I-Xin vào đề ngay : Nguyên khí là gì?
1-Tại mục Cử Thố ( Cất nhắc,Trừ bỏ), phần Tiện Nghi Thập Lục Sách , Khổng Minh (KM)từng viết như sau:“Phù trị quốc do ư trị thân.Trị thân chi đạo ,vụ tại dưỡng thần.Trị quốc chi đạo ,vụ tại dưỡng hiền.Thị dĩ dưỡng thần cầu sinh,cử hiền cầu an”.Tạm dịch nghĩa: Phép cai trị quốc gia giống như cai trị bản thân.Cai trị bản thân cốt nuôi dưỡng cái Thần thì phép cai trị quốc gia cũng tương tự như vậy :đó là cốt nuôi dưỡng hiền tài.Nếu nuôi dưỡng thần là cách cầu lấy sống cho cá nhân thì việc đề cử, sử dụng hiền tài chính là cách cầu lấy sự an lành,yên ổn cho quốc gia.
2-Tới đây,xin tập trung tìm hiểu về chữ “Thần” để qua đó tìm ra nghĩa chữ “Nguyên khí” đang bàn.Tuy nhiên,trước hết ,lại cần biết qua vài nét về nhân thân ,lai lịch của KM nhằm có cơ sở bối cảnh xác định nội dung nghĩa của vấn đề vừa đặt ra.
a-Tổng hợp từ nhiều nguồn sử liệu khác nhau ,KM chỉ là tên tự.Gia Cát Lượng mới là họ tên “khai sinh”.Ông sinh tại Dương Đô (nay thuộc tỉnh Sơn Đông bên Tàu ),quận Lang Nha vào tháng 8 năm Quang Hòa thứ 4 đời Hán Linh Đế.Ứng vào năm 181 dương lịch.Cha là Gia Cát Khuê,làm chức Quận thừa cho Hán triều.
b-Năm 196,tức đầu đời Kiến An ,lúc vừa 15 tuổi ,KM gặp cảnh mồ côi cha mẹ.Một người chú ruột,tên là Gia Cát Huyền ,đang làm Thái Thú quận Dự Chương ,có trị sở nằm tại huyện Nam Xương đem về nuôi rồi cho lên kinh Châu “du học” .
c-Năm 197,tức đời Kiến An thứ 2, chú Gia Cát Huyền của KM bị nhân dân ở Tây Thành làm phản : nổi lên cắt mất đầu để nộp cho vị tân quan vừa được triều đình TW bổ nhiệm tới , tên là Lưu Do.Từ đây,KM phải quay về quê nhà , nằm tại huyện Nam Dương ,vùng Long Trung ,bên chân núi Ngọa Long Cương cách phía Tây thành Tương Dương 20 cây số để cày ruộng ,tiếp tục sự học theo cách riêng của mình .Rồi được một danh sĩ đương thời tên là Hoàng Thừa Ngạn ở Nhữ Nam mến tài,mến chí gã không một cô con gái xấu xí nhưng kiến thức các mặt rất uyên bác tên là Hoàng Nguyệt Anh.( Nhiều người nghi vấn KM từng thụ giáo nhiều môn học xuất sắc từ vợ .Vợ ông còn là đứng sau lưng chồng trong việc phù tá Lưu Bị .Ngay cả quyển Binh thư còn lưu hành tới nay có phần biên soạn công phu từ nhiều nguồn Binh thư lừng danh trước đó: Cũng nghi nốt là có vợ ông góp tay hoặc tự làm ra trong tư cách một “ thư ký riêng” của chồng).
d-Năm 208,lúc 27 tuổi ,nhân buổi thiên hạ càng lúc càng đại loạn ,KM theo phò lãnh tụ Lưu Bị với chức Quân sư.13 năm sau, vào lúc 40 tuổi ,khi Lưu Bị dựng riêng được nước Thục ,lên ngôi Hoàng Đế (trong phạm vi nước Thục), KM được thăng chức Thừa tướng.Bấy giờ ,ông vẫn là đầu não chính của nước Thục trong việc kình chống ,sát phạt nhau với nước Ngụy ở phía Bắc , nước Ngô ở phía Đông.Tuy nhiên,chí nguyện của ông lẫn dòng họ Lưu nói trên không thành.Vì năm 234, lúc vừa 53 tuổi,KM bị bệnh lao phổi rồi chết ngay giữa mặt trận.Sự nghiệp tiêu diệt thế phân tranh cát cứ 3 chân vạc ở Trung Quốc bấy giờ ,sau đó ít lâu,lọt vào tay dòng dõi Tư Mã .
e- Hồi này ,tức thời đoạn sinh tiền hay có thể gọi là thời đoạn ra đời quyển Binh thư của KM,về mặt văn hóa,dựa vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau,có thể nói rằng nước Thục của Lưu Bị nằm giữa khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của Đạo giáo (hay còn gọi là Lão Giáo ).Nó khởi nguồn “gần” từ một nhân vật có tên là Trương Đạo Lăng (sống vào thời Đông Hán).Ngoài nhiều đề xướng về chính trị và xã hội dựa trên một hệ thống tín điều đầy mơ hồ ,thậm chí là vu khoát,Trương Đạo Lăng còn tích cực khôi phục cùng đẩy mạnh “phong trào” luyện Tinh-Khí-Thần nơi mọi người ,từ giai cấp quý tộc cầm quyền cho tới thường dân bị trị để có thể sống lâu ,thậm chí là trường sinh bất tử.Do vậy ,chữ “ Thần” nằm trong đoạn Binh thư nói trên của KM ắt phải mang nội dung ý nghĩa theo quan niệm của Đạo giáo.Hay nói cách khác ,một chữ “Thần” mà có liên quan tới việc “cầu sinh” ,tới việc “tu dưỡng” để đạt được, theo kiểu “bế Tinh-dưỡng Khí-tồn Thần,thanh Tâm,quả Dục,thủ Chân ,luyện Hình” thì chắc chắn phải hiểu nghĩa của nó theo quan niệm của Đạo giáo.Và rồi ,từ đây,chữ Khí ,nằm trong thuật ngữ “Nguyên khí” đang bàn ,cũng phải hiểu theo quan niệm của Đạo giáo luôn.Vì chữ “Nguyên khí” hiểu theo quan niệm của Tống nho ( 960-1279), như một năng lực uyên nguyên hình thành ra vũ trụ lẫn con người bên trong ,rõ ràng chưa thể xuất hiện vào thời Tam Quốc của KM (220-263).
3-Vậy, “Khí” và “Nguyên khí” theo quan niệm của Đạo giáo là gì ?
a- Theo đó ,đại khái ,con người là một tiểu vũ trụ nằm giữa lẫn luôn có sự thông giao mật thiết một đại vũ trụ bên ngoài . Nếu bầu trời có tam bảo ,gồm : Nhật, Nguyệt, Tinh tú ; mặt đất có :Thủy ,Hỏa ,Phong thì nơi con người cũng có 3 phần chính ,ấy là Tinh, Khí, Thần.
b- Thế rồi ,vì Trời có tam bảo (Nhật ,Nguyệt ,Tinh tú ) nên từ đó có thể hóa sinh vạn vật, nuôi dưỡng muôn loài, vận chuyển mãi càn khôn; vì Đất cũng có tam bảo ( Thủy ,Hỏa ,Phong ) nên từ đó có thể làm cho mưa thuận, gió hòa, cỏ cây xanh tươi , tiết thời vần xoay bốn mùa đúng hạn. Cuối cùng ,vì Người cũng có tam bảo (Tinh ,Khí, Thần) nên từ đó chẳng những có thể nuôi dưỡng được thân thể khiến không bị héo khô ,cứng đọng (tức là chết ) mà còn có thể liên tục hưng khởi rực rỡ sự mẫn nhuệ,thông minh ,sáng láng nơi thần trí để có thể hòa nhịp khôn ngoan vào sự vận hành bất diệt cùng với đại vũ trụ vây quanh.
4- 4- Nói cụ thể hơn ,như sau:
5- a -Với một con người ,khi vừa được sinh ra, đã có sẳn bên trong cơ thể một dạng năng lượng có chức năng duy trì ,nẩy nở ,thăng tiến mãi sự hiện hữu của mình trong sự tiếp thông với đại vũ trụ vây quanh.Đạo giáo gọi đó là phần Khí tiên thiên hay là Nguyên khí,gồm có Nguyên khí dương lẫn Nguyên khí âm.
6- b-Sau đó,hằng ngày ,nhiều chất lý-hóa học từ bên ngoài đại vũ trụ được chuyển vận liên tiếp vào cơ thể con người thông qua đường ẩm thực và hít thở.Từ đây ,một dạng năng lượng mới được hình thành ,cũng có tên gọi là Khí nhưng là Khí hậu thiên.
7- c-Cuối cùng ,thông qua sự hấp thụ,bổ trợ ,chuyển hóa do phần Nguyên khí hay Khí tiên thiên nói trên phụ trách, phần Khí hậu thiên vừa kể tiếp tục được nâng cấp thành một dạng năng lượng tinh tế hơn,có tên gọi là Tinh .Tinh lãnh nhiệm vụ tráng kiện cơ thể , hưng thịnh Thần khí để bảo đảm sự sống luôn được duy trì ,tiếp nối một cách “hợp Đạo” nhất khi so vào nhịp vận hành hồn nhiên ,bất dịch của vũ trụ vây quanh.
8- 5-Như vậy,tới đây,ta có thể hiểu đại khái “Nguyên khí” là một cơ chế năng lực mang tính tự tồn,tự kiện bẩm sinh nằm nơi mọi sinh thể người.Nó có nhiệm vụ biến các lý -hóa chất bên ngoài thành Khí hậu thiên ,rồi thành Tinh để trực tiếp nuôi dưỡng ,gây nên sự sung mãn rực rỡ ,sáng láng nơi phần Thần (khu vực đại não bộ của con người).Nếu Nguyên khí bị khô cạn ,bị bế tỏa thì Tinh không thể hình thành từ phần Khí hậu thiên;thậm chí Tinh có hình thành đi nữa thì cũng không nuôi dưỡng được Thần .Bấy giờ , một tiến trình suy nhược, hư hỏng ,hỗn loạn âm dương từ Thần sẽ mở rộng trở lại Tinh và Nguyên Khí để kéo dần sinh thể vào tình trạng bị bại hoại và diệt vong .
9-
II-Kế đến ,Hiền tài là gì?
1- Tiếp theo đoạn trên ,cũng nằm trong trong mục “Cử Thố”,KM có viết như sau.Xin tuần tự chép ra từng ý một :“Cố quốc chi hữu phụ ,như ốc chi hữu trụ.Trụ bất khả tế.Phụ bất khả nhược.Trụ tế tắc hại,phụ nhược tắc khuynh” .Tạm dịch nghĩa : Vì những lẽ đó, quốc gia phải có bậc hiền tài gánh vác giống như ngôi nhà phải có cột cái chống đỡ.Nếu cột cái không thể dùng cây mềm,có thể oằn cong ,uốn gãy vào lúc không ngờ thì chọn người chống đỡ quốc gia cũng phải lấy bậc có tinh thần ngay thẳng cứng cỏi.Vì chọn cột bằng loại cây mềm nhà sẽ gặp tai hại bị sập ;chọn người khí cốt nhu nhược ,sẳn sàng cong vẹo thì quốc gia sẽ gặp họa nghiêng đổ.
2-“Cố trị quốc chi đạo ,cử trực thố chư uổng ,kỳ quốc nãi an”.Tạm dịch nghĩa : Do những điều trên , phép trị quốc phải luôn cất nhắc ,sử dụng người ngay thẳng, xếp bỏ ,loại trừ ra ngoài những kẻ cong vạy .Có vậy quốc gia mới yên ổn.
5-“Phù trụ dĩ trực mộc vi kiên.Phụ dĩ trực sĩ vi hiền.Trực mộc xuất ư lâm.Trực sĩ xuất ư chúng hạ”. Tạm dịch nghĩa :Nếu cột cái phải lấy cây thẳng(trực mộc) để có sức chống chõi vững chắc cho ngôi nhà thì trong việc chống chõi quốc gia ,ngăn không cho sụp đổ phải lấy kẻ ngay thẳng (trực sĩ) làm hiền tài.Về mặt nguồn gốc,nếu cây thẳng chỉ có trong rừng(xuất ư lâm) thì kẻ sĩ ngay thẳng (trực sĩ) hay hiền tài chỉ xuất hiện từ nơi dân chúng bên dưới.(xuất ư chúng hạ).
6-“Cố nhân quân tuyển cử tất cầu ẩn xử.Hoặc hữu hoài bửu mê bang,thất phu đồng vị.Hoặc hữu cao tài trác tuyệt,bất kiến chiêu cầu.Hoặc hữu trung ,hiền, hiếu ,nghĩa hương lý bất cử.Hoặc hữu ẩn cư dĩ cầu kỳ chí hành nghĩa dĩ đạt kỳ đạo.Hoặc hữu trung trực ư quân ,bằng đảng tương sàm”.Tạm dịch nghĩa : Do những điều vừa nói, bậc “nhân quân” khi chọn lựa,sử dụng “trực sĩ” hay “hiền sĩ” phải tìm kiếm ,cất nhắc từ nguồn “ẩn xử” (những người chưa xuất chính ,còn ẩn thân nơi chốn núi rừng hay đồng ruộng).Đó là những người từng làm quan ,có nhiều tri thức,kinh nghiệm quý giá nhưng vì gặp buổi loạn nước trước đó như thế nào đó mà đành phải lưu lạc trộn lộn sinh sống giữa chốn thất phu.Hoặc những kẻ bẩm chất tài giỏi cao vời nhưng triều đình chưa từng biết tới nên chưa thỉnh mời.Hoặc những người có một hoặc cùng lúc các phẩm chất tư cách :Trung ,Hiền,Hiếu,Nghĩa nhưng hương lý xóm làng vì lý do gì đó không báo lên quan trên để được tuyển dụng .Hoặc những kẻ đang hoạt động thiện nguyện cho những lý tưởng đạo hạnh nơi cộng đồng mình đang sinh sống .Hoặc những kẻ từng trung trực với vua nhưng lại bị chính phe nhóm đồng đảng ghét bỏ, buông lời dèm pha khiến bị thải hồi.
7-Như vậy, “Hiền tài” là gì,như thế nào theo quan điểm của KM,cũng chính là vào thời đại của ông (181-234)?(Bấy giờ dân Việt ta một phần lớn thuộc vào nước Ngô,nằm dưới quyền cai trị của Tôn quyền và hậu duệ của ông .Từng liên minh với Lưu Bị -Khổng Minh để chống với Tào Tháo nước Ngụy.Chẳng những vậy,một người anh của KM,tên là Gia Cát Cẩn,bấy giờ cũng đang làm quan tại Đông Ngô .).
Ta có thể ghi nhận các điểm sau đây,dù KM chưa từng có một định nghĩa rõ ràng ,tập trung về nó nơi quyển Binh thư của ông:
a-Hiền tài ,về mặt nguồn gốc lẫn tư cách xã hội ,không phải là bậc vương chủ ,bậc lãnh chúa quân phiệt đang ngồi ở vị trí cai trị xã hội vào lúc bấy giờ.Chẳng những vậy ,trong hiện tiền ,cũng không nằm vào hàng quý tộc các thứ.Mà Hiền tài là những “chúng hạ”,đang ở chốn sơn lâm điền dã.Bao hàm trong nó những thường dân có tài ,có đức cùng các cựu quý tộc ,cựu quan chức từng phục vụ nơi những vương triều đã bại vong,tan rã nhưng còn sở hữu nhiều tri thức ,kinh nghiệm “ gánh vác quốc gia” trước kia nơi bản thân
b-Dù phong phú về nguồn gốc ,về lãnh vực chuyên môn trong “nghề” “phụ quốc an dân” ,hay còn gọi chung là “kẻ sĩ” nhưng tất cả đều phải có cùng đặc tính cơ bản sau đây: Đó là phải “thẳng ngay” : Thẳng ngay trong tình cảm,trong mưu lự ,trong lời nói ,việc làm . (Khổng Minh gọi những “kẻ sĩ”có phẩm chất “ngay thẳng” này là “trực sĩ”.Còn tại thiên An Lễ, nằm trong Binh pháp Thái Công , những kẻ tài giỏi nhưng thiếu phẩm chất ngay thẳng được /bị gọi là “Uổng sĩ”. “Uổng sĩ”là kẻ tài giỏi về bộ môn nào đó trong việc “giúp vua phò chúa” “chăn dân trị quốc”nhưng bụng dạ luôn ngập đầy những tình cảm , ý nghĩ ,lời nói ,việc làm gian tà,giảo hoạt ,bất chính,xu thời trục lợi tư riêng).Hoàn toàn trái với 5 thành phần tính chất sau đây về mặt đức hạnh ,được mô tả trong mục Trục ác (Đuổi bỏ kẻ xấu xa),cũng nằm trong phần “Tiện Nghi Thập Lục Sách” nói trên:
1-Nhất giả kết đảng tương liên,hủy tiềm hiền lương.( Ưa thông giao ,kéo bè ,kết đảng với nhau để hủy báng ,che yểm ,vùi dập người hiền lương)
2-Nhị giả xỉ kỳ y phục ,dị kỳ quan đới.(Thường trang sức áo quần xa xỉ ,cân đai ,mũ mão lòe loạt ,dị kỳ :Ý nói xem thường điển lễ do triều đình chế định).
3-Tam giả hư khoa yêu thuyết ,quỷ ngôn thần đạo ( Ưa khoe khoang khoác lác những điều không có cùng những điều ngọt ngào lừa dụ.Nói những chuyện quỷ thần bậy bạ không có thật nhằm gạt gẫm người nghe).
4-Tứ giả chuyên sát thị phi,tư dĩ động chúng (Ưa dòm dỏ,xoi mói chuyện có hay không có nơi người khác rồi lấy đó rêu rao , gây hoang mang dao động tinh thần chúng nhân xa gần nhằm thực hiện sự thương ghét tư riêng).
5-Ngũ giả tý hậu đắc thất,âm kết địch nhân ( Lặng lẽ ,bí mật làm tay trong cho phía địch rồi dò la thế được , thế thua nơi nội bộ để báo riêng cho địch biết ).
III-Tóm lại,từ những điều vừa trình bày bên trên ,có thể hiểu “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia” như sau: Hiền tài là kẻ ngoài việc hoặc có đức hạnh hoặc có tài năng có thể phù trợ đắc lực bậc vương chủ thực hiện nhiệm vụ trị quốc an dân còn phải có tính khí trung trực ngay thẳng từ tình cảm,mưu lự cho tới lời nói , việc làm.Giống như “Nguyên khí” trong sinh thể từng con người (là “một cơ chế năng lực mang tính tự tồn,tự kiện bẩm sinh”như trên đã nói) :Nếu một quốc gia có nhiều Hiền tài hay Trực sĩ trong guồng máy cai trị , không bị bế tỏa ,tắt trệ thì Tinh khí từ “ngoại giới” kết tụ nơi quốc gia sẽ được luân chảy suông sẻ dồi dào,sẽ được tự tồn ,tự kiện tự nhiên ;Thần khí nơi quốc gia sẽ vì vậy mà liên tục được hưng thịnh,tươi tốt rực rỡ và ngược lại.Hàm nghĩa rằng không phải ai tài giỏi về việc nghĩ ,việc nói ,việc làm cũng có thể gọi là Hiền tài ,nếu nơi bản thân không có thêm đức tính thẳng ngay,trung chính ,liêm sĩ ,luôn luôn vì công lợi ,công ích kèm theo như một đại lượng bất biến trong nhân cách sống đời ở họ.Hay nói cách khác ,dễ nhớ hơn,ai có năng lực cao trong nhiệm vụ phù trợ triều đình thực thi trách nhiệm “trị quốc an dân” đều có thể gọi là “kẻ sĩ”.Nhưng “sĩ” cũng có hai loại. “Sĩ” nào có đặc tính gian tà ,bất chính ,quanh co ,chăm chăm tư lợi trong việc nghĩ,việc nói ,việc làm thì gọi đó là “Uổng sĩ”: Một thứ “độc chất” cho sinh thể quốc gia. “Sĩ” nào có đặc tính trung trí,trung ngôn,trung hành,luôn luôn chăm chăm cho công lợi ,công ích thì mới đáng gọi là “Trực sĩ” hay “Hiền sĩ”:Một thứ “lưu hoạt chất ”,“bổ dưỡng chất” ,“tráng kiện chất” hay “ cường thịnh chất” cho sinh thể quốc gia.
Sa Đéc-Đồng Tháp ngày 30/7/2011