Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIẢI THƯỞNG HCM, NN "BẤT CẬP Ở CÁCH KÊ KHAI"

Từ Khôi (thực hiện)
Thứ ba ngày 16 tháng 8 năm 2011 6:04 AM

Sắp tới ngày công bố chính thức và trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và các danh hiệu NSND, NSƯT, dư luận vẫn còn ngổn ngang” các ý kiến bình luận. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã lý giải phần nào nguyên nhân này qua bài trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Đại Đoàn Kết.

PV: Thưa nhà văn, tại sao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996 rồi đợt 2 năm 2000 và kể cả đợt 3 năm 2005 mặc dù chưa có tiêu chí cụ thể và đầy đủ như đợt 4 này nhưng dư luận lại không có nhiều bức xúc và kiện cáo?

Nhà văn Hoàng Quốc Hải
: Tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc vừa là hương phấn, vừa là tinh hoa của nền văn hóa dân tộc. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định về tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Như vậy là trước hai thập kỷ, Nhà nước đã tạo điều kiện để các ngành nghệ thuật có sự chuẩn bị, suy nghĩ để tổ chức sao cho công bằng chính xác. Đợt phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước lần thứ nhất coi như viên mãn. Sở dĩ đạt được điều đó vì giải thưởng đã trao chính xác cho những tác giả và tác phẩm xứng đáng. Các ngành khác tôi không tường tận chứ về phần văn học tôi thấy tuyệt đại đa số được dư luận đồng tình. Đến đợt 2, đợt 3 tuy cũng có sự kêu ra kêu vào” về vấn đề này khác nhưng sau khi công bố thì thấy cũng êm”. Còn lần này thì vấn đề kiện cáo, nhất là về Hội đồng âm nhạc xem ra lan tỏa mạnh. Những bất cập này gây ảnh hưởng tới uy tín và ý nghĩa tích cực của Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Mục đích của giải thưởng là tôn vinh những tác giả, tác phẩm đã có cống hiến xứng đáng. Gần đây những rắc rối đưa lên công luận báo chí, truyền thông gây dư luận không tốt.

Vì sao có chuyện đó và có giải pháp nào khắc phục được hay không?.

Tôi lấy ví dụ ở các nước người ta làm. Mỗi ngành đều có Viện Hàn lâm. Ví dụ Viện Hàn lâm âm nhạc, mỹ thuật... Những tác giả, tác phẩm nào xứng đáng được vinh danh là do Viện Hàn lâm ngành đó đề cử. Những người được vào làm trong Viện Hàn lâm được tuyển chọn theo tiêu chuẩn khắt khe. Nên những ý kiến họ đưa ra được dư luận chấp nhận. Ở nước ta chưa có Viện Hàn lâm nên Nhà nước giao cho các Hội đồng thẩm định của các Hội chuyên ngành. Nếu như những người được chọn vào Hội đồng thẩm định cơ sở có những tác phẩm được công chúng đánh giá cao, thứ hai về mặt nhân cách, họ phải trung thực, công tâm thì mới phần nào đảm bảo thuyết phục được các hội viên và dư luận. Khi đã có những người được tín nhiệm như thế trong hội đồng và làm việc nghiêm túc, trưng cầu ý kiến của các hội viên, và đưa ra những tiêu chí cụ thể thì sẽ tốt hơn, sẽ bớt đi những kiện cáo, dư luận không hay.
Các tiêu chí mà hội đồng đưa ra nên rõ ràng. Theo tôi, có thể bổ sung vào tiêu chí một số việc sau: Tiêu chí xét tác phẩm sau 5 năm công bố, vậy thì trong thời hạn 5 năm kể từ tác phẩm công bố này có được đông đảo bạn đọc đón đọc hay không, đã được tái bản bao nhiêu lần? Trên thế giới người ta quan niệm: Một tác phẩm đứng được là ít nhất sau 5 năm vẫn còn người đọc. Vậy thì những tác phẩm có sức sống lâu bền in từ mấy chục năm trước đến nay được tái bản bao nhiêu lần, số lượng tái bản là bao nhiêu? Công chúng đọc nó như thế nào? Việc này có thể kiểm định được thông qua thư viện quốc gia, các tỉnh, huyện. Những người đã cất công đến thư viện là những độc giả đáng tin cậy. Vì không phải cứ sách có bìa đẹp là thu hút người ta đọc mãi nếu nội dung không hay. Thêm nữa, để báo chí bình chọn cũng là một kênh tin cậy. Hội đồng có thể chọn 100 tác phẩm rồi trưng cầu ý kiến dư luận báo chí.
Tôi nghĩ, nếu chúng ta làm được những việc này sẽ bảo đảm tránh được sự phản bác của công chúng. Nếu không sẽ xảy ra kiện cáo nhiều, thậm chí kiện lên cả Chủ tịch nước.

Thưa nhà văn, ông có nhận xét gì về cách thức kê khai trong mẫu hồ sơ của hội đồng gửi tới các tác giả?

Tôi cho rằng vấn đề nằm ở chỗ tiêu chí chưa rõ ràng. Hầu hết các mẫu hồ sơ của Hội đồng cơ sở gửi tới các hội viên tự kê khai chỉ mang định tính chủ quan chứ chưa định lượng. Như thế, tác giả ai cũng có thể tự kê khai tác phẩm của mình cực kỳ tốt, cực kỳ hay”, tạo được dư luận vô cùng lớn”. Người ta cứ khai có mất gì đâu. Nếu được thì quá hay. Vừa được danh lại vừa được một món tiền không nhỏ. Bởi thế, nếu có tiêu chí rõ ràng thì mỗi tác giả khi đặt bút kê khai phải suy nghĩ, đắn đo, phải tự hỏi nó có xứng đáng hay không?.
Cho nên vấn đề rốt lại là phương pháp làm việc của Hội đồng xét duyệt giải thưởng các cấp chứ không phải ở bản thân giải thưởng.

P.V: Xin cảm ơn nhà văn.

Từ Khôi (thực hiện)
 Nguồn: Đaidoanket