Tản văn
Chiều chiều chúng tôi thường đi bộ bên bờ hồ Hà Nội. Chúng tôi gặp nhiều những đôi trai gái tuổi học trò. Nhiều em còn đem theo cả cặp sách như vừa đi hoặc về. Chúng đến đó không phải là tranh thủ tập luyện cho khỏe. Chúng đến để hôn nhau, ôm nhau, ngồi vào lòng nhau và làm những cử chỉ không thể chấp nhận được nơi chốn công cộng, ngay giữa thanh thiên bạch nhật ấy! Có lúc chúng ngồi trên xe máy hoặc đứng ôm nhau giữa đường quanh hồ. Mọi người đi qua đều phải né tránh. Còn chúng cứ thản nhiên như chỗ không người. Nhiều lần diễn ra cảnh ấy.Thấy chối tai, gai mắt một bà quát toáng lên:
-Đứng lui ra! Chúng mày không biết ngượng à? Và bà nói tiếp nhỏ hơn: con cái nhà nào mà mất dậy thế không biết?
Có cháu cảm thấy ngượng kéo nhau lui vào. Có cháu miễn cưỡng phải lui nhưng bực tức lườm nguýt mấy bà. Lại còn có cháu chẳng biết ngượng là gì cứ đứng giữa đường ôm nhau như thách thức. Nói quá là nó văng tục chửi bậy. Tôi thấy vậy nói:
-Người ta đã có câu: Xưa kia ai cấm duyên bà, bây giờ bà già bà cấm duyên tôi. Thôi kệ chúng nó các chị ạ. Có thân thì lo, mạnh mồm can thiệp vào chuyện riêng chúng nó, chúng chửi lại cho thì có mà dại mặt! Hơn nữa thời bây giờ người ngay sợ kẻ gian; người đúng sợ kẻ làm sai; người phải sợ kẻ trái…Đời nay lắm chuyện lộn ngược. Các chị có thấy không dân yêu nước biểu tình bảo vệ đất nước, bảo vệ biển đảo, bảo vệ ngư dân…còn bị đánh, đạp, bắt bớ tù tội…Mấy bà cùng ồ lên đồng thanh: Ừ bây giờ lạ nhỉ! Bố ai mà hiểu được.
Nói vậy thôi chứ cứ nghĩ đến con cháu nhà mình mà buồn, mà lo…Bây giờ nó thường dối cha mẹ đi học này, học nọ, đi thư viện tìm tài liệu, đi sinh nhật bạn bè, thăm thầy cô…Có đến hàng trăm lẻ một lý do khiến bố mẹ và người thân phải tin. Ai có thời gian mà theo chân chúng. Mà những hiện tượng nạo phá thai tuổi học trò bây giờ ra tăng đáng sợ! Chiều hôm trước chúng tôi thấy một cháu gái chừng 15, 16 tuổi khóc rưng rức ở ghế đá bên hồ. Tiếng khóc mỗi lúc một to. Chúng tôi xúm lại hỏi han: Sao có chuyện gì thế cháu? Các bác có thế giúp gì được không? Nó lắc đầu: cháu không sao đâu! Đi thêm một vòng hồ nữa, chúng tôi gặp lại cô bé đang ngồi gọn trong lòng một cậu bạn cũng chừng ấy tuổi. Cậu bạn luôn tay vuốt ve, vỗ về cô bé. Cô đã thôi khóc. Nằm lim dim trên tay cậu. Trời tối dần. Chuyện gì tiếp sau nữa chỉ có trời mới biết. Mà cái trò yêu đương thường mê mẩn, đắm say, quên trời, quên đất luôn…
Độ này tôi đổi ca không đi chiều mà đi vào tầm 8,9 giờ sáng. Hôm nào hầu như tôi cũng gặp hai cô cậu tuổi chùng 17, 18, có lẽ còn non hơn. Không hiểu học hành kiểu gì mà sáng nào cũng ra ngồi ôm nhau. Cô cậu lúc khóc, lúc cười, lúc giận dỗi nhau, lúc lại trong vòng tay nhau âu yếm...Tầm ấy ít người qua lại nên cô cậu tự do thoải mái.
Tôi cứ ngẫm nghĩ và thương cảm cho những thân phận cháu bé gái nhẹ dạ, cả tin. Đua đòi yêu đương quá sớm, sao nhãng chuyện học hành và dễ mất đi cái quý nhất của thời con gái. Điều đó dễ đem lại bất hạnh cho tương lai, cuộc sống lứa đôi sau này. Ở các nước phương Tây họ không nặng nề về điều đó còn ở ta chắc chưa dễ dàng chấp nhận. Xin kể một mẩu chuyện nhỏ: ở khu tôi có một cô cháu gái sống rất đứng đắn, nghiêm túc, không ăn chơi đua đòi bao giờ. Ấy vậy mà khi lấy chồng, anh chồng phát hiện ra cháu không còn trinh trắng nữa…Ít lâu sau -khi đã có một con- anh ta sinh chuyện đòi bỏ bằng được. Với lý do trước khi lấy mình cô đã ăn ở với người khác. Cháu đã thề sống, thề chết, anh chồng vẫn không tin.Cái điều ấy cũng là một trong những điều bất bình đẳng giữa nam và nữ. Các chàng thì tha hồ bát ngát trước khi lấy nàng làm vợ, có khi còn có cả con riêng nữa là đằng khác nhưng xem ra vẫn là “con nhà lành”.
Tôi thiết nghĩ các bậc cha mẹ và người thân cũng nên quan tâm hơn, bảo ban các cháu những điều nên, không nên trong cuộc sống, hẳn phần nào hạn chế được những cám dỗ đáng tiếc xẩy ra trong cuộc sống đầy rẫy những cạm bẫy như hiện nay.
1/10/2011