Tại Cafe Music - 25 Ngô Văn Sở Hà Nội Nhóm tác giả ca khúc “Thành phố Miền Viễn Đông” gồm Bà Lê Thị Minh phu nhân Tổng lãnh sự Vladivostok, Nhạc sỹ Trọng Đài và Tiến sỹ ngôn ngữ học Lê Văn Nhân, đã tổ chức họp mặt công bố ca khúc mới sáng tác về thành phố Vladivostok - Ca ngợi tình hữu nghị Việt – Nga. Các đồng tác giả đã ký lưu bút vào bản nhạc để làm kỷ niện. Buổi họp mặt cũng là lần đầu tiên công bố ca khúc này cùng với lời bài hát bằng tiếng Nga của tác giả Lê Văn Nhân.
Buổi họp mặt rất vui vẻ, hào hứng và đầm ấm, đến dự có các VNS và trí thức quen biết như: NSH. Dương Trung Quốc, GS. Văn Như Cương, Nhạc sỹ Văn Dung, Nhà thơ Bằng Việt, các nhà thơ, nhà văn: Đòan Tử Huyến, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Minh Tường, Trần Nhương, Lê Huy Quang, Trực Chấp, PGS. Đào Tuấn Ảnh, DG. Thúy Toàn, Lê Bá Thự, ĐD. Quốc Trọng, Phạm Thanh Phong, Nguyễn Đình Toán…và đoàn Việt Kiều Ba Lan đang ở thăm Hà Nội cùng với đông đảo bạn bè , người thân của tác giả. Một số tờ báo và Đài TH cũng có mặt trong đêm vui này…
Rượu Nga, cùng với Thức nhắm 100% Nga, hòa quyện với những bản tình ca Bất hủ một thời Xô Viết: Chiều Matxcơva, Đồi Lê-nin, Khúc ca ban chiều, Cuộc sống ơi ta mến yêu Người, Chiều hải cảng, Nước Nga tổ quốc tôi, Giờ này anh về đâu...Khiến cho Tiệc rượu vui kéo dài mãi đến thật khua...
Nhân dịp này, Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh đã tặng nhạc sỹ Trọng Đài bức “Chân dung Trọng Đài” rút từ nhóm tranh “Ba Gã Đầu Trọc” (Trọng Đài, Thành Chương và Phạm Ngọc Tiến) trong bộ sưu tập “Bản Diện Kim Cương Bất Họai” do Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh sáng tác.
Xin được nói đôi điều về ca khúc “Thành phố Miền Viễn Đông”: Lời bài hát dựa trên bài thơ “NỖI NIỀM NGƯỜI XA XỨ” của bà Lê Thị Minh viết trong thời gian bà mới đến thành phố Vladivostok (2010), bài thơ đã được nhà thơ Bằng Việt biên tập. “Nỗi niềm người xa xứ” được viết trong những ngày tuyết rơi phủ trắng Thành phố cảng Vladivostok nơi có tượng đài Các chiến sỹ chiến đấu vì Liên Xô ở Viễn Đông, nơi đây là trung tâm hành chính của Primorsky Krai (Nga) tọa lạc gần biên giới Nga - Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Vladivostok là thành phố cảng của Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Nga. Năm 2012 Nước Nga sẽ chào đón sự kiện: Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Vladivostok.
Nhạc sỹ Trong Đài đã đọc bài thơ “Nỗi niềm người xa xứ” và rung cảm trước những hình ảnh đẹp đẽ, huy hoàng của nước Nga, của thành phố Vladivostok về tình hữu nghị Việt – Nga anh em, nơi ông đã từng du học thời trai trẻ, Trọng Đài đã hoàn thành ca khúc “Thành phố Miền Viễn Đông” sau khi làm Tổng đạo diễn chương trình ca nhạc 1000 Thăng Long – Hà Nội 2010. Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long đã trình diễn và thâu băng ca khúc này. Sau đó, bài hát được bà Lê Thị Minh với tư cách là phu nhân Tổng lãnh sự, đem qua phổ biến tại Vladivostok, được đông đảo người Việt sinh sống tại Vladivostok yêu thích, đón nhận như một món quà tinh thần ngọt ngào từ quê hương gừi tặng những người con xa xứ. Mới đây, nhân tháng Hữu Nghị Nga - Việt tổ chức tại Vladivostok, các em học sinh Nga của trường Cao đẳng Âm Nhạc Vladivostok đã tập và trình diễn rất thành công bài hát này bằng tiếng Việt.
Ca khúc “Thành phố Miền Viễn Đông” do Trọng Đài phổ nhạc, ông là một nhạc sỹ chuyên nghiệp, tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky, về nước tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và là Giám đốc Nhà Hát Ca múa “Thăng Long”.
Bên cạnh việc quả lý và giảng dạy ông còn dành nhiều tâm sức cho sáng tác, nhất là lĩnh vực khí nhạc, trong đó có hàng trăm tác phẩm viết cho độc tấu, hoà tấu nhạc cụ dân tộc cổ truyền… Một số tác phẩm viết cho nhạc cụ châu Âu, như Giao hưởng số 1 (1986), Giao hưởng (1989), tứ tấu đàn dây, concerto cho dàn nhạc, những tác phẩm thính phòng năm 1990, và nhạc cho trên 40 tác phẩm sân khấu và điện ảnh. Ông còn viết nhiều ca khúc cho kịch nói và phim truyện Truyền hình như những ca khúc: Hà Nội đêm trở gió (lời Chu Lai) và Chị tôi (thơ Đoàn Thị Tảo), Đất và Người, Đường đời... được nhiều người yêu thích.
Tiến sỹ Lê Văn Nhân chuyển ngữ bài thơ “NỖI NIỀM NGƯỜI XA XỨ” của bà Lê Thị Minh và ca từ bài hát “Thành phố miền Viễn Đông ra tiếng Nga rất thành công, các nhà văn Nga của thành phố Vladivostok đánh giá rất cao bản dịch này. Ông đã được Bạn mời thỉnh giảng tại Trường Đại học Tổng hợp Vladivostok trong tháng 9 năm 2011 này.
TS.Lê Văn Nhân cũng là một nhà Nga học Việt Nam rất nổi tiếng, ông am tường và uyên thâm cả Việt ngữ và Nga ngữ. TS.Lê Văn Nhân là nhà thơ Nga ở Việt Nam. Cho đến nay, ông đã xuất bản 6 tập thơ, 3 trong số đó được sáng tác hoàn toàn bằng tiếng Nga. Ông là Trưởng Khoa tiếng Nga Trường Đại học Hà Nội, Tổng thư kí Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt - Nga, Chủ tịch Câu lạc bộ các nhà khoa học làm thơ Việt Nam.
Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh
(*) Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh (bên phải) tặng tranh chân dung nhạc sỹ Trọng Đài