Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói lên đến tận Thiên Tào
Ngọc Hoàng mới hỏi: “Đứa nào đốt rơm?”
(Ca dao)
Nóng quá, lại khói mù mịt nữa, mắt cay xè, khó thở và ngột ngạt. Buổi tối đứng trên sân thượng, thấy bầu trời đỏ đục, các ngọn đèn và cả thành phố như bị bao phủ bởi lớp sương mù. Khói đốt đồng đấy. Vụ chiêm hẳn sắp vãn rồi.
Nhớ hôm cùng bạn bè dong xe ngao du qua các làng mạc cổ của một góc Hà Tây cũ: Đại Mỗ, La Phù, Ngãi Cầu, Hoài Đức, Quốc Oai... Chúng tôi đi qua những cánh đồng lúa chín vàng rực, lẽ ra phải gặt lâu rồi mà chẳng thấy người gặt đâu. Trước kia, vào vụ gặt như thế này, từ mờ đất, cả làng đã đỏ lửa nấu cơm, ăn cho chắc dạ rồi kéo nhau ra đồng. Tiếng kẻng của hợp tác xã khua vang lanh lảnh, tiếng các ông đội trưởng thúc giục, tiếng cười, tiếng gọi nhau í ới, tiếng chân đi thậm thịch khắp làng. Mặt trời lên một con sào là các bó lúa đã nằm la liệt thành lớp dưới ruộng chờ xe cải tiến chở về. Bây giờ, chỉ thấy những ruộng lúa vàng sẫm, một bóng bù nhìn rơm cũng không có, chim chóc không nhiều nên chẳng cần đến bù nhìn. Ở vài chỗ đã gặt, họ thản nhiên dùng gạch, tre quây một nửa con đường quê vốn rất hẹp làm chỗ phơi thóc(?). Trên đồng, nhiều đống rơm lớn cháy âm ỉ, khói lên nghi ngút. Chẳng phải vì họ "ngồi buồn đốt một đống rơm" mà vì rơm bây giờ đâm thừa, chẳng cần để lợp mái nhà, chẳng để trải ổ rơm, chẳng dùng để đun nấu nữa. Máy gặt tuốt hết lúa, bỏ rơm luôn tại ruộng, vun sơ vào, cho mồi lửa là xong.
Triền đê sông Đáy thật đẹp, cỏ mướt xanh và những lũy tre rất dày chắn một bên đê. Những làng mạc, chùa chiền, chợ quê lần lượt lướt qua. Hết vùng lúa, đến vùng bãi ven sông bạt ngàn ngô. Những cây ngô lá không còn xanh nữa, râu ngô cũng sẫm nâu mà chưa thấy thu hoạch. Nghe nói vào ngày mùa, lương công nhật ở đây gần 200 ngàn vẫn không có người làm. Lao động ở nông thôn phần lớn bỏ quê ra thành phố kiếm sống. Xe chúng tôi phải chạy qua quãng đường hơn trăm mét người ta đang đốt thân ngô ở cả hai vệ đường. Cảnh tượng thật hãi hùng, như trong phim, đằng trước khói mù mịt, không nhìn thấy gì, hai bên là những thân ngô khô bắt lửa cháy ngùn ngụt, chỉ còn một đường nhỏ cho xe lách qua, sợ đứng tim. Rơm rác được xử lí như vậy, thảo nào bầu trời Hà Nội mịt mờ vì khói. Thay bằng hương thơm của lúa, bây giờ người trong phố cảm nhận vụ gặt qua khói đốt rơm, đốt thân ngô dọn ruộng. Vụ mùa thời tiết mát còn đỡ, vụ chiêm, người Hà Nội trằn mình chịu trận; nhiệt độ toàn thành phố dường như tăng thêm mấy độ, người già và trẻ nhỏ ho nhiều hơn. Người trong phố đóng chặt cửa, bật điều hòa mà mơ ước được đón ngọn gió lành mang theo hương lúa, hương hoa…
Ngày xưa… Sau vụ gặt, rơm phơi vàng khắp đường làng, ngõ xóm, mùi rơm thơm gợi no ấm, thanh bình. Lũ trẻ vui như hội, cứ chỗ nào có rơm là nằm lăn ra, vùi trong rơm, bốc rơm ném nhau, má đứa nào cũng đỏ hồng, rơm vương đầy trên tóc. Con Vàng, con Mực cũng vui sướng lăn lóc trong đống rơm cùng lũ trẻ. Chị Mái Mơ tục tục dẫn lũ gà chíp hối hả bới rơm tìm thóc sót. Bà tuốt rơm óng nuột, bện chổi lúa quét nhà. Dăm cái cất dùng dần, chục cái để dành hôm nào ra phố biếu họ hàng, gọi là chút quà quê. Người ở phố nâng cái chổi rơm thơm nức, nao nao nhớ về vụ gặt làng xưa. Rơm khô, cha dọn một góc sân, đóng cây tre cho chắc, làm cây rơm để dành cho trâu. Nhớ biết bao hình ảnh cha đứng choãi chân lấy thế, gẩy rơm lên đỉnh cây rơm. Cây rơm cao thế mà chặt chẽ, tròn xoe như cái nấm khổng lồ. Đỉnh chóp được cha buộc cái nón cũ, ngồ ngộ mà thân thương. Bé nhặt chiếc lá đa bên đình, xé theo gân lá, thành đôi sừng cong vút, xoắn sợi rơm ngang lá, xỏ sẹo bằng sợi rơm nữa buộc vào cuống là có chú trâu béo mập để chơi. Rơm cũ, mẹ dùng nấu cơm, luộc khoai. Người phố về quê, ko quen nấu bằng rơm, lóng ngóng mở ra mở vào, có khi tàn tro rơi đầy nồi. Nấu bằng rơm, phải chuẩn bị sẵn. Vo gạo, đổ nước vừa đủ, đậy kín vung, một tay cầm que cời, tay kia đẩy rơm vào sao cho lửa cháy đều. Cạn nước, khoanh một vòng rơm quanh nồi, để âm ỉ, tàn rơm, cơm cũng vừa chín tới, bốc hơi thơm nức. Cơm và khoai luộc, khoai nướng bằng rơm hình như ngon hơn nấu bằng bếp ga, bếp củi.
Giờ không chỉ người phố mà các cô Tấm thời nay của làng quê chắc cũng quên mất cách đun nấu bằng rơm rồi. Về thăm quê, thấy nhà mái ngói, mái bằng mấy tầng, nhà nào cũng có bếp ga. Mừng cho cuộc sống đã đi lên nhưng đôi khi vẫn lẩn thẩn nhớ. Nhớ cái bếp với mấy ông đầu rau ám muội than và những cái bát chiết yêu trong chạn bằng tre. Nhớ cái nhà mái rạ, nền đất nện láng bóng, mát lịm chân. Nhớ vách nhà trát bằng rơm băm nhỏ, trộn với vôi nồng nồng mùi bùn đất. Nhớ cái mũ rơm, cái nùn rơm một thời bom đạn theo ta đến trường. Nhớ thuở nhỏ lên đồi nhổ cỏ may về đun, rộp phồng bàn tay nhỏ, phải chi ngày ấy có rơm…
Khói đốt rơm ở ngoại thành vẫn theo gió tràn về trong phố. Người phố mắt cay cay, tại khói đấy. Chẳng biết quê mình vụ này mùa màng có tốt không? Chẳng biết cảnh thôn xóm ngày mùa với những cây rơm thơm, vàng óng, những đàn gà chạy quẩn nhặt thóc rơi… tượng trưng cho sự trù phú của làng quê xưa sẽ được thay bằng hình ảnh gì nhỉ?