Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC TRƯỜNG CA THỨ BA, GIẬT MÌNH...ĐỌC TIẾP

Nguyễn Văn Lai
Thứ sáu ngày 12 tháng 8 năm 2011 5:53 AM

Chẳng phải với trời xanh, chẳng phải với Bin Gết -nhà tỷ phú người Mỹ giầu nhất nhì thế giới và chẳng phải với một vĩ nhân nào khác mà là với cha con cu Lập Sơn- người bạn thơ sức khoẻ yếu và cậu con trai  chưa đầy 3 tháng tuổi. Tức là Nguyễn Anh Nông muốn trò chuyện với những con người bình thường nhất, thậm chí là với những sinh linh bé nhỏ mới cất tiếng khóc chào đời, đó như là một lời nhắn gửi, một thông điệp của cuộc sống về sự tồn tại và phát triển.
 
 
 "Trẻ em như búp trên cành", rồi nay mai đứa trẻ sẽ thành người lớn, sẽ hiểu được lẽ phải của cuộc sống, hiểu được nhân tình thế thái, hiểu được đâu là sướng, khổ, vui, buồn; giầu sang phú quý hay là nghèo rớt mồng tơi. Trường ca "Trò chuyện với cha con cụ Lập Sơn" ra đời trong hoàn cảnh khi nhà thơ Nguyễn Anh Nông đến thăm bạn của mình là nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Bằng sự cảm nhận sâu sắc, sự liên tưởng và niềm đam mê, nhà thơ Nguyễn Anh nông vẽ nên một bức tranh tươi sáng và hy vọng với hàng ngàn con chữ lấp lánh về tương lai cuộc sống của một tổ ấm gia đình nhiều khát vọng vươn lên vượt qua khó khăn vất vả và sự nghiệt ngã của tạo hoá để đến một chân trời mới tươi sáng hơn.
Ý  thơ giản dị mà sâu xa, lời thơ mộc mạc, chân thành, gần gủi mà chuyển tải được nhiều vấn đề cần nói. Cả trường ca "Trò chuyện với cha con cụ Lập Sơn" là trải nghiệm một cách nhìn sáng tạo, mạnh mẽ và đột phá. Mọi sự trên thế gian này ra đời, tồn tại và phát triển đều có quy luật của nó; có thể thay thế, hoán đổi, ăn cắp, cướp giật, xin cho, ban phát nhưng cái đích thực thì vẫn còn mãi mãi. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên không làm cho những mầm non bị héo mòn mà đôi khi lại tạo cho nó cứng cáp hơn. Sự nghiệt ngã của cuộc sống không làm cho những con người có ý chí và khát vọng bị lụi tàn mà đôi khi lại làm cho họ có sức sống mãnh liệt hơn, trang đời lại thăng hoa, toả sáng nhiều hơn. Mỗi chương, mỗi phần của trường ca Nguyễn Anh nông lại làm cho chúng ta giật mình ngẫm lại thế sự nhân tình và cuộc sống hiện tại. Niềm vui cũng nhiều, thành công cũng có, nhưng cay đắng vẫn còn, những trải nghiệm xã hội sẽ đưa con người luôn ở trạng thái hiện thực của cuộc sống để nhìn về quá khứ, ước nguyện tương lai, vượt lên mọi số phận, dám vạch sáng quãng đường dẫn dắt bước chân đi. Đó là hy vọng, đó là tương lai "Vạch đường cày- trên trang sách mới/ những đường cong, vạch thẳng cứ nôn nao/ Khoai lúa mọc không hàng, không lối cứ xanh um, mơn mởn, rì rào". Chao ơi ! đọc trường ca mà như thấy nhân tình thế thái, cuồn cuộn nỗi đau, cồn cào số kiếp, thân phận con người do trời đất, mẹ cha ban tặng, nhưng đau đáu nỗi niềm của dâu bể khuôn nguôi. Cái quý nhất của thiên nhiên là thể hiện quy luật ngàn đời không thay đổi, cứ mỗi mùa đông lạnh lẽo qua đi thì mùa xuân ấm áp lại về, lá rụng về cội thì tức khắc có những hoa trái nảy mầm. Một cu Lập Sơn ra đời và lớn lên là tương lai hy vọng của nhà thơ, để "Cu Sơn là biểu tượng của thi ca, con cháu cu Sơn xây dựng đền đài nguy nga tráng lệ/ cây lúa cây khoai được dát bạc, dát vàng/ hoa súng hoa sen nhảy múa hân hoan". Rồi cu Sơn có những cuộc "hành trình vượt đại dương...tới những hành tinh mới/ nhiều người nhìn cu Sơn mà ao mà ước" Để cu Sơn "gánh quá khứ tương lai nặng nhẹ, vạch hướng tương lai, xếp đạt quân cờ hoạch định".
Tôi đọc được ở nhà thơ Nguyễn Anh Nông trường ca này là trường ca thứ ba, thấy anh thể hiện mạnh mẽ quá, vạch đường khám phá cuộc sống, vạch ra hướng nhìn một góc trời mới. Dám nói đến những gì người đời chưa nói, dám nghĩ đến nhừng gì mà sau hàng trăm năm chưa dám nghĩ; dám bứt phá, mở ra một không gian thoáng đãng cho những trường ca tiếp sau của anh tung cánh. Con người ai cũng có những ước mơ, khát vọng, ai cũng muốn được thể hiện bản ngã của mình, muốn được trò chuyện với thiên nhiên, con người và bè bạn. Nếu như "Trường ca Trường Sơn" của Nguyễn Anh Nông trò chuyện với quá khứ hùng tráng của dân tộc, trò chuyện với đại ngàn Trường Sơn, trò chuyện và vinh danh những con người của quá khứ và hiện tại đã làm nên huyền thoại Trường Sơn anh hùng, trò chuyện với cả một không gian và thời gian lịch sử để rồi được chiêm ngưỡng, tôn vinh và hưởng thụ thành quả lớn lao đó. Với trường ca "Gửi Bin Gết và trời xanh" Nguyễn Anh Nông trò chuyện và đối thoại với con người nổi tiếng và giầu có trên thế giới, trò chuyện với vũ trụ bao la, trời xanh mây trắng, với những đấng tối cao, ở họ có đủ sức mạnh diệu kỳ của vật chất và tinh thần, họ vừa là bạn, vừa là đối tác, vừa có thừa sức cạnh tranh chúng ta trên mọi phương diện. Nhưng thơ ta là đối thoại để khẳng định mình, khẳng định vị thế dân tộc mình, nền văn hoá của đất nước mình trước nhân loại. Đến trường ca "Trò chuyện với cha con cụ Lập Sơn" hoàn toàn là mới lạ, đó là cuộc trò chuyện với thế hệ mai sau, với lớp con cháu, với những người chủ tương lai của đất nước; ở họ không có gì là ghe gớm, không có gì là cao siêu, họ chưa có sức mạnh của thể lực, chưa có sức mạnh của đồng tiền và sức mạnh của trí tuệ. Họ mới có những gì bình thường nhất của con người đó là biết ăn, biết chơi, biết cười, biết nói nhưng họ là niềm tin, là tương lai, là khát vọng, là những mầm xanh và chủ nhân của đất nước. Những con người bình thường nhất sẽ là những con người làm nên tất cả, nhà thơ đã nhận biết và tìm thấy những gì vĩ đại nhất là những cái bình thường nhất. Đó là một cách nhìn!
Đọc bộ ba trường ca "Trường ca Trường Sơn", Gửi Bin Gêt và trời xanh", "Trò chuyện với cha con cu Lập Sơn" của Nguyễn Anh Nông, tôi lại nhớ đến bộ ba vở chèo nổi tiếng "Bài ca giữ nước" của cố nghệ sĩ Tào Mạt năm xưa./.

24/5/2011
Nguyễn văn Lai
Phòng Khoa học- Công nghệ- Môi trường
Trường  Đại học Trần Quốc Tuấn