Trang chủ » Tản văn

TRI ÂN

Nguyễn Xuân Hồng
Thứ năm ngày 10 tháng 11 năm 2011 9:12 PM
 
         Đã bao năm trôi qua, dù tôi cùng gia đình rời xa Bình Định, để vào Nam lập nghiệp, nhưng những kỷ niệm về bão lũ với những mái nhà vùng quê chìm trong làn nước trắng xóa, đã khiến lòng tôi đau xót mãi không quên! Vì ở nơi ấy, có một người thầy tên Trần Trung Nghĩa giúp người dân chống lũ, rồi vì kiệt sức nên bị lũ cuốn trôi, khi đang gắng sức cứu mấy đứa trẻ rơi xuống dòng nước đang dâng cao.
Giờ đây, tôi vẫn còn nhớ rất rõ ngày đau thương rơi lệ ấy, xen lẫn trong lòng tôi nỗi niềm cảm phục “Thành kính tri ân” vị thầy đã hết lòng sống vì mọi người quên thân mình trong lúc hiểm nguy, cấp bách ! Và tấm lòng cao cả ấy của thầy đã in đậm trong tiềm thức của tôi như một tấm gương sáng dũng cảm và cao quý !
           Ngoài  tấm lòng nghĩa hiệp của thầy, tôi còn có những kỷ niệm khó quên, trong thời gian tôi học cùng thầy, qua những giờ học linh động và sôi động. Với phong cách giảng dạy của thầy thật hài hước, đầy ý nghĩa, cùng với những câu chuyện mà thầy thường kể cho chúng tôi nghe, đều áp dụng trong các buổi học mỗi khi thầy lên lớp và thầy đã biến môn toán, vốn được xem là khô khan, bỗng trở nên thật gần gũi giản đơn, dễ tiếp thu và dễ ghi nhớ. Giờ học của thầy không chỉ sinh động mà còn bổ ích đối với học sinh chúng tôi, mỗi giờ học là mỗi giờ có những bài giảng sinh động, dí dỏm, luôn tràn ngập trong không khí vui vẻ,  thầy thực hiện những công thức toán học thành những câu đọc hóm hỉnh, ngộ nghĩnh, vui tai và dễ thuộc, đồng thời dặn dò cho chúng tôi dễ nhớ như: “Sin đi học ( sin=Đối/Huyền ), Cứ khóc hoài ( Cos=Kề/Huyền ), Thôi đừng khóc ( Tang=Đối/Kề ), Có kẹo đây ( Cotang=Kề/Đối )”.
Do vậy chúng tôi rất dễ thuộc, hiểu bài sâu sắc hơn và nhớ rất lâu….Nhớ đến tận bây giờ.
Thầy luôn vui tính, bao dung và rộng lượng qua lần thầy bị bạn Khôi trét “Mắt mèo” vào ghế, kể cả hai thành gát tay trên ghế cũng đầy mắt mèo, chỉ vì bạn Khôi bị thầy phạt về việc: “Ham chơi, phá phách trong giờ học, không chịu làm bài tập thầy giao!”. Khi ấy, do không ai biết bạn Khôi trét mắt mèo, nên cả lớp xin thầy chịu phạt đứng yên tại chỗ trong vòng 15 phút, như để chia sẽ cùng với thầy sự cố vừa xảy ra.
Nhưng thầy không đồng ý, vẫn tiếp tục giảng bài và cũng vừa giảng vừa gãi liên tục, học sinh chúng tôi không ai cười nỗi, chỉ biết lấm lét nhìn nhau với đôi mắt đỏ hoe. Bất chợt, Khôi khóc òa, có lẽ do lương tâm cắn rứt đã khiến Khôi hối hận nên tự thú với thầy ngay lúc ấy, và….Thầy đã tha thứ cho sự tinh nghịch, phá phách, do thiếu suy nghĩ của Khôi mà phát sinh lỗi lầm .
Những giọt nước mắt lăn dài trên má Khôi, cùng với lời “xin lỗi” thầy, thật cảm động! Đã làm cho chúng tôi hôm ấy bồi hồi xúc động, cảm thông...Thầy đã dùng “Đắc nhân tâm” để xử thế với những lời giáo huấn ngọt ngào, để răn dạy chúng tôi một bài học trước tình huống bất ngờ, để tìm ra chân lý.  Thật vậy, thầy như ngọn lửa thắp sáng “tri thức” cho thế hệ chúng tôi vươn đến tương lai tươi sáng. Kể cả các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, trong xóm… Thầy vẫn tận tình quan tâm giúp đỡ với khả năng sẵn có của mình! 
Có lần, thầy nói: “Học phải đi đôi với hành, vì trong cuộc sống mỗi người, mỗi việc, mỗi ngành nghề khác nhau. Do đó, phải cùng nhau liên kết, góp sức để tạo ra của cải vật chất, hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, thầy chỉ góp phần nhỏ bé của thầy để gửi đến các em học sinh, món quà tinh thần trong học tập. Ở đời, chỉ có người xấu, chứ không có nghề xấu các em ạ ! Vì vậy, cách hành xử trong cuộc sống hằng ngày, các em không nên chê bai, phán xét, mà hãy mở rộng tấm lòng nhân ái, bao dung khi cảm hóa người xấu trở thành người tốt và không khinh khi bất cứ ngành nghề nào cả, các em nhé !” Thầy đã yêu thương và dạy dỗ chúng tôi như thế ! Giờ đây thầy không còn nữa, nhưng những lời dạy dỗ của thầy cứ vang mãi trong tai tôi!
           
           “Nhầt tự vi sư, bán tự vi sư” lời người xưa nhắc nhở chúng ta, nhớ đến công ơn Thầy Cô dạy bảo như những chuyến đò thầm lặng, ngày ngày đưa các thế hệ học sinh đến bến bờ tri thức. Sau này, xa rời “Trường học”, bước vào “Trường đời”, chúng ta mang theo hành trang mà Thầy Cô đã trang bị vun đắp, đã động viên biết bao thế hệ học trò những hoài bảo, những ước mơ để chúng ta chập chững bước vào đời đầy cam go thử thách! 
Những thành công, hạnh phúc của chúng ta hôm nay, sẽ là những món quà, những niềm vui và sự hãnh diện của Thầy Cô đấy các bạn ạ !
Trong cuộc sống hiện nay của chúng ta, vẫn còn có những người Thầy, người Cô thầm lặng và cao cả đó ! Chứ không mai một theo thời gian.
Tôi tin chắc là như thế…