TTO - Trong vài ngày qua, trên mạng Internet xuất hiện một đoạn video clip quay cảnh một người đàn ông dùng gậy tấn công một cảnh sát giao thông, cảnh sát giao thông cũng dùng gậy đánh lại và giằng co trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Ngày 30-7, thượng tá Phan Văn Chung - phó trưởng Công an Q.Bình Thạnh, TP.HCM - xác nhận vụ việc xảy ra giữa một cảnh sát giao thông thuộc đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh (phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, Công an TP.HCM) và một người đàn ông xảy ra tại khu vực P.25, Q.Bình Thạnh. Công an P.25 đã lập hồ sơ vụ việc.
Tuy nhiên, do Công an Q.Bình Thạnh chưa tiếp nhận hồ sơ nên chưa thể trả lời về nội dung vụ việc. Cùng ngày, ông Phạm Minh Đức, đội phó đội cảnh sát giao thông Hàng Xanh, cũng xác nhận vụ việc có liên quan tới một cảnh sát giao thông thuộc đội này quản lý, tuy nhiên vụ việc đã được dàn xếp ổn thỏa nên từ chối trả lời chi tiết.
Tin trên đây tôi đọc trên Tuổi trẻ Online ngày 31/7. Trước đó tôi đã đọc trên Tiền phong online, Vietnam.net; VnExpress, Dân Trí và trên nhiều báo mạng khác. Mỗi lần xem tin này, nhất là đoạn băng ghi lại cảnh người thanh niên tấn công thương sĩ cảnh sát giao thông Văn Thành Luân, tôi đều không thể kìm được cảm xúc phẫn nộ trước hành động ngang ngược tấn công người thi hành công vụ của người thanh niên kia. Tôi càng bất bình hơn khi biết người thanh niên kia lại là Trần Đại Phúc, cấp bậc trung úy, đang công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 1, Phòng Cảnh sát cơ động (PK 20) Công an TP.HCM. Đã là công an thì phải biết rõ luật và phải tuân thủ pháp luật, không thể là ông trời con được. Đi xe máy không đội mũ bảo hiểm theo quy định, bị cảnh sát giao thông giữ lại, liền lấy túyp sắt ống nước tấn công lại người đang thi hành công vụ. Chỉ có thể gọi hành động đó là hành động côn đồ chứ không thể gọi là gì khác.
Mới đây, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm kiêm Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45) đều lên tiếng về việc cần nghiêm trị các hành động côn đồ, chống người thi hành công vụ đang diễn ra khá phổ biến hiện nay, không để tình trạng coi thường pháp luật này gia tăng.
Việc Cơ quan điều tra Công an Quận 12 TP Hồ Chí Minh vừa khởi tố cô Phạm Thị Mỹ Linh về hành vi tát một anh cảnh sát giao thông khi mẹ cô điều khiển xe máy không có bằng lái, đèo ba người, trong đó có cô, không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường ngược chiều, vi phạm luật giao thông và Công an huyện Cái Răng, thành phố Cần Thơ khởi tố ông Huỳnh Thanh Thắng, Phó phòng Tư pháp huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đi xe máy tốc độ cao, quá quy định cho phép, bị Cảnh sát giao thông giữ lại, đã có hành động túm áo, giật đứt cầu vai, định giật cả súng của một thiếu úy cảnh giao thông đang làm nhiệm vụ, là cần thiết, có tính chất răn đe. Trước đó, tháng 3/2011 Công an tỉnh Hậu Giang đã xử lý kỷ luật và phạt 2,2 triệu đồng “ông kẹ” Bùi Mạnh Thắng, thiếu tá, phó phòng CSGT Công an Hậu Giang say rượu, đánh lái xe của Hãng taxi Mai Linh chảy cả máu miệng vì không chịu vượt đèn đỏ theo “lệnh” của ông. Cách đây hai năm, Bộ Công an cũng đã xử lý kỷ luật một “ông kẹ” khác là lái xe ô tô va quệt với xe ô tô chở Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc, không những không biết lỗi còn túm áo tát lái xe của ông Bộ trưởng, làm dư luận bất bình, mà tôi đã viết chuyện này trên blog và trên TN.c. Vì thế, tôi không thể hiểu nổi, vụ việc “ông kẹ” cảnh sát cơ động rút túyp sắt đánh thượng sĩ cảnh sát giao thông kia vì sao lại được ông Phạm Minh Đức, Đội phó Cảnh sát giao thông Hàng Xanh trả lời rằng : “Vụ việc đã được giải quyết ổn thỏa” như báo Tuổi trẻ đã đưa tin.
Chiều nay, đọc tin trên VnExpress, tôi được biết, viên trung úy cảnh sát cơ động Trần Đại Phúc đã bị đình chỉ công tác để làm rõ vụ việc. Song, theo tôi, vụ việc này cần phải được xử lý nghiêm minh, không chỉ có đình chỉ công tác để rồi "Giải quyết ổn thỏa" là xong như ông Phạm Minh Đức, Đội phó Cảnh sát giao thông Hàng Xanh trả lời báo chí. Tôi nghĩ “quân pháp bất vị thân”, phải truy tố viên trung úy cảnh sát cơ động Trần Đại Phúc về hành vi chống người thi hành công vụ ra trước pháp luật.
Vẫn biết chiến công và sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ chiến sĩ công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân là rất to lớn, như mới đây nhất, ngày 19/7 chiến sĩ công an Lê Thanh Tâm và chiến sĩ công an Hồ Thống ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai trong khi truy đuổi bọn cướp hung hãn đã bị chúng bắn trả quyết liệt, anh Tâm hy sinh, anh Thống bị thương. Song, rất tiếc, hình ảnh các chiến sĩ công an hết lòng vì dân như thế đã bị hình ảnh của không ít cán bộ, chiến sĩ công an vi phạm pháp luật "bị bắt quả tang" làm hoen ố. Gần đây các nhà báo và bạn đọc “chộp” được rồi đưa lên mạng một số hình ảnh vi phạm pháp luật "bị bắt quả tang" ấy, điển hình là hình ảnh viên đại úy Minh ở Công an Hà Nội đạp vào mặt một người dân đi biểu tình và hình ảnh “ông kẹ” công an cơ động Trần Đại Phúc trên đây tấn công cảnh sát giao thông là những hình ảnh phản cảm gây bất bình trong dư luận xã hội, làm xấu mặt cả ngành công an. Những hành động ấy cần phải bị nghiêm trị. Có như thế mới lấy lại được lòng tin của nhân dân đang giảm sút đối với lực lượng này