Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỚI CHÁU HÀ ĐĂNG

Trần Đình Trợ
Chủ nhật ngày 18 tháng 9 năm 2011 11:02 AM
                                       
  Bạn Hà Đăng thân mến!
  Tôi là Trần Đình Trợ, dạy học ở Hà Tĩnh, chủ nhân trang trandinhtro.tk. Tuổi tôi gần với tuổi các bác Trần Nhương, Lục Dân, Dương đức Quảng, Phạm Thành hơn là tuổi 31 của bạn Hà Đăng. Vì vậy, xin bạn Hà Đăng cho được xưng hô là bác cháu. Tôi cũng xin mạn phép các tiền bối Trần Nhương, Lục Dân, Dương đức Quảng, Phạm Thành cho phép tôi có đôi lời trao đổi với bạn Hà Đăng.
  Cháu Hà Đăng à, bác biết bác đang làm chuyện “ách giữa đàng, tự mang vào cổ”. Nhưng đọc bài viết “Thưa 4 bác” của cháu, bác băn khoăn nhiều quá.
 Đọc xong bài của cháu, bác rất mừng, đúng là hậu sinh khả úy. Cháu viết sắc bén, mạch lạc, lại thể hiện thái độ khiêm nhường đúng mực. Bác gặp rất nhiều người tuổi trẻ tài cao, nhưng dũng cảm bàn luận về thế cuộc như cháu quả không nhiều. Bác mừng khi cháu viết: “phản biện để có thể đi đến cái đích mang tính xây dựng. ...hiện cháu đang làm kinh doanh nên động lực này chưa bao giờ đến với cháu!”. Thế là các bác đã làm cho cháu có động lực để phản biện rồi. Mà xã hội ta, đang rất cần của những người như cháu phản biện.
  Nhưng bác lại rất băn khoăn, khi cảm thấy cháu không nhận ra một nỗi lo lắng chung, toát ra trong cả ba bài viết của các bác Lục Dân, Dương đức Quảng, Phạm Thành. Mà đây cũng là nỗi lo chung của nhiều người như bác. Nỗi lo đó, chính là nỗi lo: lo nhục quốc thể và nỗi lo mất nước. Cũng vì nỗi lo đó, nên mọi người rất quan tâm đến các bài viết vừa rồi. Chắc là cháu không nhận ra những nỗi lo đó.
 Nếu nhận ra, có lẽ cháu không viết: “Cháu cứ thắc mắc tại sao không thấy Bác đả động đến vấn đề Lào, Campuchia mà chỉ nói đến vấn đề không có tên Trung Quốc? Có phải chỉ để giải thích cho Bố vợ của Bác thôi hay còn muốn nhắn nhủ gì cho những người đọc như cháu?”.
 Cháu không thấy ảnh hưởng giữa Lào, Canpuchia và Trưng Quốc đối với sự tồn vong của nước Việt ta là khác nhau quá xa hay sao. Mối lo về rừng, mối lo về biển đảo liên quan đến Lào, Campuchia hay liên quan đến chính Trung Quốc? 
  Nếu nhận ra những nỗi lo, có lẽ cháu không viết: “Thủ tướng tiếp Ủy viên Quốc vụ hay một công dân của Trung Quốc cháu cho rằng là chuyện bình thường, thậm chí đáng hoan nghênh là đằng khác”.
  Rồi cháu lại viết: “Lãnh đạo cấp cao không tiếp đón cấp thấp, cấp cao như Ủy viên Quốc vụ không tiếp thì dân bình thường như chúng cháu đến bao giờ mới được gặp, được đón tiếp? Lãnh đạo ngày càng xa dân thì cháu buồn lắm!”.    Cháu đánh đồng chuyện lễ nghi quốc gia với chuyện tiếp khách xã giao bình thường sao. Mà cháu sao lại nói chuyện lãnh đạo gần dân, xa dân ở đây. Ông Đới Quốc Bình là dân nước ta từ bao giờ thế cháu?
Chắc cháu là người kinh doanh rất bài bản, nên cháu viết: “Cháu thấy nếu được thì các Bác cung cấp cho những người đọc như cháu biết được định lượng các thông tin thì tốt quá. Bởi cháu làm kinh doanh nên khi nói đến “to nhất”, “ít người đọc”, “ít người bỏ tiền”, “bán nhiều trên sạp”… thì thường phải chứng minh bằng những “con số biết nói” và có sự so sánh với những đối thủ khác. Ví dụ như “To nhất” là to như thế nào? kích cỡ chiều dài bao nhiêu? Chiều rộng bao nhiêu?... và “nhất” là so với ai? Nếu không có cơ sở dữ liệu mà theo cảm tính chủ quan của mình thì chẳng bảo giờ cháu được các “sếp” công nhận cả.”.    Cháu ạ, việc đếm người đọc báo không đơn giản như đếm số lao động “lạ” đang hành nghề trái phép khắp nước ta, cũng không đơn giản như đếm tàu thuyền nước “lạ” đang làm mưa làm gió trên biển Đông của ta. Mà có khi, số liệu chắc gì đã có ý nghĩa bằng sự suy luận.
  Bác cũng rất phân vân như cháu về số người đọc báo “Nhân dân”. Đây là tờ báo của Đảng. Số người đọc nó, quả thật khó đoán, vì “Đảng” thì không bao giờ bán “Nhân dân”. 
  Nếu nhận ra những nỗi lo lắng, cháu đã không viết: “Trong số đám bạn chúng cháu, nhiều anh em cho rằng, tương lai sắp tới con em chúng ta sẽ không chỉ còn là công dân nước này, hay nước kia nữa mà sẽ trở thành những công dân quốc tế. Cháu lấy ví dụ về Giáo sư Ngô Bảo Châu chẳng hạn. Ông là người sinh ra tại Việt Nam , học tập tại Việt Nam và Pháp, sau này làm việc tại Mỹ và Việt Nam . Không biết điều anh em chúng cháu nghĩ về sau này có đúng không nữa?”.
 Ý kiến này của cháu làm bác thật sự lo sợ. Thuyết "tiến lên thế giới đại đồng" này, bác nghe rất quen, và bác rất sợ. Bác sợ rằng, sẽ có lúc, người Việt chúng ta phải tỵ nạn ngay chính trên đất nước mình. Cháu so các cháu với giáo sư Ngô Bảo Châu là khập khiễng. Bác tin rằng, giáo sư có suy nghĩ khác xa với cháu. Muốn thành người Việt mang nhiều quốc tịch, thì trước hết phải cố giữ lấy cái quốc tịch “Việt Nam ” đã.
Cháu lại còn đề nghị: “Tuy nhiên, cháu cũng xin mạnh dạn kiến nghị với Bác Trần Nhương một điều, Bác nên có lời xin lỗi bạn đọc như cháu vì đã đưa bài viết “Báo Nhân Dân nói hẳn hoi đấy” ngày 13/9 của Bác Lục Dân.”.
  Cháu à, các bài viết của các bác Lục Dân, Dương đức Quảng, Phạm Thành muốn toát lên nỗi lo chung. Căn nguyên những nỗi lo đó, vẫn còn hiện hữu, nó đâu biến mất khi vài số liệu thay đổi. Bác Trần Nhương cũng không thể chịu trách nhiệm đến từng con số được.
  Các số liệu có thể chưa đầy đủ, nhưng tấm lòng lo lắng cho quốc gia đại sự của mọi người, thật đáng trân trọng. Mọi người đọc các bài viết, đâu phải chỉ quan tâm đến các số liệu và sự thắng thua tranh luận. Chắc là họ phải lo lắng cho những điều lớn lao hơn.
  Những nỗi lo khi đọc ba bài viết của các tác giả kia có thể đang còn mơ hồ. Nhưng nỗi lo khi đọc xong bài viết của cháu, thật sự cấp kì. Đó là nỗi lo vong bản.
  Nói thế, có thể cháu và các bạn cháu lại chê trách bác. Có thể, các cháu lại bảo: “Chuyện quốc gia đại sự, đã có Đảng và nhà nước lo!”.
  Nhưng, nghe những lời như vậy, bác lại càng lo hơn !
Cảm ơn về bài viết của cháu, chúc cháu khỏe và hạnh phúc.

Trần Đình Trợ
Hà Tĩnh