Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẠO CHÍCH

Nguyễn Việt Hà
Thứ sáu ngày 26 tháng 8 năm 2011 10:00 PM

Vào những ngày yên bình của hôm nay, ở mảng sách báo có liên quan đến mục an toàn trật tự xã hội, người ta hay gặp phải cụm từ "phường đạo chích". Ví như "Các quý ông hãy nêu cao cảnh giác với phường đạo chích mang vẻ sang trọng thiếu nữ" hoặc "Nạn đạo chích đang có dấu hiệu lây lan trong giới nữ ca sĩ". Những nam độc giả tử tế thường hốt hoảng hiểu đấy là bọn càn quấy trộm cắp thỉnh thoảng có cả lừa đảo cướp giật. Đại loại thì đúng vậy. Tuy nhiên, nếu phải truy nguyên tới những ngày xa xưa, thì "Đạo Chích" lại là tên riêng của một người đàn ông ở nước Lỗ tận bên Tầu thuộc thời Xuân Thu Chiến Quốc (722-221). Đạo Chích trộm cướp lừng tiếng thiên hạ đến mức thành danh từ chung, hoàn toàn không phải do đạo đức hay trình độ nghiệp vụ, mà do xuất xứ của anh chàng này có hai điều đặc biệt.
Thứ nhất, quê hương của Đạo Chích là một trung tâm văn hoá lớn, có bề dầy vào loại nhất của Trung Quốc cổ đại. Ở nơi đó có đánh rơi mô bai hàng hiệu đầy đường cũng chẳng ai thèm nhặt. Nước Lỗ vốn là đất Thiên tử phong cho Chu Công Đán, một vị thánh, một chính trị gia đại tài có văn hoá cực kỳ cao. Cũng chính từ tay ông mà phong kiến Trung Hoa mới hình thành những điển chế luật pháp, những nghi lễ tế tự, những thi ca âm nhạc. Rất nhiều những cái ở đó đến nay vẫn còn giữ gần gần như nguyên. Ví như cái tinh thần trọng nam khinh nữ coi đám đàn bà là thừa chẳng hạn. Lịch sử Trung Quốc hầu như không có nữ hoàng, một điều ở nhiều nước phương Tây coi là man rợ, nếu chẳng may bị có thì đấy là tiếm hiệu (Võ Tắc Thiên là ví dụ) một dạng trái tự nhiên như kiểu gà mái mà cũng đòi ngông nghênh dám gáy. Nhiệm vụ chính của đàn bà là thờ chồng nuôi con, việc mù chữ xem như đương nhiên chứ đừng nói tới chuyện viết văn hay viết báo. Bây giờ vật đổi sao dời, hội trưởng hội nhà văn Trung Hoa lục địa là nữ văn sĩ Thiết Ngưng, dung nhan thì mặn mà xinh, tiểu thuyết thì dữ dội xếch. Còn ở ta, nữ sĩ cũng đông lắm, nếu phải xếp thì chật cả một cánh đồng bất tận. Theo các nhà phê bình vừa biết lý luận vừa biết tôn trọng vợ, đây đáng kể là một thành tựu.
Thứ hai, Đạo Chích tuy là thằng đại côn đồ nhưng lại có một ông anh ruột là đại hiền sĩ Liễu Hạ Huệ, tự Quý. Liễu Hạ Huệ "văn nhã ôn hòa biết nhiều nghĩa lý, chỉ vì làm quan không hợp thời nên từ chức bỏ về" (Đông Chu liệt quốc - Hồi 39 - NXB Văn Học), và ông đi vào chính sử bằng một nhân cách đặc biệt. Ở một tối mùa đông lạnh buốt, ông từng ôm rất chặt rất lâu một thiếu nữ tuyệt vời xinh cốt để cứu cho nàng khỏi chết rét. Ôm xong, ông thả ra, thiếu nữ vẫn sáng ngời vẹn toàn trinh tiết. Vạn thế sư biểu Khổng phu tử, cũng người nước Lỗ, tâm phục khẩu phục lắm, trân trọng xem ông là tấm gương tiêu biểu của chính nhân quân tử. Á thánh Mạnh tử từng nói "phú quý bất năng dâm" (dư dật mà không sa đọa) chính là nhờ nương vào điển này. Ngày nay các bậc quân tử bỗng trở nên tuyệt hiếm, hoàn toàn không phải do tư cách sa sút, đơn giản là vì ngoài đường quá khó kiếm những thiếu nữ bị đột ngột cảm lạnh. Tóm lại, nước Lỗ có rất nhiều người hiền, vậy mà bỗng tòi ra một thằng thiên hạ đệ nhất đạo tặc. Đạo Chích thành danh lưu xú vạn niên cũng là điều tương đối dễ hiểu.
Đạo chích tuy chẳng phải là một thứ đạo gì, nhưng vẫn có tín đồ, vẫn có lịch sử. Tuy nhiên, phôi pha cùng thời gian, bản chất của đạo chích càng ngày càng khác. Bọn đạo chích hiện đại tương truyền rất yêu thể thao, bọn họ thường luyện tập sành sỏi ba môn điền kinh phối hợp mà thành ngữ Việt quen gọi là "Ném đá giấu tay" "Chọc gậy bánh xe" và "Gắp lửa bỏ tay người". Thoạt kỳ thủy, đã là thằng ăn cắp thì trông giống hệt như một thằng ăn cắp. Hôm nay đâm ngược lại, các đạo chích mặt mũi đều phương phi mang vẻ đàng hoàng, phong độ dung nhan y xì như Liễu Hạ Huệ. Làm học thuật thì trộm ý trộm chữ, làm kinh tế thì trộm chức trộm tiền, vô cùng khó phát hiện. Ngày xưa, ăn trộm xong thì trốn vào xó xỉnh nào đấy vừa xấu hổ vừa nuốt vừa tiêu. Còn ngày nay tuy vẫn "bòn nơi khó rách đãi nơi quần hồng" nhưng nghênh ngang xưng xưng mặt dầy đi rao giảng cho thiên hạ về Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín. Làm từ thiện thì đài báo tivi phải rầm rộ biết, cúng được chút công quả thì lải nhải kể lể rưng rưng. Đạo chích ở thế kỷ 21 cả người nồng nặc mùi đạo đức.
Phần "tạp thiên" của Nam Hoa Kinh, hậu học có người giả danh cụ Trang tử dành riêng cho Đạo Chích hẳn một chương. Ở chương đấy, Đạo Chích thả cửa giả nhân giả nghĩa huênh hoang về đạo lý của mình. Học giả Lâm Tây Trọng đời Thanh đọc xong cảm thán "Người mà không có đạo người, thế gọi là hạng người thối nát. Mượn miệng quân trộm cướp chửi suốt lượt các thánh nhân xưa nay, thế là muốn xui thiên hạ đi theo quân trộm cướp cả".
Hình như đến bây giờ, Đạo Chích vẫn xui bẩy được vô khối người quân tử.
  (trích từ báo QĐND- văn học tứ sáu)