Hai bài thơ Hữu Loan viết về Hà Nội
Lại Nguyên Ân sưu tầm & giới thiệu
Thứ bẩy ngày 25 tháng 1 năm 2014 8:00 AM
Trong sáng tác thơ của Hữu Loan có hai bài thơ viết về Hà Nội, một bài viết những năm 1949-1950, một bài viết năm 1956, và cả hai bài cùng được công bố năm 1956. Bài Đêm, so sánh đêm Hà Nội thời bị quân Pháp chiếm đóng, với đêm Hà Nội sau ngày quân ta vào tiếp quản, đăng Giai phẩm mùa thu, tập 1 (sách ra ngày 29/8/1956); bài Tâm Sự Thủ Đô viết về Hà Nội những ngày kháng chiến, đăng tuần báo Trăm Hoa (s. 8, ra ngày 16/12/1956). Rất có thể do từng gắn với các ấn phẩm kể trên nên một thời gian dài, gần như không được ai nhắc đến, cũng không được đưa vào tập Màu Tím Hoa Sim (Nxb. Hội Nhà Văn, 1990). Nhân kỷ niệm ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), xin giới thiệu lại với bạn yêu thơ hai bài thơ này của nhà thơ Hữu Loan.
LẠI NGUYÊN ÂN sưu tầm và giới thiệu
TÂM SỰ THỦ ĐÔ
Trên những chuyến xe bò
Đi về Kim Liên
Đi về Chèm, Vẽ …
Những người thủ đô tản cư
Đoàn xe đi
Chở nặng tâm tư
Một góc nhà
Một hè phố
Mắt em biếc một chiều xưa
Quán Thánh, Cổ Ngư, Bạch Mai
Bóng liễu, tháp rùa
Một thằng bạn một thằng con ở lại
Khấp khểnh xe đi
Vấp vào đêm tối
Thủ đô
Ngày mùa thu
Cờ bốc lửa phố dài
Cờ bốc lửa công trường Nhà hát Lớn
Thủ đô
Ngày thủ đô chào đón
Đoàn giải phóng quân về
Qua cầu Long Biên
Sông bóng người đi
Vai cao rộng
Mang núi rừng Việt Bắc
Ai nhìn thủ đô
Lau thầm nước mắt
− Quốc ca mình
Người lính Việt đầu tiên
Rừng xanh thượng du
Lúa vàng bình nguyên
Giữa phố thủ đô chào nhau
− Đồng chí!
Có người làng đi
Trong đoàn lính trẻ…
Thủ đô
Quân lệnh đêm
Chuyền qua tường nhà
Lựu đạn đen ngòm trong nắm tay
Rình sau mái ngói
Nắng lóa tường vôi
Chữ cào xương nhức nhối
“Thanh niên sống chết
với thủ đô”
Đoàn xe đi
Về đường Kim Liên
Về đường Chèm, Vẽ
Việt Bắc âm u
Đường dài Thanh Nghệ
Đoàn xe đi
Sắt rít đường khuya
Giặc khởi hấn rồi !
Trong Hà Nội
Một thằng bạn
Một thằng con ở lại
Và bắt đầu
Những ngày đêm thủ đô ghê rợn
Khu Đồng Xuân
Lính trung đoàn thủ đô
Giết giặc, đuổi quanh bàn thịt bò
Giết giặc
Đạn là từ nóc chợ
Hai thằng với súng bom
Uất hận đương đầu…
Bỗng một đêm thủ đô
Có đoàn quân quyết tử
Cắt máu tay ăn thề
Ngõ vắng thủ đô
Những đơn vị rút đi
Góc phố thủ đô
Bóng những người đứng lại.
Lửa cháy thủ đô
Chân trời hấp hối
Xác thằng bạn
Xác thằng con
Trên hè phố thủ đô
Đường tản cư khuya
Lửa tóe sắt bánh xe bò
Xa cửa ô rồi
Trông về Kim Liên
Trông về Chèm, Vẽ …
Bóng hoàng hôn lên
Liệm tròn huyết thệ
Người quyết tử quân cuối cùng
Những người dân thủ đô
Phải về với giặc ở chung
Phải đốt cờ đỏ sao vàng
Thức đêm may cờ ba sắc
Và những sáng mai
Tay sót sa
Treo cờ giặc trước nhà
Ai về nội thành
Thấy Hà Nội xa hoa
Nhưng Hà Nội
Giặc xây thêm ngục tù
Xe phòng nhì
Chở từ ngoại ô
Từng đoàn người xiềng tay
Về qua phố tối
Ngồi thức đêm Hà Nội
Nhìn ra miền tự do
− Có thằng con
Theo chính phủ Cụ Hồ !
Ai về nội thành
Thấy Hà Nội xa hoa
Hà Nội hơn Hà Nội trước
Nhưng Hà Nội
Thủ đô trụy lạc
Hà Nội cũ
lầm than
Ngã Tư Sở
Khâm Thiên
Đèn khuya chảy vàng
Những tiệm hút
Những hộp đêm
Mọc theo tiếng gõ giày đinh
Của đoàn Tây mũ đỏ
Tiếng xe tăng viễn chinh
Chiều đi bụi phố
Và lần theo
Bóng đèn dâm ô
Lũ lượt kéo nhau về thủ đô
Từng đoàn thiêu thân
Sợ
Ánh sáng và gió lành
Tôi thành thép
Cánh tay người kháng chiến
Đêm thủ đô
rét đến
Trong chăn bông
Nghe lạnh chiến khu về
Cơm gia đình
đũa bát
nhớ người đi
Nhưng sáng mai thủ đô
Từng đoàn phi cơ giặc
Chở tang tóc
đầy
trong thân sắt
Ra những miền quê xanh
Tiếng bom dội về
Chuyển Hà Nội
mông mênh
Tim người thủ đô
Rung lên
như đất chuyển
Những người thủ đô tản cư
Những đồng bào kháng chiến
Từ những vùng tự do
Có người vào thủ đô
Nhìn chừng thư trôi
trên giòng sông
Chào thằng bạn chiến khu
Mà phục tấm lòng
Những đêm thủ đô
Mắt em biếc não nùng
Những giấc ngủ tơ nhung
Chập chờn về ác mộng
− Ai hát thì thào
Đêm thủ đô
cửa đóng
Bài ca của thủ đô
mùa thu
Bài trường ca của những người
Chiến thắng sông Lô ?
Người lính gác viễn chinh
Đêm nghe căm thù
Về năm đầu cửa ô
Quát thành tiếng súng
Và giữa Hà Nội trưa yên lành
Hồi còi rú thất thanh
Kêu như người tắc họng
Một xác Việt gian
ngã tư nắng đọng
Những em
mùa thu
Đi trong đoàn thiếu nhi
Lớn thành thanh niên
Bỏ nhà ra đi
Hỏi thăm
đường chiến khu Việt Bắc
Đời nội thành xa hoa
nặng nề
từng thời khắc
Những người ngày xưa
Chưa thù Việt Minh
Đã bắt đầu
đợi chờ
− Đến bao giờ
Biết đến bao giờ
Cho đêm sáng xa hoa
Vỡ
Rơi
Thành bóng tối
Xuống xác người máu me
ngổn ngang gạch ngói ?
− Đến bao giờ
Việt Minh mới đánh vào Hà Nội ?
Những người
Bắt sống Lơ-pa và Sác-tông
Những chiến sĩ
Cao Bằng
Đông Khê
Những binh đoàn biên giới
chuyển về trung du
Như đi từng dãy núi
Kẹp vòng quanh ngoại vi
Thủ đô
Em gái Hà Nội tản cư
đẹp trong màu áo vải
Rồi sẽ còn những ai
Trong số người ở lại ?
Ngày thủ đô chiến thắng
tưng bừng
Em về thủ đô
chân
− phố cũ −
ngập ngừng
1949-50
HỮU LOAN
Nguồn:
Trăm Hoa, Hà Nội, s. 8 (16.12.1956), tr. 3, 8.
ĐÊM
Những đêm Hà Nội ngày xưa
Trằn trọc
Không yên
Những cửa
Từ đầu hôm
Như những mắt nhắm nghiền
Bóng nhà bóng cây
Ôm nhau
Run sợ
Đêm Hà Nội ngày xưa
Như con bệnh hạt xoài
Nung mủ
Như một nhà thương điên
Lên cơn hôn mê
Thiết giáp
Xe tăng
Lính tẩy
Phòng nhì
Tiếng rú của người
Tiếng rít của xe
Những chiếc jeep điên
Đuổi gái
Nghiến người
Quắc mắt đèn pha
Đỏ tia đòng đọc
Đêm Hà Nội ngày xưa
Đầu người
Và tình yêu
Treo
Trên đầu sợi tóc
Và sau từng đêm
Mệt nhọc
Hốc hác
Hồ Gươm
Như mắt thâm quầng
Hốt hoảng gọi nhau
Không kịp vớ áo quần
Những đêm Hà Nội ngày xưa
Lõa lồ
Mình đầy ung độc
Đã xuống tàu đêm
Vào Sài Gòn
Tất cả
Những đêm Sài Gòn
Ngày nay
Đêm giang mai
Tẩu mã
Đang mưng
Cấp cứu gấp vạn lần
Những đêm xưa Hà Nội
“10$ 1 cốc cà-phê
100$ 1 con gái…”
Quảng cáo đóng đầy
Ngực đêm
Như áo ngủ Sài Gòn
Đêm Hà Nội
Ngày nay
Như em nhỏ nằm tròn
Ru trong nôi chế độ
Những đèn dài đại lộ
Như những tràng hoa đêm
Nở long lanh
Trong giấc ngủ
Bình yên
Ngã Tư Sở, Cống Vọng, Khâm Thiên
Nằm ngủ
Những đêm
Giữa những tình cảm lớn
Gió đem về
Thơm hoa rừng, lúa ruộng
Đặt bàn tay
Lên những cửa ô nghèo
Khi chúng ta về
Ánh sáng
Đã về theo
Và từng cặp người yêu
Đem về trong giấc mơ
Hình ảnh Hồ Gươm
Đẹp như hồ Thần Thoại
In bóng người yêu
Chung thủy
Đợi chờ
5/1956
HỮU LOAN
Nguồn:
Giai phẩm mùa thu, tập 1, Nxb. Minh Đức, Hà Nội, 29/8/1956, tr. 27-29.