Trong một xã hội mà mọi giá trị, mọi quan hệ đều được nhẩm tính thành lợi nhuận. Khi mà con người ta chỉ lo nghĩ cho cá nhân mình, bàng quan với những số phận xung quanh, bàng quan với xã hội mình đang sống, bàng quan với vận mệnh của dân tộc trước hiểm họa xâm lăng và những hiểm họa tiềm ẩn. Mọi thứ đối với họ đều như nước chảy bèo trôi, miễn là đừng có ảnh hưởng đến nồi cơm nhà mình, ảnh hưởng đến lợi ích của bản thân. Vậy mà bên cạnh đó lạị có những con người gác mọi công việc, toan tính cá nhân để xuống đường thể hiện lòng yêu nước của mình. Thử hỏi, họ làm như vậy thì sẽ được lợi gì cho bản thân, hay chỉ chuốc thêm phiền toái vào mình: đội nắng đi ngoài đường, nói khản cổ, rồi không may bị công an, đàn áp bắt bớ, đến nhà hỏi han nhiêu khê. Thậm chí còn bị không ít người kích bác cho là điên, dở người. Thực tế là kẻ viết bài này cũng đã một lần xuống đường(24/7), sau khi những ngư dân của ta bị đàn áp ngoài khơi, và trong đất liền những người biểu tình yêu nước cũng bị “tặng” những cú đạp “thần sầu” vào mặt. Quả thực tôi đã vô cùng sốc, và gần như bật khóc khi tiếp nhận những thông tin đó. Cảm thấy lòng tự tôn dân tộc của mình đang bị chà đạp, tôi quyết định xuống đường để trải nghiệm cùng những người yêu nước. Mặc dù trước đó tôi đã rất muốn xuống đường nhưng vì điều kiện cá nhân nên rất khó để tham gia. Sau đó ít ngày, có một nhà báo đã nói với tôi bằng thái độ không thiện chí, thậm chí có phần kích bác. Tôi nói lại với anh ta rằng: “khi nào ông có thái độ nghiêm túc và hiều biết đúng đắn thì tôi sẽ nói chuyện với ông về việc này”. Tôi cũng đã đọc ở một blog nào đó bài viết của họa sĩ Đỗ Đức, kể lại câu chuyện khi ông công tác châu âu, tình cờ gặp một số nhà văn nhà thơ ở bên đó. Câu chuyện trà dư tửu hậu của họ lại dẫn đến chuyện những người biểu tình phản đối Trung Quốc. Có ông nhà thơ đã lên giọng để phản bác việc làm đó. Tôi còn được biết, sau khi về nước ông nhà thơ kia còn rêu rao đây đó đầy miệt thị những người biểu tình. Kể ra như vậy không phải là để khoe mình có tấm lòng yêu nước, hay để chỉ trích anh chàng nhà báo cũng như ông nhà thơ là không yêu nước. Có thể tình yêu nước trong mỗi chúng ta có một sắc thái khác nhau, có cách thể hiện khác nhau và chúng ta cần phải trân trọng nhau, trân trọng tình cảm thiêng liêng đó trong mỗi con người. Chúng ta vẫn thường xem, đọc tin tức ở nước này nước kia, người dân xuống đường biểu tình phản đối chiến tranh đang diễn ra ở một quốc gia xa lắc xa lơ nào đó. Vậy thì tại sao khi tổ quốc mình bị đe dọa mà ta lại không thể xuống đường thể hiện lòng yêu nước. Chúng ta phải đoàn kết và đặt niềm tin vào nhau thì mới mong xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình chứ. Vâng, tôi muốn nhấn mạnh hai chữ Niềm Tin. Niềm tin của con người dành cho nhau. Niềm tin của người dân vào các cơ quan công quyền và ngược lại. Mặc dù hai chữ đó đang ngày càng mai một, đang ngày càng trở nên xa xỉ. Nhưng không phải vậy mà chúng ta mất hy vọng.
Sẽ thật là đáng buồn nếu như lòng yêu nước của mỗi công dân lại không được nhìn nhận một cách khách quan và đúng đắn. Và cũng thật đáng thương và xót xa cho những con người có thái độ vô cảm trước đồng loại và vận mệnh của dân tộc.
Đêm vu lan 2011