Trang chủ » Tản văn

Nhớ chú Vũ sắc

Trần Nhương
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2012 8:59 AM
  TNc: Hôm qua 24-4 là ngày thứ 49 chú Vũ Sắc-nhà văn Vũ Sắc ra đi. Em Giang, con trai trưởng của chú có mời Hội Nhà văn VN, Nhà xuất bản Quân đội nhưng đều bận cả. Ba anh em thuộc phòng Văn Nghệ cũ đến dự gồm Trần Nhương, Vũ Thị Hồng, Minh Anh. Nhân dịp này trang nhà đưa bài TN viết về chú in trên VNQĐ số tháng 4-2012. Bức chân dung chú Vũ Sắc do TN vẽ theo trí nhớ.
 
Hồi trước anh em giới văn nghệ trong quân đội thường bảo: một số các nhà văn quân đội đều chui ra từ ống tay áo Vũ Sắc. Nói vậy nghe cũng hơi quá nhưng có phần đúng. Điểm mặt các nhà văn quân đội từ Tô Đức Chiêu, Mai Thế Chính, Đình Kính, Vũ Thị Hồng, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thụy, Phạm Đình Trọng, Nguyễn Hoa, Phạm Hoa, Trần Nhương…đều có phần gây dựng của nhà văn Vũ Sắc.
 
  Chúng tôi thường gọi ông bằng chú vì vào những năm thập kỉ 60-70 của thế kỉ trước ông đã gần 50 tuổi. Vốn người chân quê, giản dị, lại vất vả nên trông ông gày gò, lòa xòa như một lão nông. Chú Vũ Sắc giản dị, thân gần coi anh em chúng tôi như người nhà có lúc mắng mỏ văng mạng đôi câu trách móc nhưng người nghe không ai phật lòng.
 
   Trong những năm chống Mỹ cứu nước, quân đội mà trực tiếp là TCCT rất chú ý đến phong trào viết văn cho các chiến sĩ. Đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp làm những tác phẩm lớn, còn các chiến sĩ trực tiếp sẽ ghi chép những trang văn nóng hổi cuộc sống và chiến đấu làm nên diện mạo “Văn chương áo lính”. Cuộc vận động “Viết kỉ niệm sâu sắc trong đời bộ đội” được phát động liên tục. Các quân binh chủng, tổng cục mở trại viết để các cây bút chân đất tha hồ ghi chép kỉ niệm. Chú Vũ Sắc là một thày giáo đắt hàng bên cạnh các nhà văn như Hồ Phương, Xuân Thiều, Đại Đồng…Hồi ấy tôi là lính của Cục Vận tải TCHC nên được dự nhiều trại do Tổng cục Hầu cần tổ chức, Tôi gặp thày Vũ Sắc vào những năm đó và những trang văn đầu tiên đều có sự chỉ bảo của thày. Tôi nhớ một trại viết sau chiến dịch đường 9-Nam Lào (1972), tôi có viết một kỉ niệm kể lại các chiến sĩ vận tải chở đạn cho các chiến sĩ pháo binh. Dọc đường bao nhiêu bom đạn được các cô TNXP cứu xe, có cô bị thương máu thấm vào hòm đạn. Khi đạn đến trận địa pháo binh các chiến sĩ pháo binh biết chuyện rất xúc động. Và những phát đại bác ấy đã bay đi với lòng căm hờn làm nên chiến thắng. Tôi đặt tên chuyện ấy là Đạn máu, Chú Vũ Sắc đọc rồi véo tai tôi một cái nói tên gì nghe kinh bỏ mẹ. Rồi ông đặt tên truyện cho tôi là Hai phát đại bác 130 ly. Sau này truyện được in trên báo Văn nghệ . Dân mới viết như tôi mà được in trên báo Văn nghệ là oách lắm. Thế đó, chú Vũ Sắc như ông thợ cả cầm tay chỉ việc cho chúng tôi chi li, ông chẳng dài dòng lí thuyết gì…
Cũng nhờ những trang văn, bài thơ ấy mà tôi được TCCT cho đi bồi dưỡng khóa I trường Viết văn Nguyễn Du, Nhiều lúc nghĩ lại nếu không có cơ duyên gặp chú Vũ Sắc chắc minh không thể trở thành nhà văn quân đội.
Năm 1983 tôi ra trường được phân công về Phòng Văn nghệ Nhà xuất bản quân đội. Thế là được ở cùng phong với chú Vũ Sắc-thày Vũ Sắc. Ông đã dạy tôi làm công việc biên tập, các miếng võ biên tập sao cho vẫn giữ được cốt cách của nhà văn ông đều truyền nghề cho tôi. Lúc đó Phòng Văn nghệ toàn những bậc tài danh, trưởng phòng Đỗ Gia Hựu, các BTV Tạ Hữu Yên, Vũ sắc, Ngọc Tự, Minh Giang, Hồng Duệ, Vũ Thị Hồng rồi thêm lớp lính mới gồm Trần Nhương, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Quang Tính, Lê Huy Hòa, Trần Chiến…Chúng tôi hưởng lương sĩ quan cứ đến niên hạn lại thêm sao, dần dần lương cũng khá, có phiếu C. Trong khi đó thày Vũ Sắc lẹt bẹt chuyên viên lương chẳng đáng là bao. Ông chăm chỉ và nhẫn nại, rất ít khi kêu ca về chế độ đãi ngộ của mình. Vào quãng năm 1985 gì đó có nghị quyết 47 giải quyết người dôi dư về nghỉ chế độ. Rất nhiều cán bộ được nghỉ hưu, được nhận vài tạ sắt, mấy tạ xi măng để về tu sửa nhà cửa. Ở nhà xuất bản của tôi có đôi trường hợp không muốn về nghỉ cứ xin ở lại. Chú Vũ Sắc nghe chuyện nói với bọn tôi: Sao lại thế, mừng được về hưu chứ, nhiều anh em mình nằm lại giữa đường có chế độ gì đâu. Câu nói của ông tôi không bao giờ quên coi đó vừa là bản ngã vừa tiết tháo của kẻ sĩ. Khi BCH Hội Nhà văn Việt Nam cho tôi nghỉ hưu là tôi OK ngay không nì nèo xin kéo dài chính là nhờ lời nói của chú Vũ Sắc. Chú Vũ sắc là thế nghèo khổ, trầm luân nhưng trung thực thẳng thắn đến từng xăngtimét…
 
Vào những ngày Tết Nhà xuất bản chúng tôi hay tổ chức vui văn nghệ. Phòng Văn nghệ chúng tôi thường lắm trò nhất. Nguyễn Quang Tính có thơ chọc ngoáy, tôi có câu đối vui. Bắt chước câu đối Tú Xương, Tú Mỡ, Tú lơ khơ, tôi sáng tác Cao Kính, Cao Hùng, cao hổ cốt/ Vũ Lai, Vũ Sắc, vũ ba lê . Chả là NXB của tôi có các anh Vũ Lai, Vũ sắc, Cao Kính, Cao Hùng. Nghe câu đối chú Vũ Sắc bảo: Cóc hay, tớ sửa như sau Vũ Lai, Vũ Sắc, vũ thoát y, thoát y đối với cao hổ cốt nghe sướng hơn nhiều…
 
 Năm 1988 chú Vũ Sắc về hưu với mức lươmg chỉ ngang trung tá. Lớp biên tập sau tiếp tục công việc của các bậc đàn anh đẻ lại. Năm 1993 tôi chuyển ngành ra Hội Nhà văn Việt Nam nên hai chú cháu ít khi gặp nhau. Năm nào vào dịp Tết tôi cũng đến thăm nhà chú, một phần vì tôi nhớ nhà chú trong làng Hoàng Mai nên Ban Hội viên hay nhờ dẫn đường. Tết Nhâm Thìn vừa rồi tôi và chị Vân Anh đến thăm thì chú đang phải thở ô-xy, quanh người đâyd dây nhợ nhưng vẫn nhận biết: Trần Nhương, Trần Nhương. Tiếng tuy có méo nhưng vẫn biết ông nhắc tên tôi..
Hồi năm 2011 chú Vũ Sắc nằm viện 108, Vũ Thị Hồng gọi điện báo tin, chúng tôi cùng Lê Huy Hòa đến viện thăm chú. Khổ thân chú vì giấy tờ khi về hưu ghi nhầm lẫn chú là họa sĩ trình bày nên không thể có tiêu chuẩn nằm A1. Tôi có mang hồ sơ đề nghị NXB quân đội chứng nhận là nhà văn nhưng giấy trắng mực đen, có dấu đóng từ năm 1988, bệnh viện họ không giải quyết được.
 
Thế đấy, chú Vũ Sắc của chúng tôi tuề tòa đến cái hồ sơ lí lịch của mình cũng chẳng để ý đến.
  Ngày lễ tang chú tôi bận công việc bất khả kháng không có mặt tiễn đưa nhưng tôi kịp đưa tin trên Trannhuong.com nhờ thế mà bao bầu bạn học trò của chú biết tin…
 Chú Vũ Sắc đã đi xa nhưng với lớp học trò chúng tôi vẫn thấy chú đang dõi theo từng ngày, mong chờ những trang văn của các học trò vào tuổi U70…