Người ta thường dùng ba từ “văn hóa lùn” để đánh giá trình độ văn hóa của một người nào đó, một nơi nào đó. Trong trường hợp này tôi dùng mấy từ “Văn hóa hơi bị… “nùn” cho có vẻ mình nói ngọn
g và cũng thuộc loại “thiếu văn hóa” để viết mấy dòng dành cho những người làm văn hóa nhưng trình độ văn hóa lại rất “nùn” thể hiện ngay trên tấm bảng giới thiệu về một di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, thu hút khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm.
Đó là trên tấm bảng đặt ngay cửa chùa Mía ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội.
Đường Lâm là làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia ngày 19 tháng 5 năm 2006. Đây là “đất hai vua”, quê hương của vua Ngô Quyền và của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và của nhiều danh nhân khác, như bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (theo truyền thuyết, bà là Nguyễn Thị Rong, vợ chúa Trịnh Tráng (1623-1657), người đã xây dựng Chùa Mía cách đây gần 400 năm)… Đây cũng là quê hương của Đình nguyên Thám hoa Giang Văn Minh, vị Sứ thần nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Sử sách kể rằng, trong một lần đi sứ sang Trung Quốc, trước sự ngạo mạn của Chu Do Kiếm, vua Nhà Minh ra vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”(Cột đồng đến nay rêu đã xanh), hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột
đồng với lời nguyền: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong), Giang Văn Minh đã khảng khái đối lại: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng(Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ), nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng. Câu đối này như một cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Vua nhà Minh bừng bừng nổi giận, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng ông để “xem bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Trước hành động và cái chết anh hùng của ông, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng đã truy tặng ông chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công và ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Ở đất có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa như thế, nhưng rất tiếc trên tấm bảng giới thiệu về chùa Mía đặt ngay cửa chùa mà khách thập phương đến đây ai cũng được đọc lại có những chữ viết sai chính tả không thể chấp nhận được. Đó là mấy chữ “trông thật bề thế” lại viết thành “trông thật bền thế” và mấy chữ “Chùa Mía đang từng bước...” lại viết thành “Chùa Mía đang tường bước”! Điều đáng nói ở đây là bảng giới thiệu này đã có từ lâu, từ thời Hà Tây chưa sáp nhập về Hà Nội, bởi vì cuối bảng giới thiệu vẫn còn ghi mấy chữ : “Sở Văn hóa – Thông tin Hà Tây”.
Mới đây, nhiều người đã lên tiếng về việc viết sai chính tả tiếng Anh tên tỉnh Hà Giang trên tấm bảng giới thiệu dưới chân cột cờ Lũng Cú. Ở tỉnh miền núi viết sai chính tả chữ nước ngoài mà còn bị phê phán như thế, huống hồ đây lại là viết sai chính tả chữ Việt ngay ở một nơi nổi tiếng có nhiều nhân tài và có nhiều vị khoa bảng.
Tôi viết những dòng này với mong muốn bảng giới thiệu về chùa Mía trên đây sớm được các nhà chức sắc và các nhà văn hóa xứ Đoài để mắt tới, cho thay bằng một cái bảng khác đẹp hơn, viết đúng chính tả hơn, để khỏi bị khách đến tham quan, vãn cảnh và đi lễ chùa Mía bảo rằng nơi cần thể hiện trình độ văn hóa thì ‘Văn hóa hơi bị…”nùn” thì khổ