Nhận được cuốn sách “nhắp chuột cùng mạng văn chương” gần 200 trang của nhà phê bình văn học Phạm Quang Trung ( nhà xuất bản Văn Học, năm 2011) tại một thành phố “nhiều bụi ít xanh”. Bụi trần, bụi đời, bụi đường… dường như cũng xuất hiện ở trong tâm hồn còn “vướng bụi” mà cuộc đời con người chưa thể đi vào cõi vô thường. Nhưng dẫu sao “nhắp chuột cùng mạng văn chương” là minh chứng cho một cuộc tranh luận đáng tiếc xảy ra trên mạng văn chương. Mà ở đây chủ yếu là cuộc tranh luận giữa Phạm Quang Trung và Trần Mạnh Hảo về tác phẩm “Dị hương” đạt giải thưởng hội Nhà Văn của tác giả Sương Nguyệt Minh.
Thú thực là đọc cuốn sách, tôi bỗng cảm thấy cũng chẳng còn mấy chốc nữa là đến tuổi “cổ lai hy”, dù biết tâm hồn còn “vướng bụi” khi viết lên những dòng cảm nhận này, nhưng tôi vẫn viết. Với ý tưởng như thế, tôi xin tạm mượn tứ thơ Chế Lan Viên để bày tỏ:
“Đời quá tuổi sáu lăm
Còn đâu hương sắc lạ
Nhặt hoa rơi trên đá
Mùa xuân xin lùi dần”
Xin “nhặt hoa rơi trên đá” thôi, chứ tôi không lạm quyền phân tích, bình luận về cuốn sách “nhắp chuột cùng mạng văn chương” của nhà phê bình Phạm Quang Trung. Bởi kiệt tác thơ văn đã đành là rất quý hiếm, nhưng tính ra trên thế giới có hàng trăm, còn những công trình lý luận phê bình xuất sắc chỉ độ một phần mười. Cho nên để nêu ra những nhược điểm của lý luận phê bình bao giờ cũng rất dễ dàng, nhưng góp phần chăm xới cho nó phát triển, thì khó khăn hơn nhiều. Sự cố gắng và mạnh dạn của tôi để viết lên bài này không nằm ngoài mục đích đó. Trên tinh thần như vậy, trước tiên tôi xin nhiệt liệt hoan nghênh cuộc tranh luận giữa Phạm Quang Trung và Trần Mạnh Hảo trên thi đàn văn chương. Dù cả hai nhà phê bình có quan điểm khác nhau, nhưng cùng chung một ý tưởng vun đắp cho sự hoàn thiện của nền văn chương nước nhà đang dần bị mai một trong thời đại công nghệ hiện nay. Sau là, tôi cũng muốn nói lên cảm nhận của mình ( có thể là chủ quan) về cuộc tranh luận văn chương đã được nhà phê bình văn học Phạm Quang Trung tập hợp để in thành sách.
Thông thường tranh luận về một cuốn sách tất nhiên là có nguyên nhân tự nó, nhưng cũng còn là vì một bên quá thổi phồng ưu điểm, mà không thấy hạn chế. Vì thế là xuất hiện liền một sự đối trọng uốn nắn trở lại và cũng không tránh khỏi nhấn mạnh những khuyết điểm, mà có phần xem nhẹ những chỗ được, chỗ đóng góp của nó.
Những ngày qua, tôi nhớ là khoảng sau tết âm lịch, đầu tháng ba dương lịch trên trang mạng trannhuong.com, nguyentrongtao.org và một số trang mạng của cá nhân, blog khác xuất hiện một loạt các bài tranh luận của Phạm Quang Trung với Trần Mạnh Hảo xung quanh chuyện “Dị hương” đạt giải thưởng. Tôi đã theo dõi và đọc được các bài của Phạm Quang Trung như : Tôi xin có kiến, Xin thưa lại với anh Trần Mạnh Hảo rồi Hoan hô anh Trần Mạnh Hảo… và Tôi hiểu ra rồi, Tôi mỏi mòn chờ để rồi thế đấy… . Đặc biệt tôi đã phì cười nhất ở bài Thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo! Tôi xin ngừng cuộc tranh luận. Trong những ngày đó dư luận từ phía bạn đọc yêu văn chương cũng rất sôi nổi. Không kể đến trước đó là những lao xao, dự đoán hay quả quyết xung quanh tác phẩm “Dị hương” mà nhà phê bình Trần Mạnh Hảo có ý kiến. Tôi đã không dưới chục lần gõ rồi xóa những comments bên trang nguyentrongtao.org về vấn đề này. Bởi nhìn rồi đọc trong những bài viết của nhà phê bình Phạm Quang Trung, tôi có thấy sự hài hước, lắm lúc đọc mà nhịn không nổi cười rồi lại cười ra nước mắt nghĩ tới cái “nghiệp” văn chương. Nói đúng ra, sự hiểu biết về văn chương của tôi chỉ ở mức độ hạn chế, vả lại tuổi đời của tôi so với các bậc tiền bối như Phạm Quang Trung và Trần Mạnh Hảo còn non, sợ viết lên những điều mà người ta nghĩ mình là trẻ con. Với tính hoắng huýt có sẵn nên mỗi lần gõ thành bài comments bên trang nguyentrongtao.org lại thấy chột dạ và tức cười quá. Đọc đi, đọc lại các bài viết của Phạm Quang Trung và Trần Mạnh Hảo, đọc những comments thể hiện ý kiến của các bậc trí giả (tên tuổi thật), đọc những cái comments vô cùng bẩn thỉu của những người giấu tên… tôi thấy nên cất kín niềm riêng dù là muốn hoắng bằng tên tuổi thật, bằng trái tim có địa chỉ rõ ràng.
Hôm nay, cũng chả có trường hợp ngoại lệ hay áp lực nào bắt tôi phải viết bài này. Chỉ vì một lý do đơn giản “thích thì viết”, miễn là tuyệt đối không vi phạm các loại đạo đức nào của người cầm bút khi đến với văn chương. Tôi viết bởi tôi nghĩ thế này: Cuộc tranh luận giữa Phạm Quang Trung và Trần Mạnh Hảo nên xem đó là một nút thắt. Đã là nút thắt chắc chắn không suôn sẻ. Gỡ nút thắt này còn tùy thuộc vào sự cảm thông và hiểu nhau giữa hai phía. Điều đáng trân trọng ở Phạm Quang Trung và Trần Mạnh Hảo là tình yêu văn chương nhiệt huyết cháy bỏng. Nếu không có sự đam mê văn chương nồng nhiệt như thế thì Trần Mạnh Hảo và Phạm Quang Trung chắc sẽ không thể xảy ra sự đối lập trong quan điểm. Nhận thấy Phạm Quang Trung và Trần Mạnh Hảo hẳn không phải là những con người “giằm cũng ư mười tư cũng gật”, ai cũng đứng vững trên lập trường và quả quyết riêng. Việc gỡ nút, tôi nghĩ cá nhân Phạm Quang Trung, Trần Mạnh Hảo hay một hiện tượng của văn chương chỉ nên xem như một nút thắt, cùng nhau tháo gỡ may ra còn suôn. Bên gỡ, bên kéo chặt, còn lâu!
Tôi càng đọc “nhắp cuột cùng mạng văn chương” của Phạm Quang Trung càng cảm thấy thú vị. Nó không những viết rất sinh động về ngôn ngữ và hình ảnh, mà còn ăm ắp những tình tiết trong sinh hoạt văn chương trước mắt. Đặc biệt tác giả khá thẳng thắn trong việc khen chê, nên nhiều nhận xét ít nhiều ngược lại với những giá trị tưởng đâu đã hiển nhiên. Tất nhiên, nói thẳng không có nghĩa là nói đúng được mọi điều. Nhưng tôi có chú ý dường như tác giả của cuốn sách dám nói thẳng cũng có phần vì biết tự trào, điều này nằm trong quy luật chung là có “tự phán” thì mới dễ phê phán người khác. Đây không phải là thủ thuật láu cá, lém lỉnh, mà tôi thấy anh Trung thật lòng, dù là cái thật lòng của một con người thâm thúy. Tất cả những chỗ được này, nói chữ nghĩa một chút là nằm trong phạm vi của phong cách. Mà đã là “phong cách” một con người thì có người thích, người không, người ghét, kẻ ưa và không cần thiết, mà cũng không thể bắt chước được. Nhưng “nhắp chuột cùng mạng văn chương” không ghi nhận được bước tiến gì về tư duy và phương pháp phê bình, càng không có thành tựu gì về lý luận.
Tuy nhiên, bạn đọc chắc chắn có người thích “nhắp chuột cùng mạng văn chương”, có người không, nhưng đều có cơ sở. Phải thừa nhận rằng, cũng như các lĩnh vực sáng tạo khác trong xã hội, việc sắp xếp các giá trị trong văn học của Phạm Quang Trung chưa thật xác đáng và công bằng. Trong bài Thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo! Tôi xin ngừng cuộc tranh luận. Phạm Quang Trung bày tỏ: “ Luôn ý thức sâu sắc là mình vừa rời xa một cuộc tranh luận văn chương- học thuật đầy hứng thú và bổ ích, tôi quyết định tập chung các bài viết cùng những thông tin phía sau chúng vào một cuốn sách sẽ công bố nay mai có tựa đề Nhắp chuột cùng mạng văn chương( Bút ký tên miền pqtrung.com). Xin chính thức thông báo và rất mong nhận được sự động viên, sự phán xét khách quan và công tâm của bạn đọc xa gần”. Lý do chưa thật xác đáng ở chỗ: Những bài viết tranh luận với Trần Mạnh Hảo, Phạm Quang Trung tự tuyên bố và tự rút lui “ Thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo! Tôi xin ngừng cuộc tranh luận.”. Chưa công bằng ở chỗ: Anh Trung dễ suy tôn nhân vật thuộc về lịch sử. Mà đã đi vào lịch sử như ta thấy thường là một quá khứ hoàn hảo . Đem so sánh thì khác nào ta luẩn quẩn trong quá khứ dẫu hoàn hảo đó . Nếu vậy, hãy chấp nhận một thực tại thiếu sót của nhân vật lịch sử đi đã như Trần Mạnh Hảo đã chấp nhận. Trong bài “Tôi xin có ý kiến” Phạm Quang Trung thừa nhận: “ Vào thời gian gần đây, thấy tôi dứt khoát đứng ra bảo vệ một số tác phẩm nhận giải cao của Hội Nhà văn trong năm vừa rồi bằng nhiều bài viết và cách thức khác nhau” rồi Anh Trung đặt giả định: “Vậy nếu tác phẩm và nhà văn ấy đáng bênh vực thì liệu ông có dám xắn tay làm cái điều cần phải làm không?”. Tôi hiểu ý của Phạm Quang Trung là muốn bảo vệ cho lập trường của mình. Nhưng đứng trước một tác phẩm dù là nổi tiếng hay không thì người đọc có quyền khen chê tùy ý , miễn sao bộc lộ được quan điểm của mình. Trần Mạnh Hảo đã bộc lộ được quan điểm của mình là có cái lý của Anh. Bản thân tôi không có quyền phản biện để áp đặt người ta đi theo tiếng nói của mình.
Phạm Quang Trung đã điều chỉnh lại và in thành sách “Vậy là để làm sáng tỏ một số thông tin liên quan đến các entry, tôi xin phép bổ xung thêm một số phụ lục mà bản thân cho là cần thiết”. Nhưng thông thường bất kỳ sự điều chỉnh giá trị nào, dù mới là tuyên bố, cũng thường ăn theo khá rộng rãi bởi những người chưa thể hoặc không thể làm nên được giá trị gì. Điều này lại được cộng thêm với cái tâm lý vốn dị ứng với những công trình lý luận phê bình lắm khái niệm khái quát và ngôn ngữ logic, mà sự sâu sắc và sinh động là vô cùng khó khăn, do đó càng quý hiếm. Nhiều người do chưa hiểu hết tính đặc thù của lĩnh vực tranh luận này, cho nên niềm khao khát cháy bỏng mà chính đáng về sự xuất hiện những công trình lý luận phê bình, bỗng trở nên một tâm lý có phần dễ dãi trong việc xác nhận những thế phẩm . Phải chăng vì tất cả những lẽ trên mà “nhắp chuột cùng mạng văn chương” của Phạm Quang Trung bỗng trở nên sôi nổi và thành một công trình lí luận phê bình được bạn đọc quan tâm?
Đã thế thì đối trọng uốn nắn trở lại là tất yếu. Tôi nhận ra chỗ thái quá và bất cập trong “nhắp chuột cùng mạng văn chương” khi Trần Mạnh Hảo tuyên bố : “ Tôi chưa hề tranh luận với ông Phạm Quang Trung” , không lẽ anh Trung lại là tranh luận trong tưởng tượng sao ? Đặc biết mấy chữ “nhắp chuột cùng mạng văn chương” vốn đã hàm chứa “cái ảo” cho nên càng có thể chấp nhận chuyện bịa đặt, thiếu chính xác được. Nhưng cuốn sách lại là minh chứng cho người thật, việc thật của Phạm Quang Trung. Anh đã biến cái “ảo” thành cái “thật” là một điều kỳ diệu có một không hai. Nói gì thì nói tôi vẫn nhận ra niềm đam mê , cố gắng của Phạm Quang Trung trong việc đem công nghệ thông tin phục vụ cho văn chương một cách nhanh nhậy nhất. Ý nghĩa của tên cuốn sách phải chăng cũng là sự nung nấu ý tưởng lớn lao của Phạm Quang Trung? Đã là đối trọng uốn nắn thì “uốn nắn” không thể tranh khỏi sự quá đà, tập chung ở việc bắt bẻ theo yêu cầu của một công trình lý luận phê bình đích thực. Tuy nhiên, về cách diễn đạt trong các bài viết của Phạm Quang Trung mang tính chất điểm huyệt, chứ không nhất thiết phải trình bày những luận cứ, luận chứng. Cái khôn khéo của Phạm Quang Trung là bắt đúng huyệt, tìm chỗ sơ hở của Trần Mạnh Hảo để bắt bẻ. Việc Trần Mạnh Hảo lồng chức danh của Phạm Quang Trung theo tôi chỉ là để nâng cao sự trang trọng của đối phương . Còn ý kiến của anh Trung như thế này: “ Tôi không hề thích cái việc anh chủ tâm lồng cả học vị và chức danh khoa học của tôi về cái tiêu đề bài viết vốn bao giờ cũng đòi hỏi nghiêm ngặt về sự súc tích, ngắn gọn. Nhằm mục đích gì vậy anh? Không lấy gì khó hiểu đâu. Chỉ cần một trí lự bình thường thôi anh ạ, cũng đủ sáng tỏ hết! Thái độ ấy, theo tôi, là không thật đứng đắn.”. Với tôi thì rất lấy làm vinh hạnh được hầu chuyện với các vị giáo sư, tiến sĩ, cho dù tri thức của tôi chả bằng ai. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Phạm Quang Trung dùng hai chữ “tranh luận” với Trần Mạnh Hảo. Tôi trộm nghĩ : Khi đối thoại về khoa học ngôn ngữ, không cùng đẳng cấp, trình độ; điều tối thiểu để tỏ ra tôn trọng người đối thoại (có trình độ và học vị hơn mình) không gì bằng thật thà khai rõ nghề nghiệp và trình độ. Âý thế mới góp phần sinh ra cái “song thoại” giữa Trần Mạnh Hảo và Phạm Quang Trung. Tiện đây, tôi xin giải thích cách dùng từ “song thoại” để tránh tình trạng hiểu lầm.Từ “Song” lẫn từ “thoại” đều là gốc từ Hán. Song là đôi, là hai. Thoại là nói. Có đối thoại, độc thoại và cũng có cả “quần thoại”. Chẳng hạn một vấn đề mà tranh luận hoài, gây sự hiểu lầm nhau, chỉ có một từ thôi mà nói đi, nói lại thì theo tôi đó là “quần thoại”. Tất nhiên chuyện đối thoại ở đây, theo tôi còn có một tầng nghĩa sâu là tự đối thoại mà bất kỳ người đọc nào khi cầm cuốn “nhắp chuột cùng mạng văn chương” đều thấy hiện rõ ngay trước mắt những bài viết của nhà phê bình văn chương Phạm Quang Trung. Đáng lý ra anh Phạm Quang Trung cần bổ sung vào cuốn sách những bài viết của Trần Mạnh Hảo gây tranh luận với Anh. Làm như vậy sẽ dẫn cho bạn đọc có cái nhìn “công tâm” hơn như anh đã từng nói. Tôi không biết phía anh Trần Mạnh Hảo có nguyên một cuốn sách về các bài đã từng tranh luận với Phạm Quang Trung trên mạng hay không? Cho tôi hỏi khí không phải thế này nhé,nếu như một số bạn đọc hay tôi đều “mù” vi tính thì tìm hiểu ở đâu những bài viết của anh Hảo nhỉ? Lẽ đương nhiên, cầm cuốn sách “nhắp chuột cùng mạng văn chương” của anh Trung, bản thân tôi cũng chỉ thấy thiên về phía anh Trung. Đây cũng chính là điều tôi băn khoăn, tôi nghĩ trong đầu mình một ý nghĩ: Không lẽ Phạm Quang Trung lại trịch thượng quá chăng? Nhưng tôi cũng mong đó là ý nghĩ cảm tính trong văn chương, chứ bình thường anh Trung là một con người rất tình cảm, nhân hậu và vị tha.
Sự tranh luận giữa Phạm Quang Trung với Trần Mạnh Hảo đã ngưng từ lâu, nhưng có lẽ dư âm còn vang vọng mãi… Và đến hôm nay, lại hơn một lần nữa tôi như sống lại không khí sôi nổi cách đây vài tháng. Tôi cảm thấy dường như sự tranh luận giữa hai hoặc nhiều chiều xu hướng văn chương bỗng nhiên trở thành sự tranh luận hay giành giật tiếng tăm( và cả tai tiếng) của các Fan clup bằng các loại vũ khí comments ẩn danh không thật. Phạm Quang Trung phẫn nộ trong nhắp chuột cùng mạng văn chương như sau: “ Mặc dầu, khi đọc những dòng chữ phải nói là vô cùng nhơ nhớp đó trên trang mạng của ông chủ Nguyễn Trọng Tạo, tôi cũng công phẫn như anh, nhưng lại khác anh ở chỗ: tôi chỉ” khinh bỉ- xin học cách nói của một nhà phê bình danh tiếng nọ- một cách sâu sắc” mà không cần và không thèm đối thoại với họ làm gì . Ơ hay, nếu họ là người đàng hoàng thì đã không ẩn danh, thậm chí không mạo danh một cách đớn hèn như vậy! Bởi thế, nếu anh đối thoại với họ thì chẳng khác gì hạ mình xuống thấp ngang với họ hay sao?” . Cả Phạm Quang Trung và Trần Mạnh Hảo đều “công phẫn” trước những trò tiểu nhân “ném đá giấu tay” như thế! Những kẻ “ném đá giấu tay” ấy là ai, thì đó là những “Fan clup” như tôi đã nói ở trên, có điều họ không dám ra mặt. Tôi thích thái độ phê phán kịch kiệt như thế của Phạm Quang Trung. Kết quả của tranh luận không thấy, hậu quả rõ ràng. Bỗng dưng ông giáo sư Toán lòi gót Asin, blogger nổi tiếng trở nên hằn học. Một trí thức nửa mùa trở nên lẩn quẩn. Lớp trẻ bỗng dưng ngơ ngác khi quan sát trò chơi mạng của người lớn.
Sau cùng, tôi mong lắm các bậc huynh, đệ, tẩu, muội…hãy thả hồn cao hứng khi mà còn có thể cao hứng cho “nhắp chuột cùng mạng văn chương” của Phạm Quang Trung. Vì xét cho cùng một bài thơ hay một truyện ngắn chẳng phải là tác phẩm của ngôn ngữ nghệ thuật đó sao? Và từ cổ chí kim, các nhà văn luôn tự nhận mình là kẻ làm ra chữ, phát minh ra chữ hay nói cho khiêm tốn hơn còn gọi là phu chữ. Tôi thì lại là trường hợp ngoại lệ nên chẳng hiểu chính xác thứ ngôn ngữ của Việt Nam nữa , chẳng phải là “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” đó sao? Vâng, họ là những nhà văn, nhà phê bình, là những kẻ làm ra chữ chứ không phải những tay mặt chuột ngồi Tháp Ngà nói ba lăng nhăng chuyện tầm phào. Và với hành trình tư tưởng của loài người, ngôn ngữ luôn là kẻ đi trước một bước. Đến đây tôi hiểu vì sao, sinh thời nhà văn Nguyễn Tuân sợ ngôn ngữ phê bình, khi được phóng viên hỏi “Ông viết văn vào khi nào?”, Nguyễn Tuân trả lời: “ Tôi viết văn vào lúc các nhà phê bình đi ngủ.”.
Hoan hô ngôn ngữ, dù thanh, dù tục, dù lục đục, dù ấm ớ hội tề…!
Sài Gòn, ngày 05/07/2011
T.H.N