Đã từ lâu, con ngựa gắn bó với con người, giúp con người tăng tốc độ, kiếm sống, đánh trận và tôn thêm vẻ đẹp cho con người nên hình ảnh con ngựa đã được thể hiện đậm nét trong nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như con ngựa Rốt-xi-năng trong tiểu thuyết Đông-ki-sốt, ngựa Ô-Chùy của Hạng Võ, Xích Thố của Quan Vân Trường... Gần gũi hơn với người đọc Việt Nam là con ngựa sắt trong truyện "Thánh Gióng" - con ngựa bay lên Trời, sau khi thắng giặc ngoại xâm!
Tuy vậy, những con ngựa vừa kể chỉ được thể hiện như là phương tiện, là vật trang sức cho con người. Trong văn học Việt Nam hiện đại có hai truyện ngắn đã thể hiện con ngựa như là một "nhân vật" có máu thịt, có tình cảm, đến mức khi nó phải vĩnh biệt cõi đời, hẳn không ít độc giả đã rơi nước mắt.
Truyện thứ nhất là của cây đại thụ trong làng văn Việt Nam: nhà văn Nguyễn Công Hoan. Truyện có tựa đề: Con ngựa già, viết năm 1938. Ông kể lại một kỷ niệm hồi nhỏ, khi có dịp quan sát con ngựa ô của quan huyện đã mua lại của một ông Tây. "Vì lẽ đó, nó cũng có tên là ngựa tây...Nó không hiền lành như ngựa ta. Nó dữ, khỏe mạnh và hung hăng lắm." Nó đã cắn, đã đá cho nhiều người lính hầu cai quản nó, thậm chí có lần nó đánh đổ xe khiến bà huyện lăn kềnh. Chỉ với riêng ông huyện là nó chịu thuần phục và đã mấy lần cứu ông thoát nạn...Đó là những chuyện tác giả nghe kể lại, còn "cao trào" hoặc là điểm thắt nút của truyện là cảnh mấy người lính chôn sống con ngựa, khi nó về già, đau ốm. Đau đớn hơn là do cái huyệt đào ngắn và cạn, phải gô cổ nó mới nhét xuống, còn "bốn cái chân lêu đêu chỏng lên trời...", một anh lính "giật lấy dao và giơ thẳng cánh, chặt đôm đốp vào đầu gối con vật. Nó đau quá, giãy lên...Xương trắng và thịt đỏ chồi ra...con ngựa tưởng có thể chạy trốn sự đau đớn, nên nó dùng hết sức tàn để băm bằng bốn cẳng cụt. Nó băm nhanh biến như lúc nó phi nước đại. Tiếng cười và vỗ tay dòn tan..."
Tác giả mô tả cảnh thương tâm ấy với con mắt hồn nhiên của đứa trẻ chín, mười tuổi, với giọng văn như vô cảm. Ông không một lời chê trách, phê phán mấy tên lính và không khoác áo đạo đức cho "đứa trẻ chín, mười tuổi". "Khi không được cười nữa, người ta lại bổ lưỡi dao vào mặt nó để nhắc nó chạy đi. Quả nhiên, nó lại lắp bắp bốn cẳng trên không và tiếng cười lại nổi lên rầm rĩ. Tôi cười, nhảy lên mà cười, vỗ tay mà cười. Vui quá!..." Nhưng trước cảnh con ngựa dẫy chết, chính những tiếng cười ấy lại làm chúng ta xót xa đến rơi nước mắt! Hơn thế, đó là lời cảnh tỉnh về sự vô cảm của con người - mầm mống của đủ loại tội ác.
Tròn mười năm sau, năm 1948, nhà văn Trần Công Tấn viết truyện ngắn đầu tay "Con ngựa của tôi". Năm 1956, truyện được in trong mục "Kỷ niệm sâu sắc của tôi" trên báo "Quân đội nhân dân"; sau đó, được dịch in ở tạp chí Europe (Châu Âu) và một số nước khác. Cũng từ những hồi ức của tác giả thời thơ ấu và kết cục là cảnh con "Thiết mã" bị giết chết, nhưng ý nghĩa của truyện lại khác hẳn. Sau bao năm mê mải đuổi theo hình ảnh con ngựa hồng của tổng Bang phóng qua làng, rồi kẹp tàu cau, cưỡi cả chó giả như ngựa, bị "ngựa" cắn cho tóe máu khi vung roi quất giục nó phi nhanh, năm 1945, chàng quân báo Trần Công Tấn được giao con Thiết Mã, vốn là ngựa của nhà binh Nhật đầu hàng giao lại cho Việt Minh. "Nó rất thông minh... biết nằm rạp xuống khi địch bắn, biết cách chạy tránh đạn và biết cả nghiêm nghỉ, đi đều bước theo khẩu lệnh. Vì thế, tôi quý mến nó như một người bạn chiến đấu..." Nhưng sau ngày mặt trận Huế vỡ, lực lượng cách mạng phải rút lên chiến khu, cuộc sống cực kỳ gian nan, "đơn vị đã hết nhẵn lương ăn, phải mổ ngựa ăn với rau rừng. Con ngựa thứ 6 đã bị bắn chết, rồi đến con thứ 7, thứ 8. Mỗi lần nghe tiếng súng giết ngựa, tiếng dao thớt đốn lộc cộc vào sườn ngựa, lòng tôi càng rối lên. Tôi lo cho số phận Thiết mã. Tuy thế vẫn chưa đến phiên nó chỉ vì lý do: trong đơn vị, tôi bé nhất, mới mười ba tuổi..."
Thế rồi vào một chiều mưa lạnh, sau hai tiếng súng, "tôi nghĩ ngay đến Thiết Mã. Chân tay rã rời, bủn rủn... Tôi rẽ đám đông bước vào ôm lấy cổ ngựa khóc òa lên. Mắt Thiết Mã mở trừng trừng, máu nó ứa trên ngực, trên đầu...Chị Diêm liền đến ôm lấy tôi . Chị cũng khóc, chị nói: "Đừng khóc, em ạ. Em muốn các anh chị sống để đánh giặc hay phải chết đói?..."
Cái chết của Thiết Mã là một sự hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự sống của nhiều người, nhưng với cậu chiến sĩ quân báo trẻ tuổi, thì đó vẫn là một bi kịch, một nỗi xót xa không dễ nguôi ngoai. "Rét chiến khu vẫn kéo dài. Đêm đến, gió lạnh, tôi khoác chiếc bao tải đệm lưng Thiết Mã còn ấm hơi. Nhớ nó, tôi mơ ước mình sẽ có con ngựa khác, óc tôi lại hiện lên từng đoàn kỵ binh gươm tuốt trần vung lên, xông tới trước kẻ thù".
Với "Con ngựa của tôi", sự hy sinh gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được thể hiện một cách sắc nét và độc đáo. Một câu chuyện thương tâm mà vẫn ấm áp tình người. Cũng có thể nói đây là một vở "bi kịch lạc quan".
Trong văn học Việt Nam hiện đại, con ngựa được lấy làm tên truyện còn phải kể "Con ngựa bốn vó trắng" - tiểu thuyết của Văn Linh, một nhà văn cũng gawns bos nhiều với Quảng Bình như - và gần đây là "Con ngựa Mãn Châu" của Nguyễn Quang Thân, nhưng trong hai tiểu thuyết này, con ngựa không phải là trung tâm của câu chuyện. Nhà văn Nguyễn Công Hoan còn có truyện ngắn "Ngựa người và người ngựa" rất nổi tiếng, nhưng truyện này không hề nói gì đến ngựa, chỉ là số phận của hai con người - gã kéo xe và ả gái điếm - phải sống kiếp ngựa mà thôi!
Suy cho cùng thì cả hai truyện ngắn "Con ngựa già" và "Con ngựa của tôi" cũng chỉ là truyện về con người, về tiếng cười, tiếng khóc của con người trong những hoàn cảnh oái oăm. Dù sao thì người đọc có lẽ cũng nên biết ơn các tác giả đã khéo dùng con ngựa để giúp con người có dịp hiểu rõ mình hơn. Phải! Không có con ngựa thì đã không có hai truyện ngắn ấy lưu lại cho hậu thế.
N.K.P.