Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tết nhà quê

Hoàng Thảo Chi
Chủ nhật ngày 26 tháng 1 năm 2014 5:10 PM
TẾT NHÀ QUÊ!

 Còn hàng tháng nữa mới Tết, mà sáng nay, đi ngang mấy cửa hàng sách, thấy đỏ rực, vàng chói cơ man là lịch tờ, lịch quyển, lịch blốc năm mới 2014 đã được bầy bán. Một bìa lịch to tướng, vẽ bức tranh Mã Đáo Thành Công, biết năm mới sẽ là năm Ngọ. Nhìn tám con ngựa, vó tung cao, bờm dựng lên trong gió, trong lòng nghe như có tiếng ngựa hý rền vang, và nao nao bao kỷ niệm của những mùa xuân xưa cũ tràn về. Đó là những mùa xuân và những cái Tết không thể nào quên, Tết ở nhà quê, Tết của những ngày ấu thơ, xa xưa yêu dấu…

NẤU RƯỢU TẾT

 Dạo ấy, không khí tết đến với tôi từ rất sớm, ngay từ lúc bắt đầu phụ giúp Thày tôi nấu rượu. Cái đoạn Bu tôi nấu cơm, trộn men rồi ủ…tôi không để ý lắm. Nhưng đến lúc nấu rượu, thì tôi thấy mùa xuân đã về, mơn man trong mùi rượu thơm ngát giữa bếp nhà tôi. Hơn nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng tôi vẫn thấy tôi ngồi kia, bên cạnh bếp lửa hồng rừng rực, đốt bằng gốc tre, còn Thày tôi thì tất bật chuẩn bị nấu rượu.
Trước tiên Thày tôi bắc cái nồi đồng ba mươi lên bếp, (gọi là nồi ba mươi, chắc là nó chứa được ba mươi lít nước thì phải) đổ vô đó khoảng nửa nồi cơm rượu. Tiếp theo ông đặt cái nồi hông bằng đất nung không đáy lên trên. Giữa thân cái nồi hông, có khoét một lỗ nhỏ để cho rượu chảy ra, qua một cái máng bắc bên trong nồi. Cái nồi hông này khum khum hình quả bí ngô, chụp khít cái miệng nồi ba mươi phía dưới. Phía trên đặt một cái bù đài bằng tôn (giống như cái nón lật ngửa). Cái bù đài này, phải đặt sao cho, cái chóp nhọn của nó, chỉ đúng vào lòng cái máng phía dưới, mới mong thu được rượu khi nấu. Trong bù đài, phải giữ cho nước luôn mát, để ngưng đọng hơi rượu bốc từ phía dưới lên. Rượu theo độ dốc của bù đài chảy xuống cái máng rồi ra ngoài. Tôi được giao nhiệm vụ thay nước ở cái bù đài ấy. Đó là một công việc chẳng nặng nhọc chi, nhưng cứ phải chạy ra, chạy vô lấy nước, chân tay chẳng được nghỉ ngơi.
 Khi những giọt rượu đầu tiên chảy ra, Thày tôi hứng chúng vào cái chén mắt trâu rồi nếm thử. Sau khi nếm, ông điều chỉnh ngọn lửa để sao cho, rượu đạt được nồng độ mong muốn, nhất là phải có vị hơi khê khê, chứ không phải là bị khê. Cái này là bí quyết, chúng tôi chẳng ai tiếp thu được. Mỗi khi Thày tôi nếm xong, bao giờ tôi cũng lấy cái chén ấy, kề vào miệng dốc ngược lên, và lần nào cũng kiếm được vài giọt cay xé lưỡi. Hàng chục năm, phụ Thày tôi nấu rượu như vậy, tửu lượng của tôi âm thầm đạt tới hàng “Huyền đai” mà chính tôi không biết.
Qua bao tháng năm, những vò rượu Tết, được nút bằng lá chuối khô, vẫn xếp hàng ngay ngắn trong trí nhớ của tôi đến tận bây giờ. Thỉnh thoảng tôi vẫn quay về với thuở xưa, mở những cái nút lá chuối ấy ra. Mùi rượu nếp, lại lừng thơm hương Tết tuổi thơ, xa mù trong dĩ vãng.

 MUỐI DƯA HÀNH.

 Cách Tết khoảng mươi lăm ngày, Bu tôi bắt đầu chuẩn bị muối dưa hành. Tôi được phân công rửa sạch cái vại sành, cái vỉ nén đan bằng tre và một cục đá khá to. Bu tôi mua về mấy cân hành củ màu trắng, loại sàn sàn nhau, cho hết vào một chậu men, đổ ngập chúng bằng nước vo gạo cùng một nắm muối. Ngâm một đêm thì gạn hết nước vo gạo, thay vào đó bằng nước lã hòa cùng tro bếp, và cũng thêm một ít muối, ngâm một ngày nữa thì đổ ra. Bu tôi rửa sạch hành, bóc vỏ ngoài, để cho ráo nước. Chờ hành ráo, Bu tôi nướng mấy gióng mía, tước hết vỏ rồi tiện thành từng khúc khoảng 3 phân, chẻ tư rồi xếp xuống đáy cái vại tôi đã chuẩn bị, và đổ hết hành lên trên. Tôi đun một nồi nước sôi, để gần nguội, Bu tôi cho vô đó ít đường, muối, dấm khoắng đều rồi đổ ngập hành khoảng một đốt ngón tay. Tôi nén cái vỉ xuống, đặt cục đá lên rồi đậy nắp vại lại. Thế là hai Bu con chúng tôi, hoàn thành một món rất quan trọng cho ngày tết: Muối dưa hành.
 Không biết món kim chi ngon cỡ nào, mà trong tất cả các phim của xứ Hàn đều ca ngợi thấu trời xanh? Tôi thì cho rằng: Món hành muối của người Việt chúng mình, nhất là món hành muối của Bu tôi làm trong những dịp Tết ngày xưa…tuy giản dị, nhưng nhất định là phải đứng số một. Nó đã trở thành một phần hồn cốt, một hương vị đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền của của dân tộc Việt Nam. Không thế thì làm sao, người sành điệu, nổi tiếng như cụ Nguyễn Bính lại làm thơ về chúng kia chứ:
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh…

; CÚNG ĐƯA ÔNG TÁO

; Nghi lễ đầu tiên chuẩn bị cho năm mới là lễ: Tiễn ông Táo về trời… vào ngày 23 tháng Chạp. Bu tôi nói:
 Lễ này rất trọng, bởi vì các vị Táo quân (tức là ba ông đầu rau trong bếp) sẽ bay lên trời, tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế mọi chuyện của gia đình trong suốt năm qua. Nhất là chuyện học hành của mấy anh em chúng mày. (Bu tôi nhìn bọn tôi, nhấn mạnh như vậy). Rồi xin Ngọc Hoàng ban mọi điều may mắn cho gia chủ trong năm mới. Vì sẽ đi rất xa, nên phải có một mâm cỗ, dâng lên cho các ông Táo ăn lấy sức đi đường và cũng là lấy lòng các vị Táo quân.
Tôi thấy mâm cỗ của Bu tôi cúng các ông Táo, cũng không hoành tráng như tôi tưởng. Có bát gạo, bát muối, đĩa cá kho, đĩa rau lang luộc, đĩa rau xào, một nậm rượu, một miếng thịt luộc nhỏ, một đĩa xôi, vài cốc chè đỗ xanh…một ít tiền âm phủ, vàng mã và một con cá chép bằng giấy. Bu tôi bảo: Sau khi ăn cỗ, các Táo quân mang theo tiền, vàng mã làm lộ phí, rồi cưỡi con cá chép ấy bay lên trời. Nên cúng xong, thì phải hóa vàng mã và con cá chép. Còn nhà nào kiếm được ba con cá chép thật thì phải phóng sinh xuống sông hoặc ao, hồ để chúng đưa các ông Táo đi.
; Vì các ông Táo lên trời, sẽ báo cáo cả chuyện học hành của mình nên tôi hơi lo. Đêm ấy tôi nằm mơ, thấy mình bay lên giữa trời xanh, xung quanh cơ man là cá chép, nhưng chẳng tìm thấy một vị Táo quân nào.

 LAU DỌN BÀN THỜ

 Tiễn các vị táo quân xong thì bắt đầu trang trí lại nhà cửa. Quan trọng nhất là lau dọn bàn thờ. Đầu tiên là đánh bóng các đồ thờ bằng đồng. Nhà tôi có một cái án thư cổ khá lớn dùng làm bàn thờ. Cứ như Thày tôi nói, thì cái án thư này, ngày xưa nó được sơn son thếp vàng. Nhưng chắc lâu quá rồi, tất cả đã bong hết, chẳng thấy son và vàng đâu, chỉ còn một màu gỗ nâu bóng, nhưng các hoa văn trạm trổ trang trí, thì còn khá đẹp và sắc sảo. Trên bàn thờ nhà tôi có cái lư hương và hai con hạc bằng đồng, cần phải đánh. Nếu như bây giờ, chỉ cần đưa đến các cơ sở đánh bóng, sau ba mươi phút cả bộ đồ thờ ấy đã sáng choang. Nhưng ngày ấy, cha con chúng tôi phải đánh bằng trấu, cát, tro bếp hì hục cả buổi mới xong.
 Thày tôi giao cho tôi, và ông anh trai mỗi đứa một con hạc, hẹn trong ngày phải hoàn thành. Để chiều còn đi học, nên ngay từ sáng sớm, tôi đã bắt đầu công việc của mình. Nói là con hạc, nhưng con hạc lại đứng trên lưng con rùa và mỏ con hạc lại ngậm một bông sen, ngay giữa nhụy của bông sen, có một lỗ tròn để cắm nến…nên đánh bóng được chúng chẳng dễ dàng chút nào.
 Thường ngày, mỗi khi nằm võng ru cháu, trong các bài ru miên man của mình, thế nào Bu tôi cũng hát:
Thương thay thân phận con rùa
Lên đình đội hạc, xuống chùa đội bia
Câu này và các bài ru của bà, đã ngấm vào tôi tất cả, tôi hiển nhiên công nhận chúng. Nhưng khi đánh bóng cặp rùa đội hạc này, tôi cứ thắc mắc không hiểu tại sao, con hạc lại cứ phải đứng trên lưng con rùa, chứ không phải trên lưng con vật nào khác? Tôi mang điều này hỏi Thày tôi. Nhìn tôi và con hạc, ông mỉm cười giải thích:
Các cụ ngày xưa xếp con rùa vào hàng thứ ba trong bốn con vật thiêng: Long, Ly, Quy, Phụng. Quy là rùa, con rùa tượng trưng cho sự trường thọ, trường tồn, vĩnh cửu. Con hạc tượng trưng cho sự tinh túy, thanh cao. Cái tinh túy thanh cao, bao giờ cũng bền lâu…Nên con rùa luôn cõng con hạc là vì vậy!!!
Thế còn con nghê là con gì? Tại sao nó lại đứng trên nắp cái lư hương như thế? Tôi thắc mắc tiếp.
Con nghê chính là con chó, nhưng được tạc một cách oai nghiêm hơn. Con chó là con vật được con người yêu thương nhất trong muôn loài vật. Nó cũng luôn yêu thương, trung thành bảo vệ gia chủ, nên nó được đứng trên nắp cái lư hương, bảo vệ, canh nhà cho chủ, xua đuổi mọi điều tà ác. Những ngày lễ tết, nó còn được xông trầm hương nữa. Con hạc và con nghê là hai con vật thiêng của người Việt. Con phải nhớ lấy điều đó!
Lúc ấy tôi cũng không hiểu, những điều thày tôi giảng giải cho lắm. Sau này lớn lên, tôi thấy ở nhiều nơi có những tượng chó bằng đá thiệt to. Còn con rùa, không chỉ đội hạc, mà nó còn đội cả những cái bia to đùng ở các chùa, và bia tiến sỹ trong văn miếu Quốc tử giám ở Hà Nội nữa.
Chắc các cụ tiến sỹ cũng tinh túy, thanh cao…nên được đứng trên lưng con rùa! Mình cố học giỏi để được giống như các cụ!!!
Những lúc ấy, tôi đã phởn chí mà ao ước như vậy!

MÂM NGŨ QUẢ VÀ CÂU ĐỐI.

Lau dọn nhà cửa, bàn thờ xong thì Tết đã cận kề. Trên bàn thờ nhà tôi, ngoài bộ đồ đồng ra, thì còn hai lọ lục bình bằng sứ khá to và đẹp. Chúng cao khoảng hơn nửa mét. Thân bình màu trắng, có vẽ hai con hươu đứng dưới những cành tùng màu xanh. Hai lọ lục bình này, ông anh cả của tôi cắm hai cành đào phai, chặt ngoài vườn hoặc đi xin ở đâu đó. Bát hương to bằng sứ đặt đúng giữa bàn thờ. Thày tôi nhổ bớt chân hương, hót bớt lớp tàn nhang và cát phía trên, đổ thêm vô đó một lớp cát trắng mới, rồi lau sạch xung quanh bát hương và bàn thờ. Công việc này, tôi để ý thấy Thày tôi làm, với những động tác hết sức cẩn trọng, và với vẻ mặt vô cùng thành kính. Ngoài cùng, ngay sát bát hương là cái mâm bồng khá to, được tiện bằng gỗ mít vàng. Cái mâm bồng này, có chân cao khoảng mười phân, mặt có đường kính khoảng hơn ba mươi phân. Thày tôi bầy lên đó hai nải chuối xanh, quây tròn như một bông sen nở. Chính giữa bông sen xanh ấy, đặt một quả Phật thủ thật to. Xung quanh quả Phật thủ là quýt đỏ, cam vàng, hồng….Thầy tôi dặn là phải bầy mâm ngũ quả, sao cho thật đẹp và xum xuê, thì năm mới sẽ ăn nên làm ra. Cuối cùng là treo hai câu đối đỏ, lên hai cái cột hai bên bàn thờ.
Đứng giữa cửa nhìn vào bàn thờ, thấy hai con hạc, cái lư hương sáng lấp lánh những nụ hoa đào đang hé nở, thắm hồng thấp thoáng giữa những cánh lá xanh biếc. Đọc hai câu đối: TÂN NIÊN HẠNH PHÚC BÌNH AN ĐẾN – XUÂN NHẬT VINH HOA PHÚ QUÝ LAI…giữa mùi thơm ngạt ngào tỏa ra từ quả Phật thủ, thấy Tết như đã về ngoài ngõ. Tôi gào lên: Tết rô…ôi…ồi, và chạy vụt sang nhà ông cậu nằm đối diện với nhà tôi bên kia cái ao, xem cậu tôi bầy mâm ngũ quả như thế nào.
 Thầy tôi chặc lưỡi gọi với theo: Cái thằng! Đừng chạ…ay…ạy, ngã bây giờ!!!

 ĐI CHỢ TẾT

Chợ ở vùng tôi gọi là chợ Huyện. Chợ này cách nhà tôi gần hai cây số, họp theo phiên. Là chợ của một vùng quê thuần nông, nên hàng hóa được bày bán tại đây hầu hết là sản vật địa phương. Một số hàng hóa mang từ thành phố về, tập trung vào mấy cái mẹt của các cô, được gọi là “hàng xén”.
 Những ngày thường, rất ít khi bọn con nít chúng tôi được đi chợ. Nhưng những ngày Tết, chúng tôi được phép theo các mẹ và các chị đi chơi.
 Chợ Huyện quê tôi nhỏ như bàn tay. Nhưng lúc bé tôi thấy nó rộng mênh mông. Chả thế mà Bu tôi cứ dặn đi dặn lại: Đi chơi cẩn thận không lạc!
 Khoảnh đất trống ngay đầu chợ là nơi bán rau, củ, quả. Đầu tiên là mấy bà bán lá chè xanh. Không biết ở nơi khác thế nào, chứ quê tôi bán chè xanh bằng nón. Tôi nhớ lúc đó, mỗi nón chè giá hai hào. Người bán, lật ngửa cái nón ra, bốc những lá chè xanh cho đầy nón rồi đổ vào thúng cho người mua. Người mua còn cố bốc một nắm nữa gọi là thêm. Có người bốc thêm hai nắm, bị người bán đập vào tay mắng: Khiếp, tham như ma!!! Rồi cả hai cùng nhăn răng ra cười.
 Tiếp theo là hàng su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây, cà chua, xà lách, hành xanh, hành củ, rau cần… và rau thơm đủ loại. Các bà bán bưởi, bán cam, bán chuối và tất cả các loại trái cây vườn nhà… trải ngay mấy mảnh chiếu rách xuống đất rồi bầy lên mà bán. Cả một khoảnh chợ bừng lên như một tấm vải hoa đủ màu: đỏ, vàng, xanh, trắng… và lừng hương các loại quả, các loại rau thơm ngây ngất.
 Chúng tôi quây quanh bà bán một mẹt táo, hỏi mua năm xu. Bà bốc cho chúng tôi một vốc và thêm cho vài quả. Cả lũ nhao nhao chia nhau ăn, rồi ồn ào chạy tới chỗ các cô hàng xén, để mua diêm và pháo tép. Dạo ấy mỗi bao diêm giá một xu. Mỗi thằng ít nhất cũng mua 10 bao về bắn súng lục gỗ.
; Chỗ mấy bà bán lá dong là tập trung đông người nhất. Lá dong gói bánh chưng vùng tôi ít trồng, phần nhiều là từ nơi khác đến. Người mua kẻ bán, ồn ào cả một góc chợ. Cuối cùng thì tôi cũng tìm thấy Bu tôi. Cái thúng của Bu tôi đầy ự nhiều thứ, nhưng tôi ngửi ngay ra mùi bánh rán. Nhìn cái mũi phập phồng của tôi, bà móc đưa cho tôi một cái rồi mắng: Mũi mày còn tinh hơn cả mũi con vàng ở nhà. Tôi chẳng quan tâm Bu tôi mắng cái gì, đưa ngay cái bánh rán vàng ươm, nóng ròn, thơm lừng lên miệng cắn một miếng rõ to.
…Chẳng phải nói quá, chứ cái chợ quê tôi ngày Tết đúng là tuyệt nhất thế giới. Cái bánh rán mà Bu tôi mua cho tôi dạo ấy, đã qua mấy  Nếu các bạn không tin, xin cứ đến thăm chợ Tết quê tôi nhé!

 SÁNG BA MƯƠI TẾT.

Người ta vẫn nói: Ba mươi chưa phải là Tết. Tôi cũng đồng ý như vậy. Nhưng ngày Ba mươi, là một ngày đầy ắp những“Sự kiện“náo nhiệt, và nóng bỏng nhất…ngày cuối cùng của năm cũ.
 Sự kiện mà lũ trẻ con háo hức chờ đợi nhất, đó là: Mổ lợn. Dạo ấy, thường ba bốn nhà chung nhau mổ một con. Gọi là đánh đụng. Ba bốn giờ sáng đã thấy tiếng lợn kêu eng éc…đây đó khắp xóm. Mấy anh em chúng tôi nằm trong ổ rơm, lắng nghe tiếng kêu rồi phán đoán, xem đó là lợn nhà ai, và khoảng bao nhiêu cân. Chuyện chỉ có vậy nhưng cũng cãi nhau chí tử. Nhiều khi phải chạy xuống bếp để nhờ Thày tôi làm trọng tài phân giải. Lúc ấy Thày Bu tôi đang đun nước làm lông lợn, và luộc đỗ xanh để làm nhân bánh chưng.
Khoảng năm giờ sáng, đã thấy cậu tôi tới, quát oang oang ngoài sân: Mấy đứa đâu rồi, dậy ngay! Tao đá cho mỗi thằng một phát, tung đít lên bây giờ! Chúng tôi bật hết cả dậy, như cháy ổ rơm. Cậu tôi chẳng nói đùa bao giờ. Cậu tôi giao cho mỗi đứa một việc. Hai ông anh tôi đi rút một ít rạ, trải ra chỗ đã được chỉ định để tý nữa làm lông lợn. Còn tôi, trải cái chiếu nhỏ ngoài hiên nhà, rồi bê cái bình tích mà Thày tôi đã hãm một tích nước chè xanh, cùng mấy cái cốc đặt lên đó. Được một lát, thêm hai ông chú tới. Thày Bu tôi cùng mọi người uống chè xanh, rồi mỗi người mỗi việc.
 Cậu cùng hai ông chú xuống chuồng bắt lợn. Thày tôi chuẩn bị cái nia, các loại dao và mấy cái thớt. Hai cái chày gỗ và cái cối đá giã giò, Thày tôi đã rửa sạch từ hôm qua, chuẩn bị sẵn sàng. Bu tôi bê từ bếp ra một rổ lá chuối đã được trụng qua nước sôi, để tý nữa gói giò. Tôi được giao thêm một việc: Cắt và bẻ góc lá dong để gói bánh chưng. Công việc này tôi đã làm quen từ lâu, nên chẳng khó khăn chi. Tôi lấy một cái lá dong, ướm vào cái khuôn bánh, cắt làm mẫu. Sau đó xếp lá dong thành từng chồng, rồi cắt và gấp hàng loạt. Chỉ trong mươi lăm phút là xong. Mấy thằng em con các ông chú chạy sang, chúng tôi cùng vây quanh xem chọc tiết lợn. Con lợn khoảng 50kg đã được đặt lên đít cái cối đá to. Sau khi rửa thật sạch cổ con lợn, cậu tôi pha một ít nước muối trong cái chậu nhôm. Khoắng một hồi, đưa tay lên miệng nếm thử: Được rồi! Cái anh này mà không đủ độ mặn, thì tiết đông ngay. Hỏng tiết canh thì chỉ có vứt!!! Cậu tôi gật gù nói với hai ông chú.
 Chọc tiết xong, mọi người xách con lợn tới chỗ đã trải rạ để làm lông. Nồi nước sôi đã được bê ra, cậu tôi múc nước sôi dưới lên khắp thân con lợn. Nước sôi gặp không khí lạnh nên hóa hơi thật nhiều, thật nhanh. Cả một góc sân cuồn cuộn hơi nước trắng xóa bốc lên, tựa như cái hố đang tôi vôi vậy.
 Chỉ khoảng ba mươi phút, con lợn đã được làm trắng tinh. Cậu tôi cắt cho bọn tôi cái đuôi và cái bong bóng. Chúng tôi hò reo vang trời, mang hai chiến lợi phẩm ấy chạy đi. Cái đuôi thì bỏ vào nồi luộc lòng nhờ Bu tôi luộc hộ. Còn cái bong bóng thì làm sạch, mượn cái bơm xe đạp bơm lên thật căng để đá.
 Hai món mà Thày tôi quan tâm nhất đó là giò lụa và bánh chưng. Nên khi thịt vừa ra xong, lập tức ông hối thúc cậu tôi giã giò ngay. Những miếng thịt nạc mông còn nóng hổi, và một ít thịt mỡ khổ được thái nhỏ, cho vào cối đá và giã. Cậu tôi hai tay hai chày, giã đều như máy. Cứ một lúc, Thày tôi lại giã thay. Khi sắp được, cậu tôi cho một chút nước mắm ngon, chút hạt tiêu và một vài phụ gia gì đó vào thúc đều, rồi giã tiếp. Đến khi thịt mịn như bột, dẻo quánh là được. Cậu tôi dùng một miếng mo cau bèn bẹt để vét thịt trong cối ra. Chỉ vài phút sau, cái giò lụa, khoảng hơn một cân, đã được cậu tôi gói xong. Nhìn cái giò nây đều, các vòng lạt buộc thẳng tăm tắp, hai đầu cây giò, những mút lá chuối được gấp, giấu múi một cách điệu nghệ. Tôi phục cậu tôi sát đất. Cậu tôi mang vào bếp, đưa cho Bu tôi luộc, dặn là khi nước thật sôi mới cho giò vào (làm sao giò phải đứng trong nồi), đồng thời thắp một nén nhang, khi nén nhang cháy hết thì vớt giò ra. Lúc đó tôi cho rằng như vậy là rất thần bí.
Trong khi cậu tôi làm giò lụa, thì thày tôi cũng gói xong hai chiếc giò xào. Ông dùng hai thanh tre, như hai cái đòn gánh, ép hai cái giò ấy thật chặt, rồi treo lủng lẳng ngoài hiên. Tôi gí mũi vào chúng hít lấy hít để. Mùi thịt xào với mộc nhĩ thơm nức. Con vàng đến bên tôi, mũi nó cũng nghếch lên mấy cái giò khịt khịt. Tôi vào bếp xin Bu tôi cái đuôi lợn, cắt cho nó một khúc, còn lại chia đều mấy anh em, mỗi thằng chén một miếng, rồi tiếp tục đá bóng.
 Gói xong giò, Thày và cậu tôi bắt đầu gói bánh chưng. Thày tôi gói bằng khuôn, còn cậu tôi thì gói vo. Không biết bây giờ thế nào, chứ hồi còn nhỏ, tôi thấy cái bánh chưng của vùng tôi quả là “Vĩ đại”. Sau khi lót lá xong, bát nếp thứ nhất đổ dàn đều trong lòng khuôn. Tiếp theo là một nắm đỗ xanh to bằng quả trứng ngỗng, đã được đồ chín và giã nhuyễn, cùng mấy miếng thịt ba chỉ ướp hành, nước mắm, hạt tiêu, thảo quả…làm nhân. Cuối cùng lại một bát gạo nữa. Trọng lượng của cái bánh phải đạt tới trên một kg cũng nên. Sau này, khi sống ở Huế, các dịp tết nhất, người ta cũng gói bánh chưng, nhưng những chiếc bánh to nhất cũng chỉ bằng phân nửa cái bánh chưng quê tôi mà thôi. Mọi người nói rằng, gói nhỏ như vậy trông nó sang và thanh lịch hơn. Trong thâm tâm, tôi vẫn thích cái xum xuê, phồn thịnh, quê kiểng của cái bánh chưng vùng tôi hơn…Khoảng chín giờ sáng, bánh chưng đã được gói xong. Thày tôi lót một ít thân cây dong xuống đáy Trưa ngày Ba mươi là cúng Tất niên, mời tổ tiên, ông bà về nhà ăn Tết. Bữa cỗ này cơ bản là các món được chế biến từ lòng lợn. Tôi thấy mọi người đặc biệt thích thú, và chờ đợi thưởng thức món tiết canh. Món này, ông anh cả của tôi được mọi người tín nhiệm, giao cho trực tiếp chế biến. “Thằng này làm tiết canh là ngon nhất.” Cậu tôi đã khảng định như vậy. Tôi được giao công việc nướng hành. Tôi kiếm hai que tre dài khoảng nửa mét, xiên đầy hai que ấy hành củ, nướng cho cháy lớp vỏ ngoài là được. Sau khi bóc lớp vỏ cháy, làm sạch rồi băm nhỏ, là tôi hoàn thành nhiệm vụ. Anh tôi bảo, nhân tiết canh, nhất định phải có hành nướng mới ngọt. Còn thịt để làm nhân, thì nhất định phải là cái nầm (phần thịt ở giữa ức con lợn), cái lưỡi, cuống họng…vừa nạc, vừa có sụn ăn mới ngon. Các bát tiết canh vừa đánh xong đỏ hồng, được rắc thêm một ít lạc rang, đặt lên trên mặt vài lát gan thái mỏng cùng vài cánh rau mùi. Phải đợi mươi lăm phút để chúng đông sánh lại là được.
 Khi anh tôi làm tiết canh, cậu tôi bắt đầu thái lòng bầy đầy các đĩa. Những miếng dồi thơm phức mùi rau ngổ, hành xanh, lạc rang, tiết…được cậu tôi bầy xuống dưới cùng, tiếp theo là những miếng tràng, ruột non trắng tinh, luộc vừa chín tới giòn sừn sựt. Trên cùng là những miếng tim, gan, phổi thái mỏng cùng những ngọn húng láng thơm ngát. Tất cả còn nóng hổi, khói bốc nghi ngút thơm lừng. Tay tôi cứ thò ra thụt vào…muốn bốc trộm một miếng ăn cho đã thèm. Nhưng lại sợ bị các cụ quở, vì chưa cúng đã ăn vụng!!!
…Không khí ngày Ba mươi với những cảnh: Giết lợn, gói giò, gói bánh chưng, tiết canh, lòng lợn…như những chiếc neo nho nhỏ nhưng vô cùng bền bỉ, neo những nỗi nhớ cháy lòng về quê hương, làng xóm gia đình, trong lòng những người dân Việt tha hương kiếm sống. Phiêu dạt xa quê, làm ăn trên xứ người hàng mấy chục năm, mỗi ngày Ba mươi Tết, tôi lại âm thầm trở về với mảnh sân nhà tôi, chạy lăng quăng xung quanh mọi người. Qủa bóng bằng cái bong bóng lợn, được chúng tôi bơm căng, và đá hoài đến tận bây giờ!

CHIỀU BA MƯƠI VÀ LỄ ĐÓN GIAO THỪA.

 Chiều ngày Ba mươi Tết, có một việc mà Bu tôi không bao giờ quên. Đó là đun cho chúng tôi một nồi nước tắm thiệt to. Không biết tự lúc nào, bà đã hái về một rổ các loại lá: chanh, bưởi, hương nhu, cây mùi già, thân cây sả…Tất cả các loại lá ấy được rửa sạch, cho vào nồi đun cho sôi. Bu tôi lấy cái cót, quây thành một vòng tròn ở góc sân, pha nước ra hai cái thùng, sao cho không nóng quá, rồi tóm mấy anh em chúng tôi vô đó để tắm.
 Mấy đứa chúng tôi tự gội đầu, tắm cho nhau. Mùi thơm của loại nước tắm ấy, bây giờ tìm khắp trên thế gian này không còn nữa. Nó chỉ có trong tuổi thơ của tôi mà thôi. Bởi nó không chỉ thơm mùi hoa lá, mà quan trọng nhất là nó chứa đầy tình yêu thương của Bu tôi. Mà Bu tôi thì đã lên cõi Niết Bàn từ lâu lắm rồi. Những lá chanh, lá bưởi, lá sả, cây mùi, hương nhu…vẫn còn đấy. Nhưng chúng chỉ là chúng thôi. Phải có bàn tay Bu tôi chúng mới thơm nức lên được.
 Khi tắm xong, chúng tôi được phép mặc quần áo mới đi chơi. Đó là những bộ áo quần, được may bằng vải mộc nhuộm củ nâu, dầy và cứng đơ như vải bạt. Chúng kêu loạt soạt trong mỗi bước đi, mùi của chúng nồng hắc, không thể xếp vào loại hương gì…Nhưng lúc đó tôi vẫn thấy hạnh phúc tràn trề, và quần áo như thế nào, không còn quan trọng nữa.
Tôi húp qua quéo bát cháo lòng, rồi phi đi tìm mấy thằng em kéo đi chơi khắp xóm. Cả lũ chúng tôi rồng rắn đi khắp mọi nhà. Điều quan tâm nhất của chúng tôi, là xem các mâm ngũ quả nhà nào đẹp nhất, xem nhà ai có bánh pháo dài nhất. Vì xóm nhỏ, nên chỉ khoảng một tiếng chúng tôi đã đi hết lượt. Sau một hồi cãi lộn, chúng tôi không thể nhất trí được là mâm ngũ quả nhà ai đẹp nhất, nhưng tất cả cùng đồng ý là băng pháo nhà ông Thức thợ may đoạt giải nhất, vì ông Thức đã nối hai bánh vào nhau, còn các nhà khác chỉ có một bánh mà thôi.
 Kết thúc cuộc “Khảo sát” đó, chúng tôi kéo nhau ra sân đình xem các anh chị thanh niên chơi đu. Trước sân đình, trên một nương mạ đã được nhổ hết, cậu tôi cùng mấy ông trong làng, đã dựng một cây đu bằng tre rất cao từ mấy hôm trước. Trên đỉnh cây đu, một bên cắm một lá cờ đuôi nheo, và bên kia có một cây nêu nhỏ, có gắn một cái cung, mũi tên chĩa về hướng đông. Bọn con nít chúng tôi chỉ đứng coi chứ không được phép leo lên chơi, vì sợ ngã. Tôi thấy có những cặp, hai anh chị chơi đu rất cao, gần ngang với với cái xà của cây đu, nhìn thật dễ sợ. Chúng tôi vỗ tay la hét, tán thưởng cuồng nhiệt. Sau này mỗi khi đọc bài thơ Đánh đu của nữ sỹ Hồ Xuân Hương, cảnh hai anh chị cùng cánh đu bay bổng trước đình làng tôi, cứ hiện về lộng lộng, lả lướt, và cực kỳ sống động trong hai câu thơ của bà: Trai đu gối hạc khom khom cật. Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng… Có lẽ đó là những vần thơ trác tuyệt nhất, tả về cảnh chơi đu ở Việt nam. Sau Hồ Xuân Hương, thấy không còn một thi nhân nào dám viết về đề tài này nữa!!!
Chúng tôi hết xem đánh đu, lại kéo vào trong chùa xem các ông, các bà lễ Phật. Chùa xóm tôi nhỏ tý, mọi người ngồi tràn cả ra ngoài sân khấn vái. Tiếng chuông ngân nga, tiếng mõ cốc cốc, tiếng lầm rầm khấn vái trong mùi hương trầm lan tỏa, tạo ra một không khí linh thiêng. Ngày thường, hôm nào chúng tôi cũng vào chùa chơi. Tất cả các tượng Phật đều quen mặt biết tên, vô cùng thân thiết. Nhưng lúc này, trước sự thành kính của mọi người, nhìn lên điện thờ thấy mắt các tượng Phật bắt sáng lấp lánh, tự nhiên tôi thấy sờ sợ.
Tiếng pháo lác đác từ xa vọng tới, chúng tôi biết sắp giao thừa, tất cả giải tán ai về nhà nấy. Khi chạy về đến sân, đón tôi là con Vàng và mùi bánh chưng thơm sực nức. Thầy tôi đã ép xong bánh, bầy mỗi bên mâm ngũ quả hai cái, còn bao nhiêu xếp hết xếp hết lên nóc chạn. Ông đưa cho tôi cái bánh chưng nhỏ bằng bốn cái bao diêm, gọi là bánh vét thau (những nắm gạo, miếng thịt, vụn đỗ cuối cùng còn xót lại). Tôi dứ dứ trước mũi con Vàng, nó sung sướng nhảy cỡn lên, miệng rên ư ứ. Tôi và nó hạnh phúc mê man. Bu tôi bóc một cái bánh chưng, lấy lạt xắt thành tám miếng. Thày tôi cắt một đĩa giò lụa, một đĩa giò sào, rót mấy chén rượu rồi bầy tất cả lên bàn thờ, thắp ba nén Ông anh tôi đã treo bánh pháo lên dây phơi ngoài sân, dặn tôi ôm chặt lấy con Vàng, sợ tý nữa đốt pháo nó hãi mà chạy lung tung. Tôi ngồi ôm con chó hồi hộp chờ đốt pháo. Tiếng pháo tứ phương mỗi lúc một dầy hơn, nó như cơn mưa mùa hạ đi dần từ xa tới, tựa như ngọn lửa cháy từ mép tờ giấy lan dần lên, đến chính giữa tờ giấy thì bùng lên rừng rực. Khi tiếng pháo nhà ông Thức hàng xóm vang lên, thì anh tôi cũng lập tức đốt pháo, và cả xóm tôi đồng loạt châm ngòi. Tiếng pháo rộn rã phắp nơi, cả bầu trời và mặt đất, bồng bênh chao đảo trong phút giao thừa.
Chờ cái pháo cuối cùng nổ tung, tôi và con Vàng lao ra sân. Cả một vùng sân trước nhà phủ đầy xác pháo, thắm hồng như những cánh đào tươi rói. Tôi ngửa mặt lên trời, những hạt mưa xuân ly ty thoảng rơi êm trên má, giữa mùi khói pháo thơm nồng. Tôi đứng im, giang rộng hai tay giữa màu hồng xác pháo. Một tay chia xa năm cũ bùi ngùi. Một tay đón năm mới xôn xao bao điều mới lạ.
 “Tết nhà quê” của tuổi thơ, bây giờ mới chính thức bắt đầu, và neo đậu vĩnh hằng trong trái tim tôi.

Huế tháng 11/2013