Tản văn
Tôi có người bạn thân quen biết cũng đã lâu, tính tình làng nhàng như con người anh vậy. Dù thân hay sơ ai anh cũng ứng xử như nhau, gặp ai cũng cười nói bình thường, đều cùng “à ơi ví dặm” vui vẻ, tình cảm thật thì chỉ có anh mới biết. Từ ngày nhà nước có chủ trương đổi mới, khuyến khích các thành phần kinh tế trong xã hội phát triển để đạt mục đích: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…Anh liền xin không làm việc ở cơ quan nữa, mà thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, tự mình làm giám đốc. Lâu lâu gặp nhau ở đường phố, bao giờ anh cũng vội vàng: “ Khoẻ chứ, có gì mới không?” Tôi chưa kịp trả lời thì anh đã “biến”, để lại một câu vội vàng: “Thông cảm nhé, nhiều bạn bè quá, đã hẹn trước rồi mà”
Tôi ngơ ngác trước sự đổi thay quan hệ của bạn, trước kia anh ít bạn, chỉ có tôi là người thân thiết nhất, còn bây giờ: “ Nhiều bạn bè quá”? Thế là thế nào? Nhân một lần tình cờ đi qua công ty trách nhiệm hữu hạn thấy anh đang cười nói hồ hởi, bắt tay, ôm cổ rất thân thiết với những người tôi chưa biêt bao giờ, mặt mày ai cũng đỏ tưng bừng vừa từ nhà hàng bước ra, chìa tay ra cho nhau. Tôi gặp và bảo: “Chúc mừng nhé, hồi này ông có vẻ phất lên về con đường quan hệ bạn bè nhỉ?” Anh đang tưng bừng bỗng xẹp ngay khí thế: “ Sướng gì đâu, từ ngày chuyển ra làm kinh tế tư nhân, bỗng nhiên phải đổi mới tư duy về các mối quan hệ. Nhiều người hồi xưa mình không ưa, bây giờ cũng phải ưa, có người không thân, bây giờ cũng phải thân…Quan hệ làm ăn với nhau sẽ trở thành thân thiết hết, anh anh em em. Từ thù thành bạn, từ người không quen biết cũng thành bạn thân. Tốn kém lắm”. Tôi ngơ ngác: “Tốn kém lắm là tốn kém làm sao”? Anh bạn giải thích: “Không làm kinh tế tư nhân thì thôi, chịu cảnh nghèo hèn thì không ai biết đến mình. Nhưng khi đứng ra làm kinh tế, có một tý thì lắm nhiêu khê. Nhất là các khoản thuế khoá. Những nhân viên thuế đến thường viện hết lý này, lý nọ, sách này, luật kia, làm cho tư nhân bàng hoàng với con số thuế phải nộp nhiều như lá rừng, mênh mông biển nước. Mới làm kinh tế mình đâu đã biết hết luật của nhà nước về thuế, đó là chưa nói đến trăm thứ “ luật đời” nữa. Vả lại dù cho có biết đủ thứ luật, mình cũng không đủ tài “hùng biện” để thuyết phục người khác nghe mình. Sau một hồi suy nghĩ mình nghĩ được cách mời các vị thuế đi “uống nước” rồi tính sau. Tính là tính thế này, uống nước coi như là làm lễ “kết bạn” “ anh em kết nghĩa”. Đã là “anh em kết nghĩa” thì tạo điều kiện cho nhau làm kinh tế phát triển, giúp đỡ nhau, chị ngã em nâng. Nhiều khoản thuế phải nộp cho nhà nước bỗng dưng được miễn, nhưng lại phải nộp cho: “anh em kết nghĩa”. Thế là suốt ngày phải đi giỗ, đi đám cưới, thăm hỏi ốm đau, sinh nhật, liên hoan cháu vào đại học, mừng các cháu du học ở trời tây, ngày chẵn tháng của cháu, ngày 8/3, ngày thương binh liệt sỹ, ngày nhà giáo, các tổ chức từ thiện của xã hội, chúc mừng năm mới, phóng viên báo chí…Nghĩ cho cùng cũng là một hình thức nộp thuế, nhưng vui vẻ hơn thôi. Mệt mỏi lắm cậu ạ.
- Nhưng dù sao cũng có lợi cậu mới theo đuổi để làm kinh tế?- Tôi an ủi.
- Ừ, thì ít nhiều cũng có đồng vào, đồng ra, hơn hồi trước mình đang bám chân “ông nhà nước”, nhưng với cung cách làm việc như thế này thì mình cũng không đủ sức để trụ được lâu dài với các mối “quan hệ hai ta cùng có lợi”. Hàng ngàn các doanh nghiệp, doanh nhân vỡ nợ có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có một nguyên nhân từ mối quan hệ này. Có doanh nhân thời kỳ đang ăn nên làm ra có nói với mình phải trích hơn 10% lợi nhuận đạt được để quan hệ, gọi là “tiêu cực phí”
Tôi không có năng khiếu làm kinh tế, không giúp được gì cho bạn, chỉ mong các mối quan hệ trong xã hội trở về đúng bản chất, nguyên bản của nó như ngày xưa, để: “ Hai ta cùng có lợi” một cách vui vẻ, đàng hoàng, văn minh.
Đàm Quỳnh Ngọc