Khi đọc bài báo “Đi tìm lại mẫu Quốc huy Việt Nam” trên Tạp chí Mỹ Thuật số 222 (tháng 6/2011), của tác giả Nguyễn Nông, chúng tôi thấy hơi kì quặc. Kì quặc vì tiêu đề “Đi tìm lại mẫu quốc huy Việt Nam”, mà tác giả Nguyễn Nông khẳng định như đinh đóng cột (nguyên văn):
“Quốc huy Việt Nam là biểu tượng chính thức của Nhà nước Việt Nam và cũng là một tác phẩm mỹ thuật (đồ họa) đặc biệt, đẹp và chuẩn mực, nằm trong cụm 7 tác phẩm mỹ thuật được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh của họa sĩ Trần Văn Cẩn”.
1/ Quốc huy là biểu tượng chính thức và thiêng liêng của mỗi quốc gia, được sử dụng trong đối nội và đối ngoại với hình thức thể hiện chuẩn xác, trang trọng và nhất quán. Nhưng Quốc huy Việt Nam - Biểu tượng chính thức và thiêng liêng của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - hiện sử dụng có nhiều sai lệch. Biểu hiện gần đây nhất là việc mẫu Quốc huy bị in sai trên hàng nghìn tấm bằng thạc sĩ của trường Đại học Huế. Tuy nhiên, người đại diện nhà trường không nhận trách nhiệm về mình mà cho rằng tại Quốc huy chưa có mẫu chuẩn!
Trả lời phỏng vấn phóng viên VTC News (
http://vtc.vn/538-290744/giao-duc/noi-viet-nam-chua-co-quoc-huy-chuan-la-nguy-bien.htm), bà Đặng Thị Bích Ngân, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Mỹ thuật kiêm Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật cho biết, chúng ta đã có mẫu quốc huy chuẩn còn những người bảo chưa có mẫu chuẩn thì chỉ là cách ngụy biện cho những sai sót của họ.
Bà Ngân cho hay: “Chính vì vậy, số ra mới nhất tháng 6-2011 trên Tạp chí Mỹ Thuật của Hội Mỹ Thuật Việt Nam, chúng tôi đã tiếp tục đăng một bài nghiên cứu sâu về Quốc huy chuẩn của tác giả Nguyễn Nông”.
Khi đọc bài báo “Đi tìm lại mẫu Quốc huy Việt Nam” trên Tạp chí Mỹ Thuật số 222 (tháng 6/2011), của tác giả Nguyễn Nông, chúng tôi thấy hơi kì quặc. Kì quặc vì tiêu đề “Đi tìm lại mẫu quốc huy Việt Nam”, mà tác giả Nguyễn Nông khẳng định như đinh đóng cột (nguyên văn):
“Quốc huy Việt Nam là biểu tượng chính thức của Nhà nước Việt Nam và cũng là một tác phẩm mỹ thuật (đồ họa) đặc biệt, đẹp và chuẩn mực, nằm trong cụm 7 tác phẩm mỹ thuật được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh của họa sĩ Trần Văn Cẩn” (trang 10).
2/ Năm 2004, trả lời câu hỏi của báo chí, về việc tháng 9 năm 1996, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật cho cụm tác phẩm của họa sĩ Trần Văn Cẩn, trong đó có công trình vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam (1955), ông Lương Xuân Đoàn (Vụ Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) cho đây là một “sơ suất” của Ban tổ chức giải thưởng và “trong thực tế, chưa cần đến nó (công trình vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam năm 1955 - KVQ) thì cống hiến của ông (Trần Văn Cẩn) đã được khẳng định”.
Chúng tôi xin dẫn tiếp Văn bản số 237/MT của Ban Mỹ thuật - ngành Văn nghệ Trung ương gửi lên Bộ Tuyên truyền vào ngày 24-11-1954, do họa sĩ Trần Văn Cẩn, lúc ấy là Trưởng ban Mỹ thuật ký, với nội dung khẳng định họa sĩ Bùi Trang Chước là tác giả mẫu Quốc huy (trích nguyên văn):
Kính gửi: Bộ Tuyên truyền
Khoảng trung tuần tháng 10-54, chúng tôi có gửi sang quý Bộ một số 15 mẫu Quốc huy để quý Bộ đưa trình Thủ tướng phủ xem và cho ý kiến quyết định.
Chúng tôi chờ đợi đã lâu mà chưa có tin gì về việc đó. Gần đây vụ Lễ tân bên Thủ tướng phủ có cho người giục luôn nên chúng tôi cử họa sĩ Bùi Trang Chước, tác giả những mẫu ấy, sang đề nghị quý Bộ cho biết tin tức về các mẫu đã được chọn.
Cũng đề nghị quý Bộ trao cho họa sĩ Chước những mẫu đã gửi để đem về sửa lại và hoàn thành.
Kính chào củng cố hòa bình.
Ban Mỹ thuật
Ngành Văn nghệ Trung ương
Trần Văn Cẩn”
2/ Một điều chúng tôi ngạc nhiên hơn nữa, là không chỉ tác giả Nguyễn Nông mà ngay bà Đặng Thị Bích Ngân, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Mỹ thuật kiêm Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật và ban biên tập Tạp chí Mỹ thuật đều “quên” rằng từ nhiều năm nay, khi nhắc đến mẫu Quốc huy Việt Nam, các công trình nghiên cứu chuyên ngành Mỹ thuật đều xếp vào công trình của cố họa sĩ Bùi Trang Chước.
Cụ thể như sau:
a/ Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam (tác giả, tác phẩm) – Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2005:
Từ trang 8 đến trang 11, phần về họa sĩ Trần Văn Cẩn, chỉ viết chung chung “Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 1996” và giới thiệu 3 tác phẩm Bộ ống đựng bút (sơn mài), Lọ gốm và Ấm trà.
Từ trang 28 đến trang 33, phần về họa sĩ Bùi Trang Chước, giới thiệu mẫu Quốc huy nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, Huy hiệu Bác Hồ, Mẫu Huân chương Sao vàng, Huân chương Lao động hạng Nhất (tr. 29)...
b/ Hội Mỹ thuật: Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (Kỷ yếu hội viên) – Nhà xuất bản Mỹ thuật 2009
Trang 100, viết về họa sĩ Bùi Trang Chước, với những tác phẩm chính: Quốc huy nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Huy hiệu Tổng Công đoàn Việt Nam (nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Thiếu nữ - lụa 1939, Khu gang thép Thái Nguyên – 1982, Vịnh Hạ Long – sơn khắc (80 x 213 cm) – 1960, Thủy điện Thác Bà – sơn khắc (60 x 130 cm) – 1975, Múa quạt – 1981
Trang 64, viết về họa sĩ Trần Văn Cẩn, mục Tác phẩm giải thưởng không hề nhắc đến mẫu Quốc huy, còn trong mục Giải thưởng Mỹ thuật, vẫn đề chung chung Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật 1996…
c/ Cuối cùng, chúng tôi muốn nhắc đến công trình Từ điển họa sĩ Việt Nam (Encyclopedia of Vietnamese painters) – Nhà xuất bản Mỹ thuật 2008 (xin gọi tắc là Từ điển – KVQ).
Chỉ với 1 trang 53, Từ điển dành một số dòng viết về họa sĩ Bùi Trang Chước (1915 – 1992) như sau:
Tác phẩm chính về đồ họa ứng dụng: Biểu trưng Tổng Công đoàn (nay là Liên đoàn Lao động Việt Nam) và mẫu Quốc huy Việt Nam được chọn làm cơ sở hoàn thiện.
Dành 5 trang, từ trang 29 đến trang 33, Từ điển dành nhiều lời trân trọng về họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994):
“Một trong những đại diện xuất sắc nhất của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỉ XX. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật 1996” (Tr.29).
“Ông cũng là một trong mấy nghệ sĩ “toàn năng” xuất hiện đầu tiên ở nước ta, thuần thục trên mọi chất liệu và có những đóng góp lớn cho sự phát triển của hội họa sơn mài, rất giỏi biến hóa các chất liệu phù hợp với từng thể loại, đề tài, và ở chất liệu, thể loại nào, đề tài nào ông cũng đạt đến thành công và có giá trị nghệ thuật rất cao khả dĩ tiêu biểu cho từng thời kì mỹ thuật: Em Thúy (1943, khắc gỗ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Gội đầu (1943, sơn dầu, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Hai thiếu nữ trước bình phong (1944, lụa, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Tát nước đồng chiêm (1958, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), Dân quân miền biển (1960, sơn dầu, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)… (Tr.31)”.
Tuy nhiên, Từ điển không hề viết một chữ về mẫu Quốc huy khi nhắc đến họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Khép lại vấn đề này, chúng tôi đặt dấu hỏi về cái gọi là “nghiên cứu sâu về Quốc huy chuẩn”. Chúng tôi mong nhận được lời trao đổi từ phía tác giả Nguyễn Nông cũng như bà Đặng Thị Bích Ngân, Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Mỹ thuật kiêm Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật./.
Hà Nội, ngày 8 tháng 8 năm 2011
Ghi chú: Bài đã đăng trên Văn nghệ Công an số 158 (258), ra ngày 15/8/2011.