ĐƠN GIẢN
Em đơn giản hóa mọi điều
Em đơn giản quá làm nhiều người đau
Mai sau lay động hàng lau
Em đơn giản tưởng: nhớ nhau người về.
Đoàn Thạch Biền
Dù đã nhiều lần bị nhạc sĩ Vũ Hoàng cảnh báo: Chơi với Đoàn Thạch Biền là có ngày tơ lơ mơ. Chẳng biết có phải thế không, nhưng đọc những vần thơ của Đoàn Thạch Biền, hình như tôi cũng… tơ lơ mơ thật. Một con người sinh ra tại mảnh đất Thành Nam, Đoàn Thạch Biền chính xác hơn là thành công ở lĩnh vực văn, chứ không phải thơ. Dù vậy, nhưng thơ Đoàn Thạch Biền vẫn thầm lặng đi vào lòng người đọc một cách tự nhiên, bởi câu từ giản dị, dễ nhớ, dễ thuộc. Nếu như ở “Nụ hồng vàng” và “Mưa trên Bắc Cần Thơ”, người ta bắt gặp một hồn thơ lãng mạn đã được nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ thành nhạc, thì trong bài thơ “Đơn giản” lại là triết lý về cuộc sống, về cách nhìn nhận đời bằng thể thơ lục bát chỉ vỏn vẹn có bốn dòng:
“Em đơn giản hóa mọi điều
Em đơn giản quá làm nhiều người đau
Mai sau lay động hàng lau
Em đơn giản tưởng :nhớ nhau người về”
Đi từ góc độ nhìn nhận một vấn đề nào đó sẽ phát sinh các ý kiến khác nhau phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Nhiều khi, từ một vấn đề mà tự bản thân nó sẽ không có gì là đặc biệt nếu không có một ai đó đưa ra ý kiến cá nhân về nó. Tuy vậy, khi xuất phát những lời bình, bàn luận về vấn đề, nó sẽ dần dần được hiện thân, dần dần được thay đổi bộ mặt. Nhiều khi, nó được người ta khoác cho một cái áo nhung thật đẹp, thật mỹ miều, đầy màu sắc rực rỡ và tỏa hương thơm nồng nàn. Thế nhưng, nhiều khi nó bị người đời bôi tro xát trấu vào mặt, thậm chí, nó sẽ bị đẩy xuống bùn đen của những lời đồn thổi không mấy tốt đẹp.
Cuộc sống thật lắm màu sắc. Nhiều khi nó êm đềm dịu êm như mặt sông lặng sóng, hiền hòa và trong vắt như trăng rằm buổi quang mây, tỏa hương thơm ngan ngát đầy quyến rũ thanh tao như đóa quỳnh mỗi đêm, nhưng cũng có nhiều lúc, cuộc sống cồn cộn như cơn sóng thần, nó hung dữ, và như muốn cuốn đi tất cả những gì nó gặp phải trên đường đi của mình. Người ta vẫn hỏi rằng, “cuộc sống là gì?”. Cuộc sống tự nó là cuộc sống, thật giản đơn mà đầy bí ẩn, đó là cuộc sống! Người xưa có nói: “Sinh lão bệnh tử, thói đời là vậy, họa phúc khôn lường, tai ương mấy ai tránh khỏi”. Bởi thế, bên cạnh những niềm vui, hạnh phúc chúng ta vẫn phải đối mặt với những sự kiện không hề dễ chịu một chút nào. Tuy thế, nhiều lúc, chính cách nghĩ, chính quan điểm của chúng ta sẽ giúp chúng ta vượt qua được những điều không mấy chút hài lòng như thế. Vậy thì có nên chọn cách “đơn giản” để cho đời thanh thản không? Theo tôi, tùy thuộc vào từng góc độ và trường hợp nào cũng cần phải “tùy cơ ứng biến”, không nên “đơn giản hóa mọi điều”. Đoàn Thạch Biền đã bộc lộ quan điểm một cách rõ ràng, bằng cách mượn nhân vật trữ tình “Em”:
“Em đơn giản hóa mọi điều
Em đơn giản quá làm nhiều người đau”
Có lẽ mỗi người có một cách nghĩ riêng, song đối với tôi, tất cả mọi việc điều ẩn chứa trong nó hai mặt, tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực ẩn chứa xu thế tiến bộ, đơn giản, dễ chấp nhận, dễ hài lòng. Mặt tiêu cực chính là sự cám dỗ, làm cho ta lầm đường lạc bước, đưa ta đến ngõ cụt của suy nghĩ, hành động một cách ngốc nghếch để rồi suốt đời không thể thoát khỏi cái vòng quay luẩn quẩn. Mỗi con người cũng đều ẩn chứa trong mình hai mặt của một vấn đề. Với mặt tích cực thì ta nên “đơn giản hóa”. Còn mặt tiêu cực buộc ta phải suy nghĩ và không thể “đơn giản hóa” được. Một con dao đã đâm vào tim người khác, dù có rút ra đi nữa, dù vết thương có liền đi nữa, thì vẫn còn mãi đó vết sẹo đau, vẫn còn mãi đó ký ức đau thương. Nếu như sống “đơn giản quá” sẽ rất nhiều chuyện sẽ xảy ra mà chúng ta không thể lường trước được. Chỉ với câu thơ “Em đơn giản quá làm nhiều người đau”, Đoàn Thạch Biền đã chỉ cho chúng ta thấy được ý nghĩa nhân sinh như chính quan điểm sống của anh vậy. Vần thơ lục bát chẳng phải là những ngôn từ khó hiểu nhưng ý thơ đầy tầng nghĩa. Nghĩa thứ nhất là cách nhìn nhận góc độ cuộc sống để từ đó mà lựa cách xử lý tình huống như tôi đã chỉ ra. Thứ hai, Đoàn Thạch Biền muốn nói tới cách nhìn nhận cuộc sống một cách hời hợt, nông cạn. Chính cách sống“đơn giản quá” thể hiện sự vô tư quá mức, không có sự đào sâu trong suy nghĩ sẽ làm nhiều người có thể ngỡ ngàng. Và từ ngỡ ngàng sẽ chuyển sang buồn phiền cho một nhân cách sống.
Hai câu cuối của bài thơ “Đơn giản” khép lại, ở đấy người đọc sẽ tìm được một tầng nghĩa nữa. Đó là vấn đề thuộc về tình cảm giữa người với người, tình cảm nam nữ:
“Mai sau lay động hàng lau
Em đơn giản tưởng: nhớ nhau người về”
Đoàn Thạch Biền quả là khéo dẫn dắt vấn đề. Thông qua cách ứng xử trong cuộc sống để rồi kết thúc gợi lên trong người đọc bao cảm nhận khách quan. Chỉ là những phút rung rinh thuộc về tình cảm của con người “mai sau lay động hàng lau”, nếu như người sống sâu sắc thì họ sẽ không bị “ngộ nhận”. Chính vì “đơn giản” cho nên “Em” mới nhầm tưởng “nhớ nhau người về”. Đó là sự “ngộ nhận” của những con người hoang tưởng, nghĩ đối phương cũng “đơn giản” như mình. Họ cứ ngỡ: người đi sẽ nhớ “người về”. Vì kém sâu sắc cho nên họ không thể cảm nhận được lòng của người kia. Kết thúc vấn đề của Đoàn Thạch Biền như muốn “mở nút” cho người đọc hiểu và cảm nhận ý thơ theo cách của riêng mình.
Vâng, vấn đề đặt ra ở đây là: Em đơn giản quá chăng? Bài học về cách sống “Đơn giản” mà nhà thơ Đoàn Thạch Biền muốn gửi gắm tới bạn đọc một cách sâu sắc là không nên “đơn giản hóa” mọi vấn đề, đồng thời tránh xa cách sống hời hợt, nông cạn sẽ dẫn tới “ngộ nhận” vấn đề. Câu trả lời: Em đơn giản quá chăng? đã được làm sáng tỏ. Cảm ơn Đoàn Thạch Biền với bài thơ “đơn giản” mà không hề giản đơn chút nào…
Tháng 3/2011
Trần Huyền Nhung.