng câu chữ. Đây cũng có thể coi là những “ thông điệp” về thân phận, những “ va đạp” và sự trải nghiệm của một người sắp bước vào tuổi “ lục tuần”. Dường như Hải Đường sau rất nhiều đằm thắm hồn hậu, đã bắt đầu can dự sâu hơn, vào thời cuộc. Những câu thơ mang nhiều tâm sự, đau đáu nỗi người, nỗi đời và thân thế, không chỉ nói lên “độ chín” của thơ Hải Đường, mà đây (nên/ phải) coi như là những đóng góp của Hải Đường vào thơ đương đại. Dù là truyền thống hay hiện đại thì cũng đều nhất quán qua “Hai bờ thời gian” một sự dấn thân, một thái độ, một tư cách, một tâm thế luôn “buồn và đẹp” mang đến nhiều sẻ chia, nhiều bênh vực, và hình như có cả sự cảnh tỉnh và thức tỉnh nữa.
Cảm thức rõ nhất mà chúng ta bắt gặp ở đây là những cảm thức về làng với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Ấy là những sâu lắng về nỗi nhớ thương về những tháng ngày cơm không đủ no, áo không đủ mặc nơi làng quê muôn thủa còn, và khốn khó. “Những trẻ lọt lòng trong áo rách/ u oa trắng đồng nước lụt/ tiếng nấc nghẹn ngọn tre phơ phất/ bè chuối, bè sen tím tái lời ru/ ru rằng: À ơi đứt ruột mùa lúa chín/ bông nổi phần chim/ bông chìm phần lá/ rơm rạ phần người…” Làng quê ấy nay đã có nhiều đổi khác nhưng không phải không còn những đắng đót khi gặp lại: “Bây giờ nắng nắng mưa mưa/ tiếng gà gáy giữa ban trưa nát lòng/ tiếng làng ai gọi ai mong/ bước chân in dấu thẳm trong cõi người”. Day dứt, trăn trở cũng là thế. Và hơn cả thế còn là nỗi đau khi làng như con thuyền đang bị “trôi” khỏi bến “sông quê”: Chợ mới trên ao cũ/ cá quẫy trong chiêm bao/ chẳng bánh đa bánh đúc/ còn đâu phiên chợ làng/ rằm đến lại tròn trăng/ sân đình thưa tiếng trống/ chú hề chèo khan giọng:/ bà con ơi, làng đâu? “Làng đâu, và chúng ta đang ở đâu khi mà: “Phút lâm chung/ những người thân yêu, bạn bè đứng chật/ người vợ tảo tần lắng lại anh dặn:/ - Anh đi/ nhớ không đọc điếu văn/ vì ở đó toàn lời nói dối”… Cảm giác đau, rất đau. Buồn còn hơn cả nỗi buồn. Nhưng đó là sự thật, không thể chối cãi. Biện minh cho những lời nói dối, sẽ là có tội với xung quanh, sẽ là giả dối hơn cả những điều giả dối: “Vì suốt cả đời son phấn”. “Anh muốn mang khuôn mặt thật về với đất đai” đâu chỉ là ý thức, là điều ngộ rà sau rất nhiều “siêu thị mặt” (Thơ Trần Quang Quý), mà ở đây phải nhiều như là sự thức tỉnh, sự nhắc nhở về ý thức trách nhiệm đối với những người suốt cả đời đứng sau “cánh gà”: “Anh thanh thản về với mẹ/ người cả đời đóng vai hề/ cả đời bán buồn, mua vui cho người”. Hóa ra, dù có đi đến cùng trời cuối đất, có đóng đến ngàn vạn vai hề vẫn không thấm tháp gì với nỗi đau của mẹ. Ta dù có làm “ hề” cho một vở diễn, cho nhiều vở diễn đi chăng nữa, thì cũng chỉ có lúc “có nơi”. Còn mẹ phải cả đời đóng vai hề, ở vùng quê nghèo khó ấy, thật chẳng còn ngôn từ nào có thể diễn tả hết nỗi đau. Thành công của Hải Đường có lẽ là ở đây, ở chính trong cái khoảnh khắc này, khoảnh khắc mà bất cứ ai cũng phải giật mình, không dễ gì cắt nghĩa nổi: “Nhiều khi câu nói vo tròn trong miệng/ tưởng mình đã thấu nỗi lòng người câm. Còn đau hơn cả nỗi đau của những người chẳng may bị bệnh câm điếc, khi mà: “Trong túi áo khâu kín những tin đồn/ vậy mà chúng vẫn bay với tốc độ của cái lưỡi/ hoang phí thay lời hứa tặng nhau trái đất/ vậy mà suốt đời họ chưa cho ai một mẩu bánh mỳ…”. Can dự này của Hải Đường ở cả “Hai bờ thời gian” (quá vãng và hiện tại, sự thật trụi trần và lấp lánh biến ảo) đã nâng tầm giá trị của tập thơ và hé lộ một khả năng Hải Đường sẽ “ nhập” vào dòng chảy của thơ thế sự, mà những Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý… đang ở tốp đầu. Nhưng dù có chuyển hướng, có đổi giọng thì Hải Đường trước sau vẫn là người quê thôi, bởi “Trái tim ấy đang cùng chung nhịp đập với làng quê yêu dấu của mình” (Chữ của Nguyễn Hữu Quý). Bộc bạch này đã chẳng là một minh chứng, rất rõ ràng đó sao: “Ngày lại ngày cà – vạt, còm plê/ cặp đen, giày đen, kính trắng/ ru mình trong những lời trịnh trọng/ quên nắng mưa mây trắng cuối trời/ quên những ao chuôm, mái rạ, bờ tre/ thúng mủng giần sàng ngủ trong bồ hóng”. Dường như sau câu thơ có những giọt nước mắt, hơn cả nước mắt là cái cười vu vơ: “Tiếng vỗ tay như không/ buồn vui đều nhàn nhạt/ giữa mênh mông biển khát…/Trái tim thời @”. Mang trái tim ấy những chiếc lá ngửa mặt lên trời, biết đâu sẽ có lúc (phải/ bị) sấp mặt. Cũng là lẽ đương nhiên: “Hót chi mãi tiếng chim trong lá/ hoa héo vì ai nắng úa trong cành”.
Con người vốn rất hồn hậu, chân tình và cũng khá điềm tĩnh Hải Đường mà tôi vẫn thường gặp “ ở ngoài đời với con- người – thơ qua “ Hai bờ thời gian” hình như đang có một sự chuyển dịch nào đó, một “ vỡ” ra nào đó trong tư tưởng. Không khó để nhận ra khi gặp: “Cái ác như thuốc độc/ trong ly nước/ trong lưỡi rắn/ mặt người/ cái ác như ma trơi/ mặt trời đêm, lửa lạnh”. Khi Hải Đường đã phải “Thốt” ra như thế, có nghĩa anh đã ở một tâm thế khác: “Cô gái quê ngây thơ / nghe người hát hay cũng khóc/ bông hoa bị giẫm lên cũng khóc/ lối em về chiều nay/ thôi đừng ai tặng hoa/ thôi đừng ai hát….”. Xa xót này của Hải Đường là xa xót của một tâm thế luôn biết “ đứng về phe nước mắt”: “Hận thù trong im lặng/ buồn vui chôn đáy lòng”. Thì còn biết “ chôn" vào đâu nữa, khi mà: “ Người máy đôi khi khiến ta bực mình/ nhưng không làm ta đau đớn/ người thật đưa ta lên mặt trăng / mặt trăng ném ta vào đáy vực”. Trong dàn đồng ca, có thể anh là kẻ chỉ “máy môi”, nhưng rõ ràng vẫn là một chính kiến: “Chợt nghĩ/ ai chưa từng là một con người? / chợt nghe / ở góc khuất nào đó/ dàn đồng ca/ - Chúng ta…/ - Chúng ta…”. Và cũng như Hải Đường, chúng ta đang là ai giữa biển người đen đỏ, nơi phố thị mà vẫn thăm thẳm nỗi quê: “ Người quê tiếng đục tiếng khan/ gặp nhau mừng tủi tiếng làng thương thương/ thấm mùi bùn đất ao chuôm/ nắng ươm ngọn mía còn thơm tóc dài”. Chúng ta là ai, khi mà: “Có khuôn mặt nhào nặn trong giả dối/ bỗng một ngày lương thiện đến xót xa”. Dù đã là người của phố từ lâu, thì cũng vẫn không “ giấu” được vẻ hồn hậu, chất phác Hải Đường, rất Hải Đường trong thế sự: “ Sông rộng qua một bờ không nhìn thấy/ mây trắng trên cầu vẫn một nhịp thơ ngây”. Nhịp thơ ngây, đúng là “thơ ngây” của một người đã quá nhiều nếm trải, đã ngẫm đủ chuyện đời, và cũng đã “ thừa khôn” để mà có vẻ như rất “ ngây thơ”: “Người xẩm mù ca bằng trí nhớ/ cây nhị gầy hát bằng nỗi đau/ nước mắt sau cánh cửa…”. Cùng với nỗi đau của nhân dân, đất nước, của làng quê yêu dấu trước bao ngang trái, trớ trêu, đang khiến tất cả như đang cùng “trôi” về phía “ huyễn hoặc”, Hải Đường như người chèo thuyền đang cố níu lấy bờ và cái “ bờ” ấy chính là tấm lòng nhân hậu, là tri ân, là xương máu của biết bao thế hệ, là “biển” lớn mà Hải Đường dù chỉ là một hạt cát, thì cũng là hạt cát có “vàng”: “Trong căn hộ tầng mười chín/ cánh chim trời bay lạc/ mây gió lang thang/ những đám mây nát nhàu bốn mươi năm trước/ bạn hi sinh tuổi mười chín, đôi mươi/ vuông đất sơ sài vội đi không kịp khóc/ súng đã nổ sau lưng… / trong căn hộ tầng mười chín/ sắp chạm đáy cuộc đời/ mọi cao thấp không còn phân vân nữa/ chiếc lồng chim lơ lửng ngang trời”. Trong cảm giác chơi vơi, rất chơi vơi này, chúng ta cũng chẳng khác gì những con chim bị nhốt đang nhớ về rừng xanh. Đã đặt bàn chân lên nhiều miền đất ở các châu lục khác nhau, Hải Đường như người đang ở giữa biển nhìn lại bờ tre xóm mạc quê mình. Thơ anh ít soi chiếu các giá trị nhưng lại nhiều “đi tìm” các giá trị mới, có lẽ cũng bởi anh lắm khát vọng: “Người ơi lúc trời yên bể lặng/ sao không vun gốc tỉa cành”
Nhân hậu là ở đấy, và can dự cũng là ở đấy, ở đấy vừa đủ để chúng ta cảm nhận: “Hảo hán ư? Ta đã tới, tTường Thành/ câu hỏi nghìn năm: Triệu người nằm xuống/ họ là ai trước vô cùng vô tận, không tượng đồng, bia đá/ ngàn năm mây trắng bay”.
Cật vấn này, cho chúng ta liên tưởng, Hải Đường đang đứng ở bờ này nhìn về phía bên kia thời gian và ngược lại, như người lái đò vẫn qua lại hai phía bờ sông, không biết bao nhiêu chuyến trong đời. Chính vì lẽ ấy mà sinh ra “ hệ lụy”, dù rất tâm thế: “Năm cũ ta người đến sau/ năm mới ta người đến sớm/ giữa ta điệp trùng sóng biển/ giữa ta khoảng lặng trong hồn/ lòng ta sao cứ phân vân/ lá vàng mùa xưa tê buốt/ lá xanh mùa xa rạo rực/ chấp chới. “hai bờ thời gian”. Phải chăng, đây cũng là một thân phận, một trạng thái “lưỡng cư” tinh thần, một thế sự luôn “buồn và đẹp” mang tâm thế thời đại…
Việt Trì, ngày 31 tháng 10 năm 2013
N.H.H