Giống như nhiều đứa trẻ khác ở Hoà Thắng, Tèo cũng “ vừa học vừa làm “ ở khu vực bàu Trắng này. Tèo là cái tên gần như gọi chung cho tất cả các cậu trai dưới 10 tuổi ở vùng quê Bình Thuận.
Nếu bạn muốn nói chuyện mà chưa vinh hạnh biết qúy danh các cậu thì cứ “ Tèo ơi “ là ắt có người thưa. Buổi sáng Tèo đi học, chiều ra bàu Trắng để cho khách thuê ván trượt trên đồi cát Trinh Nữ. Các Tèo và Gái lớn, Gái bé khác có thể cũng theo lịch này hoặc ngược lại. Thỉnh thoảng có vài Tèo, vài Gái bỏ học luôn để “ tăng ca , tăng chuyến “.
Hăng hái dẫn tôi vượt qua rừng dương để leo đồi cát, Tèo chỉ tay xuống bàu:
-Bàu này có ma đó cô, nhiều lắm, có cả ma Tây.
-Là sao?
-Năm nào cũng có người bị bắt đi. Người ta nói bước chân xuống thì không sao, đứng một chút là nó kéo mình xuống, không gỡ ra được.
-Nó là ai ?- Tôi hỏi.
-Là ma đó.
-Con thấy ma chưa ?
-Thấy mà con còn đi với cô ?- Tèo vặn lại tôi.
Với Tèo, bàu nước luôn chứa đựng rất nhiều bí ẩn. Chúng không tỉnh táo như tôi nên chúng sẽ để những bí ẩn đó theo mình một quãng trong cuộc đời, khi tuổi thơ trôi qua dưới những ngọn gió quét cát rào rạo trên người. Câu chuyện của Tèo cũng hư hư thực thực phủ lên không gian bàu Trắng màu sắc huyền thoại rất khó quên.
Đồi cát Trinh Nữ màu trắng tinh khiết, mênh mông rộng và luôn mờ mờ ảo ảo chứ không sắc nét, thực trong đời như đồi Hồng. Gió ở Bắc Bình rất mạnh, khi nào nhìn lên những ngọn đồi cát cũng thấy nhoè đi vì gió đang biến những nét tĩnh của cát thành nét động. Nhìn ở góc nào đồi cát Trinh Nữ cũng phô diễn những đường cong diễm ảo, những đường nằm nghiêng với vòng eo lượn xuống ma mị, những đỉnh vươn lên mịn màng tròn căng, những cánh tay nối buông thả nhẹ mềm mại theo thân thể…Tèo nói người dân ở đây thấy đồi cát giống như một cô gái nằm nghỉ nên gọi là Trinh Nữ. Chúng tôi mỉm cười đưa mắt cho nhau : “ Tèo còn nhỏ quá chưa biết đấy thôi, gọi là Trinh Nữ vì cô gái này nằm đấy hàng trăm năm nay, bao nhiêu người đã ngắm đến mòn con mắt, thấy hết mà có thấy gì đâu. Cho dù nhìn nàng trong tư thế nằm ngửa thì gió cũng tế nhị xoá dùm nàng đỉnh cao nhất”.
Là dân có “ hoa chân “ đi và đến đồi cát Trinh Nữ nhiều lần nhưng tôi chưa bao giờ leo hết những ngọn đồi cát, giỏi lắm cũng chỉ chinh phục được ¼, còn lại thì bị nó chinh phục. Chuyến thành công nhất là một buổi sáng sớm chúng tôi leo lên một ngọn và đứng nhìn ra biển cả cho đến khi mặt trời quét những tia nắng đầu tiên lên đồi cát. Cũng vào ngày ấy tôi gặp Tú- một bác sĩ rất đẹp trai ở Mỹ về. Tú nói đã 3 lần về Việt Nam và cả 3 lần đều đến đồi cát Trinh Nữ, 2 lần sau là dẫn bạn đến khoe cảnh quan Việt Nam. Khác với tôi, Tú không thích gió nhiều quá: “ Tôi sợ gió sẽ làm mất đồi cát này. Bình Thuận cũng phải tính toán đừng xây quanh đây những nhà cao tầng vì nó sẽ làm chuyển hướng gió, ảnh hưởng đến việc tạo ra đồi cát”. Đó là một nguy cơ dễ xảy ra vì tất cả các đồi cát ở Bình Thuận đều được gió tạo ra và nắn lại hình dáng qua mỗi một ngày. Nếu không phải là những ngọn gió ngang tàng của miền duyên hải này thì những đồi cát cũng khác. Người Bình Thuận không muốn thế.
Ở đồi cát Trinh nữ người Việt thường ít hơn du khách nước ngoài. Họ đến đây bằng những chiếc xe mui trần màu xanh cứt ngựa. Chúng mạnh mẽ, cũ kỹ và hấp dẫn như những chàng cao bồi. Xe dừng, những du khách vọt xuống thoăn thoắt lao vào rừng dương và xuất hiện trên đồi cát với máy ảnh trên tay. Tôi chắc câu chuyện về một đồi cát hoang dã của Việt Nam sẽ được nhắc đi nhắc lại trên đất nước họ. Nhiều người cũng bỏ thời gian tập trượt cát. Có một điểm trượt cát đứng tim đó là trượt trên một dốc cao mà điểm xuống là bàu nước “ có nhiều ma “ như Tèo đã giới thiệu.
Đồi cát Trinh Nữ không chỉ có bấy nhiêu vẻ đẹp mà nó còn được tô điểm bởi một tên tuổi khác mà tôi đã nhắc từ đầu bài, đó là bàu Trắng. Bắc Bình là một huyện phía bắc Bình Thuận, nơi cư ngụ lâu đời của người Chăm với rất nhiều đền tháp. Đây cũng là vùng cực kỳ khô hạn rộng như thảo nguyên với những trảng cỏ và cây có gai . Đáng ngạc nhiên là từ bao đời không rõ ở đây có một bàu nước ngọt rộng đến 70 ha. Bàu Trắng là tên gọi chung nhưng trong đó có 2 bàu nước nối vào nhau, bàu rộng và tròn được gọi là bàu Bà, bàu dài được coi là bàu Ông. 2 bàu nối với nhau vừa cung cấp nước ngọt cho người dân vừa làm dịu không khí Bắc Bình. Trong kháng chiến đây là vùng ác liệt nhất của Bắc Bình khi đêm đêm những chiến sĩ khu Lê dùng bao nilon lót vào ba lô đến bàu lấy nước. Không biết bao nhiêu người đã nằm xuống cạnh nguồn nước ngọt này vì Mỹ- Ngụy đã bố trí lực lượng canh giữ bàu rất gắt gao.
Bây giờ bàu Trắng trở thành nơi cung cấp nước ngọt cho những rẫy đậu phộng, dưa lấy hạt, bắp …của người dân. Bàu Trắng cùng với đồi cát Trinh Nữ cũng là điểm du lịch không thể bỏ qua nếu bạn muốn hiểu thêm và từ “ tiểu sa mạc” hoặc kiểm tra lại sự dẻo dai của mình. Bàu Trắng sẽ tặng bạn một nụ cười trên môi khi vào mùa sen nở màu hồng sẽ rực lên trên nền nước xanh thẳm, cạnh những bông hoa dại bé li ti đủ màu sắc và dưới đồi cát trắng tinh.
Nhưng bạn đừng quên câu chuyện của Tèo là dưới bàu Trắng có ma đấy, những con ma này mới hấp dẫn làm sao