Văn hóa gia đình Việt Nam – Kinh nghiệm dạy con của người nổi tiếng
Gần đây , tôi mới biết, cụ đỗ đầu xứ Nguyễn Hiệt Chi, ông nội GS Nguyễn Huệ Chi, là một trong sáu người đã sáng lập ra trường Dục Thanh (Phan Thiết) nổi tiếng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy học. Em cụ, Nguyễn Hàng Chi, mới 24 tuổi đã bị nhà cầm quyền Pháp và Nam triều xử chém năm 1908 vì cầm đầu phong trào chống sưu thuế của Nghệ Tĩnh.
Dòng họ Nguyễn Chi là một dòng họ nổi tiếng ở ở Hà Tĩnh, nơi GS Nguyễn Huệ Chi sinh ra và lớn lên. Bác ruột của GS, BS Nguyễn Kinh Chi, thân sinh nhà dân tộc học tài danh Nguyễn Từ Chi, là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên (năm 1946) của Chính phủ Cụ Hồ, một Thứ trưởng Bộ Y tế xuất sắc trong suốt thời kháng chiến chống pháp.
Thân phụ của GS Huệ Chi là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa uyên bác Nguyễn Đổng Chi, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Ông có nhiều tác phẩm như “Túp lều nát” tố cáo cường hào bóc lột nông dân, in năm 1937, “Việt Nam cổ văn học sử” in năm 1942 được cả ba học giả Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố và Đặng Thai Mai đều đánh giá cao. Công trình khảo cứu “Đào duy Từ” được giải thưởng Alexandre De Rhodes năm 1943. Cuốn “Hát dặm Nghệ Tĩnh” tôi đã đọc và rất thích. Em ruột GS Huệ Chi là cố PGS Nguyễn Du Chi cũng là một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ có tiếng, được giải thưởng Nhà nước với cụm công trình đi rất sâu vào kiến trúc hoa văn truyền thống Việt.
Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: GS Nguyễn Huệ Chi sinh năm 1938 tại Can Lộc (nay là Lộc Hà), Hà Tĩnh. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là người có kiến thức, có tầm suy nghĩ, thường tỏ ra độc lập, không lệ thuộc vào “khuôn khổ”, luôn gắn với mục tiêu dân chủ hóa xã hội… Năm 2009, ông cùng nhà giáo Phạm Toàn, GS Nguyễn Thế Hùng khởi xướng trang Bauxite Việt Nam nổi tiếng, “là tiếng nói phản biện nhiều mặt của trí thức”.
“Mộng Thương thư Trai” là thư viện lớn của chí sĩ và nhà giáo, Tú tài Nguyễn Hiệt Chi, biệt hiệu Mộng Thương, ông nội của GS Huệ Chi. Thư viện này có hàng vạn cuốn sách kể từ thế kỷ XIX, chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, tri thức của các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Chi. Bây giờ GS Huệ Chi cũng nối tiếp cha ông xây dựng được một kho sách lớn, để lại cho con cháu.
GS dẫn tôi đi xem kho sách của ông. Dù chưa được xem kỹ, tôi vẫn cảm thấy choáng ngợp. Nói như người xưa “thư trung hữu kim” (Trong sách có vàng). Quả là một kho “vàng” vô giá .
Vợ ông, bà Nguyễn Kim Hưng, tốt nghiệp đại học Hán Nôm, nhiều năm công tác ở Viện Hán Nôm, người dịch “Đại Việt sử ký tục biên” kể rằng, vài năm sau ngày giải phóng miền Nam, bà kiếm được một ít tiền do dịch sách và tài liệu, bà đưa cho ông vào Sài Gòn để mua một ít đồ dùng. Khi ông trở ra, cả nhà đi đón, nào hộp nhỏ, hộp to, hai con bà cứ tưởng bố mua được nhiều quà lắm, những thứ thời đó ngoài này không có, những thứ mà người ta vẫn mang từ miền Nam ra như tủ lạnh, quạt máy, tivi… Nào ngờ khi mở ra “toàn sách là sách. Tôi bực quá anh ạ… Nhưng thế mà lại hay, các con tôi vốn mê sách, có khi còn quý hơn các thứ hàng hóa khác ấy chứ…”.
Bà nhớ lại những ngày gian khổ, khi con gái bà là Nguyễn Thu Hương mới sinh được 20 ngày, máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, cả nhà vội vã theo cơ quan đi sơ tán vào tận Hà Tây (cũ) “Nhiều hôm vừa bế con lên khỏi hầm, thì máy bay lại đến, lại bế con chui xuống, dẫm trên nước lõm bõm… Tôi còn nhớ khi các cháu bắt đầu đi học cấp một, cứ Chủ nhật, nhà tôi lại dẫn các cháu đi chơi ở ngoại thành, đi câu tôm ở Hồ Gươm… Nhiều hôm cả mấy bố con câu được khá nhiều tôm, tôm tươi rói, nhảy tanh tách… làm các cháu rất vui. Tôi rang dòn lên, thế là cả nhà được một bữa tươi... Cháu trai đầu, Nguyễn Đĩnh Chi, từ nhỏ đã mê đọc sách. Cháu thuộc rất nhiều thơ Đường, chưa học cấp II, cháu đã đọc hết “Đại Việt sử ký toàn thư”. Đĩnh Chi rất thích văn, muốn thi vào đại học khoa văn, nhưng vợ chồng tôi lại quan niệm rằng, muốn theo nghề văn phải thật giỏi văn, cần một năng khiếu đặc biệt, chỉ đạt mức tiên tiến là chưa đủ, nên đã hướng cho cháu thi khối A. Cháu học ngành xây dựng, bây giờ cháu là kỹ sư xây dựng, vợ cháu là kiến trúc sư. Cả hai vợ chồng đều là người say mê sáng tạo, nhiều bản thiết kế của các cháu được đánh giá cao. Vợ chồng cháu mở công ty tư vấn thiết kế…Tuy nhiên cái ngành này giờ cũng khó khăn, cận kề thất nghiệp, cháu lại không thích chạy chọt đấu thầu thi công nên kiếm tiền thời buổi này rất khó…”.
Bà Kim Hưng nói, hai đứa con của bà tính tình gần như trái ngược nhau. Cậu con trai Nguyễn Đĩnh Chi (sinh năm 1969) lành tính, hay nể nang. Ngược lại, cô con gái Nguyễn Thu Hương (sinh năm 1972), tính tình quyết đoán, mạnh mẽ. Thu Hương học giỏi, nhận được học bổng sang học ở Mỹ; hiện đã có hai bằng thạc sỹ, đang làm việc tại thư viện của đại học danh tiếng HaVớt (Harvard). Gia đình Nguyễn thu Hương giờ đinh cư ở Hoa Kỳ. Con gái của thạc sỹ Nguyễn thu Hương đã 13 tuổi, theo bà Hưng cháu học bên đó cũng rất giỏi, môn nào cũng A+. Vợ chồng GS Nguyễn Huệ Chi cũng đã có hai cháu nội, hiện sống với bố mẹ tại Sài Gòn.
“Nhà tôi lành tính thế nhưng dạy con rất nghiêm khắc – Bà Hưng nói về chồng mình, GS Nguyễn Huệ Chi. Điều đầu tiên chúng tôi dạy các con là tính trung thực. Đó là đức tính hàng đầu. Trung thực và thẳng thắn. Cái gì không phải của mình thì tuyệt nhiên không được đụng đến. Có lần cháu Đĩnh Chi mang về nhà một cái thước kẻ. Tôi hỏi cháu ở đâu ra? Cháu bảo mượn của bạn. Tôi bảo dù là cái thước kẻ hay một mẩu bút chì, một hòn tẩy nhỏ, nếu không phải của mình thì không được mang về, nếu con mượn của bạn, dùng xong rồi thì phải mang đi trả ngay… Chúng tôi luôn nhắc nhở các con làm việc gì cũng phải làm đến cùng, làm dở dang rồi bỏ, theo kiểu đẽo cày giữa đường là điều chúng tôi ghét nhất. Khi các cháu đã lớn khôn, cho đến tận bây giờ, chúng tôi luôn hướng cho các con, các cháu phải chuyên chú đi sâu vào chuyên môn, có thật giỏi về chuyên môn thì ở đâu, trong hoàn cảnh nào mình cũng sống được, sống đàng hoàng, ngay thẳng…” – Bà Hưng tâm sự.
Cách đây vài năm, cuốn “Các nhà văn Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh” được xuất bản, tôi đọc thấy có tên mình nhưng không có tên GS Nguyễn Huệ Chi. Tôi có viết một bài báo ngắn đặt câu hỏi vì sao?
Bài đăng trên một tờ báo mạng. Các anh ở ban biên tập cuốn sách gọi điện nói do sơ suất về kỹ thuật chứ không có ý gì cả và hứa sẽ bổ sung. Tôi rất mừng vì liền sau đó cuốn sách được in lại đã có tên GS Nguyễn Huệ Chi. Tuy nghe tiếng ông đã lâu với niềm kính trọng một trí thức có nhân cách, có nghĩa khí nhưng hôm nay mới có dịp đến nhà ông trò chuyện …
Đến đây, tôi mới hiểu được nhiều điều. Hiểu được trong một gia đình trí thức lâu đời như gia đình GS Nguyễn Huệ Chi điều cốt lõi để dạy con, dạy cháu là tấm gương sáng của những bậc tiền nhân. Từ người sáng lập ra trường Dục Thanh nổi tiếng đến người sáng lập ra trang Bauxite Việt Nam cũng nổi tiếng không kém, và chuyện người con trai của GS Huệ Chi là kỹ sư xây dựng Nguyễn Đĩnh Chi, mà theo bà Hưng kể, đã sống rất ngay thẳng, nhiều lần đứng ra phê bình, góp ý với “sếp” trong những cuộc họp toàn cơ quan… Phải chăng là sợi chỉ đỏ nhân cách xuyên suốt thời gian, xuyên suốt tính nhân bản của con người …?!
D.K.A.
Nhà vườn Sóc Sơn đầu xuân 2014
Nguồn: Báo Người giữ lửa – Báo Màn ảnh sân khấu của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội; Số 25 – 22/1/2014
Ảnh:
Gia đình ba thế hệ trí thức luôn hạnh phúc, rộn tiếng cười của GS Nguyễn Huệ Chi