Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LÀM “CÁI BUNG XUNG”

Trần Đình Trợ
Chủ nhật ngày 7 tháng 8 năm 2011 2:29 PM
                                        
    Công đoàn làmẹ là cha.
Đói cơm rách áo, thì la công đoàn.
 
Trên đời, lắm chức vụ chỉ là “cái bung xung” từ đầu đến cuối. “Chủ tịch công đoàn” trong các trường học cũng vậy.  Nhưng các chủ tịch công đoàn trường tôi, lại không phải thế.
                                      

    Tôi vào ngành, nhằm cái thời “Cái gì cũng phân, mà phân thì như cứt”. Quả là thời đó, thượng vàng hạ cám đều phân phối cả. Nhưng tại trường tôi, việc phân phối cũng không đến nỗi. Chủ tịch công đoàn, thầy Hà Học Quát vốn cẩn trọng như một cụ đồ. Từ săm lốp cho đến quần đùi áo lót, công đoàn đều chia bôi rất chu tất. Đầu tiên tất nhiên là ưu tiên lãnh đạo. Còn lại thì bình bầu, cũng có khi  bắt thăm may rủi. Kiểu gì, thư kí công đoàn cũng đứng ra cầm cân nảy mực. Nhưng đến đoạn chia…cứt bò, thì sự thể lại khác.
    Trường Vừa học vừa làm Cao Thắng khi đó còn là trường nội trú. Nhà trường có một đàn bò khá đông. Nhiệm vụ thứ hai của trường, ngoài dạy và học, là canh tác khoảng dăm hecta vừa đất màu lại vừa ruộng nước. Giáo viên thì được chia mỗi người vài thước đất tăng gia. Ai cũng thiếu phân bón. Của đáng tội, các thầy thời đó làm gì có tiền mà mua phân hóa học. Thứ “xa xỉ phẩm” đó, còn hiếm hơn vàng. Vậy là có chuyện xà xẻo kho phân bò, vốn dĩ dành cho vườn trường, do giám hiệu trực tiếp quản lý. Mọi người năn nỉ quá, hiệu trưởng mới chịu “bớt” một hố phân bò, cho thầy cô “cải thiện”.
   Đến khi phải bàn bạc và chia thứ “lộc trời cho” đó, thầy Quát lại ốm. Sáng thầy vẫn dạy bình thường, chiều thầy kêu đau bụng không dự họp được. Thiếu thầy, bàn không xong “phương án ăn chia”. Chúng tôi bèn rủ nhau đến xin ý kiến thầy. Thầy nằm bất động, nước mắt giàn dụa, bết cả mấy moi tóc bạc dưới thái dương. Một hồi lâu, thầy im lặng xua tay ra hiệu bảo mọi người về.
   Thầy là dòng dõi nho học mấy đời ở Sơn Hòa, chưa quen cầm cày cầm cuốc. Chắc là dầm nắng dầm sương mấy ngày, thầy bị cảm mạo rồi.
   Mãi sau này tôi mới biết, là hôm đó thầy Quát không hề ốm. Thầy khóc vì một lẽ hoàn toàn khác. Chúng tôi khi đó còn quá trẻ, đâu biết khóc như thầy.
   Sau này, nhiều người cũng đã khóc trong những nỗi đau câm lặng như vậy. Mỗi khi lòng mình quặn đau trong tủi nhục, tôi lại nhớ về những giọt nước mắt của thầy Quát. Người thư ký công đoàn của nông trại Vừa học vừa làm ngày nào. Ngôi trường - nông trại đó, mang tên người anh hùng Cao Thắng.


      Tôi chuyển về trường cấp 3 Hương Sơn cũng đang thời “Giáo án thầy giắt lưng quần, Dạy học là phụ, nông dân chính nghề”. Chủ tịch công đoàn khi đó, thầy Trần Văn Tiêu là một người mẫu mực. Trong làng giáo, anh là người nông dân xuất sắc. Trong làng nông, anh lại là thầy giáo giỏi. Anh chăm lo việc công như việc nhà mình. Hết tất bật liên hệ xin ruộng, xin đất tăng gia. Rồi lại đôn đáo tìm mua bò, mua lợn để công đoàn vỗ béo cho Tết của giáo viên.
     Số ruộng đất anh nhận làm, còn nhiều hơn ruộng đất một nhà thuần nông. Nhà anh có đủ bò lợn, gà vịt, ao cá. Thời ấy không mấy thầy làm được điều kỳ diệu như anh. Là kiếm đủ ba bữa cơm cho cả nhà.
  Xót xa thay, người thầy lực điền ấy, lại gục ngã ngay trên bục giảng. Những tháng năm gian khó, đã vắt kiệt anh đến chút tinh chất cuối cùng. Không ai ngờ, người cựu hậu vệ to con ấy, lại ra đi nhanh đến thế. Anh ra đi đúng vào ngày 19-11. Những bó hoa mừng anh ngày nhà giáo, lại biến thành vòng hoa tang trên mồ người thầy xấu số.
     Bài điếu văn của phó chủ tịch công đoàn Lê Đức Nam chìm trong tiếng nức nở. Tất thảy đoàn viên công đoàn tê tái xót thương người chủ tịch của mình.
     Ngày 20-11 năm đó là một ngày tang tóc của trường tôi.


      Lê Đức Nam nhận chức chủ tịch công đoàn. Giai đoạn anh làm chủ tịch, công đoàn đỡ vất vả hơn. Mọi chi tiêu, đã có một thông lệ rất tiện lợi. Đó là trừ ngay từ tiền lương của giáo viên. Dù đồng lương còm cõi nghề giáo vẫn chưa đủ sống, nhưng so với thời trước thì vẫn khá hơn nhiều. Vì thế, dù lương luôn bị cấu véo ngược xuôi, mọi người vẫn cắn răng chịu. Hết “quỹ tình thương”, sang “tiền tình nghĩa”, rồi “quỹ khuyến học”, lại “tiền giao thông”… cho đến góp tiền để công đoàn cấp trên xây nhà nghỉ ở Thiên Cầm. Tất tần tật, đều trừ vào lương tháng người lao động. Chủ tịch Lê Nam nhiều khi cũng tỏ ra bất bình. Chính anh cũng không biết cụ thể, là tiền sẽ chạy đến những nơi nào. Anh bảo “Tớ phải vào Thiên Cầm, đến nhà nghỉ của công đoàn đấm bóp thử, xem có được bớt tiền không?”
   Công đoàn, nếu không phải là “cái bung xung” thì cũng là “cái bồ chịu chửi”. Lê Nam chưa bao giờ làm “bồ chịu chửi”, vì khi bất bình, chính anh lên tiếng “chửi” trước. Chưa ai dám nói thẳng với cấp trên giọng gay gắt như anh. Chắc cấp trên cũng nể anh, bởi cái bụng đầy sẹo vết thương chiến trận. Không có việc gì ngoài “làm bung xung”, thì chủ tịch công đoàn lại đi viết giúp văn tế. Kể ra cũng hiếm thầy làm được như anh.
   Mà lạ thật, các thầy vùng tôi chả mấy ai thọ. Đang đi dạy, cũng có người chết. Nghỉ hưu được vài năm là theo nhau chết. Đám tang nhà giáo có vẻ đỡ tủi hơn, khi có bài văn tế của một ông thầy khác. Lê Nam trở thành người viết văn tế được ái mộ. Chất văn chương của một Thạc sĩ cộng với tính đa cảm đã quyện vào cây bút của anh. Nỗi xót thương những kiếp thầy bạc mệnh, thấm đẫm từng dòng anh viết. Cảm thức mơ hồ về một định mệnh ngắn ngủi, hình như cũng len vào giọng đọc văn điếu ai oán của người chủ tịch công đoàn ấy.
   Biết cái chức danh "chủ tịch công đoàn" chỉ là “hữu danh vô thực”, nhưng Lê Nam việc gì cũng băm bổ làm. Đang khi sức khỏe xuống, anh vẫn tất bật vào Nam ra Bắc, cố biên tập xong cuốn Tập san kỷ niệm 45 năm ngày thành lập trường cấp 3 Hương Sơn.
  Lễ kỷ niệm vừa tổ chức xong, ngày hôm sau Nam nhập viện. Người vợ hiền của anh luôn túc trực bên anh. Tất cả người thân cùng bạn bè thân thiết cũng đã hết lòng cứu giúp anh. Than ôi! "sinh hữu hạn, tử bất kỳ". Chỉ sau vài tháng nằm viện, anh đã vĩnh viễn ra đi.
   Lê Nam vốn là người tráng kiện, mà anh vẫn còn chưa đến tuổi “tri thiên mệnh”. Thế mà vận kiếp lại bất ngờ chọn đúng anh. Nhưng hình như, con người đa cảm đó, cũng mơ hồ linh cảm được số mệnh của mình. Anh thường nói “Mình muốn chết trong vòng tay bè bạn!”.
   Mà quả là anh đã ra đi trong vòng tay bè bạn thật. Người nào cũng thương khóc anh, như khóc cho chính bản thân mình vậy. Ai cũng xót xa cho một kiếp làm thầy. Kiếp làm thầy quá bạc bẽo và quá ngắn ngủi.
    Người thạc sĩ văn chương, vị chủ tịch công đoàn với những bài văn tế lay lòng trắc ẩn, chắc cũng ngậm cười nơi chín suối. Bài văn tế anh, được bạn anh Lê Trung, cùng thầy Nguyễn Huy Liệu chấp bút. Đó là tiếng lòng nức nở của cả trường cấp 3 Hương Sơn thương xót khóc tiễn anh.
  Lê Nam chết vào trước Tết Ất Hợi. Năm đó, trường tôi đón một cái Tết thật buồn.

*
     Những vị chủ tịch công đoàn trường tôi, họ không có quyền, cũng chẳng có lợi, mà ngay cả “danh” họ cũng không có. Họ đã hoàn thành, một cách không thể tốt hơn, cái chức vụ “bung xưng” của mình. Bằng cuộc sống trần ai, và bằng cả cái chết ai oán của mình, họ đã đốt cháy lên trong lòng mọi người một ngọn lửa. Ngọn lửa Tình Người.
    Ngoài kia, lại một vì sao nữa, lại đang rơi.
 
Trần Đình Trợ
Hương Sơn   Hà Tĩnh