Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI THÀY LỚN CỦA TÔI

Quốc Toản
Chủ nhật ngày 31 tháng 7 năm 2011 12:21 PM

 TNc: Trường hợp nhà văn Trần Lê Văn không có tên trong danh sách đề nghị ngay từ vòng hội đồng cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam là rất đáng tiếc. Không biết có lí do gì nhạy cảm không. Đề nghị BCH Hội lên tiếng để một người xứng đáng như ông được vinh danh và xem lại những vị ngồi nhầm chỗ

Nhân đọc bài “Vài cảm nghĩ đọc danh sách dự kiến giải thưởng VHNT năm 2011” của nhà thơ Vân Long. Và bài của Trần Thị Hồng Hà, con gái nhà thơ Trần Lê Văn. Tôi xin góp thêm những kỷ niệm về người thầy lớn trong đời cầm bút của tôi.
Nếu gọi những năm tháng nhà thơ Trần Lê Văn công tác ở Hà Tây là những năm ông bị cái án “Văn chương” phải “Đi thực tế dài hạn” thì với tôi, đó lại là một hạnh ngộ.
Hè năm 1969, Ty Văn hoá Hà Tây tổ chức Trại sáng tác văn học cho thiếu nhi. Trại mở tại nơi sơ tán thuộc thôn Minh Phú, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai. Tôi may mắn được dự trại. Năm ấy tôi 12 tuổi. Đó cũng là lần đầu tiên tôi phải xa nhà gần 3 tuần.
Trưởng trại là nhà thơ Trần Lê Văn. Ông lo cho lũ trẻ chúng tôi khoảng 40 đứa đủ mọi chuyện. Có đứa nhớ nhà, thút thít khóc. Có đứa viết ngô nghê, có đứa nghịch nhiều hơn viết...Tất cả đều được ông chỉ bảo, dỗ dành và hướng dẫn lũ trẻ cách làm thơ, viết văn. Buổi tối ông thường cho chúng tôi ngồi quây quần với nhau hoặc đốt lửa trại để trò chuyện. Ông kể đủ thứ để chúng tôi hứng thú cầm bút. Hồi đó chiến tranh, ăn uống kham khổ, bữa ăn thường là đậu phụ và rau. Nhưng chúng tôi rất vui vì có thêm nhiều bạn mới. Thỉnh thoảng ông rủ lũ trẻ cùng ông nắm than quả bàng giúp chị cấp dưỡng. Đó cũng là lúc chúng tôi được chỉ bảo nhiều điều. Ông cười: Nắm than cũng ra thơ đấy. Và tối hôm đó ông “bắt” bọn trẻ, mỗi đứa một câu thơ lục bát tặng bác cấp dưỡng. 
Tôi nhớ, thỉnh thoảng nhà thơ Bế Kiến Quốc từ Hà Đông cũng về Trại sáng tác để quán xuyến lũ trẻ. Có lẽ nhà thơ “đi đi về về” như thế là lo hậu cần cho chúng tôi.
Bài thơ “Đi học” tôi sáng tác ở Trại, được nhà thơ Trần Lê Văn “chỉnh lý”. Đây là lần đầu tiên thơ của tôi được đăng báo. Nhuận bút 7 đồng, tôi chiêu đãi các bạn đi xem phim hết.
Bây giờ tôi viết được chữ nào, in được tập thơ nào cũng bắt đầu từ cái nôi sáng tác do Ty văn hoá Hà Tây tổ chức. Mà công lớn là nhà thơ Trần Lê Văn.
Học hết phổ thông năm 1974. Tháng 2 năm 1975, tôi đi bộ đội. Làm lính chiến nhưng thỉnh thoảng cũng viết báo, làm thơ. Tôi nhớ vào năm 1988, khi đi thực tế tại một đơn vị thuộc Quân đoàn 1 đóng ở thị trấn Kép (Bắc Giang). Vào ngày nghỉ, tôi ra hiệu sách của thị trấn ý định mua một cuốn gì đó về đọc. Gọi là hiệu sách cho có vẻ sang trọng. Thực ra là một ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp. Sách không nhiều và phủ bụi. Thật tình cờ, tôi “gặp lại” người thầy của tôi qua tập thơ “Tiếng vọng”. Trang đầu là đề từ: “Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi”. Tập thơ của thầy là hành trang của tôi. Hành trang người chiến sỹ. Trong đó có bài thầy viết tình bạn tri âm tri kỷ giữa thầy và nhà thơ Quang Dũng. Thầy viết về người con trai của mình đã anh dũng hy sinh ở chiến trường. Một nỗi đau không dễ nguôi ngoai trong trái tim thầy.
Ba mươi năm sau tôi mới có dịp được gặp thầy. Năm 1999, tôi dự buổi gặp mặt của CLB Văn Nghệ sĩ xứ Đoài tổ chức tại Ao Vua. Duy nhất có tôi là lính, mặc quân phục. Máy ảnh, máy quay phim và đồ đạc lỉnh kỉnh. Lên xe, tôi hỏi nhà văn Nguyễn Kế Nghiệp: Có phải cụ Trần Lê Văn ngồi kia không? Anh Nghiệp bảo: Đúng đấy! sao cậu biết? Thì em là trò cũ của cụ mà -tôi đáp. Vậy là Nguyễn Kế Nghiệp kéo tôi lên ngồi cùng với nhà thơ Trần Lê Văn. Hai chú cháu ôn lại chuyện xưa. Giọng cụ nhỏ nhẹ và hóm hỉnh. Khi nói chuyện văn chương, cụ dặn tôi: Hãy viết cho tử tế. Nghiệp văn là mệt lắm đấy. Có khi phải trả giá. Nhưng phải giữ được cái tâm trong sáng. Phải làm người trước đã. Và cụ đọc: Bắt đầu, lại bắt đầu thôi/ Trắng nguyên trang giấy bồi hồi đợi ta...
Và tôi đọc thơ cụ mà từ lâu tôi đã chép vào trong sổ tay. Tôi rất thích cái hóm hỉnh, trào lộng và sâu sắc của cụ khi Khai bút đầu xuân năm 1992:
Văn chương ì ạch khôn tăng tốc
Ngày tháng vèo qua khó hãm phanh
Lắm kẻ thầm mong lên chức “cụ”
Riêng mình chỉ thích xuống vai anh
Nghe tôi đọc xong. Cụ cười: - Già rồi, cả đời có ham hố gì đâu. Nhà thơ là đau nhiều hơn vui. Thơ là chỗ dựa tinh thần cháu ạ...
Tôi hiểu thầy tôi. Nỗi nhọc nhằn của người viết và cũng là nỗi cơ cực mà cụ đã trải qua. Đó cũng là “Tiếng vọng” mà nhà thơ Trần Lê Văn trăn trở suốt một đời người, một đời thơ.
Vào một ngày tháng tư năm 2005, Nhà văn Nguyễn Kế Nghiệp báo tin cụ Trần Lê Văn mất. Tôi vội về Hà Nội dự lễ viếng và tiễn đưa cụ về cõi vĩnh hằng. Nhà thơ Vũ Quần Phương đọc lời điếu và cũng gọi cụ là Thầy. Cụ mất trước khi diễn ra Đại hội nhà văn lần thứ VII đúng một ngày. Lúc này tôi được anh Nghiệp kể cho biết, chính cụ là người dẫn dắt, “vẽ đường” cho anh từ một ông giáo trường làng về làm báo “Độc lập” (nay là báo Người Công giáo Việt Nam). (Nhà văn Nguyễn Kế Nghiệp cũng đã qua đời năm 2007)
Và như thế, nhà thơ Trần Lê Văn không chỉ làm thơ mà còn là người luôn quan tâm đến lớp trẻ. Tấm lòng nhân hậu, thuỷ chung luôn có trong trái tim Trần Lê Văn.
Nay, đọc bài viết của nhà thơ Vân Long, của Trần Thị Hồng Hà , con gái cụ. Tôi càng hiểu sâu sắc hơn về tài thơ và nhân cách nhà thơ Trần Lê Văn. Và tôi, sau hơn 30 năm cầm súng, có được vài ba câu thơ tôi luôn nhớ đến người dìu dắt những bước đi đầu tiên. Cụ Trần Lê Văn. Người thầy lớn của tôi