Chàng thi sĩ cóc đang phổ nhạc bài thơ do mình sáng tác
Bác Thảo Dân cứ như người đi trên mây, kể từ lúc thằng Út mang về giấy phép xuất bản tập thơ Tình xuân núi Hài, nó còn thuê hoạ sĩ vĩa bìa, hình một thiếu nữa e ấp bên rặng tre cành vút cong, nửa vầng trăng mờ ảo sau màu tím của hoàng hôn. Gớm cái ông hoạ sĩ vẽ bìa lại đoán đúng ý bác thế, tuổi bác đã ngả chiều nhưng lại bắt đầu một tình thơ mới. Vầng trăng khuyết là sự mơ màng của thời thiếu nữ, thời tình xuân…
Bác mê mải ngắm nghía bìa tập thơ như thể đang khám phá một thế giới vô cùng vô tận của thi ca. Không biết chừng khi tập thơ của bác xuất hiện sẽ gây chấn động giới văn nghệ sĩ, hẳn nhiều người sẽ kinh ngạc bởi một nông dân chân đất mắt toét ở tít tận núi Hài lại có những bài thơ xuất thần như vậy. Hai ông kễnh trong giới truyền thông vừa xuất bản tập thơ đã được đồng nghiệp bốc thơm, cứ như là giải Nô- ben văn học năm tới sẽ rơi vào tay hai vị đó. Xin hai vị hãy đọc những câu thơ đồng quê có phải là vàng ròng được chắt ra từ rơm rạ của gã nhà quê này không nhá…Bác Thảo Dân cứ miên man với những suy nghĩ như vậy. Thằng Út chừng đoán được ý bác, nó hỏi:
- Bố định in mấy ngàn hay chỉ in vài trăm bản để biếu các cụ bô lão như kiểu người ta in thơ lên những vuông vải rồi thả lên trời như các nhà thơ vẫn làm vào Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu?
Bác Thảo Dân cười đầy tự mãn:
- Thơ của bố đâu để thả lên giời, nó sẽ thả vào tâm hồn mỗi người yêu thơ một nỗi niềm và sự rung cảm kỳ lạ về cái đẹp của núi Hài…
- Con hỏi rồi, nếu in giấy thông thường một ngàn bản nhà in tạm tính 25-30 triệu, nếu giấy tốt thì khoảng 35-40 triệu…
Nghe thế, bác Thảo Dân giãy nảy:
- Giá in mà đắt vậy à? Nhưng chẳng sao, cũng chỉ bằng tao bán dăm chục con ba ba giống thôi. Để tao tham vấn ý kiến lão Cò trước đã…
Nói rồi bác Thảo Dân lật đật cầm tập bản thảo thơ cùng giấy phép in đến thẳng nhà lão Cò. Sau khi ngắm nhìn bìa tập thơ một lát, lão Cò mỉm cười, nụ cười bí ẩn lắm. Bác Thảo Dân hơi chột dạ hỏi:
- Lão cười gì thế? Để lấy được giấy phép tôi đã tốn hơn chục triệu thuê vẽ bìa, trả công biên tập, chạy giấy phép nhà xuất bản. Thơ của tôi có chất lượng nghệ thuật người ta mới cấp giấy phép cho in, chứ đâu phải ca dao hò vè?
Lão Cò hút liền mấy điếu thuốc cười lục khục trong cổ rồi chậm rãi:
- Sắp có Luật Thơ rồi, đất nước mình những năm vừa qua in văn thơ tràn lan, ai có tiền là in, mặc dù thơ chẳng ra thơ, ca dao hò vè chẳng ra ca dao hò vè. Thơ không có tội, nhưng nó lại gây ra tình trạng phá rừng. Để có giấy in thơ, họ phải chặt cây rừng để làm ra giấy, thơ văn in càng nhiều thì rừng càng bị tàn phá. Mà Luật Thơ nghiêm lắm, không chỉ phạt tác giả những câu thơ chẳng ra thơ mà những câu thơ ấy tác động xấu tới xã hội, môi trường thì tội còn to nữa. Ví như thơ của bác nói về Tình Xuân núi Hài, đám trẻ đọc xong yêu nhăng nhít, vi phạm Luật Hôn nhân thì bác cũng bị liên luỵ…
- Trời, thế thì nhiều nhà thơ phải vào trại giam, các nhà thơ: Nguyễn Du, Xuân Diệu, Hồ Xuân Hương…chắc phải vào tù hết?
- Đúng như vậy. Mọi công dân sống và làm theo pháp luật, dù chết rồi mà thơ họ phạm luật thì cũng phải quật mả lên cho vào tù. Luật Thơ là thế bác ạ…
Bác Thảo Dân mặt xanh xám, thở dài:
- Thế thì dân tộc Việt Nam ơi, xin mọi người chớ dại làm thơ…