Trang chủ » Truyện

TRUYỆN VIẾT CÒN DANG DỞ

Dương Quốc Việt
Thứ năm ngày 28 tháng 7 năm 2016 2:26 PM
Một anh lính quần áo xộc xệch hiện ra trước cửa phòng. Ô Hùng, Sơn chạy ra ôm chầm lấy Hùng. Làm thế nào mà cậu tìm được chỗ này? Cậu ở miền Nam ra bao giờ? Quá bất ngờ Sơn chỉ kịp hỏi có thế. Cũng vừa lúc một toán lính ập đến định trói Hùng như một phạm nhân trốn trại đang bị truy lùng. Chưa hết ngạc nhiên, Sơn thét lên, sao lại thế này, các anh không được trói bạn tôi, có gì thì mời các anh vào phòng… Ba anh lính cũng trạc tuổi Sơn, tuân theo lệnh, không quên kèm sát Hùng cùng vào phòng.
Hóa ra Hùng đã B quay (đào ngũ từ chiến trường miền Nam ra Bắc), hiện đang bị tập trung ở Chèm. Ngày ấy những người B quay dù bất cứ lý do gì, đều bị tập trung ở đâu đó để giáo dục cải tạo. Thôi thì trong trại như tù nhân thì còn khá, đằng này hàng ngày họ còn bị xếp hàng đi ngoài đường, miệng thỉnh thoảng phải hô: “Ai cũng như tôi thì mất nước”. Hiểu ra cơ sự, một anh sinh viên vốn là thương binh-bạn cùng phòng với Sơn, không chút ngạc nhiên chêm vào: thôi thế này, tớ thấy các cậu đều cùng cỡ tuổi, nên cư xử với nhau như những người bạn, chiến trường ác liệt lắm, B quay có gì lạ đâu. Theo tớ các cậu cứ coi như chưa tìm thấy Hùng để cậu ấy ở ngoài một tuần, rồi sẽ tự quay về trại-anh nói tiếp. Hùng ở lại với Sơn ngày hôm đó, đến buổi tối Hùng dẫn Sơn ra nhà chị gái ở khu tập thể Văn Chương ngủ qua đêm, để sáng hôm sau cùng về quê sớm. Đó là những ngày đầu tháng Ba năm 1973. Kể từ lúc có Hùng, anh bạn thương binh lớp trưởng như sống lại với ký ức chiến trường. Cậu B quay không chết ở dọc đường là may rồi, tớ rất thông cảm. Sơn cứ nghỉ học đi, chơi với bạn một tuần, tớ xin phép cho.
Đôi bạn dạo quanh con đường làng, như ôn lại những kỷ niệm hồi hai người cùng học. Hùng hơn Sơn ba tuổi, cùng học với nhau đến hết cấp 2. Hùng học rất giỏi, không chỉ là một học sinh được dự thi học sinh giỏi Toán miền Bắc, Hùng còn rất giỏi văn, giỏi vẽ, hai cái môn mà Sơn không sao theo được Hùng. Đặc biệt, cả Hùng và Sơn đều mê tiểu thuyết. Họ còn thách nhau đọc thuộc cả hồi của Tam Quốc Diễn Nghĩa. Rồi Hùng đã viết cả truyện ngắn đưa Sơn đọc. Thế rồi năm chuyển lên cấp 3, mặc dù đã thi đậu với số điểm rất cao vào lớp chuyên Toán của một trường đại học, nhưng Hùng không được nhập học, kể cả trường phổ thông cấp 3 ở địa phương, chỉ vì bố Hùng thời trước làm Lý Trưởng. Hùng bị dừng học từ đó! Ba năm sau mặc dù khám không đủ sức khỏe, nhưng Hùng xung phong nhập ngũ. Ngày đi Hùng nói với Sơn: tớ đi để thay đổi lý lịch cho gia đình tớ, sống cũng tốt, mà chết cũng tốt, cậu ạ! Thế đấy, vì thế không dám hỏi Hùng, nhưng Sơn vẫn không thể tin Hùng B quay. Người Hùng xanh xao, môi thâm, vì bị sốt rét ác tính. Ở quê với nhau được một ngày, Hùng bảo Sơn quay lại trường, khỏi lo cho Hùng. Trở lại trường, trong tâm trạng nặng nề, Sơn như than thở: Hùng ơi sao mày khổ thế, sao số phận nghiệt ngã với mày thế, trời còn hành mày cho đến bao giờ ?
Ước chừng hôm sau Hùng phải trở lại trại tập trung B quay, Sơn nộp bài kiểm tra sớm, lên xe đạp lao về quê. Anh về đến nhà lúc khoảng 9 giờ tối. Mẹ anh cho biết Hùng đã chết sau một cơn sốt rét ác tính dữ dội, và đã được chôn cất chiều nay. Sơn chết lặng, trong bất ngờ. Hùng ơi sao ra đi không một lời trăng trối, hay mày không kịp trăng trối, để bạn mày sẽ phải dằn vặt suốt cuộc đời này sao, rằng một nhân tài đầy hứa hẹn, đã trở thành một kẻ đào ngũ và ra đi như thế này sao? Sơn đau đớn trong nước mắt, trái tim anh như vỡ nát, cất lên tiếng than ai oán đến tột cùng như thế, trước mộ bạn, ngay trong cái đêm hôm đó. Sáng hôm sau Sơn viếng thăm nhà Hùng. Vẫn còn đó chiếc ba lô của Hùng, treo bên cạnh ảnh thờ. Được biết cả nhà vẫn chưa ai dám mở ba lô, họ cũng định bụng có mở cũng phải chờ sau 49 ngày. Không chịu nổi sự chờ đợi, Sơn thuyết phục cả nhà cho Sơn mở!
Cả nhà ơi, thằng Hùng không phải là thằng đào ngũ-đó là câu đầu tiên Sơn hét lên, khi anh nhìn thấy giấy giới thiệu của đơn vị, cử Hùng ra Bắc đi học ở một trại sáng tác. Ôi thế chứ, phải như thế chứ, là mày cơ mà, tao chưa bao giờ nghĩ là mày B quay-Sơn như muốn thét to lên và nhìn vào ảnh Hùng. Nhưng rồi anh im lặng, khi nhớ lại cái hình ảnh Hùng bị truy đuổi vì chốn trại Chèm. Anh mở nhật ký của Hùng, và sửng sốt khi thấy một truyện ngắn “Truyện kể về một người lính B quay”, đang viết dở. Sơn lướt nhanh những trang Hùng đã viết, chỉ còn phần cuối cùng “Khi người lính B quay trở về hậu phương”, là còn bỏ ngỏ. Hùng ơi, hóa ra mày đã đóng vai một người lính B quay ở hậu phương, để mong có được một trải nghiệm thực tế.
Sơn nhớ lại ngày học giảng văn lớp 7, học về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, người ta đã viết về một bà mẹ bóp chết con, vì đứa trẻ đã khóc, khi mẹ bồng con, dẫn đường cho một cuộc hành quân đêm, khi đi ngang qua đồn địch. Cô giáo đang thao thao phân tích ca tụng hình ảnh này, thì bỗng Hùng bật dạy: thưa Cô sao người ta lại bắt chúng em học thứ văn học này? Thế sao người ta không viết: vì nghe tiếng trẻ khóc, mà các chiến sĩ không ai bảo ai, xông vào đồn địch…, hay là một cách xử sự nào đó, chứ không thể là một hành động phi nhân tính như thế này được! Rồi bao lần Sơn và Hùng đàm đạo với nhau về những tiểu thuyết chiến tranh nào đó, Hùng luôn nhấn mạnh: chiến tranh chỉ tổ chết dân, chẳng hay ho gì.
Hùng ơi hóa ra mày định trở thành nhà văn, và có lẽ là một nhà văn lên án chiến tranh. “Truyện kể về một người lính B quay” đang viết dở là một minh chứng. Người ta hay viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu, viết về những dũng sĩ diệt thù, viết về tình cảm của hậu phương, nhưng hình như chưa ai viết về những người lính B quay. Còn cứ như cái phần cậu đã viết, thì anh lính B quay đó thật dũng cảm, dũng cảm hơn cả những kẻ “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”… Qua truyện viết còn dang dở, cậu như muốn làm rõ thêm về cái dũng cảm và cái hèn nhát. Hóa ra ranh giới giữa dũng cảm và hèn nhát cũng rất mong manh, cũng rất dễ nhầm lẫn. Sơn suy nghĩ miên man về truyện ngắn Hùng viết dở. Anh đang cố hình dung Hùng sẽ viết như thế nào về tình cảnh người lính B quay khi ở trong lòng hậu phương…