Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÍ MẬT VÀ BAO CẤP THÔNG TIN

Dương Đức Quảng
Thứ tư ngày 10 tháng 8 năm 2011 4:35 PM
 
 
(Nhân đọc bài phát biểu của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc)
                                                 
Đã qua mấy ngày rồi mà bài phát biểu của ông Dương Trung Quốc tại Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa 13 vẫn được dư luận trong nước và nước ngoài chú ý, bàn luận. Tôi đã đọc nhiều lời bình luận của độc giả trên các trang mạng, thấy hầu hết đều vui, tán thành, ủng hộ, cảm ơn, khuyến khích ông nghị Quốc vì ông đã nói trúng nguyện vọng của cử tri tại ngay diễn đàn rất quan trọng là Quốc hội – cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Mỗi người đều có thể cảm nhận những điều tâm đắc trong lời phát biểu của ông Dương Trung Quốc, như có người viết qua phát biểu của ông thì thấy ông “Dương Trung Quốc không phải là Trung Quốc”! Còn ông bạn nhà báo Nguyễn Vĩnh của tôi thì lại chú ý đến khía canh “chỉ số lòng tin của dân” trong lời phát biểu của ông…
Riêng tôi, tôi rất tâm đắc đoạn ông nghị Quốc nói sau phiên họp kín của Quốc hội để nghe báo cáo về tình hình biển Đông ông đã trao đổi ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao là phần lớn nội dung báo cáo này, chỉ trừ một số ít điều tế nhị cần giữ, nếu thông tin rộng rãi cho dân biết thì “chỉ có tốt trở lên”!
Tôi rất hiểu công việc ngoại giao (mà ông bạn Nguyễn Vĩnh, từng là Vụ trưởng, Tổng Biên tập báo của Bộ Ngoại giao thì còn hiểu hơn tôi nhiều) là có nhiều điều cần phải giữ bí mật. Chẳng phải ở ta mà nước nào cũng vậy. Bộ Ngoại giao, cũng như nhiều bộ, ngành, địa phương khác, có cả một danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Pháp lệnh về Bảo vệ bí mật nhà nước mà mọi người đều phải tuân theo. Vì thế việc giữ bí mật nhà nước trong lĩnh vực này là đương nhiên, không phải mọi điều đều được huỵch toẹt trước bàn dân thiên hạ để rồi bị hở sườn cho nước khác/người khác chọc ngoáy và phá ta. Chả thế mà từ Ngoại trưởng Hillary Clinton đến Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - đất nước được tiếng là tự do ngôn luận, đều đòi truy tố ông Julian Assange và trang mạng WikiLeaks của ông đã công bố nhiều thư từ trao đổi ngoại giao giữa Mỹ với nhiều nước được coi là bí mật, trong đó có những việc đã xảy ra từ lẩu lầu lâu rồi, chứ không phải vừa mới xảy ra!
Song vấn đề đặt ra là phải quy định thật rõ thế nào là bí mật nhà nước, không lẫn lộn giữa việc giữ bí mật với việc mở rộng thông tin, để điều này không trở thành con ngáo ộp hù dọa mọi người, hạn chế thông tin, như ông Dương Trung Quốc nói “dân biết dân mới làm”(và dân mới tin nữa chứ?). Thực tế có tình trạng nhiều điều không đáng giữ bí mật, không còn bí mật nữa nhưng nhiều cơ quan/người có trách nhiệm vẫn cứ coi là bí mật để hạn chế thông tin với dân. Tôi đã có bài viết về vấn đề này (xin xem bài “Thông tin mật chỉ cần đóng dấu mật?” trên lethieunhon.com, ngày 27/12/2010) nên xin không nhắc lại. Ở đây chỉ muốn nói là các quy định về bí mật này, đi liền với nó là quy định về chế độ cung cấp thông tin (nhiều khi chỉ là quy định bất thành văn, mọi người phải tự hiểu), tồn tại từ rất lâu, trước khi mạng internet phổ biến rộng rãi ở nước ta như bây giờ, đã lỗi thời mà vẫn còn tồn tại. Đó thực chất là chế độ bao cấp thông tin, cán bộ cấp nào thì được cung cấp/được đọc loại tin nào, còn cán bộ khác thì không. Ở TTXVN vẫn tồn tại các loại tài liệu mật, không phổ biến, như tài liệu tham khảo/tài liệu tham khảo đặc biệt…cung cấp cho từng loại đối tượng. Phần lớn các tài liệu này đều khai thác từ tài liệu/báo chí nước ngoài mà bây giờ qua mạng internet ai cũng có thể tìm đọc. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã từng băn khoăn khi đọc các loại tài liệu tham khảo của TTXVN dưới dạng tài liệu mật thì phải “bảo quản” theo chế độ tài liệu nào, bởi vì các tài liệu này là tài liệu mật nhưng là mật với dân chứ không mật với “địch”!
Trở lại vấn đề đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu, chỉ trừ một số ít điều tế nhị cần giữ bí mật, còn nhiều vấn đề khác nếu thông tin rộng rãi cho dân biết về tình hình đang nóng lên trên biển Đông thì “chỉ có tốt trở lên”!. Tôi nghĩ rất khó cho Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói tất cả những điều mà các đại biểu Quốc hội được nghe trong phiên họp kín trên truyền hình và tất cả các điều đó cũng khó có thể in ra giấy trắng mực đen công bố rộng rãi vì còn có “một số ít điều tế nhị cần giữ” như ông Dương Trung Quốc nói. Nhưng đa số những điều các đại biểu Quốc hội được nghe báo cáo thì vẫn công bố được, không bằng cách này thì cách khác; không qua kênh chính thống thì qua các kênh không chính thống; không giấy trắng mực đen thì bằng tuyên truyền miệng…, chứ không thể giữ kín, bí mật tất cả. Thực tế một khi đã báo cáo cho 500 đại biểu Quốc hội nghe, dù là họp kín, thì đâu còn hoàn toàn giữ được bí mật nữa. Các đại biểu Quốc hội là đại biểu của dân thì phải báo cáo với dân về kết quả kỳ họp trong đó có tình hình biển Đông đang nóng lên mà các đại biểu được nghe trong phiên họp kín. Thế thì hà cớ chi mà lại không thông báo cho dân biết sớm hơn trong khi có nhiều phương tiện và phương thức thông tin để thực hiện điều này? Phải chăng điều hạn chế này cũng xuất phát từ chế độ bao cấp về thông tin vẫn tồn tại lâu nay, phải là cấp nào/người nào mới được cung cấp thông tin về việc đó/tình hình đó, còn cấp khác/người khác thì không?
Tư duy bao cấp về thông tin quả thật rất khó thay đổi.  Cách đây 18 năm, năm 1993, khi còn làm việc ở Văn phòng Chính phủ (VPCP), tôi đã từng có ý kiến bằng văn bản đề nghị Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Lê Xuân Trinh lúc đó chỉ đạo để cán bộ VPCP không tùy tiện ghi mấy chữ “không thông tin trên báo đài” dưới các văn bản của Chính phủ, nhất là các Nghị định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của các bộ. ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, để cho “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” công việc của các bộ, ngành, cơ quan và cả của Chính phủ. Tôi cũng hiểu phải khó khăn như thế nào cán bộ, chuyên viên VPCP mới được nối mạng internet và phải mất 10 năm kể từ khi đề xuất và triển khai công việc thì Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ mới khai trương được. Lý do chính sự chậm chễ đó là ở việc chậm đổi mới tư duy về thông tin, không chỉ ở một bộ phận, một số cán bộ của Chính phủ mà cả ở một số cơ quan khác, nhất là “chế độ bao cấp thông tin” vẫn còn tồn tại như tôi đã trình bày ở trên. Vì thế mới có chuyện đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao như thế!
Không biết đến bao giờ điều này mới được đổi mới đây!

Nguồn: Blog quang194-đầu gối-yahoo!360plus