Có thể nói trong các điểm du lịch phía Nam, Vũng Tàu là một thành phố du lịch biển có nhiều lợi thế nhất.
Vũng Tàu cách Sài Gòn 120 km đường bộ. Nếu đi tàu cánh ngầm, từ bến tàu cánh ngầm quận 1 tới Vũng Tàu chỉ mất 1h30 phút. Từ Sài Gòn xuống biển Cần Giờ gần 70km. Từ biển Cần Giờ người ta có thể nhìn thấy thành phố Vũng Tàu rất gần và đến Vũng Tàu bằng các loại ghe máy dễ dàng. Nghĩa là “mọi nẻo đường đều dẫn tới Vũng Tàu”, còn dẫn đến Rô-ma thì xa vời quá. Nếu người Vũng Tàu biết làm du lịch một cách đúng nghĩa thì 7 triệu dân Sài Gòn quả là một“ rừng khế ngọt” cho Vũng Tàu “trèo hái suốt ngày”. Đúng thế, chứ làm sao mà nói khác đi được?
Với bờ biển dài gần 20km, thành phố Vũng Tàu có Bãi Sau là một trong những bãi tắm đẹp của biển Việt Nam. Bãi Sau sóng lớn, đủ thỏa mãn giãn gân giãn cốt du khách tắm biển. Từ chân núi Nhỏ đến cửa Lấp, triền cát phẳng và dài gần 10 km. Núi Vũng Tàu thơ mộng và đài các thêm nhờ biển xanh ngăn ngắt dưới chân. Núi Lớn tọa lạc phía Bắc trung tâm thành phố. Núi Lớn có 3 đỉnh: Vũng Mây cao 220 m, hòn Sụp cao 215 m, núi Lớn cao 170 m. Chân núi Lớn là Bãi Dâu. Bãi Dâu có nhiều mỏm đá nhô ra biển, tạo nên một bãi tắm nhỏ bằng phẳng, quanh năm yên tĩnh. Từ Bãi Dâu theo con đường uốn lượn lên núi Lớn, trên sườn núi có Thích ca Phật Đài. Đó là ngôi chùa lớn nhất thành phố Vũng Tàu với khuôn viên 6 ha và là một thắng cảnh.
Còn trên triền núi Nhỏ có Niết bàn Tịnh xá hay còn gọi chùa Phật nằm, mặt hướng ra biển. Trên đỉnh núi Nhỏ, ở độ cao 136m tượng đài Chúa Giêsu cao 32m sừng sững giang tay. Cuối núi Nhỏ là ngọn Nghinh Phong ôm lấy bãi Vọng Nguyệt. Ở đỉnh cực Nam của núi Nhỏ còn có ngọn hải đăng được xây dựng từ 1907 ở độ cao 149 m.
Thiên nhiên hoang sơ của Vũng Tàu xưa còn lưu lại dấu vết bằng các tên gọi: Bãi Dứa, Bãi Dâu, Thùy Dương, Ghềnh Rái, núi Nứa, Hố Vông…. Một vùng đất nhô hẳn ra biển, ba mặt sóng vỗ, nhưng lại là nơi trú bình yên cho tàu bè xưa tiến vào thành Gia Định nếu gặp bão tố. Vì thế mới có tên gọi Vũng Tàu chăng? Viên Toàn quyền Đông Dương Paul Dumer thời Pháp thuộc đã cho xây dựng tòa Bạch Dinh trên sườn núi Lớn, để thỏa mãn đắm mình trong thiên nhiên tuyệt diệu của một miền đất nhiệt đới lạ kì…
Có thể nói, thành phố Vũng Tàu là một viên ngọc trong chuỗi ngọc của Bà Rịa Vũng Tàu với những cái tên nổi tiếng: Bãi biển Long Hải, suối nước nóng 82 độ C Bình Châu, bãi biển Hồ Cốc và đặc biệt Thiên đường du ngoạn phương Đông Côn Đảo. Côn Đảo chỉ cách Vũng Tàu 97 hải lý, tương đương 200 km. Côn Đảo của rất nhiều bãi tắm nguyên sơ, cát trắng phau mịn mát như kem. Côn Đảo của những dãy núi hùng vĩ, kì bí, của những cánh rừng nguyên sinh. Tương lai, du khách có thể nghĩ tới một chuyến du lịch lý tưởng dài ngày xuyên suốt những địa danh này.
Nhưng Vũng Tàu đang mất dần những ưu thế thiên nhiên ban tặng. Rừng phi lao xưa trên bãi Thùy Vân đã mất, nhường chỗ cho các khách sạn nhà hàng đua nhau mọc lên. Trên vỉa hè đường đến bến tàu cánh ngầm, một rặng phi lao vài chục cây còi đẹt lè tè. Nhấp nhô trên ngọn người ta gắn một chú rồng nhựa hàng mã lòe loẹt, chẳng ăn nhập gì với cảnh quan xung quanh. Những cây dứa dại của bãi Dứa, những con rái cá của Ghềnh Rái… chỉ còn trong kí ức của những cư dân kì cựu Vũng Tàu.
Du khách đến Vũng Tàu nhiều người đã ngại tắm biển. Bãi tắm Thùy Vân các loại xe đẩy xộc xệch nhem nhuốc bán mực nướng ướp sa tế, cua ốc ghẹ. Đủ các giọng mời chào kiên nhẫn. Giáp bờ kè những đống ghế gỗ xếp, ghế nhựa, ghế sắt ngả lưng, dù che mưa che nắng cũ kỹ, xăm xe hơi vá víu làm phao bơi, các thùng đựng hải sản, thùng nước đá, củi, ngổn ngang chỏng chơ, chờ “cứa cổ” du khách thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.
Người ta ăn uống bên cạnh xe đẩy và thoải mái thả các loại vỏ trái cây, vỏ bia, vỏ hải sản xuống chân. Cả một khu vực bãi tắm rộng lớn tôi không hề nhìn thấy một thùng rác công cộng nào. Những người bán hàng kiêm việc vệ sinh ngay vị trí xe của mình, còn chỗ khác thì…mặc kệ.
Một chị bán cua ghẹ bảo rằng mỗi tháng chị phải đóng cho các nhà chức trách 1,2 triệu đồng. Người bán không đeo bảng tên, vệ sinh thực phẩm thế nào, chỉ có người ăn không may bị Tào Tháo rượt thì mới thấm thía. Phòng thay đồ, phòng tắm nước ngọt xây dựng tạm bợ, chật hẹp, mùi nước tiểu bốc lên…
Trên bờ các quầy hàng treo mắc quần áo tắm, đồ chơi trẻ em của Trung Quốc cùng những hàng” mỹ nghệ” làm từ vỏ sò, vỏ ốc, vỏ trái dừa, chắn cả lối lên xuống bãi tắm. Du khách nào phàn nàn hay chỉ trích là có chuyện…
Cứ ngày lễ, ngày cuối tuần nhà trọ, phòng nghỉ, khách sạn Vũng Tàu bị quá tải. Đây là cơ hội béo bở cho các chủ kinh doanh trổ trò chụp giựt. Giá phòng tăng gấp hai, gấp ba ngày thường, cần thì ở, chê thì… biến. Các ông bà chủ thản nhiên ghi giá phòng trên cả hai mặt của cái bảng giá đặt trên quầy tiếp tân. Cùng một loại phòng, mặt này ghi 200 ngàn đồng/ phòng ngày thường, mặt kia 500 ngàn cho ngày thứ 7 và chủ nhật, làm gì được nhau?
Mới đây, ngày 30.7.2011 tôi cùng một đoàn cán bộ công nhân viên một trường cao đẳng nghề Sài Gòn đến thuê phòng của khách sạn Trường An trên đường La Văn Cầu, đối diện và cách Bãi Sau chừng 200m. Trưa hôm sau tôi đang nằm thiu thiu chợt nghe tiếng cãi nhau rất to ở quầy lễ tân. Thì ra anh bạn cùng đoàn tôi đang rất bức xúc. Anh nói như quát ông quản lý khách sạn:
- Ông xem, phòng tôi 700 ngàn/ ngày. Khách sạn gì? Không có dép đi trong nhà, không có khăn tắm, không thuốc đánh răng, không dầu gội đầu, không xi giầy, không bông ngoáy tai, không điện thoại, tủ áo không móc treo, không có phích đựng nước sôi, không ấm chén pha trà. Không tất tần tật.Tôi đã kêu đến lần thứ 3 cũng không có dép. Đêm qua, cô nhân viên trường tôi xin một chút nước sôi pha sữa cho con nhỏ thì người của ông bảo xuống tầng hầm mà tự nấu lấy. Thế là thế nào?
Biết ngồi nghe thêm sẽ mệt mỏi, tôi về phòng mở máy tính gõ vào ô tìm kiếm của Google dòng chữ: Du lịch Vũng Tàu “chặt chém” du khách. Chỉ 0,40 giây có tới 124.000 kết quả.
Chao ơi, khối kẻ còn khốn khổ hơn mình. Màn hình hiển thị Tuổi trẻ Online ngày 3.8.2010. Một du khách( có tên tuổi đàng hoàng) cùng bạn ăn một lẩu canh chua, dĩa tôm sú rim 6 con bằng ngón tay cái, một thố cơm, 3 li trà đá. Anh ta bị “ chém” tới 1.191.000 đồng. Riêng dĩa tôm rim 585.000 đồng.Thật quá quắt. Tôi tắt vội máy tính, đọc nữa sốc không chừng.
Còn ông Giám đốc một công ty Du lịch tư nhân có có 15 năm kinh nghiệm phàn nàn trên tờ báo mạng( hình như tờ Travelweb.vn) rằng có tới 80% du khách nước ngoài đến Việt Nam rồi không trở lại nữa. Họ hãi quá. Mới đây báo chí chỉ đích danh một tài xế xe taxi chở một phụ nữ Malaysia từ Tân Sơn Nhất về chợ Bến Thành khoảng 10 km, trấn lột bà gần bốn triệu đồng.
Tôi đem chuyện này nói với một ông bạn thạo tin du lịch. Ông bảo: Theo Sở Văn hóa- Thể thao & Du lịch Bà Rịa Vũng Tàu, 5 tháng đầu năm 2011 toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đón gần 6 triệu lượt khách du lịch, đạt 63% kế hoạch năm, trong đó chỉ vỏn vẹn có 178.000 lượt khách quốc tế. Thế thì cái sự đạt 63% kế hoạch kia chủ yếu là “ Người Việt Nam hành người Việt Nam”, chứ còn gì nữa? Và trong số lượt khách du lịch ấy, thành phố Vũng Tàu chiếm được bao nhiêu phần trăm nhỉ?
Bạn tôi lại bảo bây giờ dân Sài Gòn chán du lịch Vũng Tàu lắm rồi. Nếu được nghỉ vài ngày người ta kéo nhau đi Mũi Né, Nha Trang, Đà Nẵng. Tất nhiên các dịch vụ du lịch nơi ấy cũng còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng hơn hẳn Vũng Tàu về khoản đối xử tử tế là cái chắc.
Sài Gòn 7 triệu dân. Sài Gòn - Vũng Tàu đường bộ 120 km, đường biển 1g30 phút. Từ Cần Giờ nhìn thấy Vũng Tàu. “Mọi nẻo đường đều dẫn tới Vũng Tàu”. Không biết những người làm du lịch Vũng Tàu có trăn trở điều này, có vui buồn cùng du khách không nhỉ?
Sài Gòn, 5.8.2011
VDC