Trang chủ » Tản văn

Hương Vườn

Mai Thục
Thứ ba ngày 27 tháng 3 năm 2012 7:35 PM

         Một sớm dòng sông Đáy còn e ấp sương mai. Ô- tô  chúng tôi lòng vòng quanh ngôi làng nhỏ huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Phúc. Đây đó những mảnh ruộng nhú mạ non, trỗi dậy sau những cơn rét hại, gió hàn. Chị Trần Thị Phú mời chúng tôi thăm ngôi nhà cổ hơn trăm năm của bà cô Trần Thị Tuất.
       Ngôi nhà mái ngói âm dương chìm sâu trong màu xanh cây vườn. Thấp thoáng những cụ sấu già che bóng thôn trang. Nghe tiếng gọi, cụ Tuất lật đật ra mở cổng. Sau hàng rào dây mây xanh mát, vườn hiện ra trải hương sắc ngọt lành. Hương cây, hương hoa, hương quả quyện mái ngói nâu trầm lặng. Cây khế cổ tích. Cây Bưởi đậu quả vàng bóng trăng treo trên cành xanh giữa ban ngày. Hoa Mộc trắng nhỏ li ti toả hương thanh tịnh. Dây trầu xanh mướt leo lên thân cau. Hương cau ngan ngát sân nhà. Hoa Hải Đường đỏ thắm lá xanh. Hoa Mẫu Đơn ấp bóng Lộc Vừng. Vườn hội đủ các loài cây hoa của vùng đất bán sơn địa: tre, vầu, hàng rào duối, dâm bụt, sấu, nhãn, na, hồng, đào, mận…
       Dìu dịu ban mai nhè nhẹ bản nhạc vườn. Tiếng chim chiu chít trên cành. Tiếng gà mẹ lục cục gọi đàn con, tiếng lá rơi, hoa rụng bên thềm, tiếng côn trùng hoang hoải xa xăm. Tâm hồn tôi tan cùng hương, cùng nhạc vườn xa vắng.
         Cụ Tuất mời chúng tôi vào chiêm ngưỡng ngôi nhà rường đồng bằng Bắc bộ cổ xưa. Ngôi nhà năm gian hai chái. Hàng cột gỗ lim kê trên đá. Hệ thống đòn tay, đòn nóc ấm hơi người bao thế hệ đã ở đây. Tìm đòn nóc rất thiêng liêng theo tín ngưỡng dân gian. Dù ngôi nhà có rộng đến bao nhiêu thì đòn nóc phải là một thân cây gỗ liền, dài, thẳng, đẹp. Toàn bộ khung nhà được liên kết với nhau bằng các kiểu mộng mà không dùng bất cứ một vật liệu kim loại nào  (đinh, ốc, vít). Một sáng tạo tuyệt vời của ông cha ta khi dựng nhà gỗ, ở xứ sở thiếu kim loại. Tư duy kỹ thuật tài tình và bàn tay đục gỗ tinh xảo. Các mối gỗ khít nhau như ôm nhờ mộng, nhất là mộng ở đầu cột có độ chính xác gần như cơ khí, khi liên kết thì rất cứng cáp, chặt chẽ, song khi cần tháo lắp thì lại nhẹ nhàng, không sứt vỡ.
        Bởi thế, ngôi nhà rường đồng bằng Bắc bộ từ xa xưa đã theo những người Việt di dân từ làng lên Băm sáu phố phường, từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong.
        Con cháu, gia đình cụ Tuất vẫn cùng nhau gìn giữ ngôi nhà hương hoả. Cụ Tuất là vợ ông Tạ Thanh Dương, cố giám đốc Nông Trường Điện Biên những năm sáu mươi. Ông là nhân vật của nhà văn Nguyễn Khải. Cụ Tuất bảo : « Ông Nguyễn Khải hồi đó lên nông trường tập cuốc đất, ăn sắn, ngô, khoai để viết ra văn ».
      Nghỉ hưu, cụ Tuất từ thị xã về trông nom ngôi nhà cổ, giữ hương vườn.
      Ngẫm cảnh cụ bà tám mươi bảy tuổi, một mình sống trong khu nhà vườn mênh mông, nuôi gà, trồng rau, quét vườn, tôi rất khâm phục.
       Bà cụ ra vườn, tôi chạy theo. Cụ lẫn vào cây vườn. Tôi phải gọi hai tiếng « Bà ơi » thật to.
       Tôi đỡ nắm lá chè xanh trong tay cụ và khẽ hỏi :
- Bà sống một mình có buồn không ?
- Không. Tôi quen rồi. Làm việc suốt ngày từ sớm đến
 tối. Quét dọn, chăm cây, hái hoa quả cúng, đi chợ, nấu cơm. Chăm đàn gà. Một năm có sáu bảy cái giỗ. Lại còn ra đình, chùa. Tôi đang vận động bà con xây lại đền Mẫu...
- Hằng ngày bà có phải uống thuốc gì không ạ ?
- Chẳng thuốc men gì. Mấy chục năm tôi không phải đi
khám bệnh. Có ốm đau gì mà khám.
        Cụ bà trò chuyện thanh thản, không gợn chút âu lo, làm tôi mê quá. Hương vườn và mái nhà hương hoả dấu yêu của thôn làng Việt Nam, là Thiên đường mơ ước. Nó giản dị, khiêm nhường, dễ sống biết bao.
         Song tôi và nhiều người chẳng bao giờ dám mơ về Thiên đường đồng quê Việt. Mình không có được hạnh phúc sống tuổi gìa an vui, thanh tịnh như cụ Tuất, tôi đã quen với ô nhiễm phố quá lâu rồi. Bây giờ không thể rời phố về làng xây một ngôi nhà nho nhỏ, vui hưởng cây vườn, nhưng tôi cầu mong cho nhiều cụ ông, cụ bà Việt Nam được an hưởng tuổi già trong Hương Vườn như cụ Tuất.
      .